Gắn kết du lịch Hà Nội với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo
TCCS - Ngày 30-10-2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đây chính là điều kiện để Hà Nội khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa của Thủ đô, gắn kết văn hóa với phát triển du lịch theo hướng bền vững, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và định vị thương hiệu cho ngành du lịch của thành phố trong bối cảnh mới.
Hà Nội - thành phố sáng tạo
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ra đời từ năm 2014, hiện có tổng số 246 thành viên, tập hợp các thành phố trên toàn thế giới có sự phát triển dựa trên sự sáng tạo ở các lĩnh vực, như âm nhạc, thủ công mỹ nghệ truyền thống, thiết kế, điện ảnh, văn học, nghệ thuật kỹ thuật số, ẩm thực. Những thành phố này đều hướng tới một sứ mệnh chung là đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị để phát triển an toàn, năng động, toàn diện và bền vững, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, qua đó phát huy sức mạnh mềm của văn hóa, đem tới lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư trong đô thị. Theo UNESCO thì các thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới này phải cam kết đặt văn hóa vào trung tâm của các chiến lược phát triển.
Là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi kết tinh và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Hà Nội hội tụ đầy đủ các yếu tố để được công nhận thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Với hệ thống hàng nghìn di sản văn hóa đa dạng, khoảng 1.350 làng nghề thủ công ở các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo phong phú với nhiều nhà thiết kế, nghệ sĩ, các không gian sáng tạo trên toàn thành phố, Hà Nội trở thành trung tâm của sự sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thiết kế. Có thể thấy, hoạt động thiết kế sáng tạo hiện diện mạnh mẽ trong cuộc sống hằng ngày của người dân Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử, có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử”, ở hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Những công trình kiến trúc, như Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cầu Nhật Tân... đã thể hiện tài hoa, sức sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thiết kế. Những sản phẩm của sự sáng tạo hiện diện ở khắp nơi trong thành phố, cho thấy nền tảng vững chắc cho sự phát triển của Hà Nội dựa trên thiết kế sáng tạo. Đó là những áp-phích tuyên truyền và biển quảng cáo nổi bật (từng được dán trên các bức tường khắp thành phố, hiện đang được trưng bày ở trong nước và nhiều nơi trên thế giới), là những thiết kế độc đáo thể hiện ở các tuyến phố nội thành, là những sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống rất đa dạng, phong phú, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái… Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo và sự sáng tạo của Hà Nội trong bảo tồn và phát triển.
Bên cạnh đó, theo thống kê, trong tổng số 43.704 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp thiết kế, thiết kế nội thất, thiết kế đô thị, thiết kế hội họa. Năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố là 2.522 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ tư vấn và thiết kế, quảng cáo, 167 doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí… Hà Nội có cộng đồng và các nhóm sáng tạo ở hầu hết các lĩnh vực, tiêu biểu như Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo, Hội nghệ nhân thợ giỏi, Hiệp hội làng nghề Hà Nội…
Trọng tâm của Hà Nội là đặt sự sáng tạo, đặc biệt từ góc độ thiết kế vào trung tâm của sự phát triển bền vững thành phố, với tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á. Do đó, nhắc đến Hà Nội không thể nhắc đến mạng lưới các không gian sáng tạo đa lĩnh vực, trong đó có những trung tâm tập trung vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo, như Hanoi Design Center, VICAS Arts Studio, VCCA, Manzi art space, Workroomfour… Các không gian sáng tạo này vừa tiếp sức cho hoạt động của nghệ sĩ, kết nối các nghệ sĩ và công chúng, vừa giúp công chúng thêm cơ hội tiếp cận nghệ thuật, trải nghiệm văn hóa, truyền cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng, đồng thời tạo nên bản sắc văn hóa, tạo sức hấp dẫn cho đô thị, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển. Có thể kể ra rất nhiều hoạt động trình diễn sôi nổi, độc đáo của các không gian sáng tạo Hà Nội, như không gian nghệ thuật đương đại và sáng tạo mới Heritage Space với việc tổ chức Tháng thực hành nghệ thuật 2019, trong đó có nhiều hoạt động thực hành nghệ thuật và triển lãm giữa các nghệ sĩ chuyên nghiệp quốc tế và các nghệ sĩ trẻ Việt Nam; VICAS Arts Studio (Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) với triển lãm “Tòhe-Vo-lu-tion” - một phần của Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019, trong đó có chuỗi các triển lãm, sự kiện và hoạt động giáo dục - đào tạo, chia sẻ thông tin, cập nhật xu hướng được hợp tác phát triển, tôn vinh các cá nhân, tập thể cùng các dự án, tác phẩm sáng tạo cũng như vẻ đẹp văn hóa Hà Nội, khơi gợi sức sáng tạo của người tham dự; Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD với các khóa học về biên kịch, quay phim, diễn xuất… VICAS Art Studio còn tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau, như Rác xuân, Qua miền Tây Bắc, Hư hư thực thực, Mãi yêu, Vòng xoáy của sự im lặng,… mang ý nghĩa xã hội, truyền cảm hứng và lý tưởng sống tốt đẹp cho mọi người, đồng thời giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sĩ, kết nối nghệ sĩ với thị trường và khán giả…
Một số hoạt động bước đầu trong gắn kết du lịch và xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo của Hà Nội
Có thể thấy, sự kiện Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mở ra nhiều cơ hội trong việc xây dựng cũng như khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu thành phố sáng tạo để đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung và sự phát triển của ngành du lịch nói riêng. Do đó, việc gắn kết các giá trị văn hóa và các yếu tố thiết kế sáng tạo với chiến lược phát triển ngành du lịch được coi là yêu cầu quan trọng được đặt ra hiện nay của Hà Nội.
Thời gian qua, hướng tới xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á, đồng thời tiếp tục giữ vững vị trí là một trong những điểm đến hấp dẫn của thế giới, Hà Nội đã có những bước đi chủ động, sáng tạo trong nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong thiết kế sáng tạo và tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch đặc sắc...
Về quảng bá, xúc tiến du lịch:
Hà Nội tập trung quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga, Đức, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a... Ngành du lịch tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ký kết Bản ghi nhớ Chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019 - 2024 giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN; sản xuất và phát sóng phim quảng cáo 30 giây số 1 chủ đề “Xin chào Hà Nội” năm 2019, trong đó nhấn vào những giá trị di sản văn hóa và những thiết kế sáng tạo của Hà Nội, thu hút được sự quan tâm cũng như đánh giá tích cực từ đông đảo du khách quốc tế. Nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với nhân dân Thủ đô và du khách, như Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2019; chương trình quảng bá, giới thiệu về văn hóa ẩm thực Hà Nội ở một số quốc gia trên thế giới.
Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa:
Sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú, là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch, Hà Nội xác định bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc - đô thị cũng như các di sản văn hóa chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện các chương trình về phát triển bền vững thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác tu bổ, tôn tạo di tích. Trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, 319 lượt di tích trên địa bàn thành phố được tu bổ, tôn tạo với tổng nguồn kinh phí là 1.782,983 tỷ đồng. Thành phố đã và đang triển khai nhiều dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng, như hát ca trù, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô (huyện Quốc Oai), trống quân (các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên), nghề rèn ở Đa Sĩ (quận Hà Đông), tri thức làm thuốc Nam của người Dao (huyện Ba Vì)… Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế, như Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, chùa Hương, Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng các công trình kiến trúc đương đại, mang tính biểu tượng mới, như Bảo tàng Hà Nội, cầu Nhật Tân…, góp phần tạo dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch mới hấp dẫn cho Thủ đô.
Về thiết kế sáng tạo và tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch:
Với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững, Hà Nội đã xây dựng và triển khai chương trình hành động trung, dài hạn, với nhiều nội dung, như kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo và mạng lưới các không gian sáng tạo Hà Nội; thiết lập dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo... Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối các chính sách của thành phố với thúc đẩy sáng tạo, như Tọa đàm "Hợp tác công - tư thúc đẩy sự phát triển không gian văn hóa sáng tạo tại Hà Nội"; Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội 2019...; phát triển nhiều chương trình văn hóa hấp dẫn, nâng tầm sáng tạo, như Chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, Giải Chạy quốc tế Di sản Hà Nội...; xây dựng các chương trình, dự án nuôi dưỡng tài năng, kích thích năng lực sáng tạo, như Diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á...; xây dựng các dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân, như Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống, xây dựng tại làng gốm Bát Tràng), dự án trồng mới 1 triệu cây xanh, đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội… Tháng 11-2019, cùng với lễ công bố Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại được Hà Nội tổ chức tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Lễ hội có sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, được tổ chức thành những không gian văn hóa sắp đặt ấn tượng với nhiều sản phẩm của 16 nghề thủ công truyền thống được thiết kế đa dạng, sáng tạo, như lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, đúc đồng Ngũ Xã, sơn mài Hạ Thái...; không gian mỹ thuật dân gian trong đời sống đương đại, giới thiệu dòng tranh dân gian Hàng Trống, tranh ghép gốm; không gian trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại với chèo tàu, hát ví, hát dô, hát xẩm... Lễ hội đã thu hút 6 vạn lượt du khách trong và ngoài nước tham quan, qua đó góp phần tôn vinh những sáng tạo dựa trên “chất liệu” truyền thống, quảng bá hình ảnh Hà Nội - thành phố sáng tạo. Bên cạnh đó, những ngày cuối năm 2019, Hà Nội còn tổ chức “Liên hoan Truyền thông và Thiết kế Việt Nam: Hà Nội 2019” ở nhiều điểm văn hóa ngoài trời với hơn 30 sự kiện, liên hoan với sự tham gia của hàng trăm tổ chức, cá nhân, mang đến không khí sáng tạo trên khắp thành phố, thu hút đông đảo khách du lịch khám phá, tìm hiểu. Hà Nội cung cấp các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn thu hút người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế, như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) - sự kiện quan trọng nhất trong lĩnh vực phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam thu - đông, tuần lễ Thời trang trẻ em Việt Nam, các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các lễ hội văn hóa - nghệ thuật,... Các không gian sáng tạo, như không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, không gian bích họa phố Phùng Hưng, phố Trịnh Công Sơn… được sử dụng thành nơi tổ chức các hoạt động sáng tạo, kết nối cộng đồng đang góp phần làm cho người dân thêm yêu thành phố, khơi dậy những năng lượng sáng tạo tích cực, đồng thời góp phần định hình bản sắc văn hóa và thương hiệu du lịch Thủ đô.
Như vậy, có thể thấy, việc phát huy các giá trị văn hóa và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo gắn kết với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo đã và đang góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch cho Hà Nội, một đô thị độc đáo, có bản sắc, có tính cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước.
Một số đề xuất thời gian tới
Một là, tăng cường các hoạt động thông tin và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân Thủ đô về vai trò, vị trí của văn hóa, du lịch và sáng tạo trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Khơi dậy, phát huy, nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tạo, tinh thần đổi mới và sự năng động trong toàn dân, tăng cường sự gắn kết cộng đồng trong thiết kế sáng tạo Thủ đô. Triển khai hiệu quả các chiến lược truyền thông và phát triển thương hiệu du lịch và sáng tạo văn hóa Thủ đô một cách toàn diện, cập nhật đến đông đảo người dân trong nước và quốc tế các chương trình, sự kiện văn hóa và thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, thúc đẩy sự tham gia của công chúng và nâng cao nhận thức về Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, góp phần kết nối thế hệ trẻ với nhịp đập văn hóa và sáng tạo trong và ngoài thành phố cũng như góp phần tăng cường liên kết Hà Nội với các thành phố sáng tạo UNESCO trong khu vực và thế giới.
Hai là, lồng ghép yếu tố sáng tạo vào các chiến lược phát triển, chương trình hành động của Thủ đô, trong đó có chiến lược phát triển du lịch. Xây dựng và hoàn thiện những kế hoạch cụ thể định hướng cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó nhấn mạnh vào các hoạt động sáng tạo. Hoàn thiện cơ chế, chính sách (chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế…), tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển các không gian sáng tạo, góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng của Hà Nội, định vị thương hiệu của du lịch Thủ đô. Nghiên cứu, chọn lựa trọng tâm và xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân làm sáng tạo; ưu tiên xây dựng và phát triển các khu vui chơi, các hoạt động sáng tạo cộng đồng khi tiến hành quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới; cải tạo những khu vực ô nhiễm môi trường và mang đến sức sống mới cho khu vực đó bằng chính các không gian sáng tạo. Tiếp tục xây dựng chương trình khởi nghiệp, kết nối với doanh nghiệp để có kế hoạch hỗ trợ xứng đáng các tổ chức, cá nhân có ý tưởng sáng tạo phù hợp. Xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp sáng tạo, không gian sáng tạo, có tầm nhìn chiến lược trong việc tạo ra các không gian sáng tạo lớn, trong đó có mạng lưới sáng tạo nghệ thuật. Có cơ chế để tạo nguồn lực hỗ trợ cho việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình phát triển không gian sáng tạo; hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp lớn tham gia hỗ trợ các không gian sáng tạo bằng cách chia sẻ nguồn lực, cơ hội, kiến thức, kỹ năng… Có chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ các không gian sáng tạo hoạt động vì mục đích cộng đồng để tăng cường kết nối sáng tạo, tạo điều kiện cho những thành tựu sáng tạo cao hơn, có tính hệ thống hơn.
Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 112/KH-UBND, ngày 29-5-2017, về “Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cải cách thể chế, tập trung xây dựng hạ tầng và nền tảng thiết kế sáng tạo. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện các chương trình hành động trung và dài hạn về tầm nhìn và kết nối các chính sách của Hà Nội nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, khai thác hiệu quả năng lực sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa vai trò của văn hóa và sáng tạo trong đời sống, gắn kết chặt chẽ văn hóa và du lịch, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của Hà Nội, tạo tiền đề thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của mạng lưới, khẳng định vị trí và tầm vóc Thủ đô sáng tạo.
Bốn là, kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội với mục tiêu ươm mầm tài năng trong các lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, củng cố mạng lưới thiết kế sáng tạo tại Hà Nội, hỗ trợ các dự án sáng tạo tiềm năng và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội, cung cấp một nền tảng cho thiết kế, thủ công và văn hóa trong thành phố, tích hợp thiết kế sáng tạo, thủ công và nghệ thuật, tạo không gian để sắp đặt nghệ thuật, biểu diễn và tổ chức các hoạt động sáng tạo khác. Triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội, tạo ra một sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo. Chương trình sẽ thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp lớn, đồng thời có sự tham gia tư vấn của đội ngũ các nhà nghiên cứu và các chuyên gia thiết kế sáng tạo, đại diện các doanh nghiệp có liên quan trong và ngoài nước. Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm với các sự kiện dành cho các chuyên gia trong ngành và công chúng cùng các sự kiện vệ tinh, như triển lãm nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, vẽ trực tiếp và buổi giới thiệu trưng bày thiết kế sáng tạo hỗ trợ các hoạt động thân thiện với môi trường... Tổ chức diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á để hỗ trợ trao đổi kiến thức, hỗ trợ và hợp tác giữa các thành phố Đông Nam Á. Tổ chức mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ để tìm kiếm những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ với ngành công nghiệp văn hóa. Có chính sách đào tạo nguồn nhân lực và thu hút tài năng trong thiết kế sáng tạo.
Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban điều phối Thành phố sáng tạo Hà Nội (trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, bộ phận thường trực là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội), tăng cường sự phối hợp của Ban điều phối Thành phố sáng tạo Hà Nội với Chính phủ, hội đồng chuyên gia từ cộng đồng thiết kế, với các sở, ngành, các hội của Hà Nội. Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ các hoạt động của mạng lưới, thúc đẩy các thành phố khác của Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…) tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy mối quan hệ quốc tế giữa Hà Nội với các thành viên khác trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong bối cảnh mới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như hoạt động thiết kế sáng tạo của Hà Nội cho các đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, phát huy được vai trò tích cực của cộng đồng dân cư. Xây dựng và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2020 và giải pháp khắc phục thiệt hại trong hoạt động du lịch sau dịch COVID-19. Đầu tư xây dựng các tuyến du lịch mới hướng đến những thị trường an toàn để thu hút du khách gắn kết với các hoạt động thiết kế sáng tạo, hấp dẫn./.
Du lịch Quảng Ninh: Hướng mạnh vào dịch vụ đẳng cấp  (02/11/2020)
Vận dụng quy luật kinh tế trong quá trình phát triển văn hóa, nghệ thuật ở nước ta hiện nay  (31/10/2020)
Hà Nội: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân  (28/10/2020)
Hà Nội ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp  (27/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm