Sáng nay 4-12-2008, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14-11-2008.

Dự cuộc họp báo có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp.

Khẳng định nguyên tắc một quốc tịch

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 gồm 6 chương, 44 điều, đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch, đồng thời Luật cũng được áp dụng một cách mềm dẻo đối với một số trường hợp ngoại lệ có thể đồng thời mang quốc tịch nước ngoài.

Luật quy định cụ thể việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký quốc tịch Việt Nam tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Luật cũng tạo cơ sở pháp lý giải quyết cho một bộ phận người đang cư trú trong nước nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam được gia nhập quốc tịch Việt Nam. Ngoài ra, trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch cũng được quy định theo hướng cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hóa các trình tự thủ tục này.

Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009.

Khắc phục tình trạng tồn đọng án kéo dài

Trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự là một đạo luật mới gồm 9 chương, 183 điều, lần đầu tiên được ban hành nhằm hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án, xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án, nhằm tạo chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự.

Đặc biệt, Luật quy định nguyên tắc về hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án dân sự, nhất là phân định rõ cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự. Theo Luật, thời hiệu thi hành án dân sự là 5 năm.

Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2009.

Để góp phần tạo cơ sở pháp lý triển khai chủ trương xã hội hóa một số nội dung liên quan tới Luật Thi hành án dân sự, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương.

Bổ sung 3 đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gồm 4 chương 11 điều nhằm điều tiết thu nhập của người tiêu dùng; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Luật bổ sung thêm ba đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm ô tô dưới 24 chỗ vừa chở người chở hàng, xe mô tô có dung tích xi lanh trên 125 phân khối, tàu bay và du thuyền (tư nhân); đồng thời điều chỉnh thuế suất thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, ô-tô, mô tô (dung tích xi lanh trên 125 phân khối), tàu bay du thuyền, vũ trường, dịch vụcasino, kinh doanh đặt cược và kinh doanh golf.

Theo quy định của Luật thì giá tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra tại nơi sản xuất chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt; đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu.

Luật Thuế Thuế tiêu thụ đặc biệt mới được áp dụng từ ngày 1-4-2009.

Riêng đối với mặt hàng rượu bia, hiệu lực áp dụng từ ngày 1-1-2010 theo lộ trình cam kết của Việt Nam với WTO./.