Sốt xuất huyết bùng phát, số bệnh nhân nhập viện gia tăng
TCCSĐT - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận khoảng 71.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018 và đã có rất nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết, có trường hợp tử vong. Từ những tuần đầu tiên của tháng 6, số ca bệnh cần phải điều trị ngoại trú lẫn nhập viện đều gia tăng đáng kể qua từng tuần…
Thời tiết bất thường, sốt xuất huyết tăng mạnh
Từ đầu năm 2019 đến nay, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã có gần 50.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, kể cả số ca mắc sốt xuất huyết ở trẻ em, cao hơn cùng kỳ năm 2018 là 139% (20.707 người) và tính đến nay đã có 6 trường hợp tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều ca mắc nhất với 24.768 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 176% so với số ca bệnh của cùng kỳ năm ngoái (8.959 ca), Bình Phước ghi nhận hơn 1.700 ca, tăng 142%...
An Giang hiện là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết đứng thứ 7 khu vực phía Nam sau Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và Bình Phước.
Tính từ đầu năm đến ngày 4-7-2019, tỉnh An Giang ghi nhận 1.961 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2018, không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất là huyện Chợ Mới 641 ca, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2018; huyện Tịnh Biên 279 ca, tăng 123%; huyện Tri Tôn 100 ca, tăng 33% so với cùng kỳ... Từ đầu năm đến ngày 04-7-2019, tỉnh An Giang số ca mắc sốt xuất huyết nặng là 72 ca, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, do thời tiết nắng, mưa thất thường nên bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh An Giang thời gian qua tăng mạnh. Trong đó, bệnh tay chân miệng bùng phát ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, có nơi ghi nhận tăng đến 513% so với cùng kỳ năm 2018. Tỉnh An Giang hiện cũng đang nằm trong 7 tỉnh, thành khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều nhất được ghi nhận.
Bác sĩ Phạm Thế Mỹ, Phó trưởng Khoa Nội nhi - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh An Giang cho biết: Hiện số bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết tại bệnh viện liên tục tăng cao, trung bình mỗi ngày Khoa Nội nhi tiếp nhận điều trị từ 8-9 ca, cao điểm tiếp nhận từ 10-12 ca bệnh. Khoa Nội nhi của bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 1 ca sốt xuất huyết khá nặng là bệnh nhân Phan Vũ Giang Khánh (12 tuổi, ngụ phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Bệnh nhân nhập viện điều trị với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, tiểu cầu giảm mạnh, cô đặc máu cao. Với sự tích cực điều trị của các bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện đang phục hồi tốt....
Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng, ngành Y tế tỉnh An Giang đang tích cực vận động cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; phát hiện sớm ca bệnh và xử lý hiệu quả từng ổ bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đồng thời thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng và khuyến cáo các huyện có bệnh tăng cao thực hiện chống dịch bệnh chủ động tại các điểm có chỉ số nguy cơ cao về véc tơ truyền bệnh... Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh An Giang phối hợp với ngành Giáo dục tuyên truyền cho học sinh vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng chống bệnh tay chân miệng; vận động nhà trường tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và tập trung vận động cộng đồng tích cực tham gia tiêm chủng để chủ động phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm.
Tại Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.200 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm 2018. Hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột (400 bệnh nhân), huyện Krông Búk (126 bệnh nhân), huyện Krông Năng (110 bệnh nhân)… Sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng nhanh, nếu không khống chế kịp thời thì bệnh bùng có nguy cơ bùng phát mạnh nhất từ trước đến nay.
Tại các tỉnh phía Bắc, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến rất phức tạp và đang có dấu hiệu lan nhanh tại một số quận thuộc phía Tây Hà Nội. Đặc biệt, một số nơi trung bình mỗi nhà đang có ít nhất 1 người mắc bệnh. Thống kê tại các quận, huyện phía Tây thành phố Hà Nội, cho thấy hiện đang có số trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue ở mức cao như: Hà Đông có 150 ca, Bắc Từ Liêm với 88 ca, Cầu Giấy có 73 ca, Đống Đa với 69 ca và Nam Từ Liêm là 65 ca... Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 820 trường hợp xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh ở vào các cấp độ khác nhau của sốt xuất huyết.
Chỉ riêng trong tuần từ 1 đến ngày 7-7-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 178 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 998 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 241/584 xã phường. Hiện tại còn 92 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 9,2%).
Chủ động tìm hiểu thông tin để có thái độ đúng đắn về sốt xuất huyết
Lý giải nguyên nhân sốt xuất huyết bùng phát trong thời điểm này, các chuyên gia y tế cho rằng, bắt đầu từ tháng 6, khi những cơn mưa dày đặc hơn, dịch bệnh sốt xuất huyết tại khu vực miền Nam bắt đầu gia tăng nhanh. Bên cạnh đó, việc mưa liên tục vào mỗi buổi chiều, nắng nóng vào sáng sớm và trưa là điều kiện rất thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển làm lây lan nhanh chóng bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng dân cư. Cùng với đó, sự chủ quan trong phòng chống bệnh, tình trạng người lao động di cư từ vùng xảy ra bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, lây lan ra cộng đồng.
Tại Hà Nội, với tình hình thời tiết trong tuần vẫn được nhận định nhiệt độ duy trì ở mức 26 đến 37 độ C, dự báo có nhiều ngày mưa trong tuần đang là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue và thực tế kết quả giám sát véc tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch; giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện xác định các trọng điểm nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết để tham mưu cho Ủy ban nhân dân các cấp các biện pháp kiểm soát dịch cụ thể, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Ngành Y tế thành phố cũng đề nghị các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay hành động để xử lý triệt để các nguy cơ sốt xuất huyết trong cộng đồng; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức không thực hiện diệt lăng quăng theo hướng dẫn của ngành y tế và chính quyền địa phương…
Bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế và chính quyền các địa phương nhằm kiểm soát và khống chế tình hình dịch sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát và diễn biến ngày càng nguy hiểm như giám sát bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về sốt xuất huyết để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này.
Xử lý kịp thời, đúng cách đối với những trường hợp nhiễm bệnh
Nhận định về tình hình số ca mắc bệnh có chiều hướng ngày càng gia tăng, các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân một phần là do người dân chưa hoàn toàn tuân thủ về nguyên tắc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết hoặc chưa thật sự phân biệt được triệu chứng bệnh sốt xuất huyết với các bệnh khác như: Sốt thông thường, sốt phát ban, sốt virus, sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, người dân khi đã được chẩn đoán bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ các khuyến cáo trong việc điều trị sốt xuất huyết tại nhà.
Khi có trẻ em mắc bệnh, phụ huynh cần thực hiện chăm sóc trẻ sốt xuất huyết theo đúng hướng dẫn. Ngoài ra, trường hợp sốt xuất huyết khi mang thai có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả bà bầu và thai nhi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời. Bị sốt xuất huyết trước hết là xuất hiện sốt, kèm theo triệu chứng đau nhức mình mẩy, chán ăn, sốt kéo dài từ 2-5 ngày sau đó bệnh nhân có các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Để xác định rõ có bị sốt xuất huyết hay không, người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi bệnh.
Vì sốt xuất huyết bản chất là bệnh do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên với sốt xuất huyết thông thường thì chỉ cần theo dõi uống nước, uống oresol, dùng thuốc hạ sốt, trong trường hợp mất nước thì truyền dịch, ngày thứ 5 - thứ 7 bệnh sẽ sang giai đoạn hồi phục.
Khi bị sốt xuất huyết tuyệt đối không được dùng kháng sinh bởi dùng kháng sinh không có tác dụng thậm chí còn gây tác dụng phụ./.
Bộ Y tế khuyến cáo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết  (23/07/2019)
Nỗ lực vượt khó khăn, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt 906 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2019  (23/07/2019)
Mãi khắc ghi công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ  (23/07/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên