TCCS - Phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong kháng chiến, thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Tỉnh Ninh Bình nằm ở cực Nam đồng bằng Bắc Bộ, diện tích tự nhiên hơn 1.400 km2, dân số hơn 91 vạn người, trong đó có khoảng 2 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mường; có 16,3% dân số là đồng bào theo đạo Công giáo, tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh. Địa hình của tỉnh chia thành ba vùng tương đối rõ là vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Ninh Bình nằm trên trục đường sắt Bắc - Nam và quốc lộ 1A - huyết mạch giao thông quan trọng của đất nước. Ngoài ra còn có các quốc lộ 10, 12B, 45; các con sông lớn như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc với các cảng biển, cảng sông khá thuận tiện trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật với các vùng miền trong cả nước và quốc tế. Thiên nhiên đã ban tặng cho Ninh Bình nhiều tài nguyên khoáng sản, như đá vôi, đất sét… là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vật liệu xây dựng cùng với những danh lam thắng cảnh kỳ thú, như Khu du lịch hang động Tràng An, Tam Cốc, Vân Long, Kênh Gà, Vườn quốc gia Cúc Phương và các di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, như Cố đô Hoa Lư, Chùa Bích Động, Đền Thái Vi, Động Thiên Tôn, Nhà thờ đá Phát Diệm và mới đây là Chùa Bái Đính với nhiều kỷ lục được ghi nhận phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ.

Nhân dân Ninh Bình giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là Đinh Bộ Lĩnh, thế kỷ thứ X, đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập nên nước Đại Cồ Việt, xây dựng kinh đô Hoa Lư ở Trường Yên. Thế kỷ thứ XIII, vua tôi nhà Trần đã dựa vào địa thế hiểm yếu, lui quân về đất Ninh Bình, xây dựng căn cứ kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông. Năm 1789 vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trên đường tiến quân ra Bắc đã dừng chân tại địa bàn Tam Điệp rồi từ đó mở cuộc tấn công thần tốc tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng Thăng Long. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ninh Bình vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến; nhân dân trong tỉnh lương, giáo đoàn kết một lòng, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 7/8 huyện, thị xã, thành phố, cùng nhiều tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động…

Về đơn vị hành chính, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Ninh Bình gồm: thị xã Ninh Bình và 6 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh, Yên Mô, Yên Khánh và Kim Sơn. Tháng 2-1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Tháng 4-1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập. Hiện nay, tỉnh có 8 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh gồm: thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và 146 xã, phường, thị trấn.

Phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong kháng chiến, thực hiện công cuộc đổi mới và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đặc biệt, từ sau ngày tái lập tỉnh đến nay, qua 20 năm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đến nay tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả kinh tế, xã hội tương đối toàn diện. Kinh tế của tỉnh tăng trưởng liên tục và đạt tốc độ tăng khá; tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, vững chắc; an sinh xã hội được bảo đảm, công tác xóa đói, giảm nghèo thực hiện hiệu quả; tỷ lệ lao động qua đào tạo và có việc làm tăng; các tệ nạn xã hội giảm. Công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Năng lực lãnh đạo của các cấp ủy nâng lên một bước. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố ngày càng vững mạnh. Kết quả nổi bật nhất là Ninh Bình từ một địa phương sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kết cấu hạ tầng thấp kém, lạc hậu, đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, đang dần trở thành tỉnh công nghiệp và du lịch, dịch vụ.

Vào thời điểm năm 1992 khi mới được tái lập, tỉnh Ninh Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng thấp kém, lạc hậu; văn hóa, xã hội chưa được quan tâm đầu tư; đời sống nhân dân có nhiều khó khăn; thị xã Ninh Bình khi đó hệ thống điện, đường, cấp, thoát nước đều bị xuống cấp; nhiều cơ quan, đơn vị của tỉnh làm việc trong các trụ sở tạm, dột nát. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình qua các nhiệm kỳ đều xác định phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội, trong đó tập trung phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch, dịch vụ; duy trì ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp và sản lượng lương thực để bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đề ra nhiều cơ chế chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh Ninh Bình chủ trương phát triển mạnh mẽ văn hóa, giáo dục, y tế; không ngừng chăm lo và có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; củng cố vững chắc hệ thống chính trị nhằm xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu đẹp.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 20 năm qua, kinh tế Ninh Bình liên tục tăng trưởng khá, GDP bình quân thời kỳ 1992 - 1995 đạt tốc độ tăng 13,3%; thời kỳ 2006 - 2011 đạt 15,7%. Đến năm 2011, giá trị GDP đạt gần 8.137 tỉ đồng, gấp 11,5 lần so với năm 1991. Tốc độ tăng GDP qua các năm không những đều đạt và vượt mục tiêu do các kỳ đại hội Đảng bộ đề ra mà còn cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.

Đối với sản xuất nông nghiệp, là một tỉnh thuần nông, sau nhiều năm phấn đấu, tỉnh Ninh Bình đạt được những thành tựu đáng kể. Từ một nền sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do thiên tai, bão lụt, mang nặng tính tự cung, tự cấp, đến nay sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình bảo đảm được an ninh lương thực, đồng thời phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là những năm gần đây tỉnh đã chỉ đạo đầu tư  đưa nhiều loại lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất với các ưu điểm như: ngắn ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và chất lượng gạo ngon. Diện tích trồng lúa luôn được duy trì gần 80.000 ha/năm. Năng suất và sản lượng hằng năm đều tăng. Năm 2011, năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt bình quân 65,42 tạ/ha, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 1991. Từ năm 1999 đến nay, năng suất lúa cả năm đạt trên 10 tấn/ha, riêng năm 2011 đạt kỷ lục 12,07 tấn/ha. Sản lượng lương thực có hạt năm 2011 đạt gần 51,42 vạn tấn, gấp 2,6 lần năm 1991. Nét mới của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành chính sách đối với sản xuất vụ đông và kết quả là sản xuất vụ đông đang dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 14-4-2006, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, đã góp phần tạo ra cánh đồng đạt giá trị thu hoạch trên 75 triệu đồng/ha/năm. Vụ đông có vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Sản xuất vụ đông còn làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, là cơ sở trong việc chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi tư duy của người nông dân trong việc sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển và từng bước thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, ở Ninh Bình đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung, quy mô, số lượng đàn lớn. Sản xuất nuôi trồng thủy, hải sản cũng có nhiều khởi sắc, nhất là việc khai thác và đưa vào nuôi trồng nhiều loại thủy sản có giá trị và hiệu quả kinh tế cao ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn như: tôm sú, cua, ngao…

Sản xuất công nghiệp của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua có bước chuyển biến tích cực cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Tỉnh đã quy hoạch và triển khai xây dựng 7 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, trong đó nhiều khu, cụm công nghiệp đã lấp đầy và thu hút được các doanh nghiệp lớn vào đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét như: Nhà máy lắp ráp ô-tô Thành Công (Khu CN Gián Khẩu); Nhà máy Đạm Ninh Bình (Khu CN Khánh Phú)…. Tỉnh Ninh Bình đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút đầu tư các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp có ưu thế cạnh tranh. Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng là một thế mạnh của tỉnh đã trở thành lĩnh vực mũi nhọn, trong đó sản xuất xi-măng, clanh-ke, thép cán, gạch đất nung… là những sản phẩm chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, những sản phẩm công nghiệp phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng như: hàng may mặc, giày dép, điện, nước… đều có mức tăng trưởng khá làm tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP, tăng thu ngân sách nhà nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động của địa phương. Tính chung lại, sản xuất công nghiệp của Ninh Bình trong 20 năm qua phát triển với tốc độ khá nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh năm 2011 ước đạt 12.826 tỉ đồng (giá so sánh 1994), gấp gần 42 lần năm 1991, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 1992 - 2011 đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp là 20,5%.

Các kết quả về thu ngân sách và xuất khẩu của tỉnh cũng có bước phát triển vượt bậc. Năm 2011, Ninh Bình đã thu ngân sách hơn 3.392,1 tỉ đồng, gấp gần 138,9 lần và đạt kim ngạch xuất khẩu 263,7 triệu USD, gấp 140,7 lần so với năm 1991.

Du lịch Ninh Bình những năm qua phát triển khá. Các hoạt động dịch vụ cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. Nhận rõ tiềm năng thế mạnh về du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 03 (khóa XIV) và mới đây là Nghị quyết số 15 (khóa XIX) về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nên triển khai bước đầu có hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư, tạo ra bước phát triển mới có tính đột phá, tạo ra các điểm nhấn tập trung chủ yếu là du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Các dự án trọng điểm về du lịch như: chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch đất ngập nước Vân Long; Khu du lịch lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng… được tập trung đầu tư xây dựng. Để phát triển du lịch, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia làm dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ lưu trú chất lượng cao. Do vậy, số lượng các cơ sở kinh doanh và phục vụ du lịch tăng nhanh, thu hút và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Năm 2005, tỉnh Ninh Bình chưa có cơ sở lưu trú nào đạt tiêu chuẩn 3 sao thì đến nay đã có 3 khách sạn với 226 phòng và 359 giường đạt 3 sao; có 4.835 cơ sở kinh doanh và phục vụ du lịch, trong đó có 201 khách sạn từ 2 sao trở lên. Khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng tăng và số lượng khách lưu trú tăng lên. Năm 2011, có 3,6 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình trong đó, khách quốc tế đạt gần 1 triệu lượt. Bình quân thời kỳ 1992 - 2011, số lượng khách đến tham quan du lịch Ninh Bình tăng 39,6%. Doanh thu du lịch ngày càng tăng. Chất lượng các sản phẩm du lịch và dịch vụ trên địa bàn ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của khách trong và ngoài nước. Kết quả hoạt động của ngành du lịch đã góp phần thúc đẩy ngành tiểu thủ công nghiệp của Ninh Bình phát triển như: nghề thêu ren, đan hàng cói, thủ công mỹ nghệ… là những nghề tạo ra các sản phẩm hàng lưu niệm cho khách đến tham quan, du lịch, nhất là khách quốc tế. Thông qua đó vừa tạo việc làm, thu nhập, đồng thời giới thiệu cho du khách biết về tiềm năng, thế mạnh, tình hình kinh tế - xã hội, những nét đặc sắc về văn hóa và tấm lòng mến khách của người dân Ninh Bình.

Đi đôi với phát triển kinh tế, Ninh Bình luôn quan tâm chăm lo đến  lĩnh vực văn hóa xã hội, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục - thể thao… và bảo đảm an sinh xã hội. Trong những năm qua, giáo dục đào tạo của Ninh Bình phát triển khá toàn diện cả về quy mô, bậc học, ngành học và đã gắn kết chặt chẽ hơn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Cơ sở phục vụ giảng dạy và học tập được tăng cường. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh, đến năm 2011, đã có 66,4% số trường trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Năm học 2010 - 2011 các cấp học phổ thông đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao, thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,78% xếp thứ 3 toàn quốc và đứng thứ 7 về điểm bình quân của thí sinh thi đại học. Giáo dục đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề đã hoàn thành tốt kế hoạch đào tạo và tuyển sinh.

Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng có những tiến bộ đáng kể. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng mới, tu sửa, nâng cấp các cơ sở và tăng cường các trang, thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhiều bệnh viện có quy mô và trang thiết bị hiện đại được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô 700 giường bệnh, Bệnh viện Tâm thần, Da liễu, Sản nhi, Mắt, Trung tâm y tế Yên Mô… 100% số xã, phường trong tỉnh có trạm y tế; 86% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngành y tế đã thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế; nâng cao y đức, giảm thủ tục hành chính phiền hà và từng bước áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc, khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Phong trào thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Số người luyện tập thường xuyên, số gia đình thể thao tăng. Các câu lạc bộ thể dục, thể thao cơ sở duy trì tốt hoạt động. Thể thao thành tích cao những năm gần đây được chú trọng đầu tư đạt những kết quả khích lệ. Nhiều vận động viên của tỉnh đã giành huy chương tại các giải trong nước và quốc tế. Cơ sở vật chất phục vụ luyện tập và thi đấu thể thao được tăng cường, góp phần đáp ứng nhu cầu luyện tập của nhân dân và đăng cai tổ chức thành công nhiều giải đấu quốc gia và quốc tế.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, đời sống nhân dân ngày càng có tiến bộ nhiều mặt. Đặc biệt trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, sau khi ban hành một số nghị quyết về phát triển kinh tế, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, về tăng cường lãnh đạo công tác giảm nghèo, tập trung vào các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nghị quyết đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đi vào cuộc sống và đem lại hiệu quả thiết thực. Hai mươi ba xã nghèo được ưu tiên hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, được vay vốn, ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đi xuất khẩu lao động, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và xây nhà ở. Kết quả là, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Ninh Bình năm 2010 giảm xuống còn 6,15% (theo tiêu chí cũ) và hết năm 2011 còn 9,86% (theo tiêu chí mới). Toàn tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây, sửa chữa gần 3.000 nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách theo Quyết định 167/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể khẳng định, những kết quả đạt được sau 20 năm tái lập tỉnh thật đáng tự hào, đã tạo ra thế và lực mới để Ninh Bình vững bước đi lên. Đạt được kết quả trên là do Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình nắm vững và vận dụng linh hoạt, năng động, sáng tạo đường lối đổi mới và các cơ chế, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; là sự đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; là kết quả tổng hợp của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, đồng thời có sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh bạn. Tuy vậy, bên cạnh thành tựu đạt được, tỉnh Ninh Bình cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, chất lượng, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Du lịch chưa phát huy hết thế mạnh, chất lượng dịch vụ chưa cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa, xã hội còn có bất cập, chất lượng giáo dục chuyên nghiệp và đào tạo nghề chưa cao, tình trạng thiếu bác sỹ vẫn chưa được khắc phục. Kết quả giảm nghèo chưa thật sự vững chắc, tỷ lệ hộ cận nghèo cao dễ có nguy cơ tái nghèo. Tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp.

Trong thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2015 phải “xây dựng Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng” và đến năm 2020 - 2030, thành tỉnh công nghiệp, du lịch - dịch vụ. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình cần phát huy truyền thống anh hùng và các bài học kinh nghiệm của 20 năm qua, tiếp tục đoàn kết, vượt khó, năng động, sáng tạo; quán triệt phương châm: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong những năm tới là:

Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ổn định, thông thoáng… Tập trung giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để mở rộng và đẩy mạnh sản xuất. Tiếp tục có các chính sách thu hút các dự án đầu tư, ưu tiên dự án sản xuất ứng dụng công nghệ cao, có đóng góp ngân sách lớn và bảo đảm môi trường. Hoàn thiện và thu hút đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hình thức BOT, PPP.

Chú trọng phát triển kinh tế du lịch theo quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và Đề án phát triển du lịch đã được phê duyệt. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 15-NQ/TU, của Tỉnh ủy, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sớm đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ phát triển mạnh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Duy trì diện tích gieo cấy lúa hiện có, tăng diện tích lúa chất lượng cao; phát triển con nuôi đặc sản và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các nội dung Đề án xây dựng nông thôn mới tại 25 xã được chọn giai đoạn 2011 - 2015.

Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là một số công trình có quy mô lớn, hiện đại như: đường giao thông, hạ tầng đô thị, các khu du lịch trọng điểm, hệ thống cấp thoát nước, các công trình thủy lợi, đê điều cấp bách, hệ thống xử lý chất thải rắn và hạ tầng văn hóa, xã hội như trường học, bệnh viện, trạm xá, trụ sở…

Tăng cường quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn tài nguyên như: đá, đất sét… Chú trọng công tác bảo vệ và cải thiện môi trường. Chủ động phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các lĩnh vực trọng yếu của kinh tế địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài. Chủ động và tích cực triển khai công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của địa phương. Phát triển mạnh mẽ thể thao quần chúng, duy trì thể thao thành tích cao với các môn đã có. Tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm và giảm nghèo.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở địa phương. Làm tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống chính trị; giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Tự hào với những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, tồn tại trong 20 năm qua và những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi và thời cơ trong thời gian tới, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình đoàn kết, phấn đấu, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi công cuộc  đổi mới quê hương, đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.