TCCS - Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xuất hiện những điển hình khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn nhiều khu công nghiệp,  khu chế xuất, doanh nghiệp vẫn  đang loay hoay tìm đường hoặc “bỏ quên” nội dung môi trường.

“Công vi thủ, tội vi tiên”

Khởi đầu từ năm 1991 với việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận, tính đến nay, cả nước có 173 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đã đi vào hoạt động. Các KCN, KCX đã có những đóng góp to lớn vào những thành tựu kinh tế - xã hội nước ta. KCN, KCX tiếp tục là nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp; tăng khả năng thu hút vốn trong và ngoài nước; nhận chuyển giao công nghệ mới, tạo nguồn hàng xuất khẩu và giải quyết việc làm cho người lao động; tạo ra hơn 2 triệu việc làm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 30 tỉ USD/năm, chiếm xấp xỉ 35% GDP cả nước. Đồng thời, giá trị xuất khẩu tăng không ngừng từ 8 tỉ USD năm 2006 lên 18,5 tỉ USD năm 2010, chiếm 25,83% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Tỷ suất đầu tư các dự án trong KCN, KCX cao hơn 1,4 lần các dự án trung bình cả nước…

Bên cạnh những thành tựu trên, trong quá trình phát triển, các KCN, KCX đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường,  cản trở quá trình phát triển của doanh nghiệp, gây hậu quả xấu đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Theo thống kê, chỉ có 105/173 KCN, KCX có công trình xử lý nước thải, chiếm 60,6%. Vì lẽ đó, có tới 55% lượng nước thải xả thẳng ra môi trường, không qua bước xử lý nào. Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường khẳng định, nguồn nước thải tại các KCN, KCX là nguyên nhân gây ô nhiễm tại các lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Riêng sông Đồng Nai, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 2 triệu mét khối nước thải công nghiệp, gần 700 tấn cặn lơ lửng, hơn 1.000 tấn BOD5, gần 2.000 tấn COD... Đối với sông Sài Gòn, hàm lượng độ đục (chỉ tiêu đánh giá mức độ nhiễm bẩn của nguồn nước) và hàm lượng măng-gan vượt tiêu chuẩn 1,5 - 5,5 lần.

Qua các cuộc thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tại các KCN, KCX cho thấy, số lượng doanh nghiệp vi phạm về môi trường rất cao. Cụ thể, Đồng Nai có 25% số cơ sở được kiểm tra không có hệ thống xử lý nước thải, 30% số cơ sở xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Các KCN Đông Xuyên, Phú Mỹ I, Mỹ Xuân A (Bà Rịa - Vũng Tàu) có trên 50% số cơ sở không thực hiện đúng quy định về thu gom, phân loại chất thải nguy hại. Các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có các vi phạm: xả thải vượt tiêu chuẩn cho phép, không có giấy phép xả thải, không thực hiện đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến nay, tình trạng các KCN, KCX gây tác động xấu tới môi trường trở nên đáng báo động, đến mức các chuyên gia môi trường đã đánh giá hiệu quả hoạt động của KCN, KCX là “Công vi thủ, tội vi tiên”. Nghĩa là, công đứng đầu (tạo ra việc làm, của cải) mà tội cũng đứng đầu (gây di hại cho môi trường).

Khi chỉ đặt lợi ích của mình lên trước...

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các cơ sở sản xuất trong KCN, KCX gây ô nhiễm môi trường, nhưng nguyên nhân hàng đầu là lợi ích kinh tế. Chi phí để xử lý 1m3 nước thải dao động từ 3.500 - 4.000 đồng. Trung bình một KCN hay KCX xả khoảng 2.500 - 3.000 m3/ngày đêm. Nếu trốn xử lý nước thải, mỗi tháng chủ đầu tư hạ tầng bỏ túi từ 300 - 360 triệu đồng, trong khi đó, mức xử phạt các hành vi vi phạm lại quá nhỏ so với số lợi thu về, nên nhiều cơ sở đã sẵn sàng nộp phạt để trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường. Cũng vì lý do này một số địa bàn có khó khăn về kinh tế chỉ tập trung thu hút các dự án đầu tư để lấp đầy KCN, dễ dàng “xuê xoa”, chưa quan tâm đúng mức tới môi trường. 

Bên cạnh đó, bộ máy, biên chế của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến bảo vệ môi trường KCN, KCX còn mỏng ở cả cấp Trung ương và địa phương, chưa đáp ứng được tốc độ phát triển KCN, KCX.

Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cấp Trung ương và cấp địa phương còn chưa thực sự chặt chẽ. Theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14-3-2008, một số ban quản lý KCN, KCX đã thành lập bộ phận thanh tra, nhưng vai trò của ban quản lý KCN, KCX trong công tác thanh tra nói chung và môi trường nói riêng còn chưa rõ ràng, do pháp luật hiện hành về thanh tra không quy định thanh tra ban quản lý KCN, KCX trong hệ thống thanh tra Nhà nước. Tại các ban quản lý KCN, KCX có phòng môi trường, tuy nhiên chưa được trang bị các thiết bị, dụng cụ quan trắc cần thiết để kịp thời phát hiện những sai phạm trong công tác môi trường. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình xử lý nước thải cũng còn nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN gặp nhiều trở ngại về thủ tục vay vốn từ quỹ môi trường, ngân hàng, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA): nguồn vốn vay hạn chế, lãi suất cao, điều kiện cho vay phức tạp do dự án xây dựng công trình xử lý nước thải khó hoàn vốn.

Cuối cùng, về mặt kỹ thuật còn có một số khó khăn nhất định. Về nước thải, đa số các KCN, KCX đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên phát thải nhiều loại nước thải khác nhau. Việc gom và xử lý chung là khó khăn. Mặc dù số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên nhưng ở một số địa phương, nhiều tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép. Nguyên nhân là do việc vận hành và kiểm tra vận hành nhà máy xử lý nước thải chưa có quy định pháp luật cụ thể, cũng như chưa có chế tài xử phạt có tính răn đe cao cho nên một số KCN, KCX không vận hành các trạm xử lý nước thải liên tục. Về khí thải, mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức thực hiện nhưng trang thiết bị phục vụ công tác này chủ yếu còn sơ sài, chưa giảm thiểu triệt để ảnh hưởng của khí thải gây ra đối với môi trường xung quanh. Về chất thải nguy hại, một số doanh nghiệp trong KCN, KCX không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu giữ chất thải, gây ô nhiễm cục bộ. Tại một số địa phương, còn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KCX, nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định. Về chất thải rắn, tại một số KCN, KCX, chưa có nơi tập kết chất thải rắn để đưa đi xử lý, vì vậy, khó khăn trong việc thu gom, xử lý…

Nhìn trên đại thể, ý thức của doanh nghiệp trong KCN, KCX về bảo vệ môi trường đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác môi trường làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận. Do vậy, tại một số nơi, việc bảo vệ môi trường chưa được doanh nghiệp tự giác thực hiện, trong khi cơ chế thanh, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về môi trường còn lỏng lẻo là nguyên nhân bao trùm gây nên thực trạng đáng buồn hiện nay.

Lấy “xây” làm nền tảng

Đối với nước ta, vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển KCN, KCX nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đề cập đến ngay từ những năm đầu hình thành, phát triển các KCN, KCX. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng. Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25-6-1998, và tiếp theo là Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định những định hướng rất quan trọng, trong đó nhấn mạnh các KCN, KCX phải thực hiện tốt phương án xử lý chất thải, ưu tiên xử lý chất thải độc hại. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra mục tiêu, khẳng định, đến năm 2020 “Các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các cụm, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung”.

Trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện những điển hình KCN, KCX và doanh nghiệp kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, còn nhiều KCN, KCX, doanh nghiệp khác đang loay hoay tìm đường hoặc bỏ qua nội dung môi trường. Do đó, nhiệm vụ chung trong thời gian tới là, nhân rộng điển hình đi đôi với đưa ra những biện pháp chế tài đối với những đơn vị vi phạm. Trong đó, lấy “xây” làm chính, lấy nhân rộng điển hình làm nền tảng, và thông qua đó, xây dựng sức mạnh dư luận để cô lập, phân hóa những đơn vị vi phạm.

Ở nước ta, các điển hình tiên tiến xuất hiện khá sớm. Bốn năm sau khi khai trương KCX Tân Thuận (năm 1991), đến năm 1995, đã có KCX Linh Trung 1 hoạt động theo mô hình khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Khu công nghiệp sinh thái này rộng 62 ha với 26 công ty hoạt động. Đây là nơi tập hợp của các cơ sở sản xuất và dịch vụ cùng hướng tới một mục đích là nâng cao chất lượng môi trường và nguồn tài nguyên. Có 5 công ty đã thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn bằng cách trao đổi phế liệu, phế phẩm để tái sử dụng. 21 công ty còn lại đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế hoặc xử lý chất thải bên ngoài. 

Khu công nghiệp sinh thái Nhơn Trạch 2 thành lập năm 1997, có diện tích 347 ha với các ngành công nghiệp như: Dệt may, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sản phẩm gỗ... Ban Quản lý khu công nghiệp đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, làm giảm lượng nước thải từ 14.000 m3 xuống còn 9.000 m3/ngày, điện giảm 37.000 kWh/ngày và hóa chất tiêu thụ giảm 10% - 14%. Tiếp theo là hình thành một mạng lưới trao đổi chất thải, phế liệu giấy được sử dụng để sản xuất hộp caton; sợi phế liệu được sử dụng để sản xuất giẻ lau, bụi bông... Chất thải rắn, khí thải đều được xử lý; còn nước thải được tái sử dụng cho các thiết bị vệ sinh ở khu lưu trú của công nhân và tưới cây...

Triển vọng của các KCNST khá sáng sủa, đặc biệt là tại các khu vực tập trung số lượng lớn các KCN đa ngành nghề như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này cần có sự khuyến khích, ưu đãi về thuế, mặt bằng, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ… Chính trên nền tảng của các KCNST, chúng ta dễ dàng tạo ra sức ép về mặt pháp luật và dư luận với những KCN, KCX không quan tâm đúng mức tới trách nhiệm bảo vệ môi trường./.