TCCSĐT - Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 5 hay còn gọi là Diễn đàn Đa-vốt (Davos) mùa hè 2011 đã kết thúc, song dư luận hy vọng, đây mới là thời điểm khởi đầu của các bước đi mạnh mẽ hơn, nhằm xóa đi những gam màu ảm đảm cho bức tranh kinh tế toàn cầu.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các Diễn đàn Đa-vốt dù là “Mùa đông” diễn ra ở Thụy Sĩ hay “Mùa hè” diễn ra ở Trung Quốc thì cũng đều nhằm mục đích là tìm cách đối phó với thách thức, thúc đẩy sự phục hồi của các nền kinh tế. Với chủ đề “Quan tâm và chú trọng chất lượng tăng trưởng, nắm chắc và kiểm soát cơ cấu kinh tế”, Diễn đàn Đa-vốt mùa hè năm nay là dịp để hơn 1500 đại biểu từ 90 quốc gia trên thế giới xem xét lại mô hình tăng trưởng hiện tại và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tạo ra sự tăng trưởng chất lượng. 

Phải thừa nhận rằng, kinh tế thế giới đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, song chưa một quốc gia nào có thể yên tâm về khả năng phục hồi trong bối cảnh còn tồn tại quá nhiều rủi ro đe dọa nền kinh tế toàn cầu. Nhiều người đặt câu hỏi: tăng trưởng kinh tế liệu có thực sự giá trị khi mức lạm phát tăng chóng mặt như hiện nay. Chính vì vậy, Diễn đàn kinh tế thế giới Đa-vốt lần này mang một thông điệp tới các nền kinh tế: tăng trưởng phải thực chất và bền vững. 

Có thể nói rằng, chưa khi nào diễn đàn kinh tế uy tín bậc nhất thế giới lại ghi nhận tiếng nói chủ động và có trọng lượng từ các nước mới nổi như lần này, đặc biệt là tiếng nói của nước chủ nhà Trung Quốc. Tại Diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cam kết rằng, Trung Quốc sẽ góp phần giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng nợ nần toàn cầu bằng cách duy trì tình trạng ổn định kinh tế và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn kêu gọi các nền kinh tế phát triển chủ chốt cần có chính sách tài chính hiệu quả, cũng như bảo đảm một môi trường đầu tư an toàn, giữ các thị trường toàn cầu ổn định để duy trì lòng tin của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh những nền kinh tế vốn được coi là trụ cột của thế giới như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang gặp khó khăn nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng nợ mang lại, rõ ràng các nước đang nổi lên tại châu Á có cơ hội để thể hiện vai trò “đòn bẩy” mới của thế giới. Chẳng hạn như việc Trung Quốc mới đây đã giúp châu Âu chống đỡ với cuộc khủng hoảng nợ bằng cách mua lại trái phiếu của một loạt nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng, đã xuất hiện những “vị cứu tinh” mới, bởi trong một thế giới hội nhập rộng lớn với sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa các nền kinh tế, mọi thách thức đều mang tính toàn cầu và không một quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề một cách độc lập. Có thể thấy, mặc dù thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tăng cường trao đổi thương mại trong khu vực sẽ là giải pháp giúp duy trì mức tăng trưởng bền vững tại các nền kinh tế châu Á, song nếu các đối tác thương mại lớn là Mỹ và châu Âu không nhanh chóng hồi phục thì các nền kinh tế mới nổi tại châu Á cũng khó có được động lực mạnh mẽ như trước. Minh chứng rõ nhất cho điều này là việc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 14-9-2011 đã giảm mức dự đoán tăng trưởng kinh tế tại châu Á từ 7,8% xuống còn 7,5% do những dự báo về nhu cầu tại Mỹ và châu Âu sụt giảm.

Vì thế, bài toán đặt ra tại Diễn đàn Đa-vốt lần này vẫn là các nền kinh tế “bắt tay” như thế nào cho hiệu quả để tự cứu mình và cứu nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đó là những vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Đặt lên bàn nghị sự những nội dung cấp bách liên quan đến “sức khỏe” của các nền kinh tế khu vực đồng ơ-rô và Mỹ, Diễn đàn Đa-vốt mùa hè 2011 có thể dễ dàng tìm thấy sự đồng thuận trong quan điểm cần phải cải cách thể chế tài chính, tiền tệ và giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng nợ công. Song, nói thì dễ, làm mới khó. Vào lúc này chưa ai có thể khẳng định được căn bệnh nợ công châu Âu sẽ lây lan tới đâu khi mà những nước được trụ cột của khu vực đồng ơ-rô như Đức hay Pháp cũng đã “oằn lưng” trước gánh nặng giải cứu các nước láng giềng. Tại Diễn đàn Đa-vốt lần này, xem ra Trung Quốc là  nước “nói mạnh” hơn cả. Dựa vào tiềm lực kinh tế của mình, Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đầu tư nhiều hơn nữa vào châu Âu và Mỹ để giúp các nước này không bị lún sâu thêm nữa trong cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó khi Trung Quốc không “úp mở” về một sự “có đi có lại”: đối với châu Âu là yêu cầu công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường, còn với Mỹ thì là đòi hỏi mở cửa hơn nữa cho đầu tư và hàng hóa Trung Quốc.

Chắc chắn Mỹ và châu Âu đều phải tính toán kỹ về những đề xuất này của Trung Quốc. Chưa biết “cái bắt tay” có thành công hay không song dù thế nào thì trong bối cảnh khó khăn hiện tại, những cam kết tại Diễn đàn chí ít cũng đem tới hy vọng bức tranh kinh tế toàn cầu sẽ bớt đi những gam màu tối. Nhất là khi những nhận định lạc quan rằng, thế giới sẽ không rơi vào một cuộc suy thoái kép vẫn cất lên tại Diễn đàn này./.