Liên minh châu Âu liệu có vượt qua sóng gió?

Lê Minh Quang
13:50, ngày 31-10-2011

TCCSĐT - Ngày 26-10-2010, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro, gọi tắt là “Eurozone”, tổ chức Hội nghị thượng đỉnh để bàn về một chủ đề nóng là làm thế nào hóa giải được cuộc khủng hoảng nợ công đang khiến nền kinh tế nhiều nước phát triển cao ở “miền đất hứa của thế giới” chao đảo. Hội nghị đã thông qua 3 quyết định quan trọng có tính đột phá nhưng liệu có thể giúp EU vượt qua sóng gió?

Bối cảnh đặc biệt của Hội nghị thượng đỉnh bất thường
 
 

Từ trái qua phải, các nhà lãnh đạo Ireland, Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg tại Hội nghị thượng đỉnh EU

Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được đánh giá là “bất thường” bởi được tổ chức trong suốt 3 ngày, với hai cuộc họp kế tiếp nhau, một cuộc trong khuôn khổ toàn bộ EU và cuộc tiếp theo trong khuôn khổ các nước thuộc Eurozone, chỉ để bàn về cùng một vấn đề đã không còn là chuyện bất thường nữa: đó là làm thế nào giải cứu Hy Lạp qua khỏi cơn bão nợ công và tiến tới ổn định kinh tế toàn khu vực EU. Ba vấn đề mà EU muốn giải quyết, gồm biện pháp giải pháp cứu trợ Hy Lạp; tái cơ cấu vốn cho hệ thống ngân hàng và mở rộng Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF) đều là những vấn đề quá phức tạp và đã từng gây chia rẽ về quan điểm giữa các nước trong liên minh trong thời gian qua, rất khó đi tới một quyết định đồng thuận. Nếu không hóa giải được cuộc khủng hoảng này thì nguy cơ tan rã EU là chuyện khó tránh khỏi.

Hội nghị thượng đỉnh của EU lần này được đánh giá là “bất thường” còn là bởi nó diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều thông tin xấu về tình hình kinh tế tại phần lớn các nước thành viên. Trước hết, phải kể tới các ngân hàng trong nền kinh tế của nhiều nước trong “đại gia đình” EU như Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v.. vừa bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm. Tiếp đến là Ba Lan - nước hiện giữ chức Chủ tịch EU, đã phải hoãn kế hoạch gia nhập Eurozone dự kiến vào năm 2012. Trong khi đó, Hạ viện Anh, với chữ ký của hơn 100 nghìn người, vừa phải bỏ phiếu đề xuất rút khỏi EU. Đặc biệt, phong trào xã hội "Đánh chiếm Phố Wall" bùng phát từ Mỹ đã lan tỏa tới 80 nước, trong đó có nhiều nước thành viên EU. Ngoài mục tiêu ban đầu của phong trào này là đòi công bằng xã hội và giảm phân hóa giàu nghèo như ở Mỹ, sau khi lan sang các nước EU còn nhằm phản đối các chính sách "thắt lưng, buộc bụng" và tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài. Các cuộc biểu tình theo tinh thần "Đánh chiếm Phố Wall" càng đẩy nhiều nước thành viên EU lún sâu thêm vào vòng xoáy bất ổn kinh tế-xã hội.

Giải pháp có tính đột phá

Có thể thấy, tại Hội nghị thượng đỉnh EU lần này, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến những vấn đề cơ bản nhất của cuộc khủng hoảng nợ công. Đó là, chấp thuận xóa 50% khoản nợ công của Hy Lạp đã lên tới 350 tỉ euro; tái cấp vốn cho các ngân hàng, ước tính trên 100 tỉ euro từ nhiều nguồn khác nhau; tiếp tục bơm tiền vào Quỹ Ổn định tài chính châu Âu để nâng mức 250 tỉ euro hiện tại lên ít nhất 4 lần, tức là sẽ vào khoảng 1.000 tỉ euro. Đối với các nước thành viên EU vốn bất đồng quan điểm về các biện pháp giải cứu nợ công trong thời gian qua thì đây là quyết định mang tính đột phá.

Nhận định về quyết định của Hội nghị, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, kết quả của Hội nghị sẽ được cả thế giới chào đón, vì từ lâu thế giới đã chờ đợi một quyết định mạnh mẽ như thế này của các nhà lãnh đạo Eurozone”. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận xét: “Rõ ràng là cả thế giới đang nhìn vào những diễn biến của cuộc họp tại EU. Và cuối cùng, chúng tôi đã chứng tỏ được cho thế giới biết rằng, EU có thể tự giải thoát mình khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc. Tôi tin tưởng rằng, các nhà lãnh đạo EU đã tìm ra được những giải pháp đúng đắn”.

Thị trường vẫn phản ứng chưa thật rõ nét

Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn phản ứng chưa thật rõ nét trước quyết định được đánh giá là mang tính “đột phá” của các nhà lãnh đạo EU và Eurozone. Vì sao vậy?

Theo các chuyên gia phân tích kinh tế trên thế giới, sở dĩ thị trường vẫn chưa vội vàng vồ vập với quyết định đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của EU và Eurozone hôm 26-10-2011 là do họ cho rằng, đó chỉ mới là “quyết định trên giấy”, còn phải chờ tới cuối năm 2011 mới biết rõ chi tiết cụ thể ra sao. Vì thế, thị trường chưa thật tin tưởng vào tính khả thi của ba biện pháp mà EU vừa thông qua.

Về biện pháp thứ nhất: chấp thuận xóa 50% khoản nợ công 350 tỉ euro của Hy Lạp. Để thực hiện biện pháp này, EU sẽ phải thành lập Ủy ban giám sát quá trình thực hiện cắt giảm nợ công của Hy Lạp. Nhưng liệu Hy Lạp có thực hiện được nhiệm vụ này trong bối cảnh làn sóng xã hội đang bùng phát phản đối chính sách “thắt lương buộc bụng” của Chính phủ. Hơn nữa, ngay cả khi thực hiện được biện pháp cắt giảm, mức nợ công của Hy Lạp đến năm 2020 vẫn ở mức 120% GDP, nghĩa là vẫn ở mức nợ công của Italia năm 2010.

Về thỏa thuận tái cấp vốn cho các ngân hàng trên 100 tỉ euro, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, để thực hiện giải pháp này sẽ huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, tùy thuộc vào từng quốc gia. Nhưng những nguồn đó là ở đâu và liệu các quốc gia thành viên EU hiện nay đang phải gồng mình lên để chống đỡ cơn bão suy thoái kinh tế có còn đủ tiềm lực để huy động vốn cho các ngân hàng?

Còn về giải pháp nâng mức Quỹ Ổn định tài chính châu Âu từ 250 tỉ euro hiện nay lên khoảng 1.000 tỉ euro, các chuyên gia phân tích kinh tế thế giới cho rằng, ngay cả khi EU nâng mức Quỹ này lên tới 2.000 tỉ euro cũng khó bảo đảm ổn định cho cả khu vực, một khi không chỉ Hy Lạp mà cả Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và có thể còn nhiều thành viên khác của EU lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công tuy chưa tới mức nghiêm trọng như Hy Lạp nhưng cũng đã ở mức cao, vượt quá mức báo động nguy hiểm.

Về sự trợ giúp từ bên ngoài, hiện nay tuy đã có tín hiệu từ nhiều nước như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản v.v. sẵn sàng tham gia Quỹ Ổn định tài chính châu Âu, trong đó Trung Quốc là bên đối tác sốt sắng và có nhiều tiềm năng hơn cả. Nhưng lãnh đạo các nước EU và Eurozone chưa mặn mà với đề xuất của Trung Quốc vì họ sợ rằng một ngày kia Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng tới chính sách tài chính - tiền tệ của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực phấn đấu để đưa đồng Nhân Dân Tệ thành đồng tiền dự trữ quốc tế với vị thế như đồng USD. Nếu thế thì vị thế của đồng euro cũng sẽ bị lu mờ. Tương tự như vậy, các nước EU cũng khước từ sự trợ giúp của Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ trong việc giúp đỡ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu và cho rằng, họ có thể tự mình xoay xở được. Mọi chuyện chỉ có thể sáng tỏ hơn vào cuối năm 2011 khi tuyên bố trên giấy của EU trong Hội nghị thượng đỉnh ngày 26-10-2011 bắt đầu được thực thi trong thực tế.

Như vậy, câu chuyện khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể còn phải trông đợi vào những quyết định chính thức được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh các nước có nền kinh tế phát triển cao và các nền kinh tế mới nổi G20 sẽ diễn ra tại thành phố Cannes của Pháp vào đầu tháng 11-2011. Ngoài ra, các cuộc đàm phán với các ngân hàng nhằm xóa một nửa số nợ công của Hy Lạp sẽ chưa thể kết thúc trước thời điểm tháng 1-2012. Và câu hỏi liệu Liên minh châu Âu nói chung và các nước thuộc Eurozone có vượt qua được cơn sóng gió nợ công hay không vẫn chưa thể tìm được câu trả lời đầy sức thuyết phục./.