Sáng nay, 10-10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Sài Gòn giải phóng - Đầu tư Tài chính, phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết xúc tiến đầu tư khu vực phía Nam. Gần 250 đại biểu đại diện các bộ, ngành trung ương, tổng công ty, doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện các tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau đã về dự hội nghị.

Đây là hội nghị đầu tiên nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động xúc tiến đầu tư trong 20 năm qua; nhìn nhận rõ những thành tựu đạt được, chỉ rõ những khó khăn tồn tại và đề xuất biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả đầu tư trong những năm tiếp theo.

Đánh giá về công tác xúc tiến đầu tư trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Công tác xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành và địa phương thực hiện đã đem lại hiệu quả khích lệ, nhờ đó nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện theo chiều hướng tích cực, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn. Trong 5 năm (2001-2005), Việt Nam thu hút 18,5 tỉ USD; năm 2006 đạt trên 12 tỉ USD; năm 2007 thu hút FDI vượt ngưỡng 20 tỉ USD, tăng gần 70% so năm 2006. Riêng 9 tháng đầu năm 2008, thu hút trên 57,1 tỉ USD vốn FDI, cao hơn tổng nguồn vốn FDI thu hút từ năm 2001- 2007. Nhiều dự án lớn như: Khu liên hợp thép ở Ninh Thuận (vốn đầu tư gần 9,8 tỉ USD); khu du lịch Hồ Tràm ở Bà Rịa - Vũng Tàu (vốn đăng ký trên 4,2 tỉ USD)… đã khởi công xây dựng.

Sôi động nhất về thu hút vốn FDI là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu như năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 288 dự án với tổng vốn 1,645 tỉ USD, thì năm 2007 tăng lên 496 dự án vốn đăng ký 2,48 tỉ USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2008, đã có trên 405 dự án đăng ký mới và 110 dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư trên 8,027 tỉ USD, tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 9 tháng đầu năm, thu hút trên 11 tỉ USD vốn FDI, đạt 191% kế hoạch cả năm. Ở Long An, ngoài những dự án mới gia tăng từng năm, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động trước đây cũng liên tục điều chỉnh tăng vốn mở rộng quy mô sản xuất, FDI đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội Long An phát triển, qua đó tạo công ăn việc làm cho khoảng 70.000 lao động…

Khó khăn như tỉnh miền trung Phú Yên, do làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh đã tạo bước đột phá trong việc thu hút đầu tư, và lọt vào hàng thứ 7/10 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về FDI…

Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã chỉ rõ những khó khăn tồn tại và đề xuất biện pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả đầu tư trong thời gian tới. Nhìn toàn cục, hoạt động xúc tiến đầu tư còn bộc lộ nhiều hạn chế, thu hút vốn lớn nhưng “hấp thụ” vốn còn rất khiêm tốn: thu hút gần 60 tỉ USD vốn đăng ký nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 8,1 tỉ USD. Có ý kiến cho rằng, có hai ách tắc dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, phần “cứng” là hạ tầng còn yếu kém làm hạn chế khả năng tiếp nhận lượng đầu tư hàng chục tỉ USD. Thứ hai, phần “mềm” là nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập.

Ý kiến từ các đại biểu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận việc tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn còn theo cách cũ, nặng về hình thức và thiếu cụ thể; chưa có sự phối hợp giữa địa phương với các bộ, ngành trung ương, vẫn còn tình trạng chồng chéo. Nội dung xúc tiến đầu tư vẫn còn mang nặng tính quảng bá, giới thiệu tiềm năng chứ chưa đề ra được một chiến lược xúc tiến đầu tư dài hạn, có chiều sâu.

Không ít đại biểu tỏ ra lo ngại khi dự án FDI vào Việt Nam không đều trên các lĩnh vực, đa số tập trung vào các dự án bất động sản, sân golf, nhà máy thép… Một thực tế là các nhà đầu tư chưa mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Ngay cả ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp thực phẩm cũng ít dự án đầu tư. Ý kiến các địa phương cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp chưa thu hút được nguồn vốn FDI chủ yếu do chưa tạo được một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa đúng nghĩa, tập quán canh tác nhỏ lẻ, sản phẩm thiếu đồng bộ…Muốn thu hút được nguồn vốn FDI vào những lĩnh vực trên thì công tác xúc tiến đầu tư và cả chính sách, quy hoạch cần phải rà soát, tính toán lại một cách hợp lý, đồng bộ.

Tại hội nghị này, các đại biểu đều tỏ rõ quan điểm cho rằng, xúc tiến đầu tư là mắt xích quan trọng nhằm giành quyền chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đó cũng là công cụ để cạnh tranh quốc tế, nhằm thu hút nguồn vốn FDI.

Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp; tăng cường vận động đầu tư theo phương thức trực tiếp với các tập đoàn lớn, các đối tác trọng điểm (Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU…) nhằm kêu gọi đầu tư vào những dự án lớn, quan trọng. Bên cạnh đó phải tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu thị trường, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng…

Từ thực tiễn bức xúc của xã hội trong thời gian qua về vấn đề ô nhiễm môi trường, Hội nghị đã thống nhất phát đi thông điệp: Phải nhìn nhận lại việc thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc và phải nói “không” với những dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên, năng lượng.

Thông điệp này không có nghĩa là hạn chế đầu tư FDI, mà là xác định chiến lược thu hút FDI trung hạn và dài hạn theo hướng hiệu quả nhất. Để thực hiện được điều này, ngoài nỗ lực của các bộ, ngành và chính quyền các cấp thì thông tin báo chí trong hoạt động xúc tiến đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Báo chí sẽ làm cầu nối giữa chính quyền và giới đầu tư trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng các địa phương, các dự án đầu tư, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính…/.