Đổi mới dạy nghề, nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực kỹ thuật

Nguyễn Thị Hằng Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam
20:38, ngày 13-12-2011
TCCS - Đất nước ta đang bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra yêu cầu cấp bách về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật có chất lượng cao. 
Ngay sau Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã sớm phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 với quan điểm chỉ đạo: Phát triển nhân lực trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 phát huy vai trò quyết định của yếu tố con người, phát triển nhân lực là khâu đột phá để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của Chiến lược phát triển nhân lực được xác định: “Đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới”(1).

Dạy nghề có vị trí rất quan trọng trong Chiến lược phát triển nhân lực của đất nước. Những năm qua, dạy nghề đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, chất lượng và đạt được những kết quả khá vững chắc: 

- Hệ thống pháp luật được ban hành bảo đảm hành lang pháp lý cho dạy nghề vận hành ổn định và phát triển;

- Mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề đã được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố; mạng lưới trung tâm dạy nghề đã xuống tới huyện; mạng lưới các lớp dạy nghề lan tỏa xuống tới xã, đến các làng nghề, và vào trong các doanh nghiệp... đã tạo điều kiện và cơ hội cho người lao động có nhu cầu học nghề tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề thuận lợi hơn. Tính đến tháng 6-2011, cả nước có 125 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề và 864 trung tâm dạy nghề, 5 trường đại học, cao đẳng sư phạm kỹ thuật và 20 khoa sư phạm nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu giáo viên dạy nghề;

- Quy mô tuyển sinh năm sau luôn cao hơn năm trước và tăng bình quân 17%/năm, năm 2010 tuyển sinh học nghề đạt 1.707.000 người. Chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng cao theo yêu cầu của thị trường lao động; tỷ lệ người học nghề có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70% - 80%; chất lượng dạy nghề được khẳng định qua thành tích của các đoàn thí sinh được lựa chọn tham gia các kỳ thi tay nghề ASEAN và thi tay nghề thế giới;

- Xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh. Hiện có trên 30% số cơ sở dạy nghề tư thục bảo đảm 1/3 tổng quy mô tuyển sinh hằng năm;

- Bộ máy tổ chức, quản lý dạy nghề từ Trung ương đến các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty và cơ sở dạy nghề đã được hình thành và vận hành tương đối đồng bộ, hiệu quả. Đến nay đã có 53 sở lao động - thương binh và xã hội có phòng dạy nghề. Phòng lao động - thương binh và xã hội huyện có cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề; ở xã có cán bộ chuyên trách dạy nghề - việc làm.

- Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã tiến hành đào tạo nghề cho nông dân có hiệu quả.

Lĩnh vực dạy nghề đã có sự bứt phá, phát triển và tạo ra diện mạo mới.

Về trình độ đào tạo, rào cản về bằng cấp, chứng chỉ đã được tháo gỡ qua việc hình  thành hệ thống dạy nghề  với 3 cấp trình độ: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Ngoài học nghề có thể học liên thông lên đại học; học nghề trong nước hoặc học nghề ở nước ngoài để mở rộng cơ hội học tập, phấn đấu thăng tiến trong nghề nghiệp và việc làm cho người lao động.

Về chương trình đào tạo, từ năm 2006 đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, viện nghiên cứu và doanh nghiệp xây dựng được 164 chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và hàng trăm chương trình dạy nghề ngắn hạn. Nhiều trường còn được phép chủ động tham khảo chương trình dạy nghề của nước ngoài, giúp học viên nâng cao năng lực  sử dụng hiệu quả các thiết bị và  công nghệ hiện đại.

Về cơ chế, chính sách đối với người học nghề, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ tác động khuyến khích đến hầu hết các đối tượng học nghề được miễn, giảm học phí. Hộ nghèo, nông dân thuộc diện thu hồi đất chuyển đổi mục đích sản xuất, bộ đội xuất  ngũ, lao động thuộc Chương trình 30a của Chính phủ được học nghề hoặc học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động… Gần đây là chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn. Chính sách tiền lương, tiền công đối với người tốt nghiệp các trường nghề cũng được xếp ngang mức tiền lương đối với người tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp cùng trình độ. Nếu trước kia lương học sinh tốt nghiệp các trường nghề được xếp theo hệ công nhân (từ bậc 1 đến bậc 7), thì nay  lương của người tốt nghiệp các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề được xếp như người tốt nghiệp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (10 bậc). Chính phủ cũng đã quy định tách riêng hệ thống lương tối thiểu của khu vực sản xuất, kinh doanh ra khỏi khu vực hành chính, sự nghiệp. Nhờ tháo gỡ được những rào cản trên nên hệ thống dạy nghề đã có bước phát triển nhanh, vững chắc.

Tuy nhiên, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước giai đoạn tới đòi hỏi dạy nghề phải nhanh chóng đổi mới để phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) - xếp thứ 11 trong số 12 nước châu á tham gia xếp hạng; còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề; chỉ số kinh tế tri thức (KEI) còn thấp (đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại); lao động nông thôn chủ yếu chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp. Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực thấp là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2006 nước ta đứng thứ 77/125 quốc gia và nền kinh tế tham gia xếp hạng, đến năm 2009 đứng thứ 75/133 nước tham gia xếp hạng). Vì vậy, đổi mới dạy nghề là tất yếu khách quan và yêu cầu cấp bách để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho phát triển kinh tế của đất nước.

Trong xây dựng chiến lược, quy hoạch đổi mới dạy nghề đòi hỏi sự quan tâm giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề, trong đó hết sức chú trọng đến giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển. Thực tiễn hoạt động dạy nghề trong thời gian qua cho thấy, khi giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển thì quy mô và chất lượng dạy nghề đều tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Cũng cần thấy rằng, mối quan hệ giữa ba yếu tố đổi mới - ổn định - phát triển phải được đặt trong trạng thái động và được giải quyết một cách hài hòa, phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Chiến lược phát triển nhân lực yêu cầu trong từng thời kỳ nhất định, trước thực tiễn trong nước và bối cảnh quốc tế, phải tập trung lựa chọn giải quyết những mục tiêu cốt yếu có tác động quyết định đến sự phát triển nguồn nhân lực. ổn định là điều kiện nền tảng; đổi mới là phương thức để phát triển; còn phát triển là sự thể hiện kết quả của ổn định và đổi mới.

Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XI của Đảng đã định hướng trong khi đổi mới cần: “chú trọng xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển”(2). Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta là: “ổn  định là tiền đề, đổi mới là động lực, phát triển là mục tiêu”.

Dự thảo Đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020 đã đề ra hai nhiệm vụ cơ bản là: Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trực tiếp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đủ về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ. Đồng thời, mở rộng quy mô dạy nghề cho lao động nông thôn nhằm đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập lên 1,5 lần, giảm nghèo vững chắc, bảo đảm an sinh xã hội.

Đổi mới và phát triển dạy nghề cũng cần chú trọng hướng vào xem xét đổi mới giải quyết một số vấn đề nổi cộm, mang tính đột phá cao. Vì vậy, vấn đề cần tập trung đổi mới là đổi mới đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, cụ thể là:

 Thứ nhất, thay đổi nhận thức từ người dân đến các cơ quan hoạch định chính sách về đào tạo nghề để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất phải được coi là nguồn lực quan trọng đầu tiên nhằm tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và nâng cao đời sống của người lao động. Khi xã hội nhận thức được rằng, người lao động sống chủ yếu bằng sức lao động và sáng tạo của bản thân mình thì nguồn nhân lực có chất lượng chính là nguồn vốn quan trọng nhất của đất nước. Trong tổng số lao động xã hội có khoảng 70% là lao động trực tiếp, vậy nên muốn nền kinh tế hàng hóa có sức cạnh tranh cao thì nguồn nhân lực sản xuất trực tiếp này phải được đào tạo bài bản có chất lượng.

Thứ hai, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn thực hiện nhiệm vụ trên cần xây dựng hệ thống dạy nghề hiện đại, linh hoạt để đào tạo nhân lực kỹ thuật có năng lực cạnh tranh trên thị trường việc làm. Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển từ nền kinh tế công nghiệp dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế công nghiệp dựa vào trí tuệ - điều đó đồng nghĩa với việc phải nhanh chóng thay thế lao động giá rẻ, năng suất thấp bằng lao động kỹ thuật tạo nên năng suất cao, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng. Muốn vậy phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng và văn hóa nghề nghiệp để người học có năng lực sáng tạo, tiếp nhận và làm chủ được kỹ thuật công nghệ hiện đại trong sản xuất và cũng ngay từ bây giờ dạy nghề phải từng bước chuẩn bị nguồn nhân lực kỹ thuật tiếp cận với nền kinh tế tri thức. Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 xác định mục tiêu: “Nhân lực Việt Nam có thể lực tốt, tầm vóc cường tráng, phát triển toàn diện về trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức, có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và nhanh chóng tạo được thế chủ động trong môi trường sống và làm việc”(3), đồng thời đề ra chỉ tiêu đến năm 2020 phải xây dựng được ít nhất 10 trường dạy nghề đẳng cấp quốc tế là nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động không biên giới.

Thứ ba, dạy nghề góp phần giải quyết một số khó khăn của thị trường lao động hiện nay: 

- Trong nước đang thiếu việc làm nhưng vẫn phải nhập khẩu lao động trình độ cao của nước ngoài (gần 100.000 lao động), do vậy cần lựa chọn ưu tiên đầu tư vào những nghề mũi nhọn, những nghề đang phải tiếp nhận công nhân nước ngoài và đang thiếu hụt lao động. Đổi mới dạy nghề cần tính tới đáp ứng nhân lực làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế, xu thế dịch chuyển nhân lực quốc tế và xu thế xuất khẩu lao động tại chỗ.

- Hiện nay, đào tạo và sử dụng trong mối quan hệ cung - cầu của thị trường lao động còn thiếu cơ chế gắn kết và chính sách tạo động lực. Về đào tạo (đầu vào) trong chương trình đào tạo cần kết hợp học nghề với học văn hóa để những người lao động có trình độ học vấn chưa cao vẫn có thể theo học nghề, thu hút nhiều hơn nữa lực lượng thanh niên tham gia học nghề, tiếp cận thị trường việc làm. Về sử dụng, điều quan trọng nhất là chính sách tiền công, tiền lương đối với người học nghề phải thay đổi, tác động tích cực đến khoảng 70% lao động trực tiếp là những người làm ra sản phẩm cho xã hội. Hiện nay hệ thống tiền lương tối thiểu còn tính chung với lao động chưa qua đào tạo là bất hợp lý và không bình đẳng. Đây là kẽ hở để người sử dụng lao động lợi dụng trong việc trả lương mức thấp cho người lao động đã qua đào tạo. Quy định trả lương theo giờ, trả lương theo năng lực làm việc phải theo trình độ đào tạo của người lao động và theo chứng chỉ kỹ năng nghề cấp quốc gia, quốc tế nhằm bảo đảm sự minh bạch và tính công bằng xã hội trong sử dụng lao động./.

----------------------------------------------

(1) Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020

(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 187

(3) Quyết định số 579/QĐ-TTg đã dẫn