Nền kinh tế châu Á trước thềm năm mới 2012
Những thách thức lớn
Phải nhìn nhận rằng, năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với các nền kinh tế châu Á, đúng như nhận định của tạp chí “The Economist” đưa ra trước thềm năm mới này. Theo đó, hàn thử biểu kinh tế châu Á phụ thuộc chính vào sự tăng trưởng giảm xuống của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu sức ì của cuộc khủng hoảng kinh tế mà đầu tàu là nền kinh tế Mỹ vẫn ì ạch trên đà hồi phục, cộng với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu chưa thấy đâu hồi kết có hậu, kinh tế châu Á rõ ràng là cũng khó đạt được mức tăng trưởng dự báo 6,4% trong năm 2012. Đó là chưa nói đến một kịch bản còn bi đát hơn: nếu kinh tế toàn cầu rơi trở lại vào suy thoái, kinh tế châu Á đương nhiên sẽ chịu những tác động nghiêm trọng.
Phân tích các chính sách kinh tế cũng như việc chuyển giao quyền lực (sự thay đổi lãnh đạo cấp cao) tại Trung Quốc vào cuối năm 2012, có thể dự báo rằng, điều đó sẽ tác động nhiều tới đời sống kinh tế thế giới, chứ không riêng gì châu Á, nơi triển vọng phát triển kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này nhiều khả năng sẽ thực hiện các biện pháp nhằm kích thích kinh tế và bù vào những tổn thất của tình trạng xuất khẩu giảm, song lại không dám mạnh tay do lo ngại lạm phát và giá cả tăng cao. Hiện mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2012 là 8,2%.
Các nền kinh tế châu Á trong năm 2012 cũng phải đối mặt với một thách thức khác mà không thể xem nhẹ. Thách thức này liên quan đến nguy cơ gia tăng những sai lầm về chính sách, cũng bắt nguồn từ sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, gây áp lực giảm chi phí đi vay lên một số nhà hoạch định chính sách hay quản lý, điều hành ở những nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao. Tại Ấn Độ, Ngân hàng Trung ương nước này tuy đã tạm dừng tăng lãi suất, song lạm phát cũng đã ở mức trên 9%. Trong khi đó, giá cả ở Trung Quốc hằng tháng đều tăng quá mục tiêu 4% mà Chính phủ nước này đề ra. Các quốc gia châu Á khác, từ Thái Lan tới Inđônêxia và Malaixia đều đã phải giảm hoặc giữ nguyên lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế trước những tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo dài. Thế nhưng nguy cơ lạm phát làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng vẫn tiếp tục đeo bám các quốc gia châu Á, trong khi các nền kinh tế khu vực này lại phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 9-2011 đã dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong năm 2012, thấp hơn so với mức tăng 7,5% của năm 2011. Điều này có nghĩa là triển vọng thương mại khu vực châu Á cũng kém khả quan hơn trong năm 2012. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo các nền kinh tế mới nổi ở Đông Á có thể tăng trưởng 7,2% trong năm 2012, thấp hơn mức tăng 7,5% của năm 2011.
Tiếp tục đối phó với nguy cơ lạm phát
Không thể lơ là, các quốc gia châu Á đang mạnh tay áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát. Inđônêxia đã cắt giảm chi phí đi vay 0,75% trong tháng 10 và tháng 11-2011 xuống mức thấp kỷ lục ngay cả khi nền kinh tế này đã tăng trên 6% trong quý thứ 4 liên tiếp. Ấn Độ cũng thắt chặt tiền tệ trong tháng 12-2011 sau khi tăng lãi suất với một tốc độ kỷ lục. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên đã cắt giảm lượng tiền mặt trong tháng 11-2011, sau khi lạm phát giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng qua. Trung Quốc cũng đang khẩn trương chuẩn bị cho khả năng lạm phát tăng trở lại trong năm 2012.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách châu Á đã cho phép đồng tiền của họ giảm giá trong năm 2011 để bảo vệ xuất khẩu. Đồng rupi Ấn Độ đã bị mất giá khoảng 16%, tiếp theo là đồng bạt Thái Lan và đồng đôla Đài Loan. Xri Lanka cũng đã phá giá đồng tiền của mình trong tháng 11-2011. Ngân hàng Trung ương Inđônêxia (BNI) cũng cho biết, sẽ tăng cường “can thiệp” để hỗ trợ đồng nội tệ rupiah nhằm giảm nguy cơ “tổn thương” đối với tài sản quốc gia.
Nhìn chung, các quốc gia châu Á đang hết sức cảnh giác trước những dự báo không mấy lạc quan rằng, châu Á sẽ tiếp tục phải thận trọng hơn về lạm phát, nó sẽ leo thang trong năm 2012, nhất là tại những thị trường như Xingapo, Malaixia hay Hàn Quốc.
Những triển vọng khả quan
Tuy nhiên, bất chấp những biến động kinh tế - chính trị mà thế giới đang phải đối mặt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng được dự báo là 5,3% so với 4,5% trong năm 2011. Dự báo này dựa trên kịch bản được Công ty Phân tích Kinh tế và Tài chính IHS Global Insight đưa ra, theo đó, khu vực đồng euro sẽ chỉ bị suy thoái nhẹ trong năm 2012, với tổng sản phẩm quốc nội khu vực giảm 0,7%, trong khi Mỹ tăng trưởng nhẹ - ở mức 2%.
Sự gia tăng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại trong khu vực châu Á sẽ giúp cân bằng tác động của sự suy giảm nhu cầu ở các nước khu vực đồng euro, vốn đang bị suy thoái. Có ba nhân tố chủ chốt làm nên sự “dẻo dai” trong tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đó là: kinh tế Mỹ tiếp tục đà phục hồi (tuy không rõ rệt) trong năm 2012; Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể sẽ “hạ cánh mềm” trong năm 2012, với tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ, còn 8,2%, chứ không bị suy giảm nặng nề như nhiều người lo sợ; kinh tế Nhật Bản được trông đợi sẽ phục hồi chút ít vào năm 2012, do sản xuất công nghiệp sẽ trở lại bình thường và gói kích thích tài chính phát huy tác dụng khi quá trình tái thiết sau thảm họa (động đất và sóng thần) tăng tốc. Sản xuất công nghiệp của Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng 9,5% trong năm 2012 sau khi đã giảm 2,8% trong năm 2011. Sự phục hồi tăng trưởng của Nhật Bản cũng được dự báo là nhân tố quan trọng giúp giảm nhẹ tác động của sự suy thoái trong khu vực đồng euro.
Mặc dù các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có sự thích nghi tốt trong các hoàn cảnh khó khăn, song những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều hơn ở Đông Á như Xingapo, Malaixia và Hồng Công được dự đoán tăng trưởng sẽ giảm nhẹ do nhu cầu sụt giảm ở khu vực đồng euro. Cơ hội tăng trưởng của Ấn Độ cũng đang yếu đi do tác động của 13 lần tăng lãi suất kể từ tháng 3-2010, khi Ngân hàng Trung ương nước này phải đối phó với áp lực lạm phát kéo dài. Tuy nhiên, ở những quốc gia khác trong khu vực, áp lực lạm phát đang giảm bớt. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc, Malaixia, Inđônêxia và Việt Nam là những quốc gia có chỉ số lạm phát giảm.
Một năm đầy thách thức đối với kinh tế Việt Nam
Là một quốc gia châu Á, nền kinh tế Việt Nam cũng không có kịch bản ngoại lệ nào. Trong thời gian qua, kinh tế nước ta buộc phải đối đầu với rất nhiều khó khăn và bộc lộ những yếu kém nhất định. Năm 2012 thực sự sẽ là một năm đầy thử thách đối với kinh tế Việt Nam. Có thể nói, trong năm qua, lạm phát là vấn đề gay go nhất mà Việt Nam phải đối phó. Chính phủ Việt Nam ban đầu đề ra chỉ tiêu kiềm chế lạm phát năm 2011 ở mức 7%, sau đó đã điều chỉnh lên 17%, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được chỉ tiêu này, vì tỷ lệ lạm phát lên đến gần 18,6%, mức cao nhất châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số lạm phát của Việt Nam đứng ở mức hai con số (năm 2010, tỷ lệ này là 11,8%).
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn nhất định do ảnh hưởng chung từ cuộc khủng khoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã thành công trong việc giảm thâm hụt mậu dịch - năm 2011, chỉ số này đã giảm mạnh, xuống còn 9,5 tỉ USD, mức thấp nhất từ một thập niên qua. Có được kết quả khả quan này là nhờ Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, giảm chi tiêu công và hạn chế nhập khẩu xa xỉ phẩm.
Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, mức tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trong những năm qua cao, lãi suất cho vay cũng tăng, trong khi đó năng lực quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng tương đối yếu. Cho nên, một trong những việc cấp bách đối với Việt Nam trong năm 2012 này là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. WB cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có sự ổn định quan trọng, nhưng sự ổn định này còn mong manh. Để có thể quay lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng tạo đà tăng trưởng trong trung hạn, Việt Nam cần giảm thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu, bao gồm cả việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính. Trong dài hạn, để có thể duy trì được vị thế là một điểm đến thực sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Việt Nam phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện, giao thông và kho cảng - những lĩnh vực mà các nhà đầu tư thường cho là những trở ngại chính.
Hy vọng, cùng với thế giới, năm 2012 sẽ mang đến cho kinh tế Việt Nam những điểm sáng mới./.
Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội – quan điểm nhất quán của Đảng ta  (23/01/2012)
Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở  (23/01/2012)
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về kết cấu hạ tầng  (22/01/2012)
“Đồng thuận đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”  (22/01/2012)
“Đồng thuận đưa nghị quyết Đảng vào cuộc sống”  (22/01/2012)
CPI tháng 1 chỉ tăng 1% nhờ giá thực phẩm hợp lý  (22/01/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay