Ai sẽ thắng ?

16:09, ngày 02-04-2008

Kể từ cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên ở bang Ai-ô-oa (Iowa) ngày 4-1 đến nay, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008, đã đi được hơn 1/3 chặng đường với tổng cộng 46 cuộc bầu cử sơ bộ ở hai phía: Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Nước Mỹ đã biết chắc rằng ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa là Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên (John McCain) trong khi cuộc cạnh tranh “tấm vé” của Đảng Dân chủ giữa thượng nghị sĩ Hi-la-ri Clin-tơn (Hilarry Clinton) và thượng nghị sĩ Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) vẫn chưa ngã ngũ.

Liệu “cuộc chiến giữa Ô-ba-ma và Hi-la-ri có thể dẫn đến một kết cục đen tối, phá tan giấc mộng trở lại Nhà Trắng của Đảng Dân chủ sau 8 năm chờ đợi?

Cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” giữa hai ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ dẫn đến nhiều khả năng, cả hai đều không hội được đủ số ghế đại biểu cần thiết để giành được sự đề cử của đảng mình. Đó là điều mà các đảng viên Đảng này đang vô cùng lo ngại. Bởi vô hình chung, họ đã giành lợi thế cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa sau này, khi tự mình giáng cho mình “những đòn chí tử”. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy nguy cơ chia rẽ trong khối cử tri của Đảng Dân chủ. Theo khảo sát của “Nhật báo phố Uôn” công bố ngày 27-3, có tới 19% số người ủng hộ ông Ô-ba-ma cho biết, họ sẽ bỏ phiếu cho ông Mắc-kên nếu bà Hi-la-ri trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ, tương tự 28% những người ủng hộ bà Hi-la-ri nói rằng, họ sẽ “sát cánh” cùng Mắc-kên nếu ông Ô-ba-ma được đề cử.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Mỹ dẫn kết quả thăm dò của tổ chức Ga-lup công bố ngày 29-3, cho biết, ở thời điểm hiện thời thượng nghị sĩ Ô-ba-ma vẫn tiếp tục giữ khoảng cách dẫn điểm khá xa so với thượng nghị sĩ Hi-la-ri. Trong số 1.220 cử tri của Đảng Dân chủ và cử tri có hướng ngả theo phe dân chủ trên phạm vi cả nước được hỏi ý kiến, có 50% nói rằng, họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ ông Ô-ba-ma làm ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ, so với 43% cam kết ủng hộ bà Hi-la-ri. Trong số 700 cử tri được phỏng vấn, chỉ có 37% cam kết ủng hộ bà Hi-la-ri, giảm 8% so với cách đây 2 tuần. Kết quả thăm dò còn cho biết, nếu cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào thời điểm hiện nay, thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên của Đảng Cộng hòa sẽ dẫn điểm trước cả hai đối thủ của Đảng Dân chủ, dẫn ông Ô-ba-ma với tỉ lệ 46%-44% và dẫn bà Hi-la-ri 48%-44%.

Đoàn kết là sức mạnh.

Dù không thể tránh khỏi mâu thuẫn nội bộ, song các ứng viên của hai đảng đều hiểu rằng họ không thể bước lên đài vinh quang nếu thiếu tinh thần đoàn kết. Về phía Đảng Dân chủ, đã đến lúc cả hai ứng cử viên thấy được cần phải có những động thái “bắt tay nhau” để tăng cường sức mạnh cho mình. Tại cuộc mít tinh ở Ca-rô-lai-na Bắc (North Carolina), bang sẽ tổ chức bầu cử sơ bộ vào ngày 5-5, cựu Đệ nhất phu nhân nước Mỹ khẳng định sẽ là sai lầm nếu các cử tri Dân chủ từng mến mộ một trong hai ứng cử viên của đảng, song lại bỏ phiếu cho ông Mắc-kên chỉ vì thất vọng khi đối tượng của họ không giành được vị trí là ứng cử viên chính thức của Đảng Dân chủ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “Tin Thế giới” của đài ABC, ứng cử viên gốc Phi duy nhất Ô-ba-ma cũng phát đi thông điệp “đoàn kết là sức mạnh” khi có những phát biểu tương tự như bà Hi-la-ri. Ông Ô-ba-ma khẳng định, những mâu thuẫn cũng như cuộc chạy đua hiện nay không hề làm ảnh hưởng tới sự thống nhất của Đảng Dân chủ.

Về phía Đảng Cộng hòa, dù đã tìm ra ứng cử viên duy nhất, ông Mắc-kên, Đảng Cộng hòa vẫn quyết tâm “chung lưng đấu cật” để hỗ trợ ứng cử viên này trở thành người đứng đầu nước Mỹ. Cựu ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mit Rôm-ni (Mitt Romney) và ông Mắc-kên đã quyết định cùng quyên góp tiền và đầu tư cho chiến dịch vận động tranh cử. Mới đây nhất, hai ông đã bay tới Đen-vơ (Denver) để gây quỹ nhờ sự hỗ trợ của Méc Uýt-men (Meg Whitman), Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm của eBayInc và là nhân vật từng ủng hộ Rôm-ni nhưng nay ủng hộ Mác-kên.

“Kỳ bầu cử tỉ USD và những điều không dễ thấy”

Từ tháng 1-2007 đến tháng 2 năm nay, các ứng cử viên đã huy động một khoản tiền kỷ lục 814 triệu USD. Nhiều chuyên gia phân tích bắt đầu nói đến “kỳ bầu cử tỉ USD” với dự đoán đến cuối tháng này, tổng chi tiêu của các ứng cử viên và nhóm lợi ích sẽ “cán” mốc 1 tỉ USD, phần lớn khoản tiền này là từ các nhóm đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội Mỹ. Chính những nhóm đại diện này đang thao túng chính trường Mỹ với mục tiêu định hướng những chính sách vĩ mô sao có lợi cho họ nhất. Thậm chí còn có tin rằng, có một thế lực tài phiệt lo sợ nếu Đảng Dân chủ lên nắm quyền hành pháp trong nhiệm kỳ tới, theo hướng thiên tả, yếu cả hai mặt quân sự và ngoại giao, sẽ tạo thế mạnh cho các tổ chức khủng bố đang tuyên chiến với nước Mỹ. Do vậy, họ ngầm vận động báo giới ủng hộ ông Ô-ba-ma, vì lo ngại rằng, nếu tranh cử với bà Clin-tơn, ông Mắc-kên sẽ khó thắng hơn. Cái đích mà các thế lực này nhằm đến không ngoài ý đồ muốn Đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát các ngành hành pháp Mỹ để phục vụ cho lợi ích của họ.

Một điểm đáng chú ý nữa là, trong hàng loạt vấn đề mà các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tranh cãi với nhau để giành ưu thế, chỉ có duy nhất một chủ đề mà tất cả ứng cử viên đều có chung một quan điểm thống nhất, đó là quan hệ của Mỹ với I-xra-en. Đối với các ứng cử viên của cả hai đảng, mối quan hệ đặc biệt này là bất khả xâm phạm, bởi cùng một lúc hàng chục Ủy ban hành động chính trị thân I-xra-en đều tham gia vận động hành lang. Các nhóm này tổ chức vận động chủ yếu tài trợ cho các ứng cử viên tổng thống; nguồn tài trợ họ nhận được từ sự ủng hộ của cộng đồng người Do Thái tại Mỹ. Đội tiên phong của nhóm này là Ủy ban Các vấn đề công cộng Mỹ - I-xra-en (Aipac). Trong năm 2006, Ủy ban này đã chi 1,5 triệu USD cho vận động hành lang liên bang và chỉ trong 6 tháng đầu năm 2007 đã chi hơn 1,25 triệu USD .

Trận cuối cùng!

Trong bối cảnh cuộc tranh cử quá nhiều bất ngờ như năm nay, người ta không thể tiên đoán bất cứ điều gì trước khi tiếng còi chung cuộc của “trận đấu” giành chiếc ghế tổng thống Mỹ cất lên. Tuy nhiên, dù người thắng cử thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa thì vị Tân Tổng thống thứ 44 của Mỹ vẫn sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trước nguy cơ suy thoái kinh tế, hiểm họa khủng bố, bạo lực, “vũng lầy” I-rắc, uy tín, và hình ảnh nước Mỹ giảm sút trên trường quốc tế... Một tất yếu nữa là người giành được vòng nguyệt quế không thể quên phục vụ lợi ích của các thế lực đã bỏ tiền đưa họ vào Nhà Trắng.