Israel sẽ tấn công Iran?

Quế Anh
18:48, ngày 21-03-2012
TCCSĐT- Suốt từ đầu tháng 2 đến nay, Israel và Mỹ đã phát đi nhiều tín hiệu đe dọa “Israel sẽ tấn công Iran”. Mới đây, Thủ tướng Israel B. Netanyahu còn đến tận Washington đề nghị Mỹ cung cấp loại bom công phá boongke hạng nặng cùng các máy bay tiếp nhiên liệu trên không nhằm tăng khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân ngầm của Iran.

Trước tình hình đó, Tehran phản ứng rất kiên quyết, thách thức mọi kẻ thù dám đụng chạm tới nền độc lập và chủ quyền của họ. Thế giới cũng đã có nhiều tiếng nói can ngăn, nhưng diễn biến quan hệ giữa Israel với Iran vẫn ngày càng căng thẳng. Tuy vậy, trong một tương lai gần, Tel Aviv chưa thể đủ ý chí và sức mạnh để một mình tấn công quốc gia Hồi giáo có nhiều ẩn số đáng gờm này!

Mối đe dọa đã hiện rõ

Israel không tin các biện pháp cấm vận của Mỹ và châu Âu là đủ để buộc Tehran ngừng chương trình hạt nhân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel E. Barak cho rằng: “Nếu cấm vận không đạt được mục tiêu buộc Iran phải ngừng chương trình hạt nhân quân sự, thì cần phải tính đến hành động”. Ông lý giải rằng, nếu như không ngăn chặn được ngay bây giờ, khi phải đối phó với một Iran có trong tay vũ khí hạt nhân sẽ phức tạp, nguy hiểm và tốn kém sinh mạng, tiền của hơn rất nhiều. Bởi vậy, theo ông, “chần chừ có nghĩa là quá trễ”.

Tel Aviv bày tỏ lo ngại Iran sẽ sớm làm giàu đủ lượng urani tại các cơ sở nằm sâu dưới lòng đất để chế tạo bom hạt nhân. Tướng Kochavi, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Israel, khẳng định: “Iran có gần 100 kg urani, đủ để chế tạo bốn quả bom hạt nhân”; “chỉ cần một năm là mọi chuyện đã xong xuôi”, kể từ khi các nhà lãnh đạo Iran ra lệnh chế tạo. Vẫn theo lời tướng Kochavi, “Israel đang bị đe dọa bởi khoảng 200.000 quả đạn pháo và tên lửa, trong đó phần lớn có tầm bắn đến 40km, còn lại là có tầm bắn hàng trăm km. Những vũ khí này có thể bắn vào các thành phố Israel, kể cả Tel Aviv, từ Liban, Syria và tất nhiên cả từ Iran!”.

Israel coi các tham vọng hạt nhân của Iran là “mối nguy cơ hiện thực” và đã nhiều lần đề cập khả năng tấn công phủ đầu Iran. Ông B. Netanyahu vừa mới có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barak Obama hôm 5-3 với chủ đề chính là Iran. Hai nhà lãnh đạo bất đồng với nhau về cách thức đối phó với chương trình hạt nhân của Iran. Trong khi Israel tỏ ra nôn nóng muốn tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, thì ông B. Obama lại tuyên bố các bên cần thêm thời gian, để các lệnh trừng phạt đối với Iran phát huy hiệu quả và buộc nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, thủ tướng Israel hàm ý rằng, Tel Aviv có thể sẽ quyết định dùng vũ lực để đối phó với Iran nếu Tehran vẫn bất chấp sức ép của các nước lớn mà tiếp tục chương trình bị nghi ngờ là nhằm phát triển vũ khí hạt nhân.

Hiện Mỹ và các đồng minh phương Tây cũng đã phái binh lính và vận chuyển vũ khí tới vùng Vịnh. Lính Mỹ đang được tăng cường tới căn cứ quân sự trên đảo Masirah của Oman. Hàng nghìn quân nhân Mỹ đã được triển khai tại Kuwait. Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã được triển khai tại Kata. Hàng trăm quả bom có khả năng khoan - phá bê tông đang được đưa đến một căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và hai tàu sân bay Mỹ đang hoạt động tại vùng Vịnh. Trong khi đó, Pháp và Anh cũng đang phái quân tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi.

Như vậy, không chỉ còn là mối nguy cơ, hay “bóng đen chiến tranh rình rập”, mà đã xuất hiện cả những tuyên bố rõ rệt và hành động cụ thể nhằm chuẩn bị tấn công Iran.

Nhưng Mỹ vẫn lo ngại

Trước mối đe dọa bùng nổ chiến tranh Israel - Iran và có thể lan rộng ra khu vực Trung Đông, gây hậu quả vô cùng nguy hiểm cho cả thế giới, tờ Washington Post đã rung lên hồi chuông báo động, nêu rõ: Mặc dù Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ L. Panetta dự báo “có khả năng Israel tấn công Iran vào khoảng tháng 4 - 6 năm nay”, nhưng “cả ông ta và Tổng thống B. Obama đều cảnh báo người Israel rằng, Mỹ phản đối một cuộc tấn công như vậy”.

Theo ông C. Kupchan, một chuyên gia nghiên cứu về Iran, có lẽ các nhà lãnh đạo Israel cũng chưa sẵn sàng hứng chịu những hậu quả thảm khốc của một cuộc tấn công, khi mà Iran có thể trả đũa bằng cách phóng tên lửa, trong khi đó các tổ chức khủng bố là đồng minh của Tehran sẽ tấn công nhà nước Do Thái.  

Giáo sư S.Druzhilovsky thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế của Nga, ngay từ thượng tuần tháng 2 đã viết bài trên báo điện tử “Nghiên cứu toàn cầu”, cảnh báo: "Nếu Mỹ, Israel và NATO phớt lờ những cảnh báo của Nga, Trung Quốc, cũng như các thành viên có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế, mà cứ nhất quyết can thiệp quân sự chống lại Iran, thì những hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Điều này không chỉ dẫn đến một cuộc xung đột khu vực, mà còn là một thảm họa nhân đạo tại toàn bộ Trung Đông. Đây là một nguy cơ đối với sự ổn định quốc tế".

Đông đảo các nhà quan sát và phân tích chính trị trên thế giới cũng đều thống nhất cho rằng, chiến tranh Israel - Iran rõ ràng không phải là điều vui vẻ gì đối với ông B. Obama, người sẽ đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Cuộc chiến tranh đó sẽ đẩy giá dầu mỏ thế giới lên cao chót vót và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu. Và đương nhiên, thế giới Hồi giáo ủng hộ Iran sẽ phản ứng quyết liệt, những hoạt động khủng bố nhằm vào người Mỹ cũng khó có thể lường trước.

Israel được cho là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, tuy nhiên, kho vũ khí thông thường của nước này không đủ mạnh để gây hại lâu dài cho các cơ sở hạt nhân xa xôi, cách trở và được phòng thủ mạnh của Iran. Bom chống boongke của Israel đã bị coi là lạc hậu, cỡ nhỏ. Theo sự phân tích của các nhà chiến lược quân sự Mỹ, nếu Israel tấn công Iran, họ chỉ có thể không kích. Chặng đường từ Israel đến Iran, dù bay trực tiếp qua Iraq, hay vòng lên phía bắc, rồi xuống phía nam, đều đòi hỏi các phi cơ tiếp nhiên liệu. Các máy bay ném bom của Israel, nếu thực hiện cuộc tấn công, sẽ phải bay chặng đường dài và trên một số không phận thù địch. Đó là bài toán rất khó giải.

Iran phản ứng mạnh mẽ

Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 33 năm Cách mạng Hồi giáo, hôm 11-2-2012, nhà lãnh đạo tối cao của Cách mạng Hồi giáo Iran, Đại Giáo chủ A. Khamenei, tuyên bố, Iran sẽ không lùi bước trước bất cứ sức ép nào của quốc tế, bất cứ can thiệp quân sự nào cũng sẽ gây hại cho chính nước Mỹ. Còn Tổng thống Iran M. Ahmadinejad cho biết, sau một tháng nữa, nghĩa là đến tháng 3-2012, Iran sẽ tăng chi phí quân sự lên hơn gấp đôi.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Iran, tướng A.Vahidi, phản ứng mạnh mẽ hơn nữa. Trong một cuộc họp báo đầu tháng 3 vừa qua, ông nói: Nếu quân đội Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, thì nhà nước Do Thái sẽ diệt vong. Có thể coi đây là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất của giới lãnh đạo Iran nhằm vào Israel trước bối cảnh nhà nước Do Thái liên tục đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong thời gian gần đây.

Các nhà lãnh đạo tối cao Iran thề sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ nhất nếu bị Israel hay Mỹ tấn công. Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người quan tâm là “Iran sẽ đáp trả như thế nào, bằng vũ khí gì?”.

Ông M. Fitzpatrick, Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí và Giải trừ quân bị thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) tại London, cho rằng, khả năng tấn công trực tiếp chống lại Israel của Iran là có hạn; lực lượng không quân Iran còn kém xa so với không quân Israel; số lượng tên lửa đạn đạo có thể vươn tới lãnh thổ Israel của Iran cũng rất khiêm tốn. Trong khi chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, Iran cũng không có cách nào để sử dụng một cách hiệu quả các loại vũ khí hóa học và sinh học.

Tuy nhiên, người ta cũng không thể coi thường hải quân Iran, đặc biệt là binh chủng hải quân tinh nhuệ của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) được trang bị các loại tàu chiến nhỏ, khả năng cơ động cao, có khả năng rải thủy lôi hoặc phối hợp tấn công chống lại các tàu lớn hơn. Đây cũng là một vũ khí lợi hại của Iran, có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Ngoài ra, Iran cũng triển khai nhiều hệ thống tên lửa trên đất liền có khả năng chống tàu biển. Với sức mạnh này, Iran có đủ khả năng để đóng cửa eo biển Hormuz - một trong những tuyến đường biển quan trọng hàng đầu thế giới, nơi có 1/5 lượng dầu lửa của thế giới được vận chuyển qua.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, Iran hoàn toàn có thể tranh thủ sự ủng hộ của các đồng minh. Trước hết, đó là nhóm Hồi giáo Hezbollah ở miền nam Liban, hiện đang sở hữu hơn 10.000 tên lửa có tầm bắn từ 45 đến 200 km, phần nhiều trong số này do Iran cung cấp. Bên cạnh đó, Phong trào Hồi giáo Hamas - lực lượng hiện đang kiểm soát dải Gaza, cũng có thể tấn công Israel với các tên lửa tầm ngắn. Sự nguy hiểm là ở chỗ, có thể làm cho cuộc xung đột lan rộng ra cả Trung Đông, hoặc ít nhất cũng lôi cuốn các lực lượng Hezbollah và Hamas chống lại nhà nước Do Thái.

Chưa thể khai chiến với Iran

Nhiều nhà quan sát và bình luận quốc tế cho rằng, tuy quan hệ giữa một bên là Mỹ và Israel, còn bên kia là Iran ngày càng trở nên xấu đi, sự căng thẳng ở vùng Vịnh ngày càng tăng lên, nhưng cả Washington và Tehran đều hiểu rất rõ họ không thể gánh vác nổi thảm họa quá lớn khi chiến tranh nổ ra. Iran không giống Iraq và càng không giống Libya, trong khi về thực lực quân sự, vai trò trong lĩnh vực năng lượng, hay chiến lược vùng địa - duyên hải, cả Iraq và Libya đều không thể so được với Iran. 

Cách đây không lâu, Iran tuyên bố “bắt sống” máy bay không người lái hiện đại của Mỹ, điều đó đủ thấy thực lực quân sự của nước này. Thực tế cũng chứng minh rằng, trong 8 năm chiến tranh Iran - Iraq, mặc dù được phương Tây, đứng đầu là Mỹ ủng hộ nhưng Iraq vẫn không thể giành được lợi thế so với Iran. Điều này cho thấy thực lực quân sự của Iran mạnh hơn Iraq khi xưa rất nhiều.  

Về kinh tế, sản lượng dầu lửa của Iran có thể đạt tới 4,1 triệu thùng/ngày, chỉ đứng sau Arab Saudi. Nếu chiến tranh giữa Israel và Mỹ với Iran nổ ra, giá dầu thế giới sẽ tăng vọt. Việc này chẳng khác nào đẩy nền kinh tế Mỹ và châu Âu vốn đang chìm trong khủng hoảng vào cảnh “họa vô đơn chí”, chính quyền Mỹ và các nước châu Âu khó có thể chịu được sức ép từ chính người dân nước họ.

Ngoài ra, Iran còn nằm án ngữ eo biển Hormuz, khiến nước này có lợi thế là dễ phòng thủ, khó bị tấn công. Nếu chiến tranh bùng nổ, với thực lực của hải quân hiện nay, Iran hoàn toàn có thể phong tỏa eo biển Hormuz nhỏ hẹp. Khi đó, không chỉ dầu của các nước vùng Vịnh không thể vận chuyển được ra ngoài, mà tàu sân bay của Mỹ cũng khó có thể đi qua nơi này. 

Về phía Mỹ, mặc dù không ngừng yêu cầu gia tăng mức độ trừng phạt đối với Iran, nhưng mục đích chủ yếu của Mỹ vẫn chỉ là thông qua việc thắt chặt “thòng lọng” buộc Iran phải khuất phục, từ bỏ chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân. Đối với chính quyền Tổng thống B. Obama, việc tái diễn một cuộc chiến tranh có tính chất và hậu quả giống với chiến tranh Iraq là ít có khả năng xảy ra. Hơn nữa, trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới, Tổng thống B. Obama càng không thể đánh bạc với bầu cử, khinh suất khi đưa ra quyết định tấn công Iran./.