Nước Nga và những thách thức sau bầu cử
TCCSĐT - Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4-3-2012 vừa qua, đưa ông trở lại chiếc ghế quyền lực nhất nước Nga. Chiến thắng này một lần nữa khẳng định vị thế của V.Putin trong lòng người dân ‘xứ sở Bạch Dương”. Nhưng có lẽ, đi kèm với vinh quang cũng không ít những khó khăn mà ông V.Putin sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Dự kiến Thủ tướng V.Putin sẽ nhậm chức tổng thống mới của Liên bang Nga vào đầu tháng 5 tới trong nhiệm kỳ thứ ba, kéo dài 6 năm, với một loạt nhiệm vụ nặng nề đang chờ đợi ở phía trước. Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm lúc này là ông sẽ hiện thực hóa những lời hứa khi tranh cử của mình như thế nào trong bối cảnh nước Nga đang phải đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn.
Duy trì một nền “dân chủ có kiểm soát"
Cuộc bầu cử tổng thống lần này diễn ra trong bối cảnh sự phân hóa và căng thẳng trong xã hội Nga bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua, thể hiện rõ nhất qua các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối chính quyền sau cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) cuối năm 2011, cũng như các cuộc biểu tình phản đối trước và ngay sau bầu cử tổng thống. Khó khăn mà ông V.Putin phải đối mặt ngay sau khi đắc cử tổng thống là tìm ra những biện pháp cấp bách hữu hiệu để hạ nhiệt những cái “đầu nóng” và ngăn chặn âm mưu gây bất ổn tình hình đất nước, cũng như mọi hành động can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của nước Nga.
Nguyên nhân sâu xa của tình trạng này, có lẽ bắt nguồn từ chính hệ thống chính quyền mà ông V.Putin xây dựng từ những năm 2000 đến nay, nó đã bắt đầu bộc lộ nhiều bất ổn, cần phải có sự điều chỉnh. Hơn một thập kỷ qua đi, ban lãnh đạo đất nước đã trì hoãn việc giải quyết một số vấn đề nảy sinh từ khá lâu, trước hết là vấn đề liên quan đến hệ thống chính trị. Chính phủ liên bang bắt đầu giải quyết các vấn đề cụ thể mà đáng ra nó có thể dễ dàng giải quyết ở địa phương. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh chống lại “những người nằm ngoài hệ thống” xuất hiện phần nào đã giảm đi sự cạnh tranh chính trị, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng…
Trong khi đó, hoạt động của tầng lớp trung lưu thành thị (đã hình thành trong một thập kỷ gần đây) ngày một gia tăng. Đó là những người có thế giới quan theo cách khác và chỉ biết đến Liên Xô (trước đây) qua sách vở. Theo các ước tính khác nhau, tầng lớp này chiếm khoảng từ 15 đến 25 % dân số và đang bắt đầu thể hiện thái độ chính trị. Họ đòi chính quyền phải quan tâm chú ý đến quyền lợi của họ nhiều hơn nữa. Vì vậy, chính quyền mới thiết lập và đối thoại được với tầng lớp trung lưu đến mức độ nào, đây là vấn đề hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nước Nga trong tương lai.
Nhận thức được những thay đổi này, một chương trình cải cách chính trị đã được ông V.Putin khởi động ngay từ thời điểm bắt đầu chiến dịch tranh cử. Giữa tháng 12-2011, ông V.Putin chính thức tuyên bố về việc bắt đầu quay trở lại với quy chế bầu cử trực tiếp lãnh đạo các khu vực. Sau bầu cử, Chính phủ Nga dự kiến sẽ có hàng loạt những thay đổi nhân sự. Trong những bài báo, bài phát biểu tham gia tranh cử, ông V.Putin luôn tìm cách nhấn mạnh một nguyên tắc giải quyết vấn đề bất di bất dịch: đó là phải củng cố chính quyền, củng cố đất nước. Ngày 23-1-2012, V.Putin tuyên bố, sau khi đắc cử, ông sẽ thay đổi nhân sự sâu rộng nhằm thiết lập một hệ thống xung quanh giúp ông lãnh đạo một nước Nga ngày càng phức tạp trong những năm tới. Ông V.Putin bày tỏ: “Chúng ta cần đổi mới cơ chế dân chủ và phải xem trọng ý kiến của người dân. Xã hội Nga sẽ trở nên rất năng động và có trách nhiệm so với trước”. Tuy nhiên, ông khẳng định không ủng hộ xu hướng đơn giản hóa chính trị qua một nền “dân chủ ảo, được thu gọn với vài tấm biểu ngữ”.
Sắp tới ông V.Putin, cần phải chứng minh được, quyết định quay trở lại điện Kremlin của mình là một nhu cầu cần thiết mang tính khách quan. Qua đó, người dân cũng có thể thấy được, tổng thống mà họ đã bầu ra không chỉ là người đưa ra một chương trình hành động rõ ràng mà còn có thể thực thi những chương trình đó.
Thách thức về kinh tế
Không chỉ “đau đầu” với bầu không khí chính trị khá căng thẳng ở bên trong nước Nga thời gian gần đây, ông V.Putin còn phải đối mặt với không ít những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Trong cương lĩnh tranh cử, ông V.Putin đã đề cập tới tham vọng sẽ khởi động một chương trình kinh tế và chính trị mới để đưa nước Nga phát triển lên tầm cao mới và thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và đề ra nhiệm vụ trong tương lai gần sẽ đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga lên tới 6-7%/năm. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với nước Nga đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng tăng trưởng chậm.
Thực tế cho thấy, nền kinh tế Nga đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và Moscow đã bắt đầu thực hiện một số kế hoạch phát triển cho tương lai. Cuối năm 2009, Nga đưa ra 2 chương trình, hiện đại hóa và tư nhân hóa, như là công cụ để thu hút công nghệ hiện đại và một lượng lớn tiền mặt của nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược của Nga. Các chương trình này dự tính rằng, châu Âu sẽ là đối tác cơ bản của Nga trong đa số các dự án.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của châu Âu hiện nay không những làm gia tăng sự lo ngại về tính ổn định của nền kinh tế Nga mà còn gây nguy hiểm cho các chương trình hiện đại hóa và tư nhân hóa của Kremlin. Các chương trình này phụ thuộc rất lớn vào việc đầu tư và sự hợp tác của châu Âu. Đây là đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga, chiếm 47% thương mại, 75% đầu tư trực tiếp nước ngoài và phần lớn nguồn thu nhập từ năng lượng của Nga. Với việc châu Âu gặp khó khăn về tài chính và thể chế, theo lôgíc, Nga có thể là nền kinh tế ngoài châu Âu bị tác động nặng nề nhất.
Một mối lo ngại khác mà Chính phủ sắp tới của ông V.Putin phải xem xét là cuộc khủng hoảng của châu Âu có thể dẫn đến nhu cầu của châu Âu đối với năng lượng của Nga giảm, ảnh hưởng đến thu nhập và dự trữ ngoại tệ của Nga. Hiện nay, ngân sách của Kremlin dựa chủ yếu vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. Xuất khẩu năng lượng sang châu Âu chiếm 40% nguồn thu của Chính phủ Nga nên bất cứ một sự suy giảm nhu cầu nào cũng có thể buộc Nga phải xem xét lại ngân sách của mình. Ngoài ra, giá dầu giảm mỗi USD một thùng cũng làm nguồn tiền chảy vào ngân quỹ của Nga giảm đi 1,8 tỉ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp và lạm phát tại Nga cũng tương đối cao, số lượng người nghèo tiếp tục tăng mạnh và sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn. Trong khi đó, lượng vốn nước ngoài ồ ạt rút khỏi thị trường Nga và đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt con số khá khiêm tốn. Hiện tượng chảy máu chất xám cũng đang có chiều hướng gia tăng đáng lo ngại.
Các thách thức kể trên cũng là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của kế hoạch phát triển đất nước mà ông V.Putin dự định thực thi trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình. Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng, tham nhũng được đẩy lùi thì những cam kết nâng cao thu nhập, lương hưu, trợ cấp xã hội, hiện đại hóa quốc phòng,... cũng sẽ dễ dàng được thực hiện. Vì vậy, nếu ông V.Putin không có những biện pháp quyết liệt và triệt để giải quyết các vấn đề trên thì cam kết xây dựng một nước Nga thịnh vượng, hùng mạnh với vị thế ngày càng được nâng cao, có thể chỉ dừng lại ở lời nói.
Xây dựng hình ảnh sức mạnh
Việc ông V.Putin trở lại nắm quyền không chỉ là mối quan tâm lớn đối với nước Nga, mà còn đối với nền chính trị thế giới. Các cường quốc lớn đang tìm cách bảo vệ mình trong môi trường quốc tế đầy biến động và mối đe dọa chiến tranh gia tăng. Các nước này đều quan tâm đến việc nước Nga sẽ bắt đầu như thế nào, nước Nga thực sự đang đứng ở đâu, sẽ bắt tay với ai và trong những tình huống như thế nào…?. Lựa chọn ông V.Putin làm tổng thống, người dân Nga cũng hy vọng, họ có được một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, đủ khả năng đương đầu với những thay đổi đang diễn ra trên toàn cầu. Với họ, ông V.Putin là người biết khơi dậy “tinh thần Nga” và sẽ không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình.
Ông V.Putin khẳng định rằng, đã qua rồi thời kỳ nước Nga bị xem như đối tác yếu kém của phương Tây và Nga cần phải trở thành cường quốc hùng mạnh để thực thi một chính sách đối ngoại độc lập trên thế giới. Theo ông, Nga trước sau như một, phấn đấu và đấu tranh cho một trật tự thế giới mới đa cực, trên cơ sở nhận thức an ninh ngang nhau cho tất cả các nước và phối hợp hành động với nhau để đáp trả những nguy cơ và thách thức mới. Nga sẽ tích cực thực hiện chính sách củng cố sự ổn định và an ninh quốc tế, từ bỏ đối đầu, sẵn sàng góp phần giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước theo nguyên tắc cùng tôn trọng lẫn nhau.
Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Nga là mưu đồ của Mỹ đang xem xét lại trật tự thế giới hiện nay theo hướng phục vụ các lợi ích của phương Tây. Sự thật là, thời gian qua, Mỹ đã bắt đầu tận dụng sự biến động bên trong Nga để khuếch trương quan niệm rằng Nga đang bất ổn, mục đích là muốn Kremlin tập trung vào các vấn đề nội bộ hơn là sự tái nổi lên của nước này trên trường quốc tế. Song nước Nga không chấp nhận mọi âm mưu của Mỹ và NATO sử dụng sức mạnh nhằm giành quyền bá chủ thế giới.
Bên cạnh đó, tân tổng thống Nga vẫn sẽ phải giải quyết những vấn đề quốc tế “nóng” có tầm ảnh hưởng sâu rộng và liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nga. Chưa bao giờ, vấn đề bất ổn Syria và hạt nhân Iran lại khiến Nga mâu thuẫn với phương Tây đến vậy. Thời gian qua Nga đã thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn khả năng Mỹ và đồng minh sử dụng biện pháp quân sự đối với Damascus. Nếu sự việc tương tự như Libya lặp lại ở Syria, có lẽ Nga sẽ mất rất nhiều, bởi quan hệ kinh tế và những ràng buộc lợi ích chiến lược giữa Damascus và Moscow lớn hơn so với Tripoli rất nhiều. Việc bảo toàn được lợi ích của nước Nga đang là một trong những thách thức lớn đối với ông V.Putin hiện nay.
Vấn đề hạt nhân Iran cũng là một trong những thách thức đối với người đứng đầu điện Kremlin, bởi Nga là nước đã giúp đỡ Iran xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và cung cấp cho họ các thanh nhiên liệu để chạy các lò phản ứng. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh luôn khẳng định Iran đang tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, và có thể tấn công phủ đầu nhà nước Hồi giáo bất cứ lúc nào. Thách thức đang thực sự đặt trên vai Tổng thống V.Putin, bởi giải quyết các vấn đề quốc tế sẽ quyết định vị thế của nước Nga cũng như đảm bảo được các lợi ích kinh tế của đất nước.
Một thách thức lớn khác là nước Nga dưới thời ông V.Putin cần phải tái xây dựng được ảnh hưởng của mình ở khu vực thuộc Liên Xô trước đây. Hiện Nga có kế hoạch tiếp tục thể chế hóa các mối quan hệ của mình với nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây. Trước hết, ông V.Putin sẽ xây dựng một nước Nga hùng mạnh, vững chắc làm cơ sở để tiếp tục củng cố ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô Viết. Nga cũng đã chủ động thành lập liên minh Âu - Á và dự kiến hoàn tất liên minh này vào năm 2015. Nhưng dự án này thành công, nó phụ thuộc nhiều vào việc nước Nga trong tương lai phải giàu và mạnh.
Đương kim Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã được phần lớn cử tri Nga trao gửi niềm tin, bởi họ đều kỳ vọng chính khách lão luyện này có khả năng duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế của Nga trên trường quốc tế. Với sự mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng sẵn sàng lắng nghe, tất cả vì lợi ích chung của nước Nga và nhân dân Nga, tin tưởng rằng, nước Nga dưới thời V.Putin sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp, ngày càng đáp ứng được nguyện vọng và mong muốn của nhân dân Nga./.
Đọc bản đảng viên tự kiểm điểm trước đây, suy nghĩ về đảng viên tự kiểm điểm hiện nay  (16/03/2012)
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật Nhà nước trong tình hình mới  (16/03/2012)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và làm việc tại Kon Tum  (15/03/2012)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm Hoàng Sa  (15/03/2012)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Lào Cai  (15/03/2012)
Hợp tác Việt - Hàn phát triển mạnh mẽ và sâu rộng  (15/03/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển