Đằng sau cuộc xung đột ở Li-băng

Lê Thùy Dương
17:01, ngày 16-05-2008

Sau cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” kéo dài 15 năm, từ năm 1975 đến năm 1989, đất nước Li-băng lại bị cuốn hút vào vòng xoáy một cuộc xung đột vũ trang khá trầm trọng, bùng phát từ ngày 07-05-2008. Mọi chuyện bắt đầu từ thời điểm Liên đoàn Lao động Li-băng tổ chức cuộc tổng đình công đòi cải thiện dân sinh. Mượn gió bẻ măng, phe đối lập ở Li-băng với lực lượng chủ yếu là Héc-bô-la (Hezbullah) tổ chức lực lượng quần chúng do họ kiểm soát gây bạo động vũ trang tại thủ đô Bây-rút (Beirut) với lý do là Chính phủ Li-băng dưới quyền kiểm soát của lực lượng chống Xi-ri đã thông qua "hai quyết định phi lý" làm tổn hại đến lợi ích của Héc-bô-la. Một là, quyết định coi hệ thống điện thoại hữu tuyến của Héc-bô-la xây dựng tại Bây-rút là "bất hợp pháp". Hai là, cách chức Tư lệnh sân bay Bây-rút của một viên tướng thuộc dòng Xi-a (Shia) khi ông ta dám trái lệnh của Chỉnh phủ Li-băng yêu cầu dẹp bỏ hệ thống camera do Héc-bô-la lắp đặt để kiểm soát các hoạt động tại sân bay quốc tế của thủ đô.
 
Lực lượng an ninh của Chính phủ đã phong toả nhiều khu vực ở thủ đô để tránh nguy cơ leo thang xung đột và bạo lực. Những người ủng hộ Héc-bô-la đã chặn tuyến đường chính dẫn ra sân bay quốc tế của thủ đô, buộc 32 chuyến bay bị chậm giờ bay hoặc bị hủy. Đất nước Li-băng lại một lần nữa lâm vào khủng hoảng chính trị nội bộ do tranh giành quyền lực giữa các thế lực được phương Tây ủng hộ với phe đối lập thân Xi-ri được Héc-bô-la hậu thuẫn. Đây là vụ bạo loạn nội bộ tồi tệ nhất tại Li-băng kể từ sau cuộc nội chiến kéo dài 15 năm trước đây. 4 ngày giao tranh trên đường phố thủ đô đã làm 24 người thiệt mạng. Trên thực tế, lực lượng Héc-bô-la đã giành quyền kiểm soá́t hầu hết khu Tây Bây-rút.

Chính trường Li-băng lâu nay luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột bởi ở quốc gia này có hai thế lực theo đuổi các mục tiêu chính trị khác nhau. Một bên là lực lượng thiểu số thân Xi-ri, được Héc-bô-la ủng hộ. Bên kia là lực lượng chiếm đa số có xu hướng chống Xi-ri được phương Tây hậu thuẫn. Cuộc xung đột nội bộ ở Li-băng lần này chứng tỏ các lực lượng chống Xi-ri trong Chính phủ Li-băng tuy chiếm đa số và có vị thế hợp pháp, được quốc tế công nhận và ủng hộ, nhưng trên thực tế không thể kiểm soát được lực lượng quân sự và an ninh vốn được coi là "các lực lượng trung lập". Tuy đa số nghị sỹ Quốc hội thuộc phái chống Xi-ri trong Chính phủ Li-băng nhưng Chủ tịch Quốc hội lại là người của phe đối lập và có quyền không triệu tập họp Quốc hội. Do đó, Quốc hội Li-băng trên thực tế không hoạt động từ hơn một năm nay. Trong khi đó, phe đối lập do Héc-bô-la làm trụ cột có trong tay một lực lượng vũ trang khá chính qui, được trang bị vũ khí tương đối hiện đại, có sức chiến đấu vượt trội so với lực lượng quân sự do Chính phủ kiểm soát và ngày càng chứng tỏ họ có thế mạnh quân sự áp đảo ở Li-băng. Chính lực lượng vũ trang của Héc-bô-la ở Li-băng đã từng chiến thắng đội quân hùng mạnh của I-xra-en trong Cuộc chiến tranh Li-lăng vào cuối năm 2006. Vì thế, dư luận ở Trung Đông nhận xét, ở Li-băng hiện nay đang tồn tại "hai nhà nước trong một quốc gia". Đến nay, tổ chức Héc-bô-la vẫn chưa chịu giải giáp vũ trang đối với lực lượng của họ theo yêu cầu nêu ra trong Nghị quyết số 1559 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được thông qua sau cuộc chiến tranh Li-băng năm 2006 vì họ khẳng định rằng vũ khí của họ chỉ là để "chống lại ách chiếm đóng của I-xra-en".

Ngày 14-05-2008, sau cuộc họp bất thường của nội các, Chính phủ Li-băng ra tuyên bố hủy bỏ hai quyết định nêu trên và nói rằng, việc hủy bỏ hai quyết định liên quan đến phe đối lập được thực hiện thể theo đề nghị của tướng Mi-sen Xu-lây-man (Mishel Suleiman), Tư lệnh Tham mưu trưởng quân đội Li-băng và xuất phát từ “các lợi ích quốc gia tối cao” của Li-băng. Có thể nói, đây là bước đi của Chính phủ Li-băng nhằm ổn định tình hình, lập lại trật tự và tránh một cuộc nội chiến có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Quyết định trên được Chính phủ Li-băng đưa ra ngay sau khi phái đoàn của Ủy ban đặc trách của các nước A-rập về giải quyết cuộc khủng hoảng Li-băng tới thủ đô Bây-rút bắt đầu thực hiện trọng trách của họ. Theo lịch trình, Ủy ban đặc trách do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ca-ta, ông Ha-mat Bin-gia-xim An Xa-ni (Hamad Binjasim Al Sany), dẫn đầu sẽ lần lượt có các cuộc gặp với Chủ tịch nghị viện Li-băng Na-bít Bê-ri (Nabih Bery), Thủ tướng Li-băng Pha-at Xi-ni-ô-ra (Fauad Siniora) và một số thủ lĩnh thuộc cả hai phe trung thành và đối lập với Chính phủ. Trong chương trình làm việc của Ủy ban đặc trách sẽ không có các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ với các chỉ huy cấp cao của Héc-bô-la.

Dư luận Trung Đông cho rằng, cuộc xung đột nội bộ hiện nay ở Li-băng dù có thể tạm thời lắng dịu do có sự nhượng bộ giữa các phe phái đi chăng nữa thì đó có thể chỉ là khoảng lặng trong một cơn bão lớn chưa có dấu hiệu ngưng hẳn. Lý do là, một bên xung đột gồm Héc-bô-la cùng với các thế lực gắn bó với tổ chức này trong Chính phủ Li-băng cũng là lực lượng thân Xi-ri-một quốc gia đã từng ký kết hiệp ước đồng minh chiến lược với I-ran ở Trung Đông. Còn bên kia là lực lượng chống Xi-ri chiếm đa số trong Chính phủ Li-băng được phương Tây ủng hộ và hậu thuẫn. Rút cuộc, "mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm": nguồn gốc sâu xa cuộc xung đột ở Li-băng chính là mâu thuẫn chưa được dàn xếp giữa Mỹ và I-ran. Báo "Asharq al-Awsat" số ra ngày 12-05-2008 đưa tin, trong khi cuộc xung đột ở Li-băng có nguy cơ leo thang, thì tuần dương hạm "USS Cole" của Mỹ được 5 chiến hạm khác hộ tống, từ biển Hồng Hải được lệnh vượt kênh đào Xuy-ê (Suez) tiến vào biển Địa Trung Hải vào ngày 11-05-2008. Chưa ai được biết hướng hành động của đoàn chiến hạm cực kỳ hiện đại này của Mỹ, nhưng tờ "Al-Jazeera" số ra ngày 12-05-2008 đưa tin, bà Côn-đô-li-za Rai-xơ (Condoleezza Rice), Ngoại trưởng Mỹ, tuyên bố rằng "USS Cole" trở lại biển Địa Trung Hải "để thể hiện khả năng sẵn sàng của Mỹ bảo vệ lợi ích của các đồng minh trong khu vực"./.