Năm 2009: Mở đầu kỷ nguyên đa cực mới

Phan Doãn Nam
17:45, ngày 02-02-2010

TCCS - Sự phát triển của tình hình thế giới trong năm qua cho thấy đang diễn ra một chuyển biến lớn trong quan hệ quốc tế. Nếu không phải là toàn thế giới thì giờ đây tất cả các chủ thể chủ yếu trong nền chính trị thế giới đều công nhận một thực tế mới là đã hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện một trật tự thế giới đa cực.

Đây là kết quả tất nhiên của sự phát triển của lực lượng sản xuất thế giới dưới tác động của cách mạng khoa học - công nghệ đưa đến việc xuất hiện những trung tâm quyền lực mới đòi hỏi phải dân chủ hóa quan hệ quốc tế. Mặt khác, việc hình thành trật tự thế giới mới lại đang diễn ra trong bối cảnh loài người phải đối phó với một loạt vấn đề mang tính toàn cầu đe dọa đến bản thân sự tồn vong và phát triển của tất cả các dân tộc mà không một nước nào, dù mạnh đến đâu có thể tự giải quyết được. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của chủ nghĩa đơn phương và đơn cực. Do đó, có thể thấy tuy trật tự thế giới mới hình thành nhưng trong năm qua không khí chính trị quốc tế có phần “dễ thở” hơn, hòa dịu hơn và phần nào dân chủ hơn. Tình hình vẫn còn rất phức tạp, nhất là ở các khu vực, nhưng đối thoại, hợp tác để cùng phát triển tỏ ra là xu thế nội trội hơn.

Chính trong tinh thần đối thoại và hợp tác mà trong năm qua nền ngoại giao thế giới đã đạt được một sự đồng thuận trên một loạt vấn đề từ kinh tế đến chính trị, an ninh, môi trường, cả trên cấp độ đa phương lẫn song phương.

1 - Những nỗ lực hợp tác toàn cầu nổi bật

Thứ nhất, tìm kiếm giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế - tiền tệ thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới bắt đầu từ tháng 9-2008 tại Mỹ đã khiến năm 2009 là năm kinh tế thế giới phát triển xấu nhất trong gần một thế kỷ qua. Nó đã tác động tiêu cực đến tất cả các nước trên thế giới. Tình hình đó đòi hỏi phải có một nỗ lực toàn cầu, trước hết là sự hợp tác giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Đó là bối cảnh cho việc thành lập G20 gồm G8 (Anh, Ca-na-đa, Đức, I-ta-li-a, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Nga) + 10 nước thuộc nhóm các nước lớn đang phát triển (Ác-hen-ti-na, Nam Phi, A-rập Xê-út, Bra-xin, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mê-hi-cô và Thổ Nhĩ Kỳ) + 2 thành viên đại diện cho Ô-xtrây-li-a và Liên minh châu Âu. Với tinh thần hết sức khẩn trương, chỉ trong chưa đầy một năm, G20 đã có 3 cuộc họp thượng đỉnh (lần lượt tại Oa-sinh-tơn, Luân-đôn và Pít-xbơc). Bên cạnh quyết định từ nay G20 sẽ thay G8 (thực chất là G1-Mỹ) trong việc điều hành nền kinh tế thế giới, G20 đã thông qua các biện pháp cụ thể để giúp các nước đẩy lùi suy thoái và phục hồi sản xuất bằng việc nhà nước thông qua các gói kích cầu hàng trăm tỉ USD và bảo đảm cho nền kinh tế thế giới phát triển ổn định. Về mặt dân chủ hóa trật tự kinh tế quốc tế, G20 quyết định phân phối lại chỉ tiêu hạn ngạch trong Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới vốn có lợi cho các nền kinh tế phát triển và không chống lại đề nghị về việc có thêm các đồng tiền dự trữ mới, trong cái gọi là rổ tiền tệ quốc tế. G20 đã quyết định sẽ tiếp tục các cuộc hội nghị thượng đỉnh hằng năm, trước mắt vào tháng 6-2010 tại Ca-na-đa và tháng 11-2010 tại Hàn Quốc để bàn việc thực hiện chiến lược thoát khỏi khủng hoảng.

Có thể thấy, nhờ có những nỗ lực quốc tế chung mà ngay từ Quý III-2009, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi tuy sự phục hồi này còn mong manh và không đều khắp. Điều đó cũng dễ hiểu vì cuộc suy thoái trong gần 2 năm qua là quá trầm trọng. Sự phục hồi nhanh hay chậm tất nhiên còn phụ thuộc vào thể trạng của từng “con bệnh”.

Thứ hai, thúc đẩy thêm một bước nỗ lực trong việc hạn chế đi đến loại trừ vũ khí giết người hàng loạt. Ngày 23-9-2009, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp Hội nghị thượng đỉnh gồm nguyên thủ 15 nước ủy viên (thường trực và không thường trực) dưới sự chủ tọa của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã nhất trí thông qua Nghị quyết tăng cường cam kết quốc tế trong việc hạn chế phổ biến đi đến loại bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ quốc tế vì các cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không phải diễn ra thường xuyên. Trong 64 năm qua (1945 - 2009) hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ diễn ra 4 lần và đây là lần thứ 4. Điều này cho thấy việc tham dự của nguyên thủ 15 nước thành viên không phải là một điều dễ dàng trong không khí chiến tranh lạnh hoặc đối đầu giữa các nước lớn. Do đó, cuộc họp lần này cho thấy không khí hợp tác và đối thoại, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa các nước thành viên, nhất là giữa các nước lớn. Mặt khác, Hội nghị thượng đỉnh này có ý nghĩa là lần đầu tiên toàn thế giới cam kết về mặt pháp lý quốc tế về việc hạn chế đi đến loại trừ vũ khí giết người hàng loạt. Trước đây chỉ là cam kết của từng nước hoặc nhóm nước riêng rẽ. Nghị quyết này sẽ thúc đẩy quá trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân mà cho đến nay trên thế giới đã có khoảng 20 nước (trừ các nước lớn) đã có hoặc đang trong quá trình sản xuất loại vũ khí mà thế giới lên án.

Thứ ba, tìm tiếng nói và hành động chung để chống biến đổi khí hậu. Do có sự bất đồng sâu sắc giữa hai nhóm nước phát triển và đang phát triển về mức độ cam kết cắt giảm lượng khí các-bon vào khí quyển và tiền tài trợ của các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, Hội nghị Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) gồm 193 nước tham dự trong đó có 130 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đã đi vào bế tắc sau hai tuần làm việc. Để cứu vãn nguy cơ bị thất bại hoàn toàn, trong ngày cuối cùng, Hội nghị với tinh thần đối thoại thẳng thắn và hợp tác, đã ghi nhận một giải pháp thỏa hiệp với tên gọi là “Hiệp ước Cô-pen-ha-ghen”, kết quả của cuộc thương lượng giữa Mỹ, đại diện cho các nước phát triển và 5 nước đang phát triển có nền kinh tế lớn nhất như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin... Tuy đây chỉ là giải pháp nửa vời đáng thất vọng và không có tính ràng buộc về pháp lý nhưng nó là một mốc trên con đường tiến tới một sự đồng thuận cao hơn và cụ thể hơn của toàn thế giới thay thế nghị định thư Ky-ô-tô sẽ hết hạn vào năm 2012, nhằm ngăn chặn sự hủy hoại của con người đối với cuộc sống trên trái đất.

2 - Đời sống chính trị thế giới vẫn rất phức tạp và đầy bất trắc, song đã có sự cải thiện nhất định trong quan hệ giữa các nước lớn

a - Mỹ tiến hành điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng thực dụng hơn. Trên cơ sở nhận thức lại một cách hiện thực hơn về những đổi thay trên thế giới và những hệ lụy đối với nước Mỹ do những sai lầm trong chính sách ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm gây ra, ngay từ những ngày đầu cầm quyền, chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã xúc tiến ngay việc điều chỉnh lại chiến lược đối ngoại. Nổi lên rõ nét nhất trong hai điểm. Một là, về vị trí của nước Mỹ trong trật tự thế giới mới. Trong lúc khẳng định rằng nước Mỹ vẫn là nước hùng mạnh nhất thế giới cả về kinh tế lẫn quân sự nhưng Mỹ chỉ là nước "số một trong số các nước ngang hàng" (First among the equals). Do đó, một mình nước Mỹ không thể giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới và thế giới cũng không thể giải quyết được bất cứ một vấn đề toàn cầu nào mà không có sự tham gia của Mỹ. Vì vậy, trong trật tự thế giới đa cực hóa, không có chỗ cho chủ nghĩa đơn phương. Trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ, vấn đề hợp tác quốc tế và toàn cầu được đặt lên hàng đầu. Hai là, vai trò của ngoại giao trong việc giải quyết các mâu thuẫn và xung đột quốc tế. Nền ngoại giao mới của Mỹ được ngoại trưởng Hi-la-ry Clin-tơn gọi là "quyền lực thông minh" chiếm vai trò đầu tiên và quan trọng nhất trong hoạt động đối ngoại của Mỹ. Mỹ không phủ nhận hoặc loại trừ hành động bạo lực hoặc cưỡng chế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế nhưng điều đó chỉ xảy ra sau khi các biện pháp chính trị và ngoại giao bị thất bại.

Việc Mỹ điều chỉnh chính sách đối ngoại không đồng nghĩa với việc Mỹ hạ thấp lợi ích quốc gia của mình trong quan hệ với thế giới hay từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới; trái lại vẫn theo đuổi những mục tiêu chiến lược này nhưng theo con đường hợp pháp, có tính đến lợi ích của các đối tác và trước hết bằng con đường ngoại giao. Có thể nói trong năm qua, hình ảnh nước Mỹ trên thế giới đã được cải thiện rõ rệt. Điều mâu thuẫn là trong lúc thế giới hoan nghênh chính sách đối ngoại của B.Ô-ba-ma thì uy tín của ông ở nước Mỹ lại bị giảm sút từ trên 70% ủng hộ nay chỉ còn trên 50%, chủ yếu do các vấn đề đối nội, nhất là nạn thất nghiệp và sự sa lầy của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, xã hội Mỹ vốn rất bảo thủ, lực lượng chống B.Ô-ba-ma còn rất lớn.

b - Quan hệ giữa các nước lớn trong năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.

- Quan hệ Nga - Mỹ là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Trong nhiều năm qua, thế giới có xu hướng quay lại thời kỳ chiến tranh lạnh chủ yếu do sự xấu đi của quan hệ giữa Nga và Mỹ - NATO. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Nga và Mỹ đã quyết tâm "khởi động lại" và "cài đặt lại" quan hệ hai nước. Các nhà lãnh đạo của cả hai nước (đỉnh cao chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma tháng 7-2009 và của Ngoại trưởng H.Clin-tơn tháng 10-2009) đã tranh thủ mọi cơ hội để gặp và thương thảo với nhau trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau về các vấn đề quan trọng nhằm bình thường hóa và ổn định hóa quan hệ giữa hai nước. Do lợi ích quốc gia của hai nước rất khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau nên mọi bất đồng không thể được giải quyết chỉ qua một vài cuộc gặp gỡ dù ở cấp cao nhất. Tuy nhiên, cần thấy rằng, các hoạt động ngoại giao của hai phía trong năm qua đã có một bước đột phá lớn đó là Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch bố trí các bộ phận của hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Sự kiện này đã làm quan hệ hai nước có một bước tiến khá lớn. Dư luận cho rằng đây là một sự nhượng bộ của chính quyền Oa-sinh-tơn đối với Mát-xcơ-va. Thực tế đó chỉ là sự tính toán lại của chính quyền Ô-ba-ma cho phù hợp thực tế và đỡ tốn kém.

Một sự kiện quan trọng khác diễn ra trong quan hệ Nga - Mỹ trong năm 2009 là hai bên cũng đã ký được một Hiệp ước mới (START-2) về cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược thay cho Hiệp ước START-1 hết hạn vào ngày 5-12-2009. Việc ký Hiệp ước mới này giúp duy trì sự cân bằng về lực lượng chiến lược giữa hai bên và thúc đẩy nỗ lực chung của thế giới đi đến việc hạn chế và loại trừ vũ khí hạt nhân khỏi đời sống xã hội loài người. Ngoài ra, nhân Hội nghị Cô-pen-ha-ghen, Tổng thống hai nước đã gặp nhau và cam kết sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán ở Giơ-ne-vơ để có thể sớm ký kết một hiệp ước mới.

- Quan hệ Nga - Trung Quốc: Năm qua, hai nước kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đánh giá quan hệ hai nước sau 60 năm phát triển, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lưu Cổ Xương cho rằng mối quan hệ ấy "giờ đây đã đạt tới tầm cao chưa từng có và vẫn đang tiếp tục tăng tốc trên con đường phát triển lành mạnh, ổn định". Năm 2009, lãnh đạo hai nước đã gặp nhau nhiều lần như cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép nhân dịp Hội nghị G20 diễn ra vào tháng 4 tại Luân-đôn (Anh). Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Nga và dự Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Thủ tướng V.Pu-tin thăm Trung Quốc và dự cuộc họp định kỳ lần thứ 14 giữa thủ tướng hai nước (ngày 10-9-2009). Qua các cuộc gặp này, hai bên đã vạch kế hoạch toàn diện cho sự hợp tác giữa hai nước và tìm cách khắc phục những khiếm khuyết trong quan hệ, đặc biệt là vấn đề mất cân bằng nghiêm trọng trong cán cân thương mại. Sự phát triển quan hệ Nga - Trung về tổng thể đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế do đây là hai nước lớn nhất ở lục địa Âu - Á, trong đó Nga từng là một siêu cường và Trung Quốc là nước đang "trỗi dậy" lớn nhất thế giới. Là hai nước thành viên sáng lập chủ chốt của SCO, sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc có tầm quan trọng chiến lược nhằm biến SCO thành một tổ chức hợp tác toàn diện không những về mặt kinh tế, chính trị mà cả về mặt an ninh, nhất là đối với khu vực Trung Á. Mấy năm gần đây, việc tập trận chung giữa quân đội hai nước ở khu vực này được tổ chức thường xuyên. Ngày càng có nhiều nước muốn gia nhập SCO và nhiều cơ cấu khu vực khác như Tổ chức Hợp tác an ninh tập thể (ODKB), SNG, Cộng đồng hợp tác kinh tế Á - Âu muốn có quan hệ kết nối với SCO.

- Quan hệ Trung Quốc - Mỹ: Trong năm qua, hai nước đã nối lại và mở rộng nội dung cuộc "Đối thoại kinh tế chiến lược" sang cả các vấn đề an ninh, chính sách đối ngoại... thành cuộc "Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ" vốn bị ngưng trệ từ trước. Trong 2 ngày 27 và 28-7-2009, đã diễn ra cuộc họp đầu tiên tại Oa-sinh-tơn. Tuy nhiên, do nội dung đối thoại rất rộng nên vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề gì. Về kinh tế - tài chính, nổi lên là việc Mỹ đòi Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ và Trung Quốc đòi giới hạn vai trò quốc tế của đồng USD bằng cách xây dựng một rổ tiền tệ quốc tế, trong đó có đồng nhân dân tệ nhằm tránh việc Oa-sinh-tơn đơn phương hạ giá đồng USD gây thiệt hại đến Trung Quốc vì Trung Quốc hiện có khoảng hơn 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ, trong đó 80% là bằng USD và trên 800 tỉ USD dưới hình thức trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, điều Mỹ quan tâm hơn cả là việc Trung Quốc tăng cường quân sự vượt quá nhu cầu phòng vệ cần thiết và hoạt động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa sự an toàn của hải quân Mỹ ở khu vực này.

Điểm mới trong cách đề cập của chính quyền Ô-ba-ma đối với Trung Quốc là hoan nghênh sự lớn mạnh của Trung Quốc vì nó sẽ làm cho Trung Quốc có nhiều khả năng hơn để đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới. Quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ là vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, công khai và thẳng thắn. Mỹ không chủ trương thi hành chính sách kiềm chế Trung Quốc. Nói chuyện với sinh viên Trung Quốc ở Thượng Hải, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố "Mỹ - Trung Quốc không nên là địch thủ của nhau. Mục đích của lãnh đạo hai nước là thiết lập một sự ổn định lâu dài cho quan hệ hai nước theo hướng tăng cường hợp tác ở những lĩnh vực có thể hợp tác được và không để những vấn đề mà quan điểm và lợi ích hai bên còn khác biệt trở thành vật cản cho việc phát triển quan hệ. Tóm lại, có thể thấy quan hệ Mỹ - Trung Quốc về lâu dài thực chất vẫn là "vừa can dự, vừa kiềm chế". Dưới chính quyền Ô-ba-ma, tính chất can dự có thể sẽ nổi trội hơn.

- Quan hệ Mỹ - Nhật Bản: Năm qua đánh dấu một bước ngoặt trong đời sống chính trị Nhật Bản. Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền, tháng 8-2009 Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đã bị thất bại trước Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) do ông Y-u-ki-ô Ha-tô-ya-ma đứng đầu. Trong chính sách đối ngoại của mình, Thủ tướng Y.Ha-tô-ya-ma chủ trương sẽ tập trung đẩy mạnh quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng châu Á và sẽ độc lập hơn đối với Mỹ.

Để hội nhập hơn với các nước trong khu vực, ông Y.Ha-tô-ya-ma tuyên bố ông và các thành viên nội các sẽ không đến thăm đền Ya-su-ku-ni, điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa hai nước; và xem việc thành lập một cộng đồng Đông Á là một mục tiêu quốc gia.

Về quan hệ với Mỹ, ông nói rõ: “Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là một trụ cột quan trọng trong chính sách ngoại giao của chúng ta... nhưng chúng ta không quên rằng chúng ta là một nước nằm ở châu Á". Ngoài ra, trong vận động tranh cử ông Y.Ha-tô-ya-ma cũng cam kết sẽ đàm phán để giảm số lượng quân Mỹ đang đồn trú ở Nhật Bản và di dời căn cứ không quân Mỹ ra khỏi Ô-ki-na-oa, chấm dứt việc Nhật Bản tiếp dầu cho hạm đội Mỹ ở Ấn Độ Dương liên quan đến cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan.

Do đó, sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của chính quyền Ha-tô-ya-ma là có tính chất chiến lược nhằm tạo vị thế mới của Nhật Bản ở Đông Á như một “quốc gia bình thường, vẫn tiếp tục liên minh với Mỹ nhưng không mang tiếng là "bám càng Mỹ". Sự điều chỉnh này của Nhật Bản là do có sự thay đổi trong nền chính trị của nước này và trong bối cảnh Mỹ cũng đang tiến hành một sự điều chỉnh chính sách đối với châu Á. Chính sách mới của Mỹ là sẽ can dự nhiều hơn vào châu Á, trong đó Mỹ xem liên minh Mỹ - Nhật là cơ sở của nền hòa bình ở châu Á. Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Ngoại trưởng H.Clin-tơn tháng 2-2009 là đến châu Á và Nhật Bản là chặng dừng chân đầu tiên. Trong chuyến thăm 4 nước châu Á trong 9 ngày, ông B.Ô-ba-ma đã chọn Nhật Bản là nước đến thăm đầu tiên và là nơi để phát đi bài diễn văn về chính sách châu Á của Mỹ. Qua đó có thể thấy, chính quyền Ô-ba-ma rất coi trọng quan hệ với Nhật Bản trong khi tăng cường can dự với châu Á và mong muốn củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh chiến lược này. Tuy nhiên, việc Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố việc phát hiện ra một hiệp định bí mật trong đó Nhật Bản cho phép Mỹ đưa các tàu chiến mang vũ khí hạt nhân cập cảng Nhật Bản đang đe dọa phủ một bóng đen lên quan hệ hai nước, nhất là năm 2010 hai bên sẽ kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật (sửa đổi).

- Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Sẽ không thấy hết tầm cỡ của châu Á - Thái Bình Dương và tác động của quan hệ giữa các nước lớn đối với nền an ninh và phát triển của châu lục này trong kỷ nguyên đa cực nếu bỏ qua quan hệ Mỹ - Ấn Độ. Việc Ấn Độ không nằm trong danh sách các nước trong chuyến thăm châu Á đầu tiên của Tổng thống B.Ô-ba-ma khiến nhiều người có cảm tưởng Ấn Độ không còn quan trọng đối với Mỹ trước vai trò đang lên của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đang có nhiều trục trặc (do việc Thủ tướng Ma-mô-han Xinh đến thăm tiểu bang Arunachal Pradesh mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình). Tuy nhiên, trong chương trình thăm 4 nước châu Á, B. Ô-ba-ma đã ghi tên Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên trong danh sách các khách mời thăm chính thức nước Mỹ sau khi ông từ châu Á trở về.

Hiện nay, giữa Mỹ và Ấn Độ đang có một hợp đồng trị giá 10 tỉ USD để Mỹ cung cấp cho Ấn Độ 126 máy bay chiến đấu. Một thuận lợi cơ bản khác là giữa Mỹ và Ấn Độ không có những mâu thuẫn về ý thức hệ, về dân chủ, nhân quyền. Mỹ vẫn xem Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới. Do đó, có thể thấy việc Tổng thống B.Ô-ba-ma "trải thảm đỏ" đón Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh không phải là để nhằm xoa dịu Ấn Độ trước việc Mỹ - Trung Quốc tăng cường hợp tác với nhau mà nhằm khẳng định với Ấn Độ và thế giới rằng Mỹ muốn tăng cường hợp tác với cả hai trong chiến lược châu Á của Mỹ. Tổng thống B.Ô-ba-ma trong phát biểu chào mừng Thủ tướng Ấn Độ đã nói rằng: "Ấn Độ có vai trò không thể thiếu" trên bàn cờ địa chiến lược Nam Á trong bối cảnh chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan và chống khủng bố ở Pa-ki-xtan, rằng Ấn Độ là “một cường quốc hạt nhân" và quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ là "một trong những quan hệ đối tác định hình thế kỷ XXI"; Ấn Độ và Mỹ là "đồng minh tự nhiên". Về phía Ấn Độ, Thủ tướng M. Xinh, qua chuyến thăm này muốn thúc đẩy việc Mỹ sẽ sớm chính thức hóa các vấn đề của thỏa thuận hạt nhân năm 2008, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và các vấn đề quốc tế khác mà hai bên cùng quan tâm.

3 - Tình hình các cuộc khủng hoảng khu vực tiếp tục là mảng tối nhất trong bức tranh tổng hợp tình hình thế giới năm 2009

Mặc dù trên tinh thần đối thoại và hợp tác, các nước lớn đã đạt được một sự nhất trí về các nỗ lực chung nhằm giúp tìm ra các giải pháp cho một số cuộc khủng hoảng khu vực nhưng tình hình vẫn rất ảm đạm .

- Căng thẳng nhất là tình hình Áp-ga-ni-xtan. Các hoạt động của Ta-li-ban ngày càng trắng trợn; thương vong của quân Mỹ và NATO ngày càng tăng. Chiến tranh lan cả sang Pa-ki-xtan có nguy cơ làm tan rã cả đất nước này. Ngay đại sứ của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan cũng tỏ ra không tin tưởng đối với chính quyền của Tổng thống Ca-dai và phản đối việc Mỹ tăng thêm quân. Tình hình Áp-ga-ni-xtan đang đặt ra những thách thức lớn đối với Tổng thống B.Ô-ba-ma, nhất là nhân dân Mỹ ngày càng phản đối việc đưa thanh niên Mỹ sang chết ở Áp-ga-ni-xtan. Ngày 1-12, ông B.Ô-ba-ma đã công bố chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó Mỹ sẽ tăng thêm 30.000 quân sang Áp-ga-ni-xtan. Mục đích của chiến lược này là đẩy nhanh việc tiêu diệt lực lượng Ta-li-ban và An Kê-đa, đồng thời tăng cường xây dựng lực lượng an ninh cho Áp-ga-ni-xtan để tháng 7-2011 Mỹ có thể bắt đầu rút quân. Nói chung NATO và Áp-ga-ni-xtan hoan nghênh chiến lược mới này.

- Tình hình I-rắc cũng không sáng sủa hơn. Mặc dù quân Mỹ đã rút khỏi các thành phố và theo kế hoạch quân Mỹ sẽ rút khỏi I-rắc vào năm 2011 nhưng bạo lực vẫn gia tăng và có xu hướng biến thành nội chiến giữa người I-rắc theo dòng Si-ai và người I-rắc theo dòng Xăn-ni. Các lực lượng chống đối đang gia tăng các cuộc khủng bố nhằm phá hoại cuộc tổng tuyển cử để bầu một chính phủ liên hiệp vào ngày 7-3-2010.

- Vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và I-ran về cơ bản chưa có tiến triển đáng khích lệ. Cho đến nay, Triều Tiên vẫn không đả động gì đến việc nối lại cuộc đàm phán 6 bên. Sau cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên từ ngày 8 đến 10-12, hai nước đã đồng ý về việc cần thiết nối lại cuộc đàm phán 6 bên.

I-ran một mặt đồng ý đàm phán với nhóm P5 (Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp) +1 (Đức) nhưng cuối cùng đã bác bỏ đề nghị do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) do Mỹ - Nga - Pháp khởi thảo về việc chuyển 75% lượng Uranium đã làm giàu ở cấp thấp của I-ran sang làm giàu ở cấp cao hơn ở nước ngoài (cụ thể là ở Nga). I-ran tuyên bố sẽ xây dựng thêm 10, thậm chí 20 nhà máy làm giàu uranium và sẽ giảm sự hợp tác với IAEA ở mức tối thiểu. Cuộc đối đầu giữa I-ran với phương Tây lại tiếp tục với mức độ cao hơn.

- Trong lúc đó, giải pháp cho cuộc khủng hoảng Trung Đông về quan hệ I-xra-en - Pa-le-xtin lại có bước thụt lùi lớn. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu, một mặt, miễn cưỡng chấp nhận ý tưởng về vấn đề hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin cùng song song tồn tại nhưng lại kèm theo các điều kiện mà phía Pa-le-xtin không thể chấp nhận, như xem Giê-ru-xa-lem là Thủ đô của I-xra-en và Pa-le-xtin là một nhà nước không có quân đội và cho I-xra-en kiểm soát không phận; mặt khác, tiếp tục cho xây các khu định cư của người Do Thái trên phần đất sẽ giao lại cho Pa-le-xtin. Cuộc đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin do đó đã bị đổ vỡ nhất là sau khi phía Mỹ hạ thấp điều kiện đàm phán đối với I-xra-en.

4 - Mỹ tăng cường can dự vào Đông Nam Á

Trong khuôn khổ tăng cường sự can dự vào châu Á, trong năm qua, Mỹ đã tiến hành một loạt hoạt động liên quan đến Đông Nam Á mà Ngoại trưởng H. Clin-tơn gọi đó là “sự quay trở lại Đông Nam Á". Mở đầu cho loạt hoạt động này là chuyến thăm của Ngoại trưởng H.Clin-tơn đến In-đô-nê-xi-a (tháng 2-2009), nơi Tổng thống B.Ô-ba-ma đã trải qua thời thanh niên của mình và đỉnh cao là cuộc gặp của Tổng thống B.Ô-ba-ma, vị Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ với tất cả 10 nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 10 nước ASEAN (tháng 11-2009).

Vào thời gian giữa hai sự kiện này, Mỹ đã có những hoạt động rất quan trọng trong việc đẩy mạnh sự can dự của Mỹ vào Đông Nam Á. Trung tuần tháng 7-2009, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã mở cuộc điều trần về vấn đề tranh chấp hải phận và chủ quyền tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Sau cuộc điều trần này, ngày 22-7 Ngoại trưởng H.Clin-tơn đã đến Thái Lan dự Hội nghị hằng năm của ASEAN (mà trước đây chính quyền Bu-sơ đã hai lần bỏ không dự) và ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) với các nước Đông Nam Á. Cũng nhân dịp dự Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN, Ngoại trưởng H.Clin-tơn đã có cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao 4 nước hạ nguồn sông Mê Công là Lào, Việt Nam, Cam-pu-chia và Thái Lan. Phía Mỹ đã chủ động đề xuất việc hợp tác giữa 4 nước này với khu vực sông Mít-xi-xi-pi của Mỹ và đã ủng hộ 160 triệu USD riêng cho năm 2009 để chi viện cho các chương trình môi trường, y tế và giáo dục trong vùng Hạ lưu sông Mê Công.

Một động thái quan trọng khác của Mỹ ở Đông Nam Á là Mỹ đã thay chính sách cô lập bằng chính sách can dự đối với Mi-an-ma. Mỹ đã phái các nghị sĩ và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao đến Mi-an-ma gặp trực tiếp lãnh đạo nước này là bà Aung San Sui Kyi. Tổng thống B.Ô-ba-ma đã gặp Lãnh đạo Chính phủ Mi-an-ma trong cuộc họp với 10 nguyên thủ ASEAN và kêu gọi Mi-an-ma trả tự do cho bà Aung San Sui Kyi và các tù chính trị khác.

Các hoạt động trên của Mỹ nói chung phù hợp với lợi ích của các nước ASEAN nhằm lập lại một thế cân bằng giữa các nước lớn có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực./.