Hà Nội: Kết nối liên thông trên 85% cơ sở cung ứng thuốc
TCCSĐT - Theo Sở Y tế Hà Nội, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, nhất là ở khu vực ngoại thành nhưng đến tháng 7-2019, toàn thành phố có 85,2% cơ sở cung ứng thuốc đã được kết nối liên thông.
Tính đến hết tháng 2-2019, trên địa bàn Hà Nội có 7.057 cơ sở cung ứng thuốc hoạt động, trong đó 1.129 cơ sở bán buôn, nguyên liệu làm thuốc, 3.393 nhà thuốc và 2.535 quầy thuốc. Do vậy, việc hoàn thành liên thông tất cả các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thành phố sẽ giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. Mặt khác, cơ quan quản lý có thêm công cụ quản lý chuỗi cung ứng thuốc từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối. Đặc biệt, cơ quan quản lý cũng dễ dàng hơn trong kiểm soát việc kê đơn, bán thuốc theo đơn, hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê thêm thuốc không hợp lý…
Theo lộ trình, từ ngày 1-1-2019, 4.578 cơ sở bán buôn, các nhà thuốc, quầy thuốc của bệnh viện và trạm y tế phải thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông. Đến ngày 31-3-2019 phải hoàn thành kết nối 2.497 quầy thuốc tư nhân, quầy thuốc thuộc doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Tính đến hiện nay, trên địa bàn thành phố, có trên 85% cơ sở cung ứng thuốc đã thực hiện kết nối liên thông. Tuy nhiên, tiến độ kết nối quầy thuốc tư nhân tại một số huyện còn chậm. Điển hình như huyện Quốc Oai mới có 36/73 cơ sở cung ứng thuốc được kết nối liên thông (đạt 49,3%); huyện Thanh Oai có 29/53 (đạt 54,7%); huyện Sóc Sơn có 213/279 cơ sở (đạt 76,3%); huyện Mỹ Đức có 22/28 cơ sở (đạt 78,6%).
Để giám sát các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối liên thông, tổ công tác của thành phố đã tổ chức kiểm tra, giám sát tại 11 quận, huyện, thị xã; hai công ty dược phẩm cổ phần hóa Nhà nước (Hapharco, Hataphar). Quá trình kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông các cơ sở tại một số quận, huyện chưa được chú trọng. 56 cơ sở đã thực hiện kết nối, một số chưa cập nhật dữ liệu đầy đủ, thường xuyên, một số cơ sở còn chưa thực hiện thành thạo sử dụng phần mềm.
Để triển khai quản lý liên thông hệ thống các cơ sở kinh doanh thuốc đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý, nhà kinh doanh và sự vào cuộc của người dân. Bởi, nhiều cơ sở phải thay đổi cung cách hoạt động từ thủ công sang điện tử, phải công khai, minh bạch trong kinh doanh. Còn người dân phải thay đổi thói quen tùy tiện sử dụng thuốc sang thực hiện khám bệnh, kê đơn và mua thuốc theo đơn. Đây là một chiến dịch dài hơi, tốn kém nhiều chi phí phát sinh và việc thực hiện không dễ dàng. Chính phủ và Bộ Y tế vẫn dành một lộ trình để các nhà thuốc kết nối mạng. Nếu đến đầu năm 2020, các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 22-1-2018 về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì nhóm này phải dừng buôn bán thuốc.
Để hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống cung ứng thuốc, thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở cung ứng thuốc để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hoạt động kê đơn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, việc thực hiện bán thuốc theo đơn của các cơ sở bán lẻ thuốc.
Tổ công tác của thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện và kết quả thực hiện của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết nối liên thông tại các các cơ sở. Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã kiểm tra chất lượng việc thực hiện kết nối liên thông của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân. Bộ phận chức năng của Sở Y tế thường xuyên kiểm tra thông tin trên hệ thống “Cơ sở dữ liệu dược quốc gia” để phát hiện thông tin thuốc hết hạn hoặc sắp hết hạn sử dụng, thuốc bị đình chỉ lưu hành của các cơ sở trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời; đặc biệt, xử lý nghiêm trường hợp nhà thuốc tư nhân không cập nhật thường xuyên, đầy đủ dữ liệu quy định theo thẩm quyền./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm