Tỉnh Hà Giang chú trọng lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
TCCS - Trong quá trình hình thành và phát triển, tỉnh Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo cho một nền văn hóa độc đáo, phong phú. Xác định đó là thế mạnh lớn tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, Hà Giang chú trọng lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc trên địa bàn, xem đó là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Bảo tồn truyền thống văn hóa được đặc biệt coi trọng
Hà Giang là mảnh đất có nhiều tiềm năng về các loại hình du lịch, từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đến du lịch tâm linh... Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển du lịch.
Những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang được thể hiện trên các mặt: văn hóa vật chất; các quan hệ ứng xử xã hội và đời sống tinh thần, coi kinh tế nông nghiệp, trồng trọt là nguồn sống chính. Trong sinh hoạt ăn, mặc, ở của mỗi gia đình, dân tộc vừa mang tính thống nhất vừa mang tính đa dạng. Đồng bào các dân tộc ở Hà Giang đã sáng tạo ra nhiều kiểu kiến trúc nhà ở truyền thống phù hợp với đặc điểm địa hình từng vùng và trở thành bản sắc dân tộc như nhà sàn, nhà đất… Tuy nhiên, việc bố trí mặt bằng, không gian sinh hoạt từng cộng đồng lại mang dấu ấn phong tục, tập quán riêng không giống nhau, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Về trang phục, đặc biệt là trang phục của phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Hà Giang rất đa dạng, rực rỡ, được làm bằng thủ công từ khâu làm sợi, dệt, nhuộm và thêu hoa văn rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đẹp mắt, còn được gọi là thổ cẩm. Đa số đồng bào dân tộc đều quan niệm vạn vật hữu linh, sinh ra nhiều nghi lễ cúng thần rừng, thần núi, thần sông… Các nghi lễ trong cưới hỏi, tang ma được coi trọng, thông qua những nghi lễ nhiều giá trị văn hóa truyền thống được hình thành. Các loại hình văn nghệ dân gian cũng rất phong phú như: Dân ca, múa, nghệ thuật tạo hình và trang trí hoa văn trên trang phục, chế tác trang sức, nghệ thuật cắt giấy, các truyền kể dân gian thần thoại truyền thuyết, cổ tích chứa đựng tri thức, tình cảm, tâm lý, nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống, những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng các chủ trương, đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện, ngành và các ngành chức năng của tỉnh đã tham mưu ban hành những văn bản cụ thể hoá chủ trương của Đảng về văn hóa, được thể thiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác văn hóa. Căn cứ các văn bản của Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành chủ động tham mưu và phối hợp tham mưu trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch về văn hoá. Trong đó, công tác bảo tồn di sản văn hóa được đặc biệt chú trọng như: Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 26-11-2021 về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 6-1-2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 6-10-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 1244/QĐ-UBND ngày 4-7-2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Dự án: “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia” và “Phục dựng, bảo tồn một số lễ hội dân gian truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” giai đoạn 2017 - 2020; Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025… Đồng thời, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Cụ thể, Đảng ủy Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành 5 nghị quyết, trong đó có 2 nghị quyết chuyên đề về bảo tồn di sản văn hóa; Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành 25 kế hoạch, gần 100 văn bản đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. Hằng năm, ngành còn chủ động xây dựng các chương trình kế hoạch thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo thanh tra của sở, các đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại cơ sở. Giai đoạn 2018 - 2022, ngành đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, trong đó 9 cuộc thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực di sản văn hóa.
Triển khai nhiều biện pháp thiết thực và hiệu quả
Tuy còn là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, song qua báo cáo cũng như khảo sát thực tế cho thấy, Hà Giang luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống. Nhiều biện pháp bảo vệ, lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống được thực thi hiệu quả, phát huy được vai trò, giá trị của văn hoá.
Thứ nhất, đề cao vai trò của người có uy tín trong bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một trong những giải pháp cụ thể được huyện Quang Bình sử dụng thành công để bảo tồn văn hoá truyền thống trên địa bàn huyện Quang Bình nói chung và bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn nói riêng. Thuộc nhóm dân tộc ít người, người Pà Thẻn của huyện Quang Bình có một kho tàng văn hoá phong phú, đa dạng, độc đáo được thể hiện ở kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, trang sức, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian, các lễ hội truyền thống và các phong tục tập quán riêng. Để bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình đã phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, đặc biệt coi trọng vai trò của bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư người Pà Thẻn. Cũng phát huy vai trò của người có uy tín, huyện Hoàng Su Phì còn phát huy vai trò, trách nhiệm của các nghệ nhân dân gian. Mô hình Hội Nghệ nhân dân gian khởi nguồn thành lập tại xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào năm 2003 đã đem đến những hiệu quả thiết thực, giúp địa phương tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đóng góp không nhỏ vào công tác bảo tồn văn hoá của huyện. Từ đây, mô hình Hội Nghệ nhân dân gian được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đến nay, tổng số tổ chức hội được thành lập là 194, hầu hết các hội đã được kiện toàn về cơ cấu tổ chức. Trong đó, có 193 hội ở các xã, phường, thị trấn và 1 tổ chức hội cấp huyện (huyện Xín Mần), với 9000 hội viên tham gia, trong đó có 18 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Hội Nghệ nhân dân gian đã phát huy vai trò tham gia vào việc giữ gìn, truyền dạy, thực hành di sản văn hóa với 3 lĩnh vực chủ yếu: tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; truyền dạy và làm nghề truyền thống.
Thứ hai, chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững.
Những năm qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực tổ chức trùng tu, tôn tạo nhiều khu di tích, phục dựng các lễ hội truyền thống để gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch, Hà Giang triển khai xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng với 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Trong đó, 1 làng được xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), 1 làng xây dựng theo tiêu chuẩn khu nghỉ dưỡng cộng đồng chất lượng cao (thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên - huyện Hoàng Su Phì), 1 làng văn hoá du lịch dân tộc Mông xây dựng mới theo mô hình kiểu mẫu (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc).
Song song với đó, tỉnh Hà Giang thực hiện có hiệu quả việc đưa các hoạt động văn nghệ dân gian vào chương trình phục vụ du khách khi đến thăm quan du lịch để người dân trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát duy di sản văn hóa, cũng như tạo thêm thu nhập cho nhân dân. Nhiều lễ hội truyền thống gắn với các sự kiện thường niên từng bước trở thành thương hiệu du lịch của tỉnh Hà Giang, điển hình như: Lễ hội hoa Tam giác mạch, tuần văn hóa di sản Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, lễ hội Khèn Mông,… Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được bảo tồn, phục dựng phát huy giá trị di sản văn hóa tạo thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh cao trong phát triển du lịch như: Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cầu mùa của dân tộc Cờ Lao, lễ hội bàn vương của dân tộc Dao, lễ hội gầu tào của dân tộc Mông… Đặc biệt, việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhờ đó vừa hỗ trợ khôi phục cho các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.
Thứ ba, thực hiện chính sách đưa kỹ năng sống và truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học với mục tiêu bảo tồn và trao truyền những giá trị văn hóa tiêu biểu cho thê hệ kế tiếp. Với đông đồng bào dân tộc sinh sống, huyện Quang Bình có rất nhiều phong tục, lễ hội, nghề truyền thống cần được giữ gìn và phát huy. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 6-1-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI về việc đưa kỹ năng sống và văn hoá truyền thống vào giảng dạy trong các nhà trường, huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống thông qua giờ học ngoại khóa trong trường học, giai đoạn 2015 - 2020 và có nhiều giải pháp bảo tồn văn hoá truyền thống. Bằng cách làm linh hoạt, sáng tạo, đến nay, học sinh nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn được tiếp cận cuốn tài liệu “Sơ lược văn hoá truyền thống các dân tộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang”. Tùy vào nét văn hóa của từng vùng miền, mỗi nhà trường duy trì truyền dạy các loại hình văn hoá truyền thống như hát then, đàn tính của dân tộc Tày, hát dân ca dân tộc Dao đỏ, dạy dân ca dân tộc Dao áo dài, dạy dân ca dân tộc Pà Thẻn, Mông, La Chí… Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện Quang Bình còn tổ chức các lớp học nghề truyền thống như dệt tơ tằm, dệt thổ cẩm cho các em học sinh; mời những nghệ nhân giỏi về truyền dạy các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân gian cho con em đồng bào các dân tộc... Năm 2021, huyện ban hành kế hoạch về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ở cấp tỉnh, có thể thấy việc truyền dạy văn hóa truyền thống thông qua việc triển khai mở 10 lớp truyền dạy bí quyết và tổ chức thực hành di sản nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc có nguy cơ bị mai một, bao gồm: Lễ cúng thần rừng của đồng bào Pu Péo, lễ hội Gầu Tào của đồng bào Mông, lễ cúng tổ tiên của đồng bào Lô Lô, lễ mừng năm mới của đồng bào Giáy, nghi lễ Then của người Tày, lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thẻn, tết Khu Cù Tê của đồng bào La Chí, tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang, lễ cấp sắc của đồng bào Dao. Mặt khác, nhằm giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của từng dân tộc, tỉnh cũng tổ chức những lớp truyền dạy kỹ thuật, bí quyết thêu hoa văn trang phục dân tộc Lô Lô (huyện Mèo Vạc), dân tộc Dao (huyện Bắc Quang), dân tộc Tày (huyện Quang Bình); truyền dạy các làn điệu dân ca và kỹ thuật sử dụng nhạc cụ truyền thống dân tộc Mông (huyện Bắc Mê); xây dựng và nhân rộng các mô hình phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của nghệ nhân dân gian ở các địa phương tham gia giáo dục văn hóa truyền thống, lồng ghép giảng dạy cho học sinh ở các trường học với nhiều hình thức phong phú… Các ngành chức năng cũng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ truyền thống, góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Có thể nói, các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc giúp tỉnh Hà Giang đã và đang khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa cộng đồng. Việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc giúp Hà Giang hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút, phục vụ du khách với phường châm “Giữ văn hóa để phát triển du lịch, phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc văn hóa”, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Hà Giang: Tạo bước đột phá toàn diện về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công  (23/12/2022)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay