Quảng Ninh phát huy các nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo
TCCS - Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột kinh tế, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Phát huy những tiềm năng, lợi thế
Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại (là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc). Tỉnh có diện tích đất liền trên 6.207 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 4 thành phố và 2 thị xã), 177 đơn vị cấp xã, 1.452 thôn, bản, khu phố; có dân số khoảng 1,33 triệu người, 43 thành phần dân tộc.
Trước thời điểm năm 2010, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Trong đó, hạ tầng giao thông, đường cao tốc chưa được đầu tư; hạ tầng điện chưa thể hiện rõ là trung tâm nhiệt điện của cả nước; nhiều đô thị lớn được hình thành song chưa thực sự đạt được các tiêu chí đô thị; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế còn thiếu cơ chế, chính sách để phát triển; hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch còn manh mún; hạ tầng văn hóa, thông tin, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt hiệu quả như mong muốn; tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu, nguồn lực cần đầu tư với tình hình thực tế còn rất lớn.
Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP, ngày 12-4-2022, của Chính phủ “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025” cùng với tư duy đổi mới, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo của địa phương; trên cơ sở các giá trị tốt đẹp và những nền tảng được tạo dựng qua nhiều thế hệ; Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã kế thừa, đổi mới và phát triển; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên; khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực nội sinh; tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công “Ba đột phá chiến lược”, đưa Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc với nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn giai đoạn 2005 - 2019 đạt 10,18%/năm, giai đoạn 2005 - 2020 đạt 10,12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đồng bằng sông Hồng (tăng 7,9%), trong đó: Giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 12,66%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 9,2%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 10,7%/năm. Năm 2021 trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, Quảng Ninh đã nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước, quản trị địa phương, năng lực thích ứng với sự thay đổi, giữ vững đà tăng trưởng GRDP trên hai con số, đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước... Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy vai trò lan tỏa của trục động lực phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế vùng.
Có được những kết quả trên là xuất phát từ chủ trương đúng đắn và việc triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả “Ba đột phá chiến lược”. Bên cạnh đó, nhận định xu hướng phát triển công nghiệp tất yếu trong thời đại hiện nay phải gắn với việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo (CBCT), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16-11-2020 “Về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” – Đây là nghị quyết đầu tiên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV; trong đó, nhấn mạnh giải pháp “huy động mọi nguồn lực, tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhanh và bền vững…” là một trong những nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu được xác định tại nghị quyết, là tiền đề không thể thiếu và điều kiện cần để phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh.
Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động đầu tư để phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; tuyến đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn; hạ tầng cửa khẩu, biển giới…
Tiếp tục đẩy nhanh, tăng quy mô việc đầu tư cảng Vạn Ninh Móng Cái bằng hình thức đối tác công tư (PPP); xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.
Tỉnh cũng chủ động thực hiện đúng kế hoạch cho việc xây dựng quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời trình cấp có thẩm quyền xem xét khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, ngân hàng, tài chính… Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực trong triển khai thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử, trong đó tập trung có trọng điểm đối với các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ bán lẻ, siêu thị và ăn uống, lưu trú trên biển…
Nhìn vào các kết quả tích cực về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2023, có thể thấy tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực từng bước chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư có chọn lọc để đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành trụ cột kinh tế, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh đến năm 2025.
Tạo cơ chế thuận lợi cho công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Quảng Ninh coi phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt; chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Nhận thức được những tồn tại trong việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, kiểm soát chặt chẽ để phát triển hợp lý ngành công nghiệp chế biến, chế tạo qua việc điều chỉnh chính sách về khoa học - công nghệ đối với doanh nghiệp công nghiệp, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn; thu hút những dự án có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có công nghệ hiện đại, từ đó tạo động lực để kích thích nền công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Bên cạnh đó các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã cơ bản xây dựng được cơ chế chính sách ưu đãi cụ thể để hình thành và phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển công nghiệp cốt lõi tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã tham mưu, đề xuất nhiều chính sách phân bổ nguồn lực đủ lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, quản lý đáp ứng chuẩn mực quốc tế; xây dựng các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài…
Tỉnh đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy. Qua đó, từng bước tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và thu ngân sách.
Xác định ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi-măng, điện tử, dệt - may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa. Với các giải pháp quyết liệt, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh tăng dần theo từng năm và hướng đến hoàn thành mục tiêu chung của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng khẳng định là ngành quan trọng và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 2021 - 2023, ước tăng 10,4%/năm (cao hơn tốc độ tăng bình quân hằng năm theo Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh).
Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã chủ động thay đổi phương thức sản xuất, cải tiến mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; thay đổi phương thức giao dịch nhằm tương tác tốt và hiệu quả hơn với nhu cầu của người tiêu dùng. Đó là những thay đổi nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần lớn vào quá trình phục hồi của nền kinh tế và lấy lại đà tăng trưởng cao trong những năm tới.
Công nghiệp khai khoáng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản lượng than sạch 3 năm (2021 - 2023) ước đạt 135,56 triệu tấn. Tuy nhiên, để phù hợp với lộ trình đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh, tỷ trọng ngành khai khoáng trong GRDP giảm dần từ 21,3% (năm 2015) xuống còn 18,3% (năm 2022), từng bước hiện thực lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch. Tuy nhiên, đóng góp vào thu nội địa của ngành than vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7%, năm 2022 là 40,9%).
Công nghiệp sản xuất điện trên địa bàn tỉnh cũng có bước phát triển. Đến nay, trên địa bàn có Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh - đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, có công suất lên tới 1.500MW, dự án này có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp điện, tạo cơ hội để phát triển các ngành công nghiệp khác, nhất là ngành công nghiệp khí hóa lỏng. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm, ước đạt 87,4 tỷ kWh, bình quân giảm 1,01%/năm. Nguyên nhân chính được xác định là trên địa bàn tỉnh không phát sinh nhà máy điện mới đưa vào vận hành; nhu cầu huy động công suất của hệ thống lưới ưu tiên cho các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, thủy điện)... Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao.
Theo dự kiến, đến hết năm 2023, cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh (so với năm 2020), khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 49,8% (tăng 0,7%); dịch vụ và thuê sản phẩm đạt 45,5% (tăng 1,16%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023, ước đạt 294.058 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn này đạt 10,2%/năm (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đề ra)... “Nhịp độ” tăng lên của tỷ trọng trong GDP cũng cao hơn các thời kỳ trước. Điều đó thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu để đến năm 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian qua, Quảng Ninh là điểm sáng trên cả nước trong việc thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD). Dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 417 tỷ đồng/ha (tương đương 18,18 triệu USD/ha) - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các KCN hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Trước đó, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6ha. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại Khu công nghiệp Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD), tạo cơ hội việc làm cho khoảng 2.200 lao động địa phương.
Theo báo cáo Sở Công Thương: Công nghiệp chế biến chế tạo năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%, tăng 2,5% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân giai đoạn 2021 - 2022 đạt 23,6%/năm, cao hơn chỉ tiêu Nghị quyết số 01-NQ/TU (Nghị quyết là 17%/năm). Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ước tăng 12,4%. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 01-NQ/TU đạt trên 41.300 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD (đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong nghị quyết là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm).
Các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo được đầu tư, khởi công và đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng nâng tỷ trọng của ngành này trong cơ cấu tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP) tăng qua từng năm.
Cùng với đó, phân bố không gian, quy hoạch các KKT, KCN, định hướng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng được thể hiện rõ nét, bước đầu hình thành chuỗi công nghiệp dệt công nghệ cao, như KCN Texhong Hải Hà (giai đoạn 1); chuỗi công nghiệp sản xuất ô-tô tại các KCN Việt Hưng, Sông Khoai, Đông Mai, Bắc Tiền Phong; cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai.
Cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương và quyết tâm trong chỉ đạo, thực hiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bên cạnh việc tăng cường đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, Với những định hướng phát triển dài hạn, cùng những kết quả như trên ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Quảng Ninh được dự báo sẽ tiếp tục độ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành trụ cột kinh tế, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh./.
Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương  (22/12/2023)
Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương  (22/12/2023)
Hơn 1 tỷ cổ phiếu Nam A Bank được chấp thuận niêm yết trên HOSE  (22/12/2023)
Năm 2023: PVEP vượt khó thành công  (22/12/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp