Thủ đô Hà Nội: Phát huy nguồn lực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
TCCS - Với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề phát triển mạnh mẽ cùng vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước, Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng đầu tư cho khởi nghiệp, nỗ lực nghiên cứu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo xứng tầm quy mô và mang đậm bản sắc riêng.
Tiềm năng, lợi thế về hệ sinh thái khởi nghiệp và định hướng chính sách phát triển
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 119 trường đại học, cao đẳng và học viện. Tuy nhiên, chỉ có một số ít các trường đại học thực sự có hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, như Đại học Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Đại học Quốc gia Hà Nội (Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trung tâm ươm tạo công nghệ nông nghiệp).
Ngoài ra, Hà Nội hiện có khoảng 26 tổ chức có chức năng hoạt động như các vườn ươm doanh nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, không gian hỗ trợ khởi nghiệp, tuy nhiên chỉ có một số ít đơn vị thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bài bản, như Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo thuộc Sở Thông tin - Truyền thông, Vườn ươm tư nhân Wecreate Vietnam, Việt Nam Silicon Valley, Up-com…
Với định hướng đến năm 2025, Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025” theo Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9-9-2019. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm. Trong đó, ít nhất có 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Hình thành Mạng lưới không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” với mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 không gian cấp thành phố, 20 không gian cấp cơ sở. Mạng lưới này được xác định sẽ trở thành một trụ cột của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô, là yếu tố nòng cốt để cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, “Về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025”. Đề án trên của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hướng tới hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp cho sinh viên; thanh niên đô thị, nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; các dự án bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng nhãn hiệu, logistics; hỗ trợ doanh nhân trẻ chuẩn bị đăng ký kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và mở rộng sản xuất.
Thành đoàn Hà Nội với 5 đơn vị sự nghiệp, 110 cơ sở đoàn với hơn 700 nghìn đoàn viên; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội có 30 tổ chức hội trực thuộc và 15 câu lạc bộ, với hơn 918 nghìn hội viên. Đặc biệt có Hội Doanh nghiệp trẻ với hơn 300 thành viên là CEO của các câu lạc bộ trẻ và các doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội có 42 cơ sở hội trực thuộc, với khoảng 380.000 hội viên.
Đề án của thành phố đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành mạng lưới các không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; kết nối với các không gian trong và ngoài nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; trở thành địa chỉ uy tín về ươm tạo, hỗ trợ, kết nối cho các ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên.
Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2025, mỗi năm xây dựng, vận hành ít nhất 1 Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô cấp thành phố; hình thành và vận hành 20 không gian cấp cơ sở. Đáng chú ý, thành phố sẽ sửa chữa, cải tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm đưa vào sử dụng 4 không gian dựa trên các trụ sở có sẵn có trong thiết chế văn hóa cho thanh niên, gồm Cung Thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội. Đối với các không gian cấp thành phố và cơ sở sẽ có nhiệm vụ cụ thể, trong đó, chủ yếu là xây dựng năng lực cho thanh niên - thành phần cốt yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong cộng đồng.
Ngoài ra, Đề án còn hướng tới hỗ trợ kết nối, ký kết thỏa thuận hợp tác ghi nhớ hằng năm với tối thiểu 10 tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam; đào tạo, nâng cao kỹ năng, cung cấp từ 50 đến 100 nhân sự cho không gian tại cơ sở.
Là một người khởi nghiệp công nghệ giáo dục duy nhất lọt vào chung kết Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp Techfest 2020, Giám đốc Công ty cổ phần Edulive Toàn Cầu (quận Đống Đa) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để hiện thực hóa các mục tiêu của thành phố, những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới là hỗ trợ về cơ sở vật chất, nguồn vốn... giúp các startup có thêm nguồn lực nghiên cứu, phát triển sản xuất cũng như thương mại hóa sản phẩm.
Đóng góp vào mục tiêu chung, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội (HBI-IT) Vũ Tấn Cương cho biết, trong thời gian tới, HBI-IT sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thu hút các thành phần khởi nghiệp tham gia và thông qua các hoạt động nghiệp vụ sẽ cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của thành phố. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Lê Văn Quân chia sẻ, để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước và quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, trước mắt, thành phố sẽ hỗ trợ hình thành từ 3 đến 5 vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung; đồng thời, Hà Nội đang xúc tiến thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, muốn hiện thực hóa mục tiêu đưa Thủ đô trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và làm chủ công nghệ mới. “Hà Nội sẽ tăng cường kết nối, phát huy có hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; huy động đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường đại học... trên địa bàn cùng vào cuộc để gìn giữ và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo” vì sự phát triển Thủ đô”, ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cụ thể và điều này tác động tích cực đến việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hoặc các dự án khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh về quy mô khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng Đề án 4889 hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hà Nội nhằm tăng cường kết nối với các tập đoàn kinh tế lớn, các trường đại học, học viện - tâm điểm của mô hình sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để cung cấp nguồn nhân lực, ý tưởng đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung./.
Hà Nội đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật then chốt  (20/11/2022)
Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay  (18/11/2022)
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả và hội nhập quốc tế  (18/11/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm