TCCSĐT - Chiều ngày 09-01-2012, Ủy ban nhân dân huyện (UBND) Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng tổ chức giới thiệu sách “Kỷ yếu Hoàng Sa”. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Đà Nẵng, các trí thức, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương và các nhân chứng đã từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19-01-1974.

 


Đồng chí Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, chủ biên sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" cho biết: Với mong muốn góp phần bảo vệ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, thời gian qua, UBND huyện đã cố gắng sưu tầm tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý, lưu lại hình ảnh và ký ức của những người đã từng giữ đảo trước ngày 19-01-1974, đồng thời được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành; các bộ, ban, ngành Trung ương; cùng các tổ chức, cá nhân và Hội đồng thẩm định Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay sách “Kỷ yếu Hoàng Sa” được xuất bản. Sách gồm 212 trang, chia làm 4 phần chính, bao gồm: (1)Hoàng Sa chủ quyền Việt Nam; (2)Công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa; (3)Huyện Hoàng Sa và những nhân chứng lịch sử; (4)Cảm nghĩ của người Đà Nẵng về Hoàng Sa. Có thể nói, bên cạnh giới thiệu các tư liệu lịch sử, chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, “Kỷ yếu Hoàng Sa” còn là những dòng ký ức của những người đã từng sống, làm nhiệm vụ giữ đảo, bảo vệ biên cương. Đó là những gì họ tận mắt chứng kiến, từng tham gia, với bao kỷ niệm vui buồn trong những ngày sống ở đảo, và cả những dòng tự sự về Hoàng Sa, về tổ quốc thiêng liêng… Kỷ yếu cũng đề cập đến một số hoạt động tại các địa phương và nhân dân cả nước có liên quan tới việc sưu tầm tài liệu, hiện vật minh chứng quá trình xác lập chủ quyền của Việt nam đối với quần đảo Hoàng sa, lịch sử của công tác quản lý nhà nước đối với quần đảo này...

 


Cũng tại buổi giới thiệu sách “Ký ức Hoàng Sa”, những người tham dự còn được nghe ý kiến đầy cảm động của ông Nguyễn Văn Cúc, đại diện nhân chứng đã từng sống, làm việc trên đảo và đồng chí Bùi Văn Tiếng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, đại diện cho giới trí thức, nghiên cứu gửi gắm những ước nguyện cho tuổi trẻ hôm nay và niềm tin mãnh liệt vào tương lai ngày Hoàng sa trở về với đất mẹ; mong muốn góp tiếng nói chân thực, sống động vào hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo nói chung và tuyên truyền đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nói riêng./.