Kết thúc thắng lợi kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII
Sau một tháng làm việc, chiều ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ hai đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và đầy trách nhiệm, trí tuệ, Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ chương trình nghị sự của Kỳ họp với khối lượng công việc rất lớn, bao gồm:
- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; đánh giá việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007; quyết định phương án dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2008;
- Thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ khóa XII và năm 2008; xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến vào 5 dự án luật khác;
- Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nghe báo cáo giám sát chuyên đề; thông qua chương trình giám sát năm 2008;
Cùng với những nội dung nói trên, Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.
Sau đây là hai nội dung trọng tâm, chủ yếu nhất của kỳ họp:
I. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007 và quyết định kế hoạch phát trển kinh tế - xã hội năm 2008
1. Về thực hiện các chỉ tiêu kinh tế năm 2007:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5%.
- Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 3,5%; ngành công nghiệp và xây dựng: 10,6%; ngành dịch vụ: 8,7%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 27%.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 40,6% so với GDP.
- Tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Các chỉ tiêu xã hội:
Số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập trung học cơ sở lên tới 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm học 2007- 2008, tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 11,7%; trung học chuyên nghiệp tăng 20%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 17,6%.
- Giảm tỷ lệ sinh 0,25‰.
- Tạo việc làm cho 1,68 triệu người lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 8,2 vạn người.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 14,7%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 22,3%.
Về các chỉ tiêu môi trường
- Dân số sử dụng nước sạch ở nông thôn đạt 71%, ở thành thị đạt 80%.
- Tỷ lệ che phủ rừng 39%.
- Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt 60%.
- Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đạt 50%.
Về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2007
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 72,4% dự toán Quốc hội giao; ước cả năm sẽ vượt 2,1% so với dự toán và tăng 11,6% so với số thực hiện năm 2006. Tổng chi ngân sách nhà nước ước thực hiện cả năm tăng 3,1% so với dự toán…
Nhìn chung, năm 2007, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như bão lũ, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, giá dầu thô và một số vật tư chủ yếu trên thế giới tiếp tục tăng cao gây áp lực đến giá “đầu vào” của các ngành sản xuất và dịch vụ trong nước,…nhưng nền kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục phát triển ổn định, đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, (trong số 23 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2007, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 21 chỉ tiêu), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực; đầu tư phát triển của nền kinh tế tăng mạnh, nhiều công trình hạ tầng và cơ sở sản xuất được đưa vào sử dụng, tạo tiền đề quan trọng để phát triển đất nước các năm tiếp theo. Thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh, đang trở thành một kênh huy động vốn đầu tư dài hạn quan trọng trong nền kinh tế. Các cân đối vĩ mô cơ bản được bảo đảm; cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư khá, dự trữ ngoại tệ tăng, đáp ứng được nhu cầu về ngoại tệ và bình ổn thị trường ngoại hối.
Các chỉ tiêu về tuyển sinh, phổ cập giáo dục, tạo việc làm, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, cung cấp nước sạch đều đạt và vượt kế hoạch. Đã xử lý quyết liệt để ngăn chặn các dịch bệnh trong gia súc, gia cầm; khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã thu được nhiều kết quả (gần 4 triệu hộ nghèo và 1,7 triệu người có hoàn cảnh khó khăn đã tiếp cận được với nguồn vốn thuộc 10 chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước).
Những tiến bộ đạt được về kinh tế - xã hội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các cấp chính quyền trong việc tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế sâu rộng với khu vực và thế giới; đã phát huy tốt hơn nội lực và những lợi thế vốn có để đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế của nước ta cũng còn nhiều vấn đề cần sớm được khắc phục:
- Năng suất, chất lượng và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế còn thấp; hiệu quả đầu tư còn kém, bố trí vốn còn dàn trải, chất lượng một số công trình chưa tốt, dự án và giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, từ trái phiếu Chính phủ còn quá chậm so với kế hoạch, hiệu quả sử dụng vốn còn thấp. Công nghiệp gia công vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
- Một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc, công tác phân tích, dự báo và giám sát hoạt động của thị trường tài chính chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng mức tăng thấp hơn so với năm 2006, kim ngạch nhập khẩu tăng cao, nhập siêu lớn. Giá tiêu dùng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân; khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn còn rộng.
- Nhiều vấn đề xã hội bức xúc còn chậm đuợc khắc phục như: tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông vẫn chưa giảm; chất lượng giáo dục đào tạo đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội; bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm còn yếu kém; kết quả phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa được như mong muốn.
- Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; có tình trạng buông lỏng công tác dân số và đó là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ tiêu giảm sinh có thể không đạt kế hoạch…
2. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008:
Quốc hội đã thảo luận và thống nhất mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với việc cải thiện đời sống của nhân dân; phấn đấu vượt ngưỡng “nước đang phát triển có thu nhập thấp” trong năm 2008; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chủ động thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng mạng lưới an sinh xã hội; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc như tai nạn và ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Quốc hội đã biểu quyết thông qua các chỉ tiêu chủ yếu như sau:
Về các chỉ tiêu kinh tế:
- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5-9%.
- Giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm, ngư nghiệp 3,5-4%; ngành công nghiệp và xây dựng 10,6-11%; ngành dịch vụ 8,7-9,2%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20-22%.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm 42% GDP.
- Chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về các chỉ tiêu xã hội:
- Nâng số địa phương đạt chuẩn chương trình phổ cập trung học cơ sở lên 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 13%; trung học chuyên nghiệp tăng 16,5%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 18,5%.
- Giảm tỷ lệ sinh 0,3‰
- Tạo việc làm cho 1,7 triệu người lao động, trong đó đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 8,5 vạn người.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 11-12%.
- Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bi suy dinh dưỡng xuống dưới 22%.
- Số giường bệnh trên 1 vạn dân: 25,7 giường.
- Nâng diện tích nhà ở lên 12m2 sàn/người.
Về các chỉ tiêu môi trường:
- Phấn đấu cung cấp nước sạch cho 75% dân số nông thôn và 85% dân số đô thị.
- Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 40%.
- Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đạt 60%.
- Chất thải rắn được thu gom 80%; xử lý chất thải nguy hại đạt 64%; xử lý chất thải y tế đạt 86%.
- 60% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.
Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu quan trọng nói trên, Quốc hội đã xác định một hệ thống gồm 11 giải pháp (cũng là 11 nhiệm vụ trọng tâm) giao cho Chính phủ điều hành…
II. Công tác xây dựng pháp luật
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét và thông qua 7 dự án Luật, đó là:
- Luật Đặc xá, luật này gồm 6 chương, 35 điều. Nội dung của Luật thể hiện chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù. Luật quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá; người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt…Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2008.
- Luật Tương trợ tư pháp, gồm 7 chương, 71 điều. Nội dung của Luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt nam với nước ngoài. Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nước ta đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế. Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp; trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp; phạm vi áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp ở Việt Nam.
Để tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng, Luật quy định thẩm quyền thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp là Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và một số cơ quan khác. Tuy nhiên, các cơ quan khi tiếp nhận và thực hiện thẩm quyền theo lĩnh vực phụ trách đều phải thông báo cho Bộ Tư pháp để tổng hợp…Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
- Luật Thuế thu nhập cá nhân, gồm 11 chương, 82 điều. Luật này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng nộp thuế, các khoản thu nhập không phải nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế. Luật cũng quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước trong việc quản lý thuế và xử lý vi phạm về thuế. Căn cứ tính thuế theo luật này là những thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng, thừa kế, quà tặng. Luật cũng quy định về việc giảm trừ gia cảnh, giảm trừ từ việc đóng góp từ thiện; quy định về biểu thuế lũy tiến từng phần, toàn phần; quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú và không cư trú ở Việt Nam… Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gồm 7 chương,72 điều. Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này và một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các cơ quan nhà nước công bố tiêu chuẩn, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp của các tổ chức thử nghiệm, giám định, kiểm định và chứng nhận chất lượng theo yêu cầu của nhà nước và doanh nghiệp. Luật cũng quy định việc khen thưởng và đặt giải thưởng về chất lượng hàng hóa nhằm khuyến khích việc sản xuất kinh doanh những hàng hóa, sản phẩm có lợi cho xã hội…; quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa…Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm 6 chương, 23 điều. Nội dung của Luật quy định về phòng bệnh truyền nhiễm; chống dịch; kiểm dịch y tế biên giới; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người. Luật này áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tại Việt Nam. Luật phân chia các loại bệnh truyền nhiễm theo các nhóm để nhân dân hiểu rõ tính nguy hiểm của mỗi loại bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật; Luật cũng quy định việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc. Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm không điều chỉnh việc phòng, chống lây nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) vì đã có luật riêng.
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, gồm có 6 chương, 45 điều. Luật quy định các hành vi bạo lực gia đình; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình; các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình như việc thông tin, tuyên truyền, hòa giải mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình; việc tư vấn, phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư; quy định về trách nhiệm, thủ tục và thời gian của các cơ quan nhà nước, tòa án nhân dân tối cao với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình…Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.
- Luật Hóa chất, gồm 10 chương, 71 điều. Ngoài một số quy định chung về nguyên tắc, chính sách của nhà nước và một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hóa chất, Luật còn quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp hóa chất; trách nhiệm cá nhân, cơ qua nhà nước, tổ chức đối với dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hóa chất, bảo đảm an toàn, các điều kiện vật chất kỹ thuật, chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; quy định về trình tự, thủ tục cấp, nội dung và thời hạn, gia hạn, sửa đổi, thu hồi giấy phép kinh doanh hóa chất; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước như thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp trong hoạt động hóa chất…Luật có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2008.
Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về 5 dự án luật khác bao gồm:
- Luật thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức;
- Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước;
- Luật hoạt động chữ thập đỏ;
- Luật năng lượng nguyên tử;
- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật nói trên để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba (dự kiến vào tháng 5, tháng 6 năm 2008).
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - 13. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo  (21/11/2007)
Phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13  (21/11/2007)
Hợp tác xã: Vấn đề cũ, cách nhìn mới  (20/11/2007)
Tăng trưởng Kinh tế Đông Á  (20/11/2007)
Cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững trên thế giới  (20/11/2007)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên