TCCSĐT - Chỉ còn chưa đầy một năm nữa vào ngày 3-11-2012, nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống thứ 45. Nhưng điều người dân Mỹ quan tâm lúc này chưa phải là sự kiện quan trọng bậc nhất này của Hoa Kỳ, mà là những khó khăn thách thức về kinh tế, an sinh xã hội của quốc gia được coi là siêu cường số 1 thế giới.

Vấn đề nổi cộm nhất của nước Mỹ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là tình trạng ảm đạm, bấp bênh của nền kinh tế. Mặc dù, theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2011 dự kiến đạt khoảng trên 2% nhưng như nhận định của các chuyên gia của Economic Outlook Group, mức tăng trưởng như vậy có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển yếu ớt.

Thực tế năm 2011, thâm hụt ngân sách của Mỹ khoảng 1.300 tỉ USD, nợ công tiếp tục tăng ở mức gần 15.000  tỉ USD, chiếm tới 99% sản phẩm quốc nội. Tháng 8 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật nâng mức trần nợ công thêm hơn 2.000  tỉ USD để tránh một cuộc vỡ nợ nhưng kèm theo điều kiện là chính phủ phải thắt chặt chi tiêu trên 900 tỉ USD trong những năm tới. Điều này dẫn đến việc Nhà Trắng sẽ phải cắt giảm hàng loạt chi tiêu công, trong đó có hệ thống an sinh xã hội và có thể đe dọa tới cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, càng đến gần thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống, tăng trưởng kinh tế của Mỹ càng chậm lại, thậm chí đang bị đình trệ. Qua thăm dò của Đài truyền hình ABC và CBS, hiện có tới gần 70% người dân Mỹ cho rằng, kinh tế của nước này đang trong tình trạng rất xấu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF ) còn cảnh báo, Mỹ đang đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái mới. Các vấn đề an sinh xã hội còn nhức nhối hơn. Theo báo cáo của Cục Điều tra dân số và Bộ Lao động Hoa Kỳ, hiện tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn ở mức cao trên 9% và có đến hơn 46% triệu người Mỹ sống trong tình trạng nghèo, với thu nhập khoảng 16.000 USD/năm. Trong khi đó, theo phân tích của tờ “Washington Post”, giới chủ và tầng lớp thượng lưu chỉ chiếm 1% dân số nước Mỹ lại có thu nhập cao tới 500.000 USD/năm và chiếm tới gần một nửa tài sản quốc gia.

Chính nghịch cảnh “1 và 99” đó đã dẫn đến phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, lan rộng khắp nước Mỹ trong suốt hai tháng qua, đồng thời cho thấy, sự thất vọng của người dân đối với tình hình kinh tế hiện nay của Mỹ và biểu thị tinh thần phản kháng, kiên quyết không để cho 1% số người giàu nhất nước Mỹ áp đặt những chính sách kinh tế hà khắc và cắt giảm những chương trình phúc lợi quan trọng. Điều rất đáng quan tâm là, phong trào “Chiếm phố Wall” lại bùng phát đúng thời điểm cận kề của năm bầu cử Tổng thống, đã tạo nên tình trạng bất ổn xã hội trên khắp nước Mỹ, đe dọa tới lịch trình chiến dịch vận động tranh cử của các ứng cử viên, đặc biệt là an ninh ở các địa điểm diễn ra hoạt động quan trọng đó.

Trong khi đó, bầu không khí chính trị ở Mỹ hiện nay tiếp tục căng thẳng, do Quốc hội và Chính phủ vẫn mâu thuẫn sâu sắc trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách. Khi hai cơ quan lập pháp và hành pháp chưa tìm được tiếng nói chung thì Mỹ khó có được những giải pháp hữu hiệu để khôi phục và phát triển kinh tế. Mặc dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn coi quyết định rút quân khỏi Iraq và tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden là những điểm sáng trên lĩnh vực đối ngoại. Nhưng, đối với người dân Mỹ, đó không phải là thành tích và cũng không thể tạo dựng lại niềm tin cho họ về tương lai của đất nước. Chính vì thế, chưa bao giờ trong lịch sử Hoa Kỳ, trước năm diễn ra bầu cử Tổng thống, dân chúng Mỹ lại mất niềm tin về tình hình đất nước, thất vọng về chính sách kinh tế - xã hội của các nhà lãnh đạo đất nước như vậy.

Các nhà phân tích chính trị quốc tế cũng cho rằng, điều mà nước Mỹ cần hiện nay, không phải là những cuộc chiến tranh can thiệp bên ngoài, với chi phí quốc phòng đã tăng thêm gần 120% kể từ sau cuộc tấn công vào nước Mỹ ngày 11-9-2001, tương đương với chi phí quốc phòng của tất cả các nước trên thế giới cộng lại mà là cuộc chiến chống nghèo và thất nghiệp. Đây chắc chắn sẽ là nội dung chính trong các cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới.

Trong các cuộc thăm dò dư luận mới đây do các cơ quan truyền thông lớn của Mỹ tiến hành, có gần 60% ý kiến người dân được hỏi không ủng hộ ông Barack Obama trong chính sách điều hành kinh tế. Trong khi đó, đối với các ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng Hòa, như cựu Thống đốc bang Massachussetts ông Mitt Romney, cựu Chủ tịch Hạ viện New Gingrich… cũng đạt tỷ lệ ủng hộ thấp trong số người được hỏi ý kiến. Điều đó cho thấy, cho đến thời điểm này, các ứng cử viên Tổng thống vẫn chưa có chương trình tranh cử rõ ràng, đáp ứng kỳ vọng của dân chúng.

Vì thế, vấn đề hiện nay là chính quyền và các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ cần nhanh chóng đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân, bảo đảm đầy đủ chương trình phúc lợi./.