Ngày 8-8-1967, các Bộ trưởng Ngoại giao 5 nước là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan ký Tuyên bố Băng Cốc, đánh dấu sự ra đời của Hiệp hội các nước Đông - Nam Á (ASEAN).

ASEAN là tập hợp các quốc gia có điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị - kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng đều có chủ trương theo đuổi nguyên tắc "thống nhất trong đa dạng". Hợp tác bình đẳng giữa các nước trong hiệp hội sẽ đem lại lợi ích chung cho mọi quốc gia, góp phần xây dựng nền tảng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực và trên thế giới. Sau 17 năm tồn tại và từng bước phát triển, ngày 8-1-1984, ASEAN đã kết nạp thêm Bru-nây, đưa số thành viên lên thành 6 nước. 28 năm sau, ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN, sau đó là Lào, Mi-an-ma gia nhập hiệp hội, và ngày 30-4-1999, Cam-pu-chia được kết nạp, hoàn tất ý tưởng một ASEAN bao gồm tất cả 10 nước trong khu vực Đông - Nam Á.

Ngày 17-04-2007, tại Cua-la Lăm-pơ, Điều lệ AIPA được thông qua thay thế cho Điều lệ AIPO trước kia, từ Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO) thành Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA). Sự kiện này đánh dấu kỷ nguyên mới của hợp tác và hội nhập chặt chẽ hơn giữa nghị viện các nước ASEAN.

Trong thế giới hiện đại, do các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự ngày càng phức tạp đòi hỏi các chính phủ cần được sự hỗ trợ từ phía các nghị viện. Vấn đề này càng trở nên bức thiết trong việc phê chuẩn và thi hành các hiệp ước quốc tế cũng như trong việc quyết định ngân sách nhằm tạo điều kiện cho chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế,... Quốc hội Việt Nam, ngoài chức năng lập pháp, giám sát còn có thẩm quyền đáng kể trong quyết sách đối nội và đối ngoại, phê chuẩn ngân sách nhà nước. Do vậy, ngay sau khi nước ta được kết nạp vào ASEAN, Quốc hội Việt Nam cũng tham gia Tổ chức Liên Nghị viện Hiệp hội các nước Đông - Nam Á (AIPO) vào ngày 18-9-1995 với tư cách là thành viên chính thức sau 3 năm làm quan sát viên, hoàn tất quá trình hội nhập khu vực của Nhà nước ta.

AIPO/AIPA là một thực thể hợp tác gồm nghị viện các nước thành viên ASEAN nhằm giải quyết những mối quan tâm chung, thúc đẩy hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực.

Nếu như sự xuất hiện của ASEAN trước đó, trên phương diện nhằm đối phó với những khó khăn bên trong và diễn biến phức tạp bên ngoài, thì bước vào thập niên 90 của thế kỷ trước, tiến trình hợp tác kinh tế khu vực nổi lên như một xu hướng quan trọng. Mong muốn giữ vững hòa bình, ổn định và mở rộng hợp tác của các nước ASEAN cũng chính là chủ trương của nước ta khi tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi, môi trường hòa bình và ổn định nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của nước ta, đồng thời, việc các định chế thiết yếu của Việt Nam gia nhập ASEAN và AIPO là phù hợp với xu thế khu vực hóa đang diễn ra trên thế giới và khu vực, đáp ứng lợi ích của nước ta và cả các nước Đông - Nam Á, tương đồng với ý nguyện của nhân dân các nước, nhất là khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương mong muốn một Đông - Nam Á ổn định, mở rộng thị trường đầy tiềm năng, thêm nhiều đối tác tin cậy trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội.

Việc Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPA là bước phát triển quan trọng trong hoạt động đối ngoại của cơ quan đại biểu cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tham gia cơ chế hợp tác này, từ cả hai phía, đại biểu Quốc hội nước ta và đông đảo nghị sỹ từ các nước ASEAN đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và các nước láng giềng Đông - Nam Á thông qua những sinh hoạt tại kỳ họp Đại hội đồng AIPA thường niên cũng như các diễn đàn chuyên đề lớn nhỏ của tổ chức liên nghị viện khu vực này, làm cho bạn hiểu ta hơn, xóa dần những định kiến của một bộ phận trong giới lãnh đạo và công chúng ở một số nước.

Tham gia vào AIPA, Quốc hội nước ta đã góp phần vào việc phát huy sức mạnh tổng hợp giữa ngoại giao nhà nước (trong đó có đối ngoại Quốc hội, đối ngoại của Đảng) với ngoại giao nhân dân, giành được thế chủ động thể hiện quan điểm, lập trường và chính sách của Việt Nam trong các vấn đề cụ thể vốn rất phức tạp như vấn đề Biển Đông, góp tiếng nói của nhân dân vào quá trình làm lắng dịu những bất đồng trong khi tìm kiếm những giải pháp cơ bản và lâu dài. Đại biểu Quốc hội nước ta đã thể hiện rõ tư tưởng đấu tranh về pháp lý, đồng thời khẳng định thành quả của Việt Nam trên thực tế trong quá trình thảo luận và xây dựng văn kiện về các vấn đề nhạy cảm của khu vực như dân chủ, nhân quyền mà các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng gây chia rẽ nội khối, làm giảm hình ảnh ASEAN.

Về kinh tế - xã hội, lãnh đạo Quốc hội nước ta đã tranh thủ các cuộc gặp gỡ cấp cao để trao đổi quan điểm, nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực của chính phủ các nước thành viên ASEAN theo cam kết trên bình diện toàn khu vực cũng như các chương trình hợp tác khai thác tiềm năng và phát triển tiểu vùng sông Mê Kông. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính ở khu vực Đông Á 1997 - 1998, Quốc hội Việt Nam thông qua hội nghị, tọa đàm đã có đóng góp quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm, nhằm tăng cường vai trò của nghị viện thành viên AIPA và một số nghị viện ngoài khu vực bằng biện pháp lập pháp, góp phần nhanh chóng bình ổn tình hình kinh tế - xã hội, lấy lại đà phát triển trong khu vực. Đối với các vấn đề xã hội, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ nhất (tháng 3-2002) Ủy ban AIPO về điều tra thực trạng nhằm ngăn chặn hiểm họa ma túy (AIFOCOM), tạo nền tảng quan trọng cho việc duy trì và phát triển hoạt động của Ủy ban này trước tình hình nạn sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy diễn ra phức tạp và nghiêm trọng trong khu vực, làm băng hoại đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực tới việc bảo vệ và phát triển giống nòi.

Mục tiêu của AIPA

- Thúc đẩy đoàn kết, hợp tác và quan hệ thân thiện giữa Nghị viện các nước ASEAN, Quan sát viên Đặc biệt AIPA, Quan sát viên và các tổ chức nghị viện khác;
- Tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện các mục tiêu do ASEAN đề ra trong Tuyên bố ASEAN (năm 1967) cũng như Tầm nhìn ASEAN 2020.
- Thành lập và duy trì sự trao đổi thông tin cũng như phối hợp trao đổi với ASEAN, đóng góp vào hội nhập ASEAN từ phía nghị viện, phổ biến cho người dân ASEAN về các chính sách thúc đẩy hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN;
- Nghiên cứu, trao đổi và đề xuất giải pháp cho các vấn đề thuộc mối quan tâm chung; bày tỏ quan điểm với mục tiêu giúp các thành viên AIPA hành động và phản ứng kịp thời;
- Thông tin cho tất cả các thành viên AIPA về các bước tiến hành và những tiến bộ của mỗi nghị viện trong việc thực hiện các mục tiêu của AIPA;
- Thúc đẩy về nhân quyền, dân chủ, hòa bình, an ninh và thịnh vượng của ASEAN.

Tham gia vào AIPA, đại biểu Quốc hội Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thực tế đời sống quốc tế, học hỏi những kinh nghiệm về lập pháp của các nghị sỹ đến từ nghị viện thành viên ASEAN trong tiếp xúc chính thức cũng như bên lề các hội nghị do AIPA tổ chức. Đó là những kinh nghiệm phân tích chính sách định hướng cho các dự án luật, đặc biệt là những đạo luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường, từ đó đại biểu Quốc hội Việt Nam có thêm thông tin, tham gia đóng góp vào các dự án luật nhằm hạn chế những rủi ro, tiêu cực của kinh tế thị trường còn mới mẻ ở nước ta trước yêu cầu bức xúc của tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu của một số nghị viện các nước ASEAN về hoạt động giám sát, cải cách bộ máy và cải tiến cách thức, lề lối làm việc của các cơ quan thuộc lĩnh vực lập pháp, góp thêm thông tin có lựa chọn vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam trong quá trình đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội ta.

Việc Quốc hội nước ta tham gia vào các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới là một bộ phận không thể thiếu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Hoạt động đối ngoại trên các diễn đàn đa phương của Quốc hội đã và đang góp phần quan trọng đem lại cho quốc gia những lợi ích thiết thực về chính trị, kinh tế - xã hội, khoa học - giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường... Đó là những giá trị về chính trị, dân chủ, văn hóa tiến bộ phù hợp với yêu cầu phát triển của nước ta tiến bước cùng thời đại.

Có thể nói, những thành quả quan trọng về đối ngoại mà các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, trong đó có Quốc hội và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân ta đã giành được là kết quả của nhận thức đúng đắn và hành động kiên quyết trong việc thực hiện chính sách đối ngoại đã được xác định trong Chiến lược xây dựng đất nước của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và được phát triển qua các kỳ Đại hội VII, VIII, IX và X của Đảng. Chính sách này được đề ra trên cơ sở quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về đoàn kết quốc tế; là sự kế tục và vận dụng đúng đắn tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh mà cốt lõi là vận dụng có hiệu quả luận điểm của Người về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; và từ thực tiễn yêu cầu cách mạng nước ta trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Quốc hội Việt Nam đã có đóng góp rất đáng trân trọng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trước hết là thực hiện phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Đông - Nam Á, cụ thể là phát triển các quan hệ nghị viện song phương và trên diễn đàn liên nghị viện khu vực, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Kỷ niệm 30 năm thành lập AIPA, chúng ta nhận thức rằng, sự ra đời của tổ chức này bắt nguồn từ ý thức ngày càng cao về sự lớn mạnh của ASEAN với những cộng đồng dân tộc khác nhau trong khu vực và đòi hỏi phải có sự tham gia của nghị viện các nước - cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng, tiếng nói của nhân dân. AIPA ra đời còn do sự thôi thúc về một tinh thần đoàn kết phấn đấu vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trong khu vực. Đó cũng là nhờ sự tác động tích cực của những thành tựu trên nhiều lĩnh vực trong khu vực Đông - Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới. Sự lớn mạnh của AIPA là kết quả của sự phấn đấu không ngừng của các nghị sĩ qua các thế hệ, trong đó có đóng góp rất đáng tự hào của các đại biểu Quốc hội Việt Nam. Chúng ta tin tưởng rằng, AIPA sẽ tiếp tục đóng vai trò kiến tạo trong việc phát huy tính năng động, phát triển của ASEAN; các nghị viện thành viên AIPA và nghị sỹ từ các nước ASEAN sẽ tiếp tục phấn đấu vì một Đông - Nam Á hòa bình, ổn định và phồn thịnh.

Cơ cấu tổ chức của AIPA

1- Đại hội đồng: cơ quan hoạch định chính sách của AIPA, họp mỗi năm ít nhất một lần;
2- Chủ tịch Đại hội đồng (Lãnh đạo đứng đầu của Quốc hội nước thành viên tổ chức Đại hội đồng): có trách nhiệm thúc đẩy các mục tiêu và nguyên tắc của AIPA, hợp tác với Nghị viện các nước thành viên ASEAN nhằm tăng cường thể chế nghị viện và vai trò của các nghị sĩ trong các vấn đề của khu vực ASEAN;
3- Ban Chấp hành (gồm ba nghị sĩ của các nước thành viên): có nhiệm vụ tạo thuận lợi cho việc thảo luận các vấn đề tại Đại hội đồng và là cơ quan chấp hành dưới quyền Đại hội đồng;
4- Các Ủy ban (gồm Ủy ban Thường trực, Ủy ban nghiên cứu và Đặc biệt, các Tiểu ban): thực hiện các quyết định của Đại hội đồng, phù hợp với tôn chủ và mục đích của AIPA.
5- Nữ nghị sĩ AIPA: tổ chức Hội nghị Nữ nghị sĩ của AIPA với nội dung thảo luận các chủ đề cùng quan tâm và tìm ra chiến lược để phát triển các chương trình AIPA nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ.
6- Ban Thư ký: là cơ quan hành chính trung ương, có nhiệm vụ điều phối, tạo thuận lợi cho tất cả các hoạt động của AIPA.