Sáng 19-12-2011, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực tham mưu, thẩm tra và giám sát chính sách kinh tế vĩ mô”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện UNDP tại Việt Nam; đại diện Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia; các chuyên gia, nhà nghiên cứu kinh tế; đại diện một số Viện nghiên cứu, Đại học, Học viện thuộc lĩnh vực kinh tế.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Giám đốc Dự án Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: Nội dung 3 nghiên cứu thuộc lĩnh vực tỷ giá hối đoái, lạm phát mục tiêu và vấn đề giám sát tài chính là những vấn đề nóng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam. Kết quả nghiên cứu sẽ là những cơ sở hữu ích tích cực đóng góp vào hoạt động chính sách tài chính, kinh tế của Chính phủ, Quốc hội và cũng là tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các Học viện, trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu của đất nước.

Báo cáo nghiên cứu “Tỷ giá hối đoái giai đoạn 2000-2011: Các nhân tố quyết định, mức độ sai lệch và tác động đối với xuất khẩu” do nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đưa ra những nghiên cứu về biến động gần đây của thị trường hối đoái và các thay đổi chính sách tương ứng; ước lượng tỷ giá hữu hiệu thực và xác định độ sai lệch của tỷ giá; mô hình kinh tế lượng về tác động của tý giá lên xuất khẩu và thảo luận các vấn đề chính sách trong việc quản lý tỷ giá ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tại Việt Nam và tỷ giá là một công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, việc sử dụng công cụ tỷ giá cần phải tính toán đến các yếu tố và mục tiêu khác trong nền kinh tế.

Đề tài “Lạm phát mục tiêu và hàm ý đối với khuôn khổ chính sách tiền tệ ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Việt Nam thực hiện đã tập trung nghiên cứu cơ chế chính sách tiền tệ giai đoạn 2000-2010 tại Việt Nam; kinh nghiệm các nước, các điều kiện để áp dụng thành công chính sách lạm phát mục tiêu và đánh giá khả năng áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu ở Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy, các nước áp dụng khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu có kết quả hoạt động kinh tế vĩ mô tốt hơn so với trước khi áp dụng cơ chế này, đồng thời gia tăng khả năng đối phó với khủng hoảng tài chính, kinh tế. Tuy nhiên, việc chuyển sang áp dụng cơ chế lạm phát mục tiêu hoàn toàn tại Việt Nam là chưa thích hợp trong thời điểm này, vì chưa hội đủ các yếu tố cần thiết, nhưng cơ chế chính sách lạm phát mục tiêu có thể và nên trở thành tầm nhìn chiến lược của chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Đề tài “Các chỉ tiêu giám sát tài chính” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW thực hiện đã tập trung nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn ban đầu ở Việt Nam về bộ chỉ tiêu giám sát tài chính; mô hình định lượng phục vụ giám sát an toàn tài chính vĩ mô và vi mô; các quy chuẩn và chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính; mô hình giám sát toàn bộ hệ thống tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030. Kết quả nghiên cứu khẳng định việc củng cố, hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính hợp nhất ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng một bộ tiêu chí phục vụ cho việc giám sát hợp nhất thị trường tài chính dựa trên các tiêu chí giám sát tài chính hiện đang được áp dụng dụng tại nhiều nước trên thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ là một trong những cơ sở quan trọng trợ giúp hoạt động các cơ quan giám sát an toàn tài chính tại Việt Nam, đặc biệt cơ quan giám sát hợp nhất có thể triển khai vận hành hệ thống giám sát và cảnh báo an toàn tài chính có hiệu quả trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo nghe các báo cáo nghiên cứu được công bố; đi sâu thảo luận về những vấn đề còn ý kiến chưa đồng thuận và góp ý biện pháp chuyển tải nội dung kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, trở thành cơ sở lý luận và tài liệu bổ trợ cho những nhà hoạch định chính sách tài chính, kinh tế Việt Nam. Các nhóm nghiên cứu sẽ tổng hợp ý kiến tại Hội thảo để bổ sung, hoàn thiện báo cáo kết quả nghiên cứu trước khi đưa ra phát hành chính thức./.