Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế
Nhân dịp này đã diễn ra nhiều hội nghị quốc tế về các vấn đề lớn như bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, chống bệnh không truyền nhiễm, chống sa mạc hóa. Các nhóm nước và các nước ở các khu vực cũng tổ chức họp cấp cao như hội nghị của Nhóm các nước đang phát triển (G77), Cộng đồng Pháp ngữ, ASEAN, Diễn đàn xây dựng lòng tin châu Á (CICA). Bộ trưởng nhận định các nước đều đánh giá hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Tuy nhiên, tại một số khu vực tiếp tục có những căng thẳng, xung đột, nhất là khu vực Trung Đông, Bắc Phi. Các nước đã nhấn mạnh tới nhu cầu Liên hợp quốc cần có sáng kiến, nỗ lực để thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xung đột, hòa giải, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cùng với đó là yêu cầu thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức này phát huy vai trò trung tâm trong các nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển.
Đối với các vấn đề khu vực, nổi bật là tiến trình hòa bình Pa-le-xtin – I-xra-en, đặc biệt là việc Nhà nước Pa-le-xtin nộp đơn xin trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc, đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh xung đột Pa-le-xtin – I-xra-en là một trong những vấn đề quốc tế hàng đầu và được thảo luận thường xuyên tại Liên hợp quốc trong nhiều thập kỷ qua. Nhìn chung, các nước thành viên Liên hợp quốc mong muốn các bên sớm đạt được một giải pháp lâu dài, ủng hộ các quyền chính đáng của nhân dân Pa-le-xtin, trong đó có quyền tự quyết và xây dựng một nhà nước độc lập.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết, tại khóa họp, các nước đã trao đổi về các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác, tìm giải pháp chung cho các vấn đề toàn cầu. Việc thúc đẩy các cường quốc hạt nhân có những bước đi cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và vấn đề ngăn ngừa phổ biến vũ khí giết người hàng loạt tiếp tục là chủ đề lớn. Ngoài ra, các vấn đề phát triển khác cũng được quan tâm như trách nhiệm của các nước công nghiệp đối với sự ổn định chung của kinh tế, thương mại quốc tế, các biện pháp hỗ trợ cho các nước đang phát triển đối phó với những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các chính sách, cơ chế ở cấp quốc tế cũng như quốc gia nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng mất an ninh lương thực, năng lượng cùng với biến đổi khí hậu.
Về hoạt động của Đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: tại khóa họp này, Đoàn đã có phát biểu tham luận trong Phiên thảo luận chung của Đại Hội đồng, tham dự các hội nghị về an ninh, an toàn hạt nhân, chống các bệnh không truyền nhiễm, chống sa mạc hóa, Hội nghị Bộ trưởng Nhóm G77, Hội nghị Bộ trưởng Pháp ngữ, Diễn đàn xây dựng lòng tin tại châu Á (CICA), Nhóm 3G về quản trị toàn cầu. Đoàn cũng đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao tới của ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), các cuộc họp của ASEAN với các đối tác, tiếp tục trao đổi về các vấn đề khác mà ASEAN quan tâm. Đoàn Việt Nam cũng được mời trình bày kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ tại các cuộc họp do một số nước tài trợ đăng cai.
Cũng nhân dịp này, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun, lãnh đạo ba tổ chức phát triển Liên hợp quốc mới hoàn thành chương trình hợp tác 5 năm với Việt Nam là Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Bộ trưởng Ngoại giao 14 nước (gồm Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Ác-hen-ti-na, Cu-ba, Ca-na-đa, Cô-xta Ri-ca, Mỹ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Séc, Xlô-va-ni-a, Nga, Cu-rơ-gư-xtan, Ca-dắc-xtan).
Tại các hội nghị trên, Việt Nam đã đóng góp ý kiến về phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, cải cách các thể chế kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế theo hướng công bằng, quan tâm đến lợi ích của các nước đang phát triển, tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam có thể phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với Tổng thư ký Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam đã thay mặt hiệp hội trình bày tình hình, kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở các nước ASEAN và nêu khuyến nghị về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trên vấn đề này. Trong các cuộc tiếp xúc song phương, Đoàn Việt Nam đã bàn về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực, tăng cường hợp tác tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương. Khi trao đổi về các vấn đề hợp tác cụ thể với các nước cũng như với các lãnh đạo của Liên hợp quốc, Đoàn Việt Nam đã nêu rõ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các ưu tiên đã được Đảng và Nhà nước đề ra, các nỗ lực hiện nay của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Thông qua các hoạt động nêu trên, Đoàn Việt Nam đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, khẳng định đường lối tiếp tục đổi mới toàn diện, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước và thúc đẩy các vấn đề Việt Nam quan tâm.
Sáng 28-9-2011 (theo giờ Việt Nam), Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Phiên thảo luận chung của Khóa thứ 66 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đang diễn ra tại Niu Yoóc (New York), Hoa Kỳ.
Về tình hình thế giới, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: hòa bình, ổn định và phát triển vẫn là xu thế chính, nhưng cộng đồng quốc tế đang phải đối phó với nhiều thách thức truyền thống và phi truyền thống, nổi bật là các xung đột khu vực, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế. Tình hình kinh tế tài chính bất ổn ở nhiều quốc gia, các chính sách bảo hộ mậu dịch mới đang tạo ra những thách thức to lớn đối với nỗ lực phát triển của các quốc gia.
Ghi nhận kết quả hoạt động của Liên hợp quốc, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Liên hợp quốc cần phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong các nỗ lực quốc tế, đặc biệt là trong việc ngăn chặn xung đột và giải quyết hòa bình các tranh chấp, thúc đẩy hòa giải, hợp tác phát triển và xây dựng các quan hệ quốc tế công bằng và bình đẳng hơn. Đồng thời, Liên hợp quốc cần tiếp tục cải tổ cơ cấu tổ chức và hoạt động theo hướng dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn.
Nêu bật những thành tựu trong công cuộc đổi mới, chính sách đối ngoại rộng mở vì hòa bình, hợp tác và phát triển, những kinh nghiệm thành công của đất nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục đường lối đổi mới toàn diện, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại chủ động hội nhập toàn diện đã được Đại hội Đảng lần thứ XI đề ra và sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào các công việc thuộc quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Về tình hình khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh các nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh ở Biển Đông, khẳng định Việt Nam sẵn sàng ủng hộ và tham gia các nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982 và được tất cả các bên liên quan chấp nhận. Trong khi chưa đạt được giải pháp đó, Việt Nam cam kết cùng các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC). Bộ trưởng cũng hoan nghênh cam kết của các bên đối với nỗ lực chung nhằm tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trong tương lai.
Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã tham dự cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Bộ trưởng đã thay mặt hiệp hội trình bày tình hình, kinh nghiệm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở các nước ASEAN và nêu khuyến nghị về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN trong vấn đề này./.
Thế giới lên án I-xra-en mở rộng khu định cư Do Thái  (28/09/2011)
Đào tạo nghề cho nông dân: Phải thiết thực mới hiệu quả  (28/09/2011)
Già hóa dân số - Thực trạng, dự báo và đề xuất chính sách  (28/09/2011)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp  (28/09/2011)
Doanh nghiệp Xin-ga-po có thể yên tâm đầu tư tại Việt Nam  (28/09/2011)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên