TCCSĐT - Ngày 27-12, tại xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức Lễ khởi công Dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát lệnh khởi công.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Dự án nằm trên hai huyện Duyên Hải và Trà Cú tỉnh Trà Vinh.

Dự án do Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư, được thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ với tổng mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng. Đại diện chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp Dự án là Cục Hàng hải 3; tư vấn thiết kế là liên danh Portcoast (Việt Nam) - Nippon Koei (Nhật Bản) và thầu phụ DHI (Đan Mạch); nhà thầu thi công xây dựng là liên danh Tổng công ty Xây dựng đường thuỷ (Vinawaco) - Công ty cổ phần Thi công cơ giới dịch vụ (MMC) - Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - sản xuất - xây dựng Đông Mê Công.

Dự kiến, đến cuối năm 2013 Dự án sẽ đi vào khai thác với năng lực thông qua khoảng 22 triệu tấn/năm.

Luồng tàu biển mới sẽ phục vụ được tàu có trọng tải 10.000 DWT đầy tải và tàu 20.000 DWT non tải ra vào các cảng trên sông Hậu.

Toàn bộ luồng tàu này, tính từ sông Hậu ra đến cửa biển, dài khoảng 40km. Trong đó đoạn luồng sông dài 6km, đoạn kênh Quan Chánh Bố dài 19km, đoạn kênh Tắt cắt qua đất liền dài 9km, đoạn luồng biển dài 6km, cùng nhiều công trình phụ khác nhằm đảm bảo cho luồng tàu biển mới hoạt động ổn định và hiệu quả … Tổng khối lượng nạo vét để đào kênh mới và cải tạo các đoạn kênh hiện hữu khoảng 28 triệu m3.

Hiện nay, lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của đồng bằng sông Cửu Long khoảng 15 triệu tấn/năm. Thực tế hai cảng lớn Cần Thơ và Cái Cui cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu 3.000 - 5.000 DWT do cửa Định An dẫn từ cảng Cần Thơ ra biển bị bồi lắng thường xuyên, độ sâu chỉ vào khoảng 6 - 7m khi nước lớn và chỉ còn 3 - 4m khi nước ròng, lại không ổn định nên có khoảng 70 - 80% lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu của khu vực phải trung chuyển qua cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường bộ.

Điều này đã làm tăng áp lực giao thông kèm theo nhiều hệ quả xấu như kẹt xe, tai nạn giao thông… trên quốc lộ 1A và tại Thành phố Hồ Chí Minh, gây bất lợi lớn và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi Dự án đi vào khai thác, cơ bản khắc phục việc phải vận chuyển hàng hoá xuất, nhập khẩu đi xa, giảm được khoảng 2,1 tỉ USD chi phí kho vận mỗi năm (do thực hiện xuất, nhập khẩu thông qua các cảng ở bên ngoài khu vực) cho lĩnh vực xuất, nhập khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng cũng đã biểu dương sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, các nhà khoa học, các bộ, ngành Trung ương đã khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị khẩn trương, chu đáo mọi mặt để tiến hành khởi công mở luồng tàu này. Thủ tướng mong rằng, với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, việc thi công công trình sẽ được diễn ra đúng tiến độ để sớm đưa công trình vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung./.