Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên trong xu thế đổi mới, hội nhập
Để văn hóa cổ truyền Tây Nguyên vừa giữ được bản sắc của mình mà vẫn hòa chung và thống nhất với văn hóa của cả nước; một mặt, cần tổ chức quy hoạch, phân vùng văn hóa; nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, phân loại, miêu tả tỉ mỉ tất cả các hiện tượng văn hóa cổ truyền ở Tây Nguyên một cách có hệ thống và xuất bản thành sách; mặt khác, phải thường xuyên động viên, giáo dục đồng bào gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền của mình trên tinh thần tự nguyện.
Tây Nguyên còn lưu giữ một truyền thống văn hóa hết sức độc đáo và hấp dẫn. Đồng bào Tây Nguyên rất say mê âm nhạc, nhảy múa và kể chuyện. Với họ, cuộc sống nếu thiếu đi tiếng ca, điệu nhạc cũng như thiếu cơm ăn, nước uống hàng ngày. Đêm đêm, quanh ngọn lửa bập bùng dưới mái nhà rông cao vút, những già làng thường kể cho con cháu nghe những bản trường ca bất hủ như Hơ-ri của người Jơ-rai, Hơ-mon của người Ba-na, Khan của người Ê-đê v.v… Những trường ca này ca ngợi những nhân vật kỳ vĩ; những con người dũng cảm ngoan cường, chiến đấu để bảo vệ lẽ phải, công bằng, có tình yêu trong sáng thủy chung… mà các nhà nghiên cứu văn học dân gian thường gọi là sử thi hay anh hùng ca. Những thiên sử thi ấy “cao vời vợi như đỉnh núi Chư pông, trong suốt như dòng nước sông Ba, tỏa hương thơm ngào ngạt như mùa hoa Êpan nở trắng giữa núi rừng Tây Nguyên”.
Đồng bào Tây Nguyên cũng đã sáng tạo ra một kho tàng nhạc khí rất phong phú và đa dạng gồm nhiều nhóm và loại, được chế tác bằng nhiều chất liệu khác nhau từ đá, tre, nứa, gỗ, dây rừng, đồng, chì, gang, sắt và các hợp kim khác, thể hiện tâm tư, tình cảm và sức sáng tạo của con người Tây Nguyên qua bao thế hệ.
Nghệ thuật của Tây Nguyên còn nổi bật ở mảng điêu khắc và kiến trúc. Chẳng hạn như phương pháp chế tác và sử dụng nhà mồ, tượng mồ, tượng nhỏ trang trí trong nhà; hoa văn trên cán dao, cán búa; trên vải, chiêng, ché, cột nhà, mái nhà rông… Đặc biệt là những con rối giật, biểu tượng của lòng khao khát tự do; hay những pho tượng nhà mồ thô phác gợi cảm, sống động. Có thể nói, kiến trúc nhà rông của Tây Nguyên như một quần thể văn hóa sinh động, khép kín, với lối kiến trúc mang bản sắc Tây Nguyên. Tây Nguyên còn được biết đến như là một di chỉ văn hóa. Qua các công trình khai quật khảo cổ học gần đây ở Biển Hồ, Trà Dôm (Plâycu), Lung Leng (Kon Tum)… các nhà khảo cổ học đã thu được nhiều hiện vật của các thời đại đồ đá, đồ gốm.
Bên cạnh các loại hình nghệ thuật truyền thống phong phú kể trên, các vấn đề thuộc về dân tộc học, lịch sử tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng v.v… của Tây Nguyên còn rất nguyên sơ mà đa dạng, đang là đối tượng nghiên cứu, khám phá đầy sức hút đối với các nhà văn hoá, nhà dân tộc học.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta ngày càng có nhiều chính sách ưu tiên thiết thực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn tới việc các nhà máy thủy điện được xây dựng, công trình đường dây 500 ki-lô-vôn, các buôn làng Tây Nguyên lần lượt bừng sáng bởi hệ thống điện lưới quốc gia. Các công trình thủy lợi lớn được xây dựng đã đảm bảo tưới tiêu cho hàng nghìn héc-ta đất khô cằn, cho phép từ chỗ chỉ làm một vụ, nay đã làm hai, ba vụ. Nhờ mạng lưới phát thanh - truyền hình được phủ sóng, số hộ đồng bào được nghe đài, xem ti vi ngày càng tăng. Khi ốm đau, thay vì cúng ma, đồng bào đã được dùng thuốc để chữa bệnh. Tục chết chôn chung, tin vào ma làm cũng đã được hạn chế đáng kể; những lệ làng lạc hậu đang dần dần được thay thế bằng pháp luật của nhà nước. Các điều kiện về ăn, ở, mặc; đi lại; sản xuất; phong tục tập quán đã nhanh chóng được cải thiện và thay đổi phù hợp với điều kiện cuộc sống mới. Đó cũng là quy luật tất yếu của một xã hội phát triển và là bằng chứng sinh động về sự quan tâm của Đảng và nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và tốc độ của nó đang có một sự tác động rất lớn đến văn hóa cổ truyền Tây nguyên.Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang ngày càng “mất dấu” đến mức báo động! Cồng chiêng được cân bán như một thứ phế liệu. Những năm 80 của thế kỷ trước, mỗi làng có hàng trăm bộ chiêng quý, thì nay số lượng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Thanh niên bắt đầu đã tỏ ra không thích, thậm chí tự ti với các nhạc cụ của dân tộc mình. Các điệu múa xoang uyển chuyển không thể thiếu trước đây, giờ đang được thay thế bằng các điệu Disco, Pop, Rock, Rap tại các thị thành Tây Nguyên. Điều này cho thấy: nếu nhìn ở góc độ dân tộc học và thời đại thì văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang bị “tấn công” khá mạnh mẽ bởi các sản phẩm của các dòng văn hóa ngoại. Văn hóa cổ truyền Tây Nguyên vì thế có lúc có vẻ như không “bước kịp” với những hình thức, phương tiện tuyên truyền hiện đại của các dòng văn hóa khác. Một trong các trở ngại dễ dàng nhận thấy là, mặc dù đã có chữ viết, nhưng các dân tộc Tây Nguyên chưa tạo ra được một nền văn hóa thành văn, phương pháp chủ yếu của cư dân bản địa vẫn là truyền miệng và theo hình thức cha truyền con nối. Điều này đã làm hạn chế đáng kể đến sự phát triển nhiều mặt của xã hội Tây Nguyên, gây nên tình trạng ngừng trệ lâu dài về sản xuất cũng như đời sống, mà trước hết là vấn đề nhận thức - đang thực sự là một lực cản trong việc đưa đời sống đồng bào đi lên theo hướng ổn định và phát triển.
Nếu như trước đây, người dân bản địa sống biệt lập, ít có giao tiếp bên ngoài, thì nay những vùng sâu ấy là các nông trường cao su, cà phê, chè; các lâm trường chế biến gỗ… kéo theo những người dân từ mọi miền đất nước đến đây lập nghiệp. Từ đó đã mọc lên những thị trấn, thị tứ, bên cạnh những cái được cơ bản thì bức tranh văn hóa - xã hội của Tây Nguyên cũng vì thế mà không kém phần phức tạp.
Nếu không có những định hướng đúng đắn mang tính chiến lược, thì trong bối cảnh chung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay, bên cạnh những cái “được” cụ thể về kinh tế, chúng ta lại đang “mất” rất lớn về văn hóa; mà văn hóa thì giá trị của nó không thể tính bằng tiền! Dẫu biết cái mới ra đời sẽ làm nảy sinh bao vấn đề, trong đó có cả mặt trái của nó, nhưng không thể không tiến hành cái mới (hiện đại hóa). Vấn đề là làm sao để vừa tiếp nhận và thực hiện triệt để cái “mới” mà vẫn giữ được những cái “cũ” tốt đẹp theo tinh thần: “truyền thống và hiện đại”; nhằm “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã khẳng định.
Việc cần kíp phải làm hiện nay - theo chúng tôi - một mặt, cần tổ chức quy hoạch, phân vùng văn hóa; nghiên cứu, sưu tầm, ghi chép, phân loại, miêu tả tỉ mỉ tất cả các hiện tượng văn hóa cổ truyền ở Tây Nguyên một cách có hệ thống và xuất bản thành sách; mặt khác, phải thường xuyên động viên, giáo dục đồng bào gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền của mình trên tinh thần tự nguyện. Có như vậy, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa cổ truyền Tây Nguyên vừa giữ được bản sắc của mình mà vẫn hòa chung và thống nhất với văn hóa của cả nước, góp phần làm phong phú, đa dạng hơn vốn văn hóa của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Giá trị bền vững của đề cương văn hoá Việt Nam  (16/04/2008)
Bảy thách thức đối với Việt Nam sau một năm gia nhập WTO  (16/04/2008)
Tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng  (16/04/2008)
Tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng  (16/04/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên