TCCSĐT - Sáng 6-11, dưới sự chủ tọa của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với 85,6% số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành.

Các đại biểu Quốc hội đã cơ bản tán thành đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 với mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp chính được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Nghị quyết khẳng định, năm 2009 có nhiều khó khăn, thách thức; khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động mạnh đến kinh tế nước ta. Nhưng dưới sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, bằng những chính sách mạnh mẽ, kịp thời và phù hợp của Chính phủ, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã thực hiện được mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết của Quốc hội là ngăn chặn suy giảm kinh tế, không để lạm phát cao trở lại, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm được yêu cầu cơ bản về an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục củng cố và nâng cao vị trí và uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới chưa ổn định; nội tại nền kinh tế cũng có những khó khăn, hạn chế và thiếu sót. Thực tế đó đòi hỏi cần tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng công tác dự báo, chỉ đạo điều hành một cách tập trung, quyết liệt, bảo đảm cho chính sách nhanh đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng tích cực, tạo điều kiện đạt kết quả cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Mục tiêu tổng quát năm 2010 được Nghị quyết đưa ra là: Nỗ lực phấn đấu phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao chất lượng tăng trưởng; ngăn chặn lạm phát cao trở lại; tăng khả năng bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,8%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 7%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 7,5% so với năm 2009. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.

Các chỉ tiêu xã hội chủ yếu bao gồm: Số tỉnh đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở: 63 tỉnh. Tuyển mới đại học, cao đẳng tăng 12%; trung cấp chuyên nghiệp tăng 15%; cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng 17%. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,2%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa 8,5 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống 18%. Số giường bệnh trên 1 vạn dân là 27,5 giường. Diện tích nhà ở đô thị bình quân đầu người là 13,5 m2.

Các chỉ tiêu môi trường chủ yếu là: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 83%; tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch: 84%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý: 70%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom: 85%. Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý: 80%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 45%.Tỷ lệ che phủ rừng: 40%.

Nghị quyết cũng nêu ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chính để thực hiện các mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chủ yếu, trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trước tiên là: Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ tổ chức theo dõi chặt chẽ, thường xuyên, nâng cao chất lượng dự báo tình hình trong nước và quốc tế để chủ động quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định kịp thời những chủ trương và biện pháp thích ứng với tình hình.

Về nhiệm vụ, giải pháp kinh tế: Đánh giá thật đầy đủ và khách quan để xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, xác định rõ lộ trình và sớm triển khai các giải pháp, chính sách trong phương án. Sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước để hình thành Quỹ kích thích kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế với thời gian và mức hỗ trợ thích hợp. Điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để góp phần phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm giá trị đồng tiền.

Ngoài ra còn 8 nhiệm vụ, giải pháp về phát triển xuất khẩu và thị trường nội địa, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, thu hút vốn FDI, đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.../.