Tờ "Thời báo New York" ngày 14-7 cho rằng trong bối cảnh giá nhà đất liên tục sụt giảm và nhiều khoản tiền cho vay mua nhà thế chấp không thu hồi được, hàng loạt ngân hàng ở Mỹ có thể bị phá sản trong một năm tới.

Các nhà phân tích tin rằng hệ thống ngân hàng Mỹ hiện ít rủi ro hơn so với hồi cuối thập kỷ 80 đầu 90 của thế kỷ trước, khi hơn 1.000 tổ chức tài chính trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay.

Trong vụ sụp đổ hệ thống ngân hàng tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái (hồi thập niên 30), chính phủ liên bang đã phải chi tới 125 tỉ USD tiền thuế của dân để cứu vớt các ngân hàng.

Cuộc khủng hoảng lần này tuy không nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng trước, nhưng với những diễn biến nhanh chóng trên thị trường tiền tệ vừa qua, nhiều khả năng khoảng 150 ngân hàng trong tổng số 7.500 ngân hàng đang hoạt động trên đất Mỹ có thể bị phá sản trong 12 đến 18 tháng tới.

Con số này có khả năng tăng lên 300 ngân hàng trong thời gian 3 năm tới. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng khác có thể phải đóng cửa bớt chi nhánh hoặc sáp nhập với các tổ chức tài chính khác.

Kể từ đầu năm 2008 tới nay đã có 6 công ty cho vay thế chấp của Mỹ bị sụp đổ, trong đó có IndyMac, một trong những ngân hàng tín dụng và cho vay lớn nhất ở Mỹ. Với tài sản lên tới 32 tỉ USD, IndyMac thuộc tập đoàn tài chính Countrywide đã trở thành ngân hàng cho vay lớn nhất ở Mỹ bị phá sản trong hơn hai thập kỷ qua.

Dự kiến, các tập đoàn tài chính lớn, trong đó có Citigroup và Merrill Lynch sẽ công bố báo cáo tài chính trong tuần này và nhiều người tin rằng con số thua lỗ của các ngân hàng Mỹ sẽ tiếp tục tăng cao, mặc dù có thể chưa tới mức nguy hiểm./.