Bắc Giang xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh

Thân Minh Quế ThS, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Thế, tỉnh Bắc Giang
17:27, ngày 15-02-2012
TCCS - Bắc Giang là tỉnh miền núi, có 9 huyện và một thành phố; 230 xã, phường, thị trấn. Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc; 840 tổ chức cơ sở đảng (509 chi bộ, 331 đảng bộ), 3.920 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Toàn tỉnh có 65.301 đảng viên, trong đó: đảng viên ở xã, phường, thị trấn là 51.317 người (78,6%); cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là 7.271 người (11,1%); lực lượng vũ trang là 2.180 người (3,3%); doanh nghiệp, hợp tác xã là 3.954 (6,1%); cơ sở khác là 579 người (0,9%). 
Thực trạng tổ chức cơ sở đảng - những vấn đề đặt ra

Đánh giá về công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2010 - 2015) nêu rõ: "Công tác tổ chức xây dựng Đảng đã có sự tiến bộ nhất định: Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi có chuyển biến, nâng cao hơn chất lượng; phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng đối với hệ thống chính trị ở cơ sở có bước đổi mới phù hợp, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức đảng ở khu vực doanh nghiệp có sự phát triển khá hơn; công tác đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng, đảng viên từng bước nâng cao chất lượng, sát thực chất hơn; nhiều chi bộ đã quan tâm hơn tới việc tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên và tăng cường quản lý, rèn luyện đội ngũ đảng viên ở cả nơi công tác và cư trú; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện có nền nếp hơn, góp phần giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, hạn chế sai phạm". Tuy vậy, trong công tác xây dựng tổ chức đảng còn không ít vấn đề nóng bỏng đặt ra:

Về chính trị, tư tưởng 

Nhiều tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) chưa làm tốt công tác nghiên cứu, học tập lý luận chính trị. Việc học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa thực sự sâu sắc, còn có biểu hiện mang tính hình thức, đại khái. Vì vậy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng còn hạn chế, dẫn đến lập trường bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, khi gặp khó khăn, vướng mắc thường thiếu niềm tin vào tổ chức; và lúc gặp những biểu hiện sai trái, tham nhũng, tiêu cực thì không dám đấu tranh. Việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở một số nơi đạt hiệu quả còn thấp.
 
Về mô hình tổ chức

Hiện nay, mô hình tổ chức cơ sở đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp ở các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; có địa phương tổ chức mô hình chi bộ cơ sở tương ứng với từng cơ quan cấp huyện, có nơi thành lập đảng bộ hoặc chi bộ cơ sở theo khối các cơ quan đảng, đoàn thể, khối các cơ quan, đơn vị thuộc ủy ban nhân dân (UBND), khối các doanh nghiệp; hoặc thành lập đảng bộ, chi bộ cơ sở hỗn hợp, ghép nhiều cơ quan với nhau. 

Việc phân công phân cấp quản lý các TCCSĐ giữa các huyện ủy, thành ủy với đảng ủy các cơ quan tỉnh có điểm chưa hợp lý. Một số TCCSĐ đơn vị sự nghiệp, thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi toàn tỉnh, hiện đang trực thuộc đảng bộ huyện, thành phố; có đơn vị thuộc UBND tỉnh, nhưng đảng bộ đơn vị lại trực thuộc đảng bộ cấp huyện (Trường Đại học Nông - Lâm, Trường Cao đẳng Sư phạm; Bệnh viện đa khoa tỉnh...). Việc bố trí này tuy thuận tiện trong quan hệ phối hợp với địa phương, nhưng gặp khó khăn trong việc định hướng, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cấp trên. Mối quan hệ giữa Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh với cấp ủy (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) trong việc quản lý, xây dựng, phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Số lượng công nhân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, nhưng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp chưa phát triển tương xứng.

Hoạt động của mô hình chi bộ cơ quan cấp xã ở một số nơi kém hiệu quả, đảng viên không sinh hoạt ở nơi cư trú, do vậy không nắm bắt kịp thời tình hình cơ sở, dẫn đến tình trạng quan liêu, xa dân. Số chi bộ sinh hoạt ghép ở nông thôn còn nhiều (hiện toàn tỉnh còn 143 chi bộ sinh hoạt ghép, trong đó có 27 chi bộ ghép từ 3 đơn vị trở lên). Khi chia tách các chi bộ sinh hoạt ghép thì chỉ mới quan tâm đến số lượng, chưa thực sự coi trọng chất lượng, có trường hợp chi bộ sau khi chia tách, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu lại bị suy giảm. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức đảng ở nhiều nơi chưa thực chất, còn biểu hiện nể nang; nhiều TCCSĐ đạt trong sạch, vững mạnh, nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị chưa cao. 

Chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế

Nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ nông thôn chậm đổi mới; chưa chú trọng làm tốt việc sinh hoạt theo chuyên đề; kỹ năng điều hành, chủ trì cuộc họp của đồng chí bí thư chi bộ còn yếu, chưa chuẩn bị tốt nội dung sinh hoạt, phần nhiều vẫn chỉ mang tính thụ động triển khai các nội dung theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên; ý thức, tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong việc tham gia ý kiến ở các buổi sinh hoạt chi bộ chưa cao. Nhiều chi bộ ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang khi tổ chức sinh hoạt, đảng viên ngại phát biểu, hoặc phát biểu lựa theo ý của lãnh đạo, né tránh những ý kiến trái chiều, có tính phản biện. Các chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, tổ chức sinh hoạt thiếu nền nếp, nội dung sơ sài, thực hiện các nguyên tắc trong tổ chức sinh hoạt đảng thiếu nghiêm túc. Những nơi chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên hoặc là đảng viên nhưng không tham gia cấp ủy, tổ chức đảng ở đó hoạt động gặp nhiều khó khăn, vai trò lãnh đạo của chi bộ mờ nhạt.

Về công tác phát triển đảng viên và đánh giá, phân loại đảng viên 

Ở địa bàn nông thôn, đa số thanh niên ưu tú, có phẩm chất, năng lực đều thoát ly đi học hoặc đi công tác, đi làm ăn xa nên thiếu nguồn kết nạp; nhiều đảng bộ cấp xã chỉ còn trông vào nguồn giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông để xem xét kết nạp vào Đảng cho hoàn thành kế hoạch trên giao. Ở khu vực doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng, hoặc có nhưng sự phối hợp giữa tổ chức đảng, đoàn thể trong việc phát động các phong trào quần chúng còn hạn chế, vì vậy công tác kết nạp người vào Đảng gặp nhiều khó khăn.

Công tác đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm ở một số TCCSĐ chưa phản ánh đúng thực chất; tự phê bình và phê bình còn yếu. Việc nắm diễn biến tư tưởng của đảng viên, quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên còn hạn chế, nhất là đối với đảng viên đi làm ăn xa (toàn tỉnh có 3.491 đảng viên). Số đảng viên xin ra khỏi Đảng có xu hướng tăng (năm 2010 toàn Đảng bộ tỉnh xóa tên 103 đảng viên, chấp thuận 58 đảng viên xin ra khỏi Đảng). Tỷ lệ đảng viên được phân công nhiệm vụ chỉ đạt 69,1%; đảng viên miễn sinh hoạt chiếm 11,6%; đảng viên hưu trí chiếm 22%. Việc thực hiện Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về đảng viên giữ mối liên hệ với nơi cư trú còn hạn chế, hiệu quả không cao. 

Về công tác kiểm tra, giám sát

Việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; nhiều cán bộ cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp cơ sở chưa nắm chắc nghiệp vụ nên còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát; nhiều nơi chưa chủ động nắm tình hình để tổ chức các cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, vì vậy công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý kịp thời đảng viên vi phạm. 

Về công tác vận động quần chúng 

Ở một số nơi cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến vị trí, vai trò và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Việc tìm hiểu, lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của quần chúng đối với đảng viên và tổ chức đảng thông qua việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở còn chưa được chú trọng. Nhiều TCCSĐ tỏ ra thờ ơ trước tình trạng đoàn thể có chiều hướng hoạt động nặng về hành chính hóa, không gắn chặt với những chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Một số tổ chức đoàn thể ở nông thôn có tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên thấp (chỉ khoảng 48,7% số thanh niên trong độ tuổi vào Đoàn), sinh hoạt chi đoàn, chi hội không thường xuyên, nội dung sinh hoạt không hấp dẫn, chưa thiết thực, hình thức tập hợp chậm đổi mới, nên chưa thu hút được đa số đoàn viên, hội viên tham gia. 

Tiếp tục xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra yêu cầu là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, làm cho tổ chức đảng ở cơ sở vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc xảy ra ở cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Đề án số 02- ĐA/TU để cụ thể hóa chủ trương trên, trong đó đề ra 4 mục tiêu, 5 giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. 

Để thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án, theo chúng tôi, cần giải quyết tốt mấy vấn đề sau:

Một là, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đạo sâu sát việc thực hiện quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xem xét kết nạp lại vào Đảng những quần chúng đã vi phạm các quy định của Đảng trước đây, nếu những quần chúng này phấn đấu tốt, được nhân dân tín nhiệm và có đủ các điều kiện khác.

Hai là, cần kíp quy định cụ thể về định biên cán bộ giúp việc đảng ủy cơ sở ở xã, phường, thị trấn; công chức hóa đội ngũ cán bộ này, tạo điều kiện để họ được hưởng các quyền lợi theo Luật Công chức, từ đó tự giác học tập nghiên cứu, hăng say công tác, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo chặt chẽ việc thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy: “trong nhiệm kỳ, phấn đấu tuyển chọn cho mỗi xã, phường, thị trấn ít nhất từ 1 đến 2 cán bộ trẻ được đào tạo đại học chính quy, có chuyên ngành phù hợp làm cán bộ, công chức cấp xã, khi khuyết vị trí trong biên chế. Nghiên cứu, vận dụng hình thức xét tuyển khi tuyển dụng (trừ địa bàn thành phố Bắc Giang và các thị trấn). Cán bộ được tuyển dụng vào đơn vị nào phải ổn định công tác trong thời hạn ít nhất 5 năm”.

Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia tích cực vào công tác xây dựng Đảng, nhất là việc góp ý kiến, phê bình cho cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Có quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin, chế độ tiếp thu và trả lời ý kiến đóng góp, nguyện vọng hoặc khiếu nại, tố cáo của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường huy động các nguồn vốn nhằm hỗ trợ các xã miền núi để kiên cố hóa trụ sở làm việc của đảng ủy, hội đồng nhân dân xã, ủy ban nhân dân xã./.