Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc

Nguyễn Văn Quang
13:51, ngày 16-11-2007

Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc - quan điểm mang tính nguyên tắc - không chỉ làm rõ mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa mặt chính trị - xã hội với mặt tự nhiên mà còn khẳng định tính chất quyết định của mặt chính trị - xã hội đối với tổ quốc nói chung và tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Ngay sau khi tiến hành cách mạng thành công, Chính quyền Xô-viết được thiết lập, tổ quốc xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, nông dân và binh sĩ Nga ra đời. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, toàn thể nhân dân các dân tộc Nga bắt tay vào công cuộc cải tạo chế độ cũ, xây dựng và bảo vệ chế độ mới - một chế độ mà như V.I.Lê-nin nói: “Việc tổ chức các Xô-viết này mở đầu cho một cái gì lớn lao, mới mẻ, từ trước cho tới lúc bấy giờ chưa hề có trong lịch sử cách mạng thế giới”[1]. Chính lúc này, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa nổi lên thành một nhiệm vụ hàng đầu, khách quan và cấp bách trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô-viết.

Tổ quốc là một khái niệm, một phạm trù lịch sử gắn liền với chế độ kinh tế, chính trị, nhà nước và giai cấp nhất định, mà nội hàm của nó là sự thống nhất biện chứng bởi hai mặt tự nhiên và chính trị - xã hội. Trong đó, mặt tự nhiên là nhân tố quan trọng, mặt chính trị - xã hội là nhân tố quyết định.

Từ khi chưa có đến khi có tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lịch sử đã cho thấy thường xuyên diễn ra cuộc đấu tranh nhằm làm rõ mặt chính trị - xã hội của tổ quốc. Là những người vạch ra những quan điểm khoa học về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăng-ghen luôn làm rõ bản chất giai cấp của tổ quốc và tính chất phản động trong quan điểm của các nhà tư tưởng tư sản về vấn đề này. Hai ông chỉ ra, dưới chế độ bóc lột “công nhân không có tổ quốc. Người ta không thể cướp cái mà họ không có”[2]. Giai cấp công nhân bị mất tổ quốc thực sự của mình, tuy vậy, tuyệt nhiên không thờ ơ đối với đất nước của họ, và chỉ nhờ có cách mạng vô sản mà giai cấp công nhân lập nên tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình thay thế cho Tổ quốc của giai cấp tư sản.

Trong thời kỳ nguy kịch của cách mạng, Chính quyền xô-viết bị cả kẻ thù bên ngoài (phát-xít Đức và nhiều nước khác) lẫn kẻ thù bên trong (bọn phản cách mạng và bọn núp sau khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay Quốc hội lập hiến”) đe dọa. Trung thành và phát triển những quan điểm khoa học về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong thời kỳ mới, V.I.Lê-nin đã lên án và phê phán khẩu hiệu “bảo vệ tổ quốc” mà các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc và bọn xã hội - sô-vanh đưa ra nhằm biện hộ cho cuộc chiến tranh đế quốc; lôi kéo giai cấp công nhân tham gia, ủng hộ, bảo bệ tổ quốc của giai cấp tư sản, chia rẽ vô sản các nước, triệt tiêu, tiến tới thủ tiêu Nhà nước Xô-viết non trẻ đầu tiên trên thế giới, hay những quan điểm “lạ lùng và quái gở” của “những người cộng sản cánh tả” và bọn tơ-rốt-kít phủ nhận Chính quyền Xô-viết, V.I.Lê-nin đã chỉ rõ, không thể đưa vận mệnh của chủ nghĩa xã hội, của Chính quyền Xô-viết ở Nga ra đánh liều một ván bằng cách lao vào cuộc chiến tranh đế quốc. Và lẽ dĩ nhiên, lúc này dù phải ký hòa ước với Đức, V.I.Lê-nin và Chính quyền Xô-viết chủ trương đưa nước Nga Xô-viết thoát ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc bằng một hiệp ước riêng rẽ với nước Đức, để bảo vệ mặt chính trị - xã hội của Tổ quốc - bảo vệ Chính quyền Xô-viết, “bảo vệ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa phải được đặt cao hơn hết thảy”[3]...

Trong tình thế đó, trong cuộc đấu tranh đó, V.I.Lê-nin đã khẳng định: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hoà xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”[4]. Đây chính là nguyên tắc, cũng chính là sách lược “chắc chắn nhất và có hiệu quả nhất để bảo đảm cho cách mạng xã hội chủ nghĩa có khả năng củng cố được hay ít ra cũng có khả năng đứng vững trong một nước cho đến khi các nước khác sẽ đi theo các nước đó”.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thành công, chủ nghĩa xã hội không chỉ là một học thuyết, một hệ tư tưởng vô sản nữa, mà nó đã trở thành một hiện thực cách mạng, ra đời, tồn tại, hiện hữu và gắn chặt với đất nước, dân tộc Nga xô-viết. Hiện thực đó càng củng cố quyết tâm bảo vệ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa xô-viết Nga của V.I.Lê-nin.

Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc - quan điểm mang tính nguyên tắc - không chỉ làm rõ mối quan hệ thống nhất biện chứng giữa mặt chính trị - xã hội với mặt tự nhiên mà còn khẳng định tính chất quyết định của mặt chính trị - xã hội đối với tổ quốc nói chung và tổ quốc xã hội chủ nghĩa nói riêng. Trên ý nghĩa đó, V.I.Lê-nin khái quát nội dung bản chất của tổ quốc: “Tổ quốc nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hoá và xã hội”[5]. Theo đó, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa trước tiên là bảo vệ một cách đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất và triệt để nhất những nhân tố chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, mà điểm mấu chốt là bảo vệ Chính quyền Xô-viết, bảo vệ Đảng Bôn-sê-vích, bảo vệ chế độ dân chủ vô sản trở thành nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự tồn tại của Tổ quốc Nga xã hội chủ nghĩa.

Giữ vững và kiên trì nguyên tắc cách mạng ấy, V.I.Lê-nin và Chính quyền Xô-viết đã giáo dục, lãnh đạo, tổ chức và động viên toàn thể giai cấp công nhân, nông dân, binh sĩ Nga đẩy mạnh sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, làm cho các nhân tố chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng định hình và phát triển đầy đủ hơn trong đời sống xã hội xô-viết; tiềm lực kinh tế, chính trị, xã hội, tiềm lực quốc phòng, an ninh của Tổ quốc Nga Xô-viết lớn mạnh không ngừng; đập tan mọi hành động xâm lược, phá hoại của các nước đế quốc, can thiệp, cùng bọn phản cách mạng, bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng và Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, tạo cơ sở, thành trì vững chắc cho sự ra đời của cả một hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới... Thắng lợi to lớn trong việc thực hiện quan điểm, nguyên tắc ấy của Cách mạng Tháng Mười đã để lại bài học lịch sử vô cùng quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các nước xã hội chủ nghĩa.

Tiếc thay, bài học mà V.I.Lê-nin đã chỉ ra, Cách mạng Tháng Mười chỉ ra chỉ được thực hiện trọn vẹn trong lúc Tổ quốc Nga Xô-viết, sau này là Liên Xô, trước những cuộc chiến tranh xâm lược, tàn bạo của tập đoàn đế quốc và bọn phát xít, quân phiệt. Còn trong hoà bình, xây dựng đất nước nó lại không được chú ý, thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc nhất. Những người lãnh đạo các Đảng Cộng sản và chính quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa từ chỗ thiếu nhận thức đầy đủ, sâu sắc bài học này, tiến tới xa rời các nguyên tắc căn bản trong tư tưởng bảo vệ tổ quốc của V.I.Lê-nin và bài học về bảo vệ tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười. Họ không thấy hết được tính chất quyết định của việc bảo vệ mặt chính trị - xã hội, đã quá nhấn mạnh đến bảo vệ mặt độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nên đã bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang, xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, an ninh vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Khi kinh tế khủng hoảng người ta đã đổ lỗi cho nguyên do từ chính trị và vội vàng “cải tổ”, “cải cách” bằng những “liệu pháp sốc” mà trước tiên lại từ chính trị. Nhưng điều đáng nói nhất trong mỗi bước “cải tổ”, “cải cách ấy” là người ta đã không những không bảo vệ và làm tăng thêm được tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ và tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mà lại đã làm cho nó ngày một mờ nhạt, dần mất đi, lần lượt xa rời, tiến tới rũ bỏ những thuộc tính, bản chất của chủ nghĩa xã hội trên mọi mặt, như: chấp nhận đa nguyên, xét lại, bôi nhọ, hạ thấp, phủ nhận, tiến tới từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò quản lý của Chính quyền Xô-viết đối với toàn xã hội.

Trong công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, chúng ta giữ vững được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo lập và củng cố được môi trường quốc tế thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường thế và lực của đất nước... Có được những thành công đó là do chúng ta không những nhận thức được bài học bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là tổ quốc của Cách mạng Tháng Mười, nhận ra những sai lầm của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu trong bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mà còn giữ vững nguyên tắc “bảo vệ độc lập dân tộc luôn luôn gắn liền với bảo vệ chủ nghĩa xã hội”[6]. Đồng thời, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ “bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hoá và an ninh xã hội; duy trì trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá, thù địch không để bị động, bất ngờ”[7].

Tuy vậy, cũng cần phải thấy rõ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta còn không ít những khuyết điểm, yếu kém trong nhận thức và thực hiện bài học này. Trước hết, vẫn còn có những biểu hiện sai lệch về nhận thức giữa nhiệm vụ xây dựng với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chưa kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng với bảo vệ trên mọi mặt, mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi tổ chức, cá nhân và đơn vị. Vẫn còn những biểu hiện hạ thấp hoặc xem nhẹ việc bảo vệ, đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa những nguy cơ đe dọa chế độ xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, còn có những nhận thức, hiểu biết thiếu đầy đủ và chưa tương xứng giữa bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân với bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt, có những nhận thức hết sức giản đơn, cho rằng bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay chỉ đơn thuần là việc bảo vệ toàn vẹn biên cương, lãnh thổ, độc lập chủ quyền của Tổ quốc, biên cương lãnh thổ còn thì chủ nghĩa xã hội còn, và đó chỉ là việc riêng của quốc phòng, an ninh... Do vậy, dẫn đến chỗ mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác, chưa thấy hết trọng tâm trong chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động đối với Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta là: trước tiên, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thủ tiêu Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong khi tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều bất cập, thiếu sót. Những thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chưa được nghiên cứu thấu đáo.

Quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục, văn hoá – xã hội còn nhiều mặt thiếu chặt chẽ. Đạo đức, lối sống có biểu hiện xuống cấp, kỷ cương xã hội chưa nghiêm, nhiều vấn đề xã hội bức xúc chưa được ngăn chặn. Tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, nhất là ở một số cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân chưa được khắc phục. Dân chủ trong xã hội có lúc, có nơi còn bị vi phạm. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa bị đẩy lùi. Vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội...

Tất cả những hạn chế, yếu kém đó cho thấy khi nước ta “dương buồm ra biển lớn” thì vẫn còn đó những dấu hiệu nhận thức và thực hiện chưa đầy đủ bài học bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Do đó, cần có sự nhận thức sâu sắc hơn nữa, thực hiện nghiêm túc và triệt để bài học này. Đặc biệt là cần phải thấy rõ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. “Bảo vệ không chỉ là phòng ngừa mà trước hết phải chăm lo xây dựng, làm cho mình mạnh lên. Kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ từ trong mỗi con người, mỗi cơ sở; việc gì có lợi cho dân, cho nước, có lợi cho độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa thì phải quyết tâm làm”[8]. Có được như vậy, chúng ta mới có thể đẩy lùi được những nguy cơ đe dọa chế độ xã hội chủ nghĩa, tránh lặp lại những sai lầm mà Liên Xô và các nước Đông Âu gặp phải, nhằm xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.


[1] V.I.Lê-nin. Toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ. M. 1976, tr.284.

[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen, toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.623.

[3] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 35, Nxb Tiến bộ. M. 1976, tr.300.

[4] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 36, Nxb Tiến bộ. M. 1977, tr.102.

[5] V.I. Lê-nin, toàn tập, tập 17, Nxb Tiến bộ. M. 1979, tr.230.

[6] Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.15.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.108.

[8] Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.15-16