Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Hệ thống chính trị cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết giữa cộng đồng dân cư, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển các giá trị con người - giá trị văn hóa - giá trị xã hội, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Quản lý phát triển xã hội và vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay
Quản lý xã hội là sự tác động đến xã hội nhằm mục đích điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển xã hội. Quản lý xã hội là sự tác động liên tục, có tổ chức của chủ thể quản lý xã hội và các khách thể có liên quan, nhằm duy trì và phát triển xã hội theo các đặc trưng và các mục tiêu mang tính xu thế phát triển khách quan của xã hội.
Quản lý phát triển xã hội là quá trình tác động của các chủ thể: đảng chính trị, nhà nước, các tổ chức xã hội, người dân và cộng đồng đến các hoạt động phát triển xã hội bằng các công cụ luật pháp, chính sách, hành chính, kinh tế, chính trị, tư tưởng… nhằm đạt được các mục tiêu phát triển xã hội trong từng giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia.
Quản lý phát triển xã hội là hoạt động có ý thức và có cơ sở khoa học của chủ thể quản lý tác động vào chiều cạnh xã hội, của sự phát triển nhằm tạo lập một cơ cấu xã hội năng động, thống nhất trong đa dạng, phát huy những nhân tố tích cực, kịp thời khắc phục các mâu thuẫn nảy sinh, đạt tới sự đồng thuận xã hội, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân và cả cộng đồng phát huy hết tiềm năng lao động, sáng tạo trong một xã hội phát triển theo hướng nhân văn, bền vững vì mục tiêu cao nhất là phát triển toàn diện con người, vì hạnh phúc con người.
Thủ đô Hà Nội với diện tích 3.359,82 km² và dân số 8,33 triệu người, được chia thành 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị cơ sở xã, phường, thị trấn, trong đó 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn. Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, vì Hà Nội là Thủ đô của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội phải cao hơn các địa phương khác. Nhận thức rõ trách nhiệm đó, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt từ 12.000 đến 13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Cấp cơ sở là cấp cuối cùng, gần dân nhất trong hệ thống tổ chức hành chính nhà nước bốn cấp ở nước ta có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn cơ sở. Do đó, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XVII Đảng bộ thành phố, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị các cấp của thành phố, trong đó hệ thống chính trị cơ sở giữ vai trò trực tiếp.
Hệ thống chính trị cơ sở là chỉnh thể các thiết chế và cơ chế thực thi quyền lực chính trị tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Xét từ góc độ cấu trúc tổ chức, hệ thống chính trị cấp cơ sở bao gồm đảng bộ cơ sở, chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở. Để phát huy vai trò quản lý phát triển xã hội của hệ thống chính trị cơ sở, cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của phát triển xã hội và vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở đối với quản lý phát triển xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội thể hiện cụ thể trên các mặt sau:
Thứ nhất, về tổng thể, vai trò quản lý phát triển xã hội của hệ thống chính trị cơ sở thể hiện trên các mặt: đại diện cho các tầng lớp nhân dân và tổ chức thực hiện quyền lực chính trị của nhân dân ở cơ sở để quản lý phát triển xã hội; phát huy dân chủ cơ sở, đoàn kết, tập hợp quần chúng và huy động sức mạnh tổng hợp từ cơ sở để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý phát triển xã hội; thực hiện lãnh đạo, quản lý phát triển xã hội, giữ vững kỷ luật, trật tự kỷ cương xã hội trên địa bàn cơ sở; trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, biện pháp quản lý phát triển xã hội; tổ chức cung ứng các dịch vụ công phục vụ nhu cầu của người dân ở cơ sở; tôn trọng và bảo đảm, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, quyền công dân tại cộng đồng; tạo điều kiện và phối hợp với các thiết chế tự quản, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, văn hóa, hữu nghị, từ thiện, nhân đạo… để vận động và hướng dẫn các tổ chức đó tham gia quản lý phát triển xã hội theo quy định của pháp luật; phát hiện nhu cầu, tích hợp các sáng kiến tại cơ sở, chuyển tải các nguyện vọng của nhân dân địa phương phục vụ quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, biện pháp phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp với đặc điểm của vùng, khu vực.
Thứ hai, hệ thống chính trị cơ sở có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Trên thực tế, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở chủ yếu được đánh giá thông qua chính quyền cơ sở. Bởi chính quyền cơ sở là nơi tập trung giải quyết các công việc của công dân, có 90% số lần giải quyết các vụ việc của người dân là do chính quyền cấp cơ sở thực hiện, trong đó 80% ở khu vực nông thôn và 90% ở khu vực đô thị. Trung bình một hộ gia đình có 1,9 lần/năm (đối với khu vực nông thôn), hay 2,6 lần/năm (đối với khu vực thành thị), trong khi đó một hộ gia đình trung bình chỉ liên hệ với cấp huyện 0,1 lần/năm. Cấp huyện thực hiện khoảng 10% số lần (11% ở nông thôn và 7% ở đô thị), cấp tỉnh, thành phố giải quyết 1% số lần ở nông thôn và 3% số lần ở đô thị. Như vậy, cấp cơ sở đóng vai trò chủ chốt trong việc đáp ứng các nhu cầu giải quyết công việc cho người dân. Việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở và nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý của chính quyền cơ sở là tiền đề cho sự ổn định và phát triển xã hội.
Thứ ba, hệ thống chính trị cơ sở là “cầu nối” trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Người dân gắn bó với Đảng và Nhà nước trước hết và trực tiếp thông qua hệ thống chính trị cấp cơ sở. Hệ thống chính trị cấp cơ sở có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện; qua đó trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời thông qua tổng kết kinh nghiệm để nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Một số giải pháp phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong quản lý phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay
Một là, tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh
Xây dựng tổ chức đảng cơ sở ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên bảo đảm đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác; làm tốt công tác phát triển đảng viên;
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ đối với chính quyền cơ sở nhằm làm cho chính quyền cơ sở mạnh lên, phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp cơ sở (cấp xã) đối với quản lý phát triển xã hội trên địa bàn. Đổi mới tổ chức và hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã để bảo đảm thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến lợi ích của cộng đồng dân cư tại địa bàn; xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc của ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, nhất là của cá nhân người đứng đầu.
Ba là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên địa bàn thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của mỗi đoàn thể; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của chính quyền cấp cơ sở, giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; nâng cao khả năng giám sát và phản biện xã hội./.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả và hội nhập quốc tế  (18/11/2022)
Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô Hà Nội  (18/11/2022)
Đảng bộ thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thật tốt các định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác cán bộ  (18/11/2022)
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc - yếu tố tạo nên thành công của Hà Nội  (18/11/2022)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm