Kiên Giang tập trung khai thác, phát triển du lịch biển, đảo
Vùng ven biển và hệ thống đảo, quần đảo của Kiên Giang có hệ sinh thái phong phú, đa dạng như hệ sinh thái thảm cỏ biển có diện tích 6.825ha (trong đó vùng lõi diện tích là 2.195ha), rạn san hô có diện tích 9.720ha (trong đó vùng lõi là 758ha ở khu vực biển thuộc đảo Phú Quốc, Nam Du và Thổ Châu). Với độ sâu trung bình 25m - 30m, ít sóng lớn và gần như không có sóng ngầm, vùng biển Kiên Giang là môi trường thuận lợi cho nhiều loài hải sản sinh sống và phát triển quanh năm, tạo ra nguồn sinh cảnh biển rất đa dạng và hấp dẫn. Nơi đây còn có nhiều loài sinh vật biển quý hiếm khác như: cá ông sư, cá heo lưng gù, cá heo mõm dài, cá heo sọc, rùa biển... Tài nguyên biển còn có rừng ngập mặn, núi và hang động. Hệ sinh thái biển Kiên Giang là một trong ba vùng thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận.
Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất và đông dân nhất Việt Nam, với nhiều bãi biển cát mịn, nước trong xanh, còn giữ nguyên vẻ hoang sơ như: Bãi Sao, Bãi Kem, Bãi Trường, Gành Dầu, Rạch Tràm, Rạch Vẹm… Ở những bãi biển này, có thể tắm biển gần như quanh năm. Ngoài Vườn quốc gia Phú Quốc nổi tiếng (nơi sinh sống của 429 loài thực vật, 144 loài động vật), nơi đây còn có nhiều sản vật địa phương nổi tiếng như: nước mắm, ngọc trai, hồ tiêu, rượu sim...
Huyện đảo Kiên Hải nằm cách thành phố Rạch Giá khoảng 30km, có 23 hòn đảo lớn nhỏ. Ở đây cũng có nhiều bãi biển đẹp như: Bãi Chén, Bãi Bấc, Bãi Bàng, Bãi Nhà, Động Dừa, Đuôi Hà Bá... Ở thị xã Hà Tiên, có bãi Mũi Nai, quần đảo Hải Tặc; ở huyện Kiên Lương, có quần đảo Bà Lụa, Hòn Rễ Lớn, Hòn Kiến Vàng…
Ngoài cảnh quan đẹp, vùng biển, đảo ở Kiên Giang còn nổi tiếng và thu hút nhiều du khách vì có nhiều loại thực phẩm ngon được chế biến từ hải sản như cua, ghẹ, tôm tích, hàu nướng, cá trích, cá nhám… Đây là những điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để Kiên Giang đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ bình dân đến cao cấp…
Sức hút từ biển, đảo
Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5 - 10 - 2004, phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020; Quyết định số 01/2007/QĐ-TTg, ngày 8-01-2007, về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2006 - 2010 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia trong khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước), nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo việc tăng cường đánh bắt gắn với bảo vệ tốt nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển, bảo đảm phát triển kinh tế du lịch ổn định và bền vững.
Những năm gần đây, tỉnh ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, đặc biệt là các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, tập trung chủ yếu ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và một số xã đảo ở Hà Tiên, Kiên Lương. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có ít nhất 220 dự án đầu tư du lịch với quy mô 8.910ha, vốn đầu tư 64.214 tỉ đồng; trong đó, có 64 dự án đã được cấp phép đầu tư với quy mô 3.582ha, vốn đầu tư 32.939 tỉ đồng.
Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời, đảo Phú Quốc đang được đầu tư phát triển để đến năm 2020 sẽ có đồng bộ hệ thống sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, điện lưới quốc gia, hoàn chỉnh các trục đường chính trên đảo và các hạng mục hạ tầng du lịch khác, đủ năng lực đón hai triệu khách du lịch/năm. Ngoài ra, Phú Quốc đang hướng đến trở thành trung tâm giao thương quốc tế trong vùng Vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc phát triển tạo ra động lực để thúc đẩy những đảo thuộc quần đảo An Thới, Thổ Châu, Bà Lụa, Nam Du, Hải Tặc… phát triển theo. Chuỗi đảo vệ tinh trên vùng biển Kiên Giang phát triển càng làm tăng thêm vẻ phong phú về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, sắc thái văn hoá hỗ trợ phát triển mạnh du lịch biển, đảo.
Ngày 9-12-2007, chuyến tàu khảo sát du lịch chở 167 vị khách quốc tế đầu tiên nối kết Kiên Giang (Việt Nam) - Xi-ha-núc Vin (Cam-pu-chia) - Chan-tha-bu-ri (Thái Lan) khởi hành từ cảng Rạch Giá, mở màn cho chiến lược hợp tác liên quốc gia phát triển kinh tế du lịch biển. Gần đây nhất, sau thành công của Hội thảo Liên kết phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra tại Phú Quốc - Kiên Giang năm 2010, Lãnh sự quán Thái Lan đã có công văn đề nghị tỉnh Kiên Giang và các cơ quan hữu trách của Việt Nam xúc tiến nhanh việc hợp tác mở tua, tuyến du lịch đường biển từ Kiên Giang đến Thái Lan trong thời gian tới. Tua, tuyến du lịch liên quốc gia này mở ra một “cánh cửa mới” để Kiên Giang tiến nhanh trên đường hội nhập kinh tế từ con đường du lịch.
Trong năm 2009, du lịch Kiên Giang đón 3.853.795 lượt khách trong và ngoài nước, tăng 16% so với năm 2008, đạt doanh thu 465 tỉ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2010, du lịch Kiên Giang thu hút 2.682.189 lượt du khách, tăng 12,6 % so với cùng kỳ năm trước, đạt doanh thu 456 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện có 234 khách sạn, nhà nghỉ với trên 4.046 phòng; đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành du lịch trên 4.800 người.
Tuy đạt được một số thành quả đáng kể nhưng nhìn chung, hoạt động phát triển du lịch biển, đảo ở tỉnh Kiên Giang vẫn còn không ít hạn chế. Đó là:
- Quy hoạch chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các ngành ảnh hưởng đến phát triển du lịch, trong đó có du lịch biển đảo. Tài nguyên du lịch biển phong phú, đa dạng (ven bờ, dưới mặt biển, nhiều loài sinh vật biển quý hiếm…) nhưng chưa được quy hoạch, đầu tư, bảo tồn để khai thác hiệu quả, bền vững; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn và cao cấp.
- Việc cấp phép, cho chủ trương dự án đầu tư du lịch thời gian qua còn tràn lan, dàn trải, thiếu kiểm soát, quản lý; công tác quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ - du lịch còn nhiều bất cập. Công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, marketing, xây dựng thương hiệu du lịch biển, đảo Kiên Giang chưa mạnh mẽ; thiếu điều tra thị trường liên quan đến loại hình du lịch biển, đảo để làm cơ sở xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển dài hạn.
- Đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng lao động trực tiếp chưa qua đào tạo trong ngành du lịch chiếm tỷ lệ khá cao. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Chưa liên kết chặt chẽ và phân định rõ trách nhiệm với các tỉnh có biển, đảo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để phối hợp tổ chức tuyến, tua, loại hình du lịch biển, đảo mới lạ, hấp dẫn, nên còn tình trạng trùng lắp, kém hiệu quả.
Phấn đấu thành một trung tâm du lịch biển, đảo quốc gia và khu vực
Với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch ven biển, trên biển, trên hệ thống đảo, quần đảo và dưới đáy biển có hiệu quả và bền vững, Đảng bộ Kiên Giang xác định từ nay đến năm 2020 sẽ tập trung nguồn lực để quy hoạch, đầu tư xây dựng ba trung tâm phát triển du lịch biển, đảo ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, nâng cao giá trị khai thác nguồn tài nguyên sẵn có. Với lợi thế nằm trong hành lang kinh tế ven biển Tây, có trục tam giác Phú Quốc - Rạch Giá - Kiên Lương, Kiên Giang xác định lấy đảo Phú Quốc làm động lực để phát triển các vùng biển. Theo đó, tỉnh sẽ đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển, đảo theo hướng tổng hợp, trọng tâm là du lịch và dịch vụ. Tập trung xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao và trung tâm giao thương quốc tế. Nghiên cứu, điều tra, khảo sát, có kế hoạch phát triển các đảo nhỏ của tỉnh. Sau năm 2015, xây dựng Phú Quốc trở thành thành phố du lịch hiện đại.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Kiên Giang tiếp tục thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
- Ban hành các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư du lịch, đặc biệt là các dự án đầu tư ở vùng biển, ven biển, đảo, hải đảo và các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn. Công tác quy hoạch du lịch bảo đảm đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương tránh và khắc phục tình trạng quy hoạch nhỏ lẻ, manh mún. Gìn giữ một số bãi biển đẹp mang nét hoang sơ làm bãi tắm công cộng, nơi vui chơi nghỉ dưỡng cho người dân địa phương và du khách.
- Đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác tài nguyên du lịch biển hợp lý, hiệu quả, bền vững như giữ nguyên một số đảo nhỏ trong quần đảo An Thới - Phú Quốc đang có vài hộ dân định cư; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân sinh sống, trồng rừng, làm rẫy giữ đảo… Từ đó khai thác các tua du lịch tham quan, nghỉ chân, tìm hiểu cuộc sống của người dân trên các đảo này…
- Liên kết, mở rộng tua, tuyến du lịch biển với các tỉnh bạn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về kinh tế biển, đặc biệt là liên kết, mở rộng tua, tuyến du lịch với các tỉnh bạn và các nước trong khu vực như Cam-pu-chia, Thái Lan… bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch biển, ven biển, đảo và quần đảo của Phú Quốc nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.
- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thật sự có năng lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đảo Phú Quốc như hệ thống sân bay, bến cảng, đường giao thông, điện… Tuy nhiên, công tác quy hoạch nên chú trọng mật độ xây dựng, bảo đảm mật độ che phủ của rừng, có sự đánh giá tác động về môi trường từ các hoạt động của sân bay, bến cảng…
- Bảo tồn các làng nghề truyền thống ở các vùng ven biển như nuôi, trồng, đánh bắt thủy hải sản, chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống từ đá, vỏ ốc, vỏ sò và các vật liệu từ biển… nhằm tạo công ăn, việc làm, cải thiện đời sống cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển du lịch biển bền vững. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chuyển đổi công ăn việc làm phù hợp cho cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư tại các vùng biển, ven biển, đảo và hải đảo và các khu quy hoạch đầu tư du lịch, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, cũng như những lợi ích đem lại từ các hoạt động du lịch biển, đảo.
- Chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự cho du khách và người dân địa phương an tâm sinh sống, vui chơi, giải trí, nghỉ ngơi. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển thông qua các hình thức: tuyên truyền, hội thảo, tập huấn, giáo dục học đường; có chính sách khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm đến công tác tuyên truyền, bảo vệ môi trường biển. Kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, khai thác trái phép tài nguyên du lịch biển./.
Một số vấn đề về an ninh năng lượng khu vực đông Bắc Á  (13/12/2011)
Đổi mới dạy nghề, nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực kỹ thuật  (13/12/2011)
Lựa chọn mô hình phát triển trong điều kiện hiện nay  (13/12/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bộ trưởng các nước Lào, Palestine  (13/12/2011)
Chủ tịch nước tiếp Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lào  (13/12/2011)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên