Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Thực trạng, vấn đề và giải pháp
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước” . Điều đó cho thấy, đề triển khai thực hiện có hiệu quả cao sự nghiệp “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới, cần phải xây dựng đồng bộ thể chế phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (bao gồn khung pháp lý, cơ chế, chính sách…), trong đó tập trung cao cho đổi mới quản lý nhà nước, quản trị giáo dục, hoàn thiện cơ chế tự chủ phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục.
I. Khái quát thực trạng và những vấn đề đặt ra qua 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực
1. Khái quát thực trạng
Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước đã rất coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo. Cương lĩnh của Đảng (2011) khẳng định: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đại hội XI của Đảng (2011) đã xác định một chủ trương rất quan trọng, mang tính chiến lược là phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, nâng cao chất lượng theo yêu cầu “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, làm nền tảng để thực hiện “Đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Tiếp theo đó, để cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Qua 10 năm thực hiện “Đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực” và 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW, Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá sự nghiệp “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” của nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, như[1]: Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), chuyển dần từ việc cung cấp kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, năm 2020 ước khoảng hơn 55 triệu người. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế… Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực và công khai kết quả thực hiện.
Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ việc thực hiện “Đột phá chiến lược về đào tạo nhân lực” và đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện, như[2]: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, các phương thức giáo dục và đào tạo. Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội[3]. Đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo... Một số nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo triển khai còn chậm, lúng túng, hiệu quả thấp; chưa tạo được bước đổi mới có tính đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.
a. Những yếu kém, bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện trên một số mặt sau:
- Về cơ cấu trình độ nhân lực được đào tạo: Theo Báo cáo điều tra của Tổng Cục Thống kê về lao động và việc làm Việt Nam năm 2019, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu), thì 77,2% lao động không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học. Thực trạng này nói lên trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn rất thấp, đa số lớn không được đào tạo, không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật. Báo cáo gần đây của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu. Lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020 (so với kế hoạch đặt ra là 40%). Trong khi nhân lực đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn (Điều này được thể hiện qua những hạn chế của nguồn nhân lực Logicstics, một trong những ngành quan trọng của Việt Nam[4]).
- Cơ cấu đào tạo nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn: hiện tỷ lệ đào tạo giữa các bậc là 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp (thế giới thường là 1 đại học - 4 cao đằng - 25 trung, sơ cấp). Trong khi đó, theo cơ cấu của thị trường lao động, những người lao động trình độ thấp thường phải nhiều hơn nhiều lần so với lao động trình độ đại học trở lên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của số lao động được đào tạo ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 3-2021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người).
- Chất lượng nguồn nhân lực thấp được phản ảnh qua năng xuất lao đông thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương và ở ASEAN: Chỉ bằng 1/15 so với Singapore; bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan, gần 1/2 của Indonesia, gần 3/5 của Philippine, gần 7/10 của Brunei, bằng gần 9/10 của Lào, chỉ cao hơn Campuchia; chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chất lượng nguồn nhân lực thấp là hệ quả trực tiếp của chất lượng đào tạo. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Ở nhiều công tuy, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn thường do lao động nước ngoài đảm nhận (Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, các chuyên gia nước ngoài về nước không thể sang Việt Nam, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam không thể vận hành bình thường được, thậm chí phải dừng sản xuất). Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội[5] (2019), mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với nhân lực qua đào tạo thông qua đánh giá về mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của người lao động ở ba mức “không thiếu - 1 điểm; tương đối thiếu - 2 điểm; thiếu - 3 điểm”, cho thấy, mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là 1,43, của lao động gián tiếp là 1,33. Ngay đối với hệ thống các trường nghề chất lượng cao (45 trường) theo quyết định số 761/QĐ-TTg (năm 3014) của Thủ tướng Chính phủ, sau mấy năm thực hiện, đến 2020 đã không hoàn thành kế hoạch; kết quả đánh giá cho thấy dưới 50% học sinh, sinh viên sau đào tạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng nghề. Theo đánh giá của ILO, kỹ năng của lao động Việt Nam cũng bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao được đánh giá qua nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số về số đăng ký sáng chế. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua (2007 - 2017) số đăng ký sáng chế mặc dù đã tăng gần gấp đôi từ 2.860 lên 5.382 đơn. Song nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean+3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với Thái Lan, Singapore. Theo tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2017, tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Việt Nam là 669, thì của Thái Lan và Malaysia lần lượt là 3.133 và 1.439. Hơn nữa, điều đáng suy nghĩ là trong số đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam, có đến gần 90% chủ đơn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong khi chủ đơn Việt Nam chỉ chiếm con số rất khiêm tốn - trên dưới 10%.
Một chỉ số khác là số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học. Trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã tăng đáng kể, song mới bằng 28% của Thái Lan, 25% Malaysia và 15% Singapore. Đáng lưu ý là, trong số các công bố quốc tế đó của Việt Nam, số bài báo có hợp tác quốc tế chiếm gần 80%. Điều đó cho thấy “nội lực” của nhân lực khoa học - công nghệ Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhân lực được đào tạo qua các trường đại học còn nhiều bất cập so với yêu cầu của các doanh nghiệp[6]. Qua khảo sát, 82% các CEO cho rằng các sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu, thường phải đào tạo lại từ 3 tháng đến 1 năm. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cả nước có 129 cơ sở đào tạo, hằng năm đào tạo hơn 110.000 sinh viên, nhưng chỉ có 10% đáp ứng tốt yêu cầu.
Nhiều CEO cho rằng “người lao động Việt Nam thiếu cả tay nghề và ý thức”; kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu cao của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại; chưa được tập huấn kỹ về kỷ luật lao động công nghiệp; chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng hợp và chia sẻ kinh nghiệm làm việc còn kém; tư duy sáng tạo hạn chế.
- Tác động của đại dịch COVID-19 đã làm lộ rõ hơn những bất cập về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, dừng hoạt động, thậm chí phá sản; làm đứt gãy các chuỗi cung ứng ứng lao động, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động[7], cho thấy: nguồn nhân lực được đào tạo chủ yếu nằm ở khâu “gia công, lắp ráp” trong các chuỗi sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực trình độ cao còn rất hạn chế; tính không bền vững của sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp - nông thôn sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; các khu công nghiệp, khu đô thị lớn đối diện với thách thức thiếu về số lượng do cả triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, dịch chuyển về nông thôn, việc quay trở lại có nhiều rủi ro (phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh...; không có đủ dịch vụ hạ tầng xã hội như ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, tham gia bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản).
2. Nguyên nhân của những yếu kém, bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Những yếu kém, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; nhưng, về tổng thể, do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Chưa quán triệt sâu sắc, đầy đủ, có hệ thống các tư tưởng chỉ đạo quan trọng nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
- Chưa xây dựng được Đề án tổng thể mang tính chiến lược cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” nước ta (đồng thời chưa cụ thể hóa thành các Đề án đổi mới căn bản giáo dục phổ thông, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp, Đề án đổi mới căn bản giáo dục đại học…). Chưa xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
- Chưa xây dựng được đồng bộ thể chế phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.
- Việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục” có mặt còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, chưa kiên quyết; một số cơ chế, chính sách, giải pháp đưa ra chưa được luận giải đầy đủ về cơ sở lý luận và thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống giáo dục, đào tạo chậm chuyển đổi sang phát triển theo chiều sâu, hướng mạnh sang nâng cao chất lượng, hiệu quả.
- Trong bối cảnh tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, chưa tập trung nghiên cứu và kịp thời đưa ra các chính sách về lao động việc làm, an sinh xã hội phù hợp với diễn biến nhanh, phức tạp, rộng lớn của tình hình.
3. Vấn đề đặt ra
Vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong bối cảnh hiện nay và sắp tới cần đặt trong yêu cầu tổng hợp sau đây:
- Yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
- Yêu cầu tận dụng có hiệu quả cao các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra.
- Quá trình số hóa mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng tăng nhanh.
- Quá trình toàn cầu hóa song hành với cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng lên, trọng tâm bên trong là cạnh tranh về sở hữu trí tuệ và công nghệ cao.
- Tác động của đại dịch COVID-19 lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hôi là rộng lớn và còn lâu dài.
Đứng trước những yêu cầu trên, cơ cấu đội ngũ, ngành nghề, trình độ, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực sẽ phải có những thay đổi rất lớn, chứa đựng cả những cơ hội và thách thức. Bởi vậy, việc khôi phục thị trường lao động để bảo đảm khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 là một thách thức kép, vừa phải giải quyết bài toán bảo đảm cung ứng nhân lực trước mắt cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch COVID-19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 - 10 - 20 năm tới để tạo động lực then chốt cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.
II. Định hướng một số giải pháp chủ yếu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
1. Những giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Đây là những giải pháp vừa mang tính chất cấp bách trước mặt, song cũng tạo nền móng cho phát triển thị trường lao động ổn định lâu dài. Những giải pháp này phải gắn hữu cơ giữa các giải pháp chống dịch có hiệu quả với các giải pháp phục hồi kinh tế, mà trọng tâm là đưa người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc an toàn. Vì vậy, Nhà nước khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp, cùng với các cấp chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, nghiên cứu, hoàn thiện và thực thi các các cơ chế, chính sách về lao động và việc làm trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, phù hợp với từng địa phương, ngành, lĩnh vực, thậm chí doanh nghiệp.
Thứ hai, nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đáp ứng với yêu cầu của bối cảnh cấp thiết hiện nay (chính sách về tiền lương, thu nhập, hỗ trợ nhà ở, nuôi con ăn học, sinh hoạt cộng đồng...); với sự cộng lực của Nhà nước trung ương, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và sự trợ giúp của xã hội.
Thứ ba, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ để giảm các gánh nặng về chi phí bất khả kháng đối với các doanh nghiệp (cho sản xuất kinh doanh và cho người lao động, như chính sách sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho cả người lao động và người sử dụng lao động) trong điều kiện tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần có sự đánh giá, lựa chọn khả năng phục hồi của từng loại, từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể để có sự hỗ trợ phù hợp, gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu hệ thống doanh nghiệp trong cả nước (đây là một cơ hội).
Thứ tư, xây dựng hệ thống các chính sách và giải pháp y tế bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người lao động khi trở lại doanh nghiệp làm việc. Thực hiện các mô hình và giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 linh hoạt, hiệu quả; bảo vệ và thực hiện các chính sách thỏa đáng đối với lực lượng phòng, chống dịch.
Thứ năm, trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 của cả nước và từng địa phương, cần có chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động tương ứng. Hoàn thiện các chính sách và giải pháp thu hút lao động phù hợp với bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 ở từng địa phương, lĩnh vực; giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh; đồng thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.
Thứ sáu, Nhà nước cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển mạnh nhà ở xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho lao động nhập cư ở các thành phố và khu công nghiệp; tạo sự di chuyển lao động bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; khắc phụ cơ bản tình trạng ăn ở tạm bợ, không ổn định của 80 - 90 % lao động nhập cư hiện nay.
2. Một số chính sách và giải pháp cơ bản, mang tính đột phá cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh - bền vững trong giai đoạn mới
Một là, cần nhận thức cho đúng yêu cầu về đào tạo đồng bộ đội ngũ nhân lực trong giai đoạn mới.
Cần làm cho các cấp, các ngành nhận thức rõ (trên thực tế) vai trò và tầm quan trọng có tính quyết định của đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, trình độ cao đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới - phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhận thức rõ đội ngũ nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trường sang phát triển theo chiều sâu không chỉ là những người hoạt động trực tiếp trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ; mà phải bao gồm đồng bộ các loại nhân lực: nhân lực lãnh đạo - quản lý nhà nước các cấp; nhân lực chuyên gia tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; nhân lực trực tiếp lãnh đạo - quản lý hoạt động của các đơn vị khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; đội ngũ chuyên gia, chuyên viên trực tiếp thực hiện các hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; đội ngũ nhân lực làm các nhiệm vụ gắn với ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ trong các tổ chức kinh tế - xã hội; đội ngũ nhân viên, công nhân lành nghề, trình độ cao thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp, đơn vị (trong đó phải kể đến cả các chủ hộ nông dân ứng dụng công nghệ cao)… Sự đồng bộ của đội ngũ nhân lực này ở mọi cấp độ, mới bảo đảm cho sự phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có hiệu quả.
Hai là, cần phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) và Nghị quyết số 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (năm 2013) đã chỉ rõ phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, nhưng cho đến nay nhiều nội dung vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể hóa để có nhận thức sâu sắc và thống nhất, làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Dường như đang có “điểm nghẽn” trong tư duy nhìn nhận về phát triển giáo dục gắn với “bệnh thành tích”, “tư duy nhiệm kỳ”, “phát triển theo chiểu rộng”. Chưa quán triệt sâu sắc vì sao Đảng ta đặt ra chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” (?). Cần nhận thức sâu sắc rằng việc Đảng ta đưa ra chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” có một ý nghĩa mang tính cách mạng, cao hơn cả ý nghĩa “cải cách”, trong đó nêu rõ quan điểm: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục - đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học”. Mục tiêu của “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” là làm thay đổi và nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền giáo dục; xây dựng được một nền giáo dục năng động, sáng tạo, thường xuyên đối thoại với thực tiễn, nhằm đáp ứng với đòi hỏi của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trong “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, đổi mới mục tiêu giáo dục có ý nghĩa chi phối toàn cục quá trình đổi mới; phải xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, từ hệ giá trị xã hội, giá trị con người, tiêu chí nguồn nhân lực của giai đoạn mới để xây dựng hệ mục tiêu mới của giáo dục được khái quát ở hai nội dung cơ bản liên quan mật thiết với nhau là phẩm chất con người (nhân cách) và năng lực chuyên môn.
Đổi mới toàn diện nền giáo dục - đào tạo cần được quán triệt là đổi mới đồng bộ về tất cả các mặt, các yếu tố cấu thành hệ thống và các quá trình giáo dục - đào tạo theo hướng hiện đại; đổi mới ở tất cả các cấp, bậc học, các hình thức giáo dục, đào tạo; bao quát đồng bộ các nội dung sau: i)- Đổi mới đồng bộ về nội dung, chương trình và phương thức giáo dục - đào tạo; ii)- Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước về giáo dục; iii)- Đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục - đào tạo; iv)- Đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc gia; v)- Đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới và nâng cao chế độ đãi ngộ - tôn vinh gắn liền với nâng cao chế độ trách nhiệm xã hội của các nhà giáo; vi)- Đổi mới và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật của các cơ sở giáo dục, đào tạo; vii)- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập; viii)- Xây dựng mô hình nhà trường và phương thức giáo dục dân chủ, hiện đại, thông minh, sáng tạo; hình thành đồng bộ và lành mạnh hóa môi trường giáo dục (môi trường nhà trường, môi trường gia đình và môi trường xã hội); ix)- Đổi mới, chiến lược, cơ chế, chính sách hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục - đào tạo.
Cần quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa đồng bộ định hướng đổi mới nền giáo dục “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa vào hội nhập quốc tế”. Những nội dung của đổi mới căn bản và toàn diện gắn với định hướng đổi mới cơ bản nêu trên cần phải được nghiên cứu sâu, đồng bộ cả về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn trên bình diện chung đối với cả nền giáo dục - cả hệ thống giáo dục, đồng thời phải được cụ thể hóa cho mỗi phân hệ, mỗi cấp bậc học, hình thức giáo dục, thậm chí cho mỗi môn học. Đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Ba là, xây dựng và thực hiện có hiệu quả cao đột phá chiến lược về phát triển con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - chủ thể và mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Đại hội XI của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ”. Điều này rất đúng, song đứng trước yêu cầu phát triển có tính bước ngoặt của đất nước trong giai đoạn mới, đột phá này cần được nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn.
Trong Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng khóa XI (năm 2013) đã nhấn mạnh mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”. Đồng thời nêu rõ quan điểm “coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học…, dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ tiếp tục “đẩy mạnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu (và cũng là nhiệm vụ) bao trùm của “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới là “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển con người”.
Cần có quan điểm và cách tiếp cận hệ thống, xuyên suốt về đào tạo - phát triển con người - nguồn lực con người ngay từ tiểu học lên đến tất cả các bậc cao hơn, trong tất cả các loại hình đào tạo. Đặt vấn đề “phát triển con người” thay vì chỉ đề cập “phát triển nguồn nhân lực” là một bước tiến quan trọng trong nhận thức về vai trò, sứ mạng, mục tiêu phát triển giáo dục - đào tạo trong giai đoạn mới. Vấn đề phát triển con người không chỉ được tiếp cận từ giác độ “nguồn nhân lực” - người lao động, mà phải từ giác độ “phát triển con người - chủ thể và mục tiêu của quá trình đổi mới và phát triển đất nước”. Hơn nữa cần nhận thức rõ yêu cầu của giai đoạn mới là phát triển con người - nhân lực là chủ thể của quá trình phát triển đất nước theo chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực. Điều rất quan trọng là đối với các quá trình đổi mới và cải cách rộng lớn trong xã hội, không thể chỉ cần có một số ít những con người tài năng “tồn tại” được qua ý chí kiên định và bản lĩnh vươn lên của cá nhân; mà xã hội cần có những thế hệ, đội ngũ đông đảo những con người đổi mới. Đây phải là “sản phẩm” của một nền giáo dục “nuôi dưỡng” bởi tinh thần dân tộc, khuyến khích tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội. Bởi vì các cuộc đổi mới hay cải cách xã hội sâu rộng thành công, suy cho cùng, bao giờ cũng phải là kết quả của sự đồng thuận cao về tư duy và hành động của những người tiên phong đổi mới, với đội ngũ lãnh đạo - quản lý các cấp (nhất là những người đứng đầu) và với các tầng lớp xã hội liên quan.
Vì thế, đào tạo, phát triển con người - nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, làm chủ thể chủ đạo cho sự phát triển nhanh - bền vững đất nước, nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thức tư đang tăng tốc, với sự thay đổi và phát triển của các lĩnh vực trên thế giới diễn ra nhanh, đột biến là một nhiệm vụ chiến lược rất hệ trọng. Vì vậy có thể nói phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao là đột phá của các đột phá.
Đối với nước ta, do những điều kiện cụ thể, việc phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực cho giai đoạn mới cần nhận thức rõ các đặc điểm sau:
- Phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực phải “vượt lên trước một bước”, định hướng vào đáp ứng yêu cầu chuyển sang phát triển theo chiều sâu của đất nước. Có nghĩa là giáo dục phải tạo được mức “thặng dư” nhất định về nhân tố con người - nguồn nhân lực (về trình độ và đội ngũ) cho sự phát triển theo chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực. Chỉ có như vậy mới thực hiện thành công chiến lược phát triển “đi tắt đón đầu”, “bắt kịp”, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa theo “con đường rút ngắn”, đi vào phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số.
- Do trình độ phát triển của các vùng, các lĩnh vực trong nước không đều nhau; trong một thời gian dài vẫn cần phải kết hợp hiệu quả phát triển theo chiều rộng và chiều sâu ở những lĩnh vực và mức độ cần thiết. Vì vậy phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực phải phải mang tính thực tiễn, đáp ứng có hiệu quả sự đa tầng của trình độ phát triển đó trong mỗi giai đoạn cụ thể, lĩnh vực cụ thể.
- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, việc phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực phải kết hợp hữu cơ giữa phát huy các giá trị của dân tộc với hướng tới những giá trị, chuẩn mực và tiêu chí chung của nhân loại - mang tính toàn cầu và thích ứng với môi trường phát triển đa văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.
- Nội dung và mục tiêu phát triển con người - phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta phải xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh - bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Trên cơ sở đó mà xác định mục tiêu - tiêu chí giáo dục và đào tạo, nhằm tạo ra nguồn lực con người với phẩm chất tổng hợp về nhân cách (tâm lực), tri thức (trí lực), thể lực và năng lực thực hành. Có thể khái quát những giá trị cơ bản, cốt lõi về phát triển con người - nguồn nhân lực mà nền giáo dục cần tập trung đào tạo trong giai đoan mới là: i)- Nhân cách, đạo đức, lối sống; trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, đề cao dân chủ gắn với ý thức thượng tôn pháp luật; ý thức dân tộc, khát vọng cống hiến chấn hưng đất nước; ii)- Năng lực đổi mới, sáng tạo, tự chủ, làm chủ, vượt qua thách thức; iii)- Tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thức tư; iv)- Năng lực thực hành sáng tạo, hiệu quả; v - Kỹ năng sống, năng lực liên kết, hợp tác, hoạt động cộng đồng và hội nhập… Những giá trị cốt lõi đó cần phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, nội dung, chương trình giáo dục phù hợp đối với từng cấp, bậc giáo dục, từng loại hình giáo dục, từng đối tượng giáo dục. Đặc biệt chú trọng giáo dục “làm người” ngay từ bậc tiểu học, làm cơ sở hình thành nhân cách bền vững cho các bước phát triển con người tiếp theo, trở thành chủ nhân của quá trình phát triển nhanh - bền vững đất nước, như văn kiện của Đại hội Đảng đã nhấn mạnh.
- Khi đi vào phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, những tiêu chí trên đều đòi hỏi ở trình độ cao và sự đồng bộ giữa các tiêu chí; song tiêu chí về tư duy và năng lực sáng tạo - đổi mới, tiêu chí về năng lực nghiên cứu - ứng dụng - triển khai, tiêu chí về năng lực gắn nghiên cứu với sản xuất và tổ chức sản xuất, với năng lực kinh doanh được đặc biệt chú trọng. Vì vậy, phải gắn chặt đổi mới giáo dục với đổi mới căn bản mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức đào tạo các loại nguồn nhân lực (từ người lao động đến các nhà lãnh đạo - quản lý các cấp). Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
- Cần đổi mới tư duy chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, để xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, là một bộ phận hợp thành hữu cơ của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh - bền vững đất nước. Trên cơ sở đó xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của các ngành, lĩnh vực, địa phương; chú trọng cao đối với các ngành, lĩnh vực chủ đạo, mũi nhọn, ứng dụng công nghệ cao, số hóa; đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, cần phải thực hiện một cách khoa học dự báo phát triển nguồn nhân lực ở tầm quốc gia cũng như ở cấp độ ngành, lĩnh vực, địa phương trong ngắn hoạn, trung hạn và dài hạn; gắn liền với đó là các cơ chế, chính sách điều tiết đào tạo của Nhà nước đáp ứng với đòi hỏi của quá trình thay đổi nhanh, đột biến của sự thay đổi cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội.
Với bối cảnh và những yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, việc xây dựng thực hiện đột phá “Phát triển con người - nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao” là “đột phá của các đột phá”, theo nghĩa đó là chủ thể quyết định việc xây dựng và thực thi có hiệu quả tất cả các đột phá chiến lược khác, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh - bền vững trong giai đoạn mới.
Bốn là, triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể về “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng khóa XI (năm 2013), cho thấy, để đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cao sự nghiệp “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới, cần phải xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể mang tính chiến lược dài hạn (5-10 năm) về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục; trên cơ sở đó xây dựng các đề án thành phần (về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, và các đề án thành phần khác); với lộ trình và bước đi cụ thể. Các đề án đó phải quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo “đổi mới căn bản, toàn diện” theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, được cụ thể hóa phù hợp với từng cấp, bậc và loại hình giáo dục, đào tạo; hướng vào mục tiêu cốt lõi, bao trùm là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo con người cả về phẩm chất và kỹ năng, “chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[8], như Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh.
Năm là, xây dựng - hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả thể chế phát triển giáo dục - đào tạo
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”[9]. Điều đó cho thấy, đề triển khai thực hiện có hiệu quả cao sự nghiệp “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” trong giai đoạn mới, cần phải xây dựng đồng bộ thể chế phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế (bao gồn khung pháp lý, cơ chế, chính sách…), trong đó chế định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm giải trình của tất các các chủ thể liên quan là Nhà nước (các cơ quan nhà nước), các cơ sở giáo dục, giáo viên, người học, gia đình, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức xã hội và toàn thể xã hội. Trong đó tập trung cao cho đổi mới quản lý nhà nước, quản trị giáo dục, hoàn thiện cơ chế tự chủ phù hợp đối với các loại hình cơ sở giáo dục. Trong thể chế phát triển giáo dục cũng cần phải chế định rõ mối quan hệ có tính đặc thù giữa Nhà nước - thị trường - xã hội trong phát triển giáo dục; chế định rõ cơ chế thực hiện giáo dục với tính cách là quyền và phúc lợi xã hội, chính sách xã hội đối với mọi người học, và giáo dục với tính cách là một dịch vụ trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo đúng các quan điểm, chủ trương cuả Đảng và Nhà nước. Toàn bộ thể chế phát triển giáo dục trong giai đoạn mới phải hướng vào nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển con người - chủ thể của Chiến lược và Thể chế phát triển nhanh - bền vững đất nước; “phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”[10], như Đại hội XIII của Đảng đã xác định./.
-----------------------
[1] Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021 tr. 62-63
[2] Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 82-83
[3] Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Thống kê: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu) thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.
[4] https://www.kizuna.vn › tin-tuc › thuc-trang-nguon-nh.
[5] Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045
[6] Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp 4.0, VTV1, chương trình 15g30, ngày 10-12-2021
[7] Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2021, cả nước còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập. Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này. Trong quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch COVID-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.
[8] Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 136-137; Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2021
[9] Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 138
[10] Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, tr. 140
Một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030  (09/05/2022)
Khơi thông, huy động nguồn lực xã hội cho tái thiết, phát triển kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch COVID-19  (08/03/2022)
Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của các hợp tác xã ở Việt Nam  (06/03/2022)
Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022  (04/03/2022)
Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực ở tỉnh Quảng Ngãi  (27/02/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển