Ngày 25-11, tại thành phố Cần Thơ, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề "Hệ thống chính trị cấp cơ sở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ - Thực trạng và giải pháp".

Tham dự Hội thảo có hơn 70 đại biểu đại diện cho lãnh đạo Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện trực thuộc; Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ; Cục Chính trị Quân khu 9; Ủy ban Dân tộc - cơ quan thường trú tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh ủy, thành ủy, các Ban Xây dựng Đảng của 12 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam bộ.

24 báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo, nêu rõ những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn vùng Tây Nam bộ. Đồng thời, tập trung đánh giá thực trạng, tình hình, phân tích nguyên nhân của những mặt hạn chế, yếu kém, những nhân tố chủ yếu tác động đến việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở các tỉnh miền Tây Nam bộ; hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những vấn đề được Hội thảo tập trung thảo luận là: nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy; nâng cao vai trò quản lý, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở; vấn đề dân tộc, tôn giáo ở vùng Tây Nam bộ và những ảnh hưởng của nó đối với công tác xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở; công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; công tác phát triển đảng viên, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; định hướng đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở…

Các đại biểu cũng đã đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở, bằng những việc làm cụ thể như: tiêu chuẩn hóa từng chức danh cán bộ cơ sở, từ đó có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy họach cán bộ xã, trong đó chú trọng các chức danh chính; tăng thêm chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã nhằm phục vụ cho công tác luân chuyển đối với cán bộ cơ sở; có kế hoạch khảo sát mức sống của cán bộ xã, phường, thị trấn và đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.