Ngày 31-1, các nhà lãnh đạo Liên hợp quốc và các nhân vật hàng đầu thế giới đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh và xã hội dân sự trên thế giới hành động phối hợp và táo bạo để biến phát triển bền vững thành thực tế.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser nhấn mạnh, cải tổ các thể chế môi trường là nhu cầu để các nước có thể phát triển bền vững, vì phát triển bền vững phụ thuộc vào hiệu quả của khuôn khổ thể chế mới này với các cơ chế được đổi mới và quá trình hoạch định chính sách ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Để biến phát triển bền vững thành hiện thực, cần tầm nhìn dài hạn cũng như quyết tâm của các nước thành viên Liên hợp quốc gìn giữ hành tinh lành mạnh cho các thế hệ tương lai.


Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, thế giới đang trải qua sự thịnh vượng chưa từng thấy, trong khi hành tinh cũng đang trải qua tình trạng căng thẳng nhất từ trước đến nay. Mô hình phát triển hiện nay không dẫn đến một tương lai công bằng và năng động cho nhân loại.


Nhu cầu hòa nhập các nhân tố kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển để hiện thực hóa phát triển bền vững đã được xác định rõ ràng từ một phần tư thế kỷ qua. Vì vậy, thế giới cần hành động theo một lộ trình "xanh" để xây dựng hành tinh bền vững, xã hội công bằng và nền kinh tế tăng trưởng.


Các nhân vật hàng đầu thế giới trong Ủy ban cấp cao cố vấn cho Liên hợp quốc về phát triển khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị cấp cao về Trái Đất năm 1992 ở Rio de Janeiro về mô hình phát triển bền vững gồm 3 trụ cột là tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường cho đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.


Khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên, trong khi các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững đang tạo ra những nhu cầu quá mức về các nguồn tài nguyên có hạn của hành tinh. Nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà không làm hài hòa các nhân tố thiết yếu như công bằng xã hội và môi trường trong một đường lối bền vững hơn, thế giới đương đại sẽ trở nên nguy hiểm và bị phân cực hơn đối với các thế hệ tương lai.


Các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu cũng có trách nhiệm lớn đối với con đường phát triển không bền vững hiện nay, vì vậy, cần trở thành động lực mạnh thúc đẩy thay đổi và đổi mới, phát triển mô hình sản xuất và tiêu dùng mới và bền vững./.