Đó là nhận định chung của đa số các nhà đầu tư trong Hội nghị đầu tư quốc tế tại Việt Nam do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với Quỹ đầu tư VinaCapital tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ở phiên họp chiều ngày 11-11. Tham dự và chủ trì phiên họp cuối cùng này của Hội nghị có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Những con số và cách nhìn

Hầu hết các chuyên gia tham gia Hội nghị đều có sự nhìn nhận lạc quan và thống nhất rằng, Việt Nam ít bị tác động trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay mà chỉ bị ảnh hưởng gián tiếp. Điều đó được lý giải là do hệ thống tài chính Việt Nam chưa thực sự kết nối với thị trường tài chính và dòng vốn trên thị trường quốc tế. Vì vậy, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chỉ đạt 6,5% trong năm 2009; dòng vốn đầu tư vào các danh mục sẽ giảm xuống; việc giải ngân vốn FDI có thể bị chậm lại do sự giảm quy mô của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Nhận định về thị trường tài chính hiện nay và trong thời gian tới, ông A-lên Ca-ni, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại châu Âu (Eurocharm) tại Việt Nam nhận định: Chỉ số VN-Index giảm xuống dưới 400 điểm chủ yếu là do tâm lý, nhưng khi thị trường cổ phiếu giảm thì thị trường trái phiếu sẽ lên ngôi.

Các chuyên gia kinh tế nhận định: hệ thống ngân hàng được đánh giá là khá an toàn nhờ quản lý tương đối chặt chẽ. Riêng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ sụt giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… “co lại”. Tuy nhiên, do hàng xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là nguyên liệu thô, nông sản, dầu, thủy sản, hàng may mặc, giày da… nên mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn.

Ông Đôn Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital rất lạc quan khi nói về 5 năm đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, VinaCapital đã kêu gọi được 270 triệu USD cho quỹ VOF. Đến tháng 7 - 2008, quỹ VOF đạt mức tăng trưởng 116% so với năm 2003.

Vẫn hấp dẫn đầu tư nhờ chính sách thu hút đầu tư hợp lý

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sự tham gia của đông đảo các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tại diễn đàn này đã phản ánh rõ nét Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn tại khu vực châu Á, mà còn nổi trội trong việc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Có được điều đó một phần là nhờ chính sách thu hút đầu tư hợp lý và hiệu quả, đồng thời có sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức đầu tư trong nước với các đối tác nước ngoài, được thể hiện ở xu thế liên kết kinh tế trong khu vực và thế giới diễn ra mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Mặt khác, do tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam trong nhiều năm đã tạo tiềm lực mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế của đất nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam đã vượt qua tình trạng khó khăn tạm thời; các chỉ số kinh tế trong quý 3-2008 đã được cải thiện. Nguyên nhân là do Việt Nam có được vụ lúa bội thu; tác dụng tích cực từ chính sách tài chính và tiền tệ siết chặt ở quý 2-2008; tỷ giá VND luôn ở mức ổn định.

Những bằng chứng có tính thuyết phục nữa là sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài qua con số vốn FDI tăng nhanh trong 9 tháng đầu năm 2008. Nguồn ngoại tệ dự trữ khoảng 21 tỉ USD đã hỗ trợ đồng VND và giúp cân bằng cán cân thanh toán. Việt Nam có mức tăng trưởng trung hạn cao hơn so với các nước khác.

Nói đến thị trường chứng khoán của Việt Nam, trước hết có thể thấy, hiện đang giao dịch với chỉ số PE là 10,5 và P/B là 1,8, rất gần với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Các công ty thuộc các ngành thiết yếu như điện, dầu khí và các công ty có thương hiệu mạnh có cổ phiếu được giao dịch với chỉ số PE khá cao. Đây cũng là giai đoạn cuối của cổ phần hóa, một lượng cổ phiếu lớn và hấp dẫn nhất của các công ty nhà nước như viễn thông, ngân hàng… sẽ được bán ra công chúng.

Có ý kiến phân tích, thị trường hiện nay thiên về năng lượng, hàng hóa có tính thiết yếu như dịch vụ dầu khí, xuất khẩu thực phẩm và thủy sản… Chỉ những ngân hàng mạnh mới được niêm yết và xuất phát điểm của thị trường chứng khoán thấp với nhiều cổ phiếu vẫn đang trong giai đoạn tiền tăng trưởng. Do vậy, tình hình tài chính Việt Nam sẽ dần bước qua cơn sóng gió.

Giải ngân từ nguồn FDI chậm

Theo nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2008 dự tính có thể đạt mức trên 50 tỉ USD. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay và cũng là một trong những điểm sáng rõ nét nhất trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế nước nhà đang chịu ảnh hưởng chung của cuộc suy thoáikinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là việc FDI có xu hướng chuyển dịch từ lĩnh vực dịch vụ sang đầu tư phát triển công nghiệp. Và có một thực tế là, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầuđã ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn FDI. Chính vì vậy, cần phải nỗ lực hơn nữa trong năng lực điều hành và thực hiện hấp thụ vốn một cách hiệu quả nhất. Hy vọng, kết thúc năm 2008 số vốn FDI thực hiện có thể đạt mức hơn 10 tỉ USD.

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện tại, vốn đầu tư thực hiện đạt 9,1 tỉ USD, tăng 13% so với năm ngoái. Như vậy, FDI chiếm khoảng 45% kim ngạch xuất, nhập khẩu, tạo ra công ăn việc làm cho gần 1,43 triệu lao động trực tiếp và tạo ra nhiều ngành nghề mới, du nhập những công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Cho dù trên bình diện kinh tế vĩ mô có một số biểu hiện xấu như: giá vật tư quan trọng cho sản xuất tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng, tổng kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu tăng cao; tổng dư nợ của nền kinh tế đều tăng cao hơn nhiều so với các năm trước; bên cạnh đó là thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh... gây nhiều thiệt hại cho người dân, nhưngChính phủ Việt Nam đã đề ra và quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô... với 8 nhóm giải pháp. Do đó, tốc độ tăng giá đã chậm lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh, nhất là trong những tháng còn lại của năm.

Trong tương lai, đặc biệt là năm 2009, Việt Nam sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với những khó khăn do tác động của cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ và giá dầu mỏ biến động khó lường. Nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay của Việt Nam sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới, cụ thể là sẽ giúp nhiều doanh nghiệp hồi sinh. Do vậy, có thể dự báo, năm 2009, dù Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn do tác động của kinh tế thế giới nhưng cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhiều hơn là thách thức.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những lĩnh vực như: sản xuất sản phẩm công nghệ cao, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị, các dự án phát triển nguồn nhân lực liên quan đến giáo dục, y tế

Hiệu quả nhất vẫn là đầu tư trung và dài hạn

Trong tương lai, Việt Nam vẫn tiếp tục ưu tiên thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực: sản xuất vật liệu mới, nguồn năng lượng mới; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy hải sản; sản xuất hàng hóa tiêu dùng; xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, điện nước; xây dựng các khu công nghiệp...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có 2 vấn đề cần lưu ý về FDI vào Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, những việc liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, cụ thể là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống luật pháp, thủ tục hành chính... mà Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình khắc phục, để các dự án FDI hoạt động hiệu quả.Thứ hai, những việc liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động FDI khi đã có nhiều lo ngại từ phía các chuyên gia kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như: ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả các nguồn tài nguyên, cấp phép đầu tư ồ ạt, phá vỡ quy hoạch.

Hiện tại, tình hình kinh tế trong thời gian tớivẫn sẽ rất khó dự đoán do cả thế giới vừa trải qua một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, kinh tế Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng từ nay đến năm tiếp theo, trong đó các vấn đề cần lưu ý là lạm phát, xuất khẩu giảm... Nhưng với các chính sách mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện, tình hình khó khăn chắc chắn sẽ qua đi trong thời gian tới. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài nên có cái nhìn trung và dài hạn vào thị trường đầy tiềm năng tại Việt Nam./.