Âm vang ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc
Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa
"Cánh chim lạc Việt" tiết mục của Hội cựu chiến binh Hà Nội - Ảnh VOVnews |
Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với 20 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cùng đông đảo nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế đã đến tham dự.
Ngày hội đã hội tụ các diễn viên, nghệ nhân, nghệ sĩ tài hoa của các đoàn nghệ thuật của 20 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ngày hội gồm các hoạt động: giao lưu nghệ thuật truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, các lễ hội truyền thống và trò chơi dân gian, ẩm thực Thăng Long - Hà Nội; các hoạt động triển lãm trưng bày hàng nghìn hình ảnh, hiện vật và tư liệu có giá trị, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các vùng, miền với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc là dịp để các diễn viên, nghệ sĩ, nghệ nhân gặp gỡ giao lưu; các nhà quản lý nghiên cứu học tập, trao đổi kinh nghiệm; động viên tối đa nguồn lực nội sinh và mọi nguồn lực ngoại sinh để xây dựng và phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội tụ những nét văn hóa đặc sắc
Gian trưng bày các trang phục
dân tộc Việt Nam - Ảnh VOVnews |
Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa đã hội tụ những nét văn hóa bản sắc của các vùng, miền trên khắp đất nước Việt Nam. Những bộ trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam... được trưng diễn bắt đầu từ đêm khai mạc (ngày 6-10) đã làm ngời sáng bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài việc chiêm ngưỡng những nét văn hóa độc đáo, giá trị qua các hình ảnh, hiện vật... được mang đến từ nhiều vùng, miền đất nước trong cuộc triển lãm với quy mô lớn mang tên “Nét đặc trưng văn hóa các vùng, miền”, công chúng Thủ đô còn được sống trong một không gian rộn rã của ngày hội với một bức tranh đa sắc, hội tụ đủ những giá trị văn hóa đặc trưng - những món “đặc sản” trong đời sống văn hóa, tinh thần được mang đến từ nhiều vùng, miền. Du khách trong đêm lễ hội được hòa mình vào một không gian rộn rã âm thanh, rực rỡ sắc màu. Đó là màn hòa tấu cồng chiên “Âm vang đất Mường” đậm âm hưởng và chất men quyến rũ của núi rừng phía Bắc Việt Nam; là màn hòa tấu chiêng Knal do các nghệ nhân dân tộc Ê đê đến từ Buôn Trinh, xã Ea B’Lang, huyện Krông Búk, tỉnh Đắc Lắc trình diễn. Đó còn là màn diễn tấu chiêng M’Nông - một loại nhạc thể hiện sự linh thiêng trong đời sống tinh thần của đồng bào M’Nông ở Tây Nguyên, do các nghệ nhân đến từ Buôn Bukol, phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Lắc diễn tấu.
Chính vì không có gì thay thế được nên mỗi nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia ngày hội đều mang trong mình niềm vui được đem bản sắc độc đáo của dân tộc, quê hương đi trình diễn. Cũng đã lâu công chúng Thủ đô mới có dịp được hòa mình trong một không khí sôi động, đa âm sắc đến vậy. Ngày hội đã mang đến một không gian để những bản sắc ngàn đời của mỗi dân tộc, mỗi vùng, miền thêm một lần nữa được tôn vinh qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc, lễ hội và trò chơi dân gian, ẩm thực Thăng Long - Hà Nội...
Nét đặc sắc dân tộc thể hiện rõ trong không gian triễn lãm văn hóa các vùng, miền với hàng nghìn hiện vật, tư liệu, hình ảnh... được bài trí như minh chứng sống động cho những nét văn hóa bản sắc được hun đúc từ ngàn đời. Một Hà Nội bảng lảng kiêu kỳ trong nét văn hóa vàng son của nghìn năm văn hiến. Một hương sắc Lào Cai của vùng núi Tây Bắc với những bộ trang phục truyền thống của người Dao; những nhạc cụ trong vũ điệu trống Dao sôi động; những bức tranh thờ cổ quý hiếm có từ hàng trăm năm. Một Quảng Nam với nét văn hóa gắn kết giữa rừng và biển. Một vùng sông nước Nam Bộ với đặc trưng văn hóa các dân tộc Chăm, Hoa, Khmer. Một Bình Phước với không gian đậm chất văn hóa S’Tiêng. Những Đắc Nông, Đắc Lắc, Kon Tum mang dáng dấp núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ... Có nhiều hiện vật độc đáo mà công chúng Thủ đô lần đầu tiên được chứng kiến như những chiếc áo, khố, chăn được người Pa Cô làm nên từ vỏ cây rừng; những bộ đàn đá S’Tiêng, khung dệt vải thổ cẩm Ninh Thuận... Không gian trưng bày của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng điểm thêm những sắc màu độc đáo trong khung tranh ắp đầy hơi thở cuộc sống các vùng, miền.
Âm vang khó phai mờ
Nhiều hoạt động nghệ thuật diễn ra phong phú, đa dạng, đặc sắc trong các ngày lễ hội đã khẳng định được mình, để lại ấn tượng tốt đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế - từ cách giao tiếp, ứng xử cho đến vốn văn hóa riêng phong phú, đậm đà. Không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà nhân dân ta còn tiếp thu những tinh hoa của nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Ngày hội với chiếc áo dài truyền thống có những nét cách tân trong kiểu dáng, hoa văn trang trí. Nhiều bài hát lấy từ chất liệu dân gian nhưng lại được phối theo những thể loại nhạc hiện đại đã tạo nên sự hấp dẫn cho người nghe. Con người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, vẫn giữ được nét giản dị, thuần hậu nhưng lại rất thông minh, nhanh nhẹn, có khả năng phán đoán và nắm bắt bản chất của những hiện tượng văn hóa - xã hội một cách nhạy bén trước nhịp sống phương Tây. Bên cạnh những nét hiện đại, chúng ta vẫn giữ được những nét lễ hội truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.
Những ngày lễ hội với nhiều hoạt động phong phú như lễ hội, trò chơi dân gian, các chương trình giao lưu - biểu diễn nghệ thuật, trình diễn trang phục các dân tộc; giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền với sự tham gia của 20 đoàn văn hóa nghệ thuật các tỉnh, thành phố tạo nên một dấu ấn đáng nhớ về một sự kiện văn hóa lớn, hấp dẫn và độc đáo, một không gian hội tụ và kết tinh các loại hình nghệ thuật biểu diễn tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em ngay ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
Mỗi dân tộc có những sắc thái, bản địa riêng bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam và củng cố sự thống nhất dân tộc. Đêm hội cho chúng ta thấy, nền văn hóa nước ta là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc. Vốn văn hóa truyền thống của dân tộc được giữ gìn và phát huy qua các hoạt động văn hóa. Những hoạt động ấy không chỉ diễn ra trong những ngày lễ hội ở Thủ đô mà diễn ra liên tục, thường xuyên trên khắp mội miền đất nước. Nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được giữ gìn, được biểu diễn và thu hút nhiều người quan tâm.
Âm vang ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng, miền toàn quốc  (09/10/2008)
Hội chợ triển lãm “Năng lượng và sản phẩm tiết kiệm năng lượng 2008”  (09/10/2008)
Việt Nam sẽ là thị trường lớn trong lĩnh vực điện tử  (09/10/2008)
Hạ Long là thành phố ASEAN bền vững về môi trường  (09/10/2008)
Hợp tác đại học và doanh nghiệp - Góc nhìn của người trong cuộc  (09/10/2008)
Xây dựng Đại học quốc tế tại Đà Nẵng  (09/10/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay