Động thái mới trong quan hệ chiến lược Nga - NATO

Nguyễn Đình Chiến
17:27, ngày 12-03-2009

Theo tin của nhiều hãng thông tấn trên thế giới, trong cuộc gặp ngày 5-3-2009 tại Brúc-xen, các ngoại trưởng 27 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thông qua quyết định khôi phục quan hệ hợp tác đầy đủ với Nga. Ông Hốp Sếp-phơ, Tổng Thư ký NATO khẳng định, cuộc tiếp xúc đầu tiên sẽ diễn ra ngay sau cuộc họp thượng đỉnh NATO kỷ niệm 60 năm ngày thành lập liên minh trong hai ngày 3-4 và 4-4-2009. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cũng cho rằng: đã đến lúc NATO cần thúc đẩy hợp tác với Nga.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký NATO thừa nhận, giữa liên minh quân sự này và Nga vẫn tồn tại nhiều bất đồng, đặc biệt trong vấn đề Gru-di-a. Nga đã lên tiếng hoan nghênh động thái mới của NATO và bình luận đây là quyết định “đi đúng hướng”, nhưng cho rằng, quyết định đó cần được thông qua cùng với phía Nga, chứ không phải một cách đơn phương.

Rõ ràng, trong bối cảnh quan hệ Nga - NATO có nguy cơ quay trở lại "chiến tranh lạnh" sau cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a hồi đầu tháng 8-2008, tuyên bố trên đây của các ngoại trưởng 27 nước thành viên NATO là dấu hiệu "hạ nhiệt", chứng tỏ một giai đoạn mới trong quan hệ vốn vô cùng phức tạp, đầy trắc trở trong hơn 50 năm qua. Một vấn đề rất đáng quan tâm, là nên nhìn nhận động thái mới này như thế nào trong bối cảnh chính trị - quân sự quốc tế hiện nay.

Vấn đề của mọi vấn đề trong quan hệ Nga - NATO

Trong tuyên bố của các ngoại trưởng 27 nước thành viên NATO đưa ra, về việc khôi phục quan hệ bình thường và đầy đủ với Nga có một khía cạnh rất đáng quan tâm. Đó là NATO và Nga vẫn tồn tại mâu thuẫn có tính nguyên tắc chưa thể giải quyết được trong quan hệ của hai bên với Gru-di-a và U-crai-na. Trong khi Nga kiên quyết phản đối U-crai-na và Gru-di-a gia nhập NATO, thì Mỹ và các nước NATO khác vẫn không từ bỏ kế hoạch kết nạp hai quốc gia này vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Thậm chí, Mỹ đã ký kết Hiệp ước đối tác chiến lược với U-crai-na và Gru-di-a, trong đó ghi rõ ý định sẽ kết nạp hai quốc gia này vào NATO.

Có thể thấy, Gru-di-a và U-crai-na là hai "điểm nóng" trong ván cờ địa - chính trị và địa - kinh tế trong thế kỷ XXI giữa Nga và NATO. Nếu U-crai-na là khâu then chốt nhằm loại trừ ảnh hưởng của Nga ra khỏi châu Âu, thì Gru-di-a đóng vai trò quyết định cuối cùng trong vấn đề ai sẽ giành được quyền kiểm soát vùng biển Ca-xpi, khu vực có trữ lượng tài nguyên chiến lược lớn nhất sau khu vực Trung Đông. Vai trò trung tâm của dầu lửa thể hiện rõ ràng nhất ở đường ống dẫn dầu đi từ Ba-cu của Cộng hoà A-dec-bai-gian, nằm trên bờ biển Ca-xpi, đi qua lãnh thổ Gru-di-a và tới Xây-khan của Thổ Nhĩ Kỳ. Đường ống dẫn dầu này được xây dựng trong thập niên đầu thế kỷ XXI với sự giúp đỡ của Mỹ để vận chuyển dầu từ khu vực này tới các thị trường thế giới, tránh đi qua lãnh thổ Nga. Nếu Mỹ không kiểm soát được Gru-di-a, họ cũng mất quyền kiểm soát vùng biển Ca-xpi và vùng Trung Á.

Việc chấm dứt chiến sự ở Nam Ô-xê-ti-a, tiếp đến là Nga công nhận nền độc lập của Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a, chỉ mới là bước đầu trong cuộc chiến địa - chính trị và địa - kinh tế còn lâu mới thực sự chấm dứt ở khu vực nam Cáp-ca-dơ bởi nguyên nhân đích thực là sự tranh giành những lợi ích chiến lược "có ý nghĩa sống" giữa Mỹ với một số nước châu Âu và Nga tại đây. Dư luận không khỏi ngạc nhiên trước thái độ của Mỹ và NATO vẫn chưa từ bỏ cam kết "ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a". Còn U-crai-na là “mắt xích” quan trọng trong quan hệ giữa Nga với phần châu Âu còn lại, trong đó các tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga đi qua lãnh thổ nước này có ý nghĩa "huyết mạch" trong nền kinh tế và chính trị của Nga.

Cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a, tiếp đến là "cuộc chiến tranh khí đốt" giữa Nga và U-crai-na đã bộc lộ tất cả những gì lâu nay ẩn giấu dưới những khẩu hiệu "đối tác", "định ước", "cùng hợp tác trong cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố", "chiến tranh lạnh đã chấm dứt", "NATO và Nga không còn là kẻ thù của nhau" v.v... Chính trong bối cảnh "nước sôi lửa bỏng" đó trong quan hệ Nga - NATO, Mỹ đã ký kết Hiệp định đối tác chiến lược với U-crai-na và Gru-di-a. Xem ra, đối với NATO, "chiến tranh lạnh" chưa bao giờ kết thúc mà chỉ thay hình đổi dạng sang hình thức khác khó nhận dạng hơn.

Giữa NATO và Nga, ai cần ai hơn?

Trong lịch sử quan hệ Nga - NATO, đã có lúc NATO hiểu rằng, không thể loại bỏ nước Nga ra khỏi châu Âu. Sau khi cân nhắc thận trọng, các bên đi tới quyết định thành lập Hội đồng Nga - NATO. Khối NATO có ý định hợp tác với Nga trong các lĩnh vực chống khủng bố, kiểm soát lực lượng vũ trang, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải quyết tình hình khủng hoảng, nghiên cứu biển v.v... Hiện nay, Mỹ và NATO khó có thể giải quyết được vấn đề Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên, vấn đề Ha-mat trong quan hệ giữa Pa-le-xtin và I-xra-en nếu thiếu vai trò của Nga.

Về vấn đề Áp-ga-ni-xtan, uy tín của NATO đã bị suy giảm nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu tham gia chiến dịch quân sự ở nước này. Các lực lượng quốc tế hỗ trợ an ninh ở Áp-ga-ni-xtan (ISAF) gần như bị tê liệt do không có sự thống nhất giữa các nước thành viên. Họ đặt điều kiện của mình khi nhận nhiệm vụ chiến đấu hoặc ổn định tình hình tại các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. Anh và Mỹ nhận thấy, nếu không có các lực lượng bổ sung thì Áp-ga-ni-xtan sẽ trở thành một nhà nước rệu rã nằm dưới quyền kiểm soát của Ta-li-ban.

Mùa hè năm 2008, Cựu Tư lệnh các lực lượng liên quân ở Áp-ga-ni-xtan, tướng Đen Mác Nơ-in (Dan McNeill) tuyên bố, cần phải tăng quân số ở Áp-ga-ni-xtan lên 50 % nhưng các nước châu Âu và thành viên NATO kiên quyết phản đối yêu cầu đó. Mặc dù Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma hứa hẹn, Mỹ sẽ đẩy mạnh hoạt động ở Áp-ga-ni-xtan nhưng ít nhất có hai nước NATO dự định giảm quân tham gia tại đây. Cùng với Mỹ và Anh, nhiều nước khác đã từng gửi quân đến Áp-ga-ni-xtan và quân số của họ đã vượt quá 50% tổng số quân tại đây. Vì thế, tất cả các bên cần phải có một quan điểm thống nhất về sách lược tiến hành chiến dịch quân sự ở quốc gia này. Nhưng tới lúc này, các bên chưa đưa ra được chiến lược hành động thống nhất.

Với chiến lược của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma ưu tiên tập trung nỗ lực chống khủng bố và ổn định tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và NATO rất cần đến sự giúp đỡ không thể thiếu được của Nga. Nước Nga không chỉ chia sẻ với Mỹ và NATO tin tức tình báo, kinh nghiệm mà họ đã có được ở Áp-ga-ni-xtan, mà còn cho phép NATO chuyển tải hàng quân sự và nhu yếu phẩm cho các lực lượng ở Áp-ga-ni-xtan.

Về chương trình hạt nhân của I-ran, Chính quyền mới của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã đưa ra đề nghị Nga giúp đỡ Mỹ “hoá giải” bài toán hạt nhân của Tê-hê-ran. Đổi lại, Mỹ sẽ cân nhắc quan điểm của Nga trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Ngay cả khi không có các vấn đề Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân của I-ran và CHDCND Triều Tiên, vấn đề Ha-mat trong quan hệ giữa Pa-le-xtin, thì tình hình thế giới và châu Âu ngày nay đã đổi khác.

Ở châu Âu, hình thành EU như một kiểu nhà nước có quân đội riêng, có lợi ích riêng trong nhiều trường hợp mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ trong quan hệ với Nga. Vấn đề là, đa số các nước EU là thành viên NATO. Họ có nhiều lợi ích chiến lược trong quan hệ với Nga, cả kinh tế lẫn an ninh. Thêm nữa, chủ trương của Mỹ khi thành lập NATO là nhằm “kiềm chế sự lớn mạnh của nước Đức” không còn thích hợp nữa trong bối cảnh một nước Đức mới đang trở thành trung tâm chính trị và kinh tế trong EU. Vì thế, ngay nội bộ NATO đang có dấu hiệu rạn nứt, nếu không muốn nói là nguy cơ tan rã. Trong bối cảnh đó, NATO không thể không nối lại quan hệ bình thường với Nga. Phải chăng điều đó cũng phản ánh chủ trương “thay đổi” của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma?./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
2. Định ước nền tảng về các mối quan hệ hợp tác và an ninh giữa Liên bang Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Báo "Độc lập" (Nga) số 96 (1421).
3. Tiến sĩ khoa học chính trị V. Ki-ri-lôp. Nga và NATO: các vấn đề địa chiến lược. Tạp chí “Tư tưởng quân sự” (Nga), số 9-2007.
4. Nga và NATO: 50 năm đối đầu. Báo điện tử "Các phương tiện thông tin trên thế giới" (Nga). Inosmi"http://www.inosmi.ru/translation/243808.html
5. Hiệp định đối tác chiến lược Mỹ-Gru-di-a. http://regnum.ru/news/1107970.html
6. NATO đang rạn nứt. Báo Anh "The Guardian". http://www.inosmi.ru/translation/247417.html
7. Mỹ bị mất ảnh hưởng và cần thay đổi chính sách đối ngoại. http://pravda.ru/news/world/23-01-2009/299766-usa-