Ngày 21-2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các ủy viên Ủy ban.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ Phiên họp thứ hai của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ đánh giá Dự thảo Báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, đồng thời cho ý kiến đối với một số định hướng lớn trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị trong đánh giá báo cáo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, các thành viên của ủy ban cần đi sâu làm rõ và phân tích những mặt hạn chế, tồn tại để có biện pháp khắc phục, sửa đổi.

Nhấn mạnh đến bối cảnh sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp 1992 diễn ra trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với diễn biến tình hình trong nước, dự báo xu hướng khu vực và thế giới; bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI trên tinh thần sửa đổi, hoàn thiện đạo luật cơ bản, lâu dài, ổn định, phục vụ sự phát triển chung của đất nước, của dân tộc. 

Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng phải phát huy mạnh mẽ tính dân chủ của nhân dân; khẳng định bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần thể hiện rõ nét hơn nữa mô hình Nhà nước Việt Nam là Nhà nước xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất và phân công, phân nhiệm song song với cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, hướng tới mục đích tối cao là nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần tiếp tục khẳng định địa vị pháp lý, làm rõ thêm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Việc xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải hướng tới mục tiêu tạo sức bật mạnh mẽ cho công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, phù hợp với bối cảnh đổi mới của đất nước trong những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến quyền con người; quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong việc chấp hành kỷ cương, pháp luật của Nhà nước... nhằm xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh mỗi cá nhân, tập thể vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đề nghị các thành viên của Ủy ban cho ý kiến về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những định hướng cơ bản về tổ chức, phương thức hoạt động của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp và các định chế quan trọng về: Chủ tịch nước, Viện Kiểm sát, Tòa án, Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt có cơ chế bảo vệ Hiến pháp. 

Về hình thức, tại phiên họp lần này, Ủy ban cũng sẽ cho ý kiến về thiết kế bố cục, chương, điều của Hiến pháp sao cho phù hợp, có tính ổn định, lâu dài, tương xứng với vai trò, vị trí là đạo luật cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết sau khi lấy ý kiến các thành viên trong ủy ban, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến về cách thức, thời gian công bố rộng rãi và thu thập ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân./.