“Nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách đất đai

PGS, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa - TS. Nguyễn Văn Chung
Đại học Quốc gia Hà Nội - Tạp chí Cộng Sản
16:33, ngày 15-12-2020

TCCS - Việt Nam là quốc gia có diện tích đất bình quân trên đầu người rất thấp, chỉ bằng 1/5 diện tích bình quân đầu người của thế giới, song hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, cùng với sự lãng phí và không hợp lý trong việc sử dụng đất đai đã gây không ít khó khăn cho sản xuất, đầu tư, tạo kẽ hở cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng, gây mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân. Do đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm khai thông nguồn lực phát triển đất nước, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả “nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách đất đai.

Chính sách, pháp luật đất đai ở Việt Nam

Luật Đất đai đầu tiên của Việt Nam được ban hành vào năm 1987, ghi nhận dấu mốc quan trọng của hệ thống pháp luật về đất đai với điểm đột phá là chủ trương giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài. Luật Đất đai năm 1987 có các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao đất phục vụ xây dựng đô thị, khu dân cư nông thôn và phát triển khu công nghiệp.

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế công nghiệp và dịch vụ, năm 1993, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai lần thứ hai (Luật Đất đai năm 1993). Luật Đất đai năm 1993 tập trung chủ yếu vào việc điều chỉnh các quan hệ đất đai thông qua quy định Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất ở với các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, kế thừa, thế chấp. Với các quyền này, Luật Đất đai năm 1993 đã bảo đảm về mặt pháp lý cho việc thiết lập tính tự chủ, quyền lợi của người sử dụng đất. Luật Đất đai năm 1993 cũng khẳng định đất có giá và giá đất do Nhà nước quy định để tính thuế chuyển quyền sử dụng đất, thu tiền khi giao đất hoặc cho thuê đất, tính giá trị tài sản khi giao đất, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất.

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (Trong ảnh: Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm)_Ảnh: Tư liệu

Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 1998 và năm 2001, theo hướng hoàn thiện hơn các quyền và nghĩa vụ của tổ chức sử dụng đất và đẩy mạnh việc phân cấp trong quản lý đất đai cho chính quyền địa phương. Năm 2003, trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 1993, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai lần thứ ba. Năm 2009, Luật Đất đai tiếp tục được sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam và việc thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trong quá trình thực hiện, Luật Đất đai lần thứ ba (Luật Đất đai năm 2003) bộc lộ một số nhược điểm, hạn chế; do đó, đã được sửa đổi và được đa số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua vào ngày 29-11-2013. Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực pháp lý từ ngày 1-7-2014 và sau khi được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một loạt nghị định hướng dẫn thực hiện, bồi thường, tái định cư và định giá đất.

Sau hơn 6 năm thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể trên 5 nhóm vấn đề chủ yếu liên quan đến giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư; cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác định giá; bồi thường hỗ trợ tái định cư; xử lý vi phạm đất đai. Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ nhiều kẽ hở, quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội không rõ, nhất là quy định về giá thu hồi đất.

Nhìn chung, trong 35 năm tiến hành đổi mới đất nước (từ năm 1986 đến năm 2020), Việt Nam đã có 4 lần sửa đổi Luật Đất đai, nhưng những lần sửa đổi đó vẫn không triệt để, không giải quyết được cái gốc của vấn đề và chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Thực tế cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng.

Nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách đất đai hiện nay

Trong nền kinh tế thị trường, dưới tác động của các quy luật khách quan, đất đai ngày càng trở nên có giá. Khi giá trị của đất tăng cao, vô hình trung dẫn đến tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai diễn ra ngày càng gay gắt và trở thành chủ đề nóng.

Thực thi pháp luật trong lĩnh vực đất đai còn rất nhiều yếu kém, tạo ra những “kẽ hở”, lỗ hổng cho “nhóm lợi ích” tiêu cực hoạt động. Trong đánh giá về quản trị đất đai ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) kết luận rằng, Việt Nam là nước thuộc nhóm tốt về xây dựng pháp luật, nhưng lại thuộc nhóm yếu kém về thực thi pháp luật. Nhiều quyết định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thiếu khả thi, tình trạng quy hoạch “treo” xảy ra ở nhiều nơi. Cơ chế Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư đang tạo nên tình trạng có đất, nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng tiến độ ở nhiều địa phương. Các trường hợp này tạo nên tình trạng dự án “treo” gây bức xúc lớn trong xã hội.

Trong quản lý đất đai, Nhà nước mới quản lý được các thửa đất thuộc khu vực chính thức (có giấy tờ về quyền sử dụng đất), chưa quản lý được các thửa đất đang được sử dụng phi chính thức (đất không có giấy tờ hoặc chuyển quyền nhưng không tiến hành đăng ký). Các cơ quan hữu quan cũng không nắm được khu vực phi chính thức hiện nay chiếm tỷ lệ bao nhiều phần trăm. Luật Đất đai có quy định về quy trình lấy ý kiến của người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận các thông tin này ở không ít địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Đây là kẽ hở tạo điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực tham nhũng, trục lợi.

Những năm qua, việc ồ ạt làm sân golf khiến nhiều “nhóm lợi ích” tiêu cực chiếm dụng đất đai một cách dễ dàng. Mặc dù làm sân golf hiệu quả kinh tế không cao, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn làm với mục đích chủ yếu là chiếm dụng đất. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện quy hoạch sân golf (năm 2011), trong số 90 dự án sân golf nằm trong quy hoạch, chỉ có 21 dự án là kinh doanh sân golf, còn lại 69 dự án kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, du lịch. Không ít dự án sân golf là trá hình nhằm chiếm dụng đất đai, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều đáng báo động là ở rất nhiều nơi diễn ra tình trạng phá rừng, lấy đất nông nghiệp làm sân golf. Có tới 80% diện tích sân golf lấn vào đất nông nghiệp và 2/3 diện tích trung bình các dự án được dùng để xây dựng biệt thự, thực chất là kinh doanh bất động sản(1). Không ít địa phương thu hồi đất để cấp cho các chủ sân golf dù những nơi ấy chưa được quy hoạch làm sân golf. Đằng sau những ngôn từ hành chính “quy hoạch, giao dự án, thu hồi và giao đất cho chủ đầu tư” chính là sự hấp dẫn từ đất đai, khi tấc đất có giá trị ngang tấc vàng và sân golf trở thành sân chia lợi ích cho những người được dự phần.

Không ít địa phương thu hồi đất để cấp cho các chủ sân golf dù những nơi ấy chưa được quy hoạch làm sân golf_Ảnh: Tư liệu

Trong thực thi chính sách đất đai, một trong những vấn đề thể hiện rõ nét hoạt động cũng như sự chi phối của “nhóm lợi ích” tiêu cực chính là trong quản lý đất công. Trong quản lý đất công, thường có hai hiện tượng: 1- Thất thoát, lãng phí đất công; 2- Lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, liên kết, liên doanh đầu tư, cổ phần hóa để thuê đất giá rẻ sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng để trục lợi. Một số trường hợp quyết định bán, chuyển nhượng tài sản chưa đúng thẩm quyền, hình thức xử lý, việc xác định giá bán chưa phù hợp với quy định, gây thất thoát, lãng phí. Thất thoát lớn nhất hiện nay là xuất phát từ việc tính giá đất khi cho thuê, giao đất hoặc bán đất với giá thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị có tài sản và các cơ quan có thẩm quyền trong xác định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Một vấn đề cũng chịu sự tác động, thao túng của “nhóm lợi ích” đó là việc quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thiếu sót, không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với những vị trí đắc địa, có giá trị cao, còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch, tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Nhiều cổ đông tham gia mua cổ phiếu nhiều doanh nghiệp trái ngành, thâu tóm các doanh nghiệp khi cổ phần hóa cũng không loại trừ động cơ chờ cơ hội để được hưởng lợi lớn từ những mảnh đất vàng của các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai đối với các doanh nghiệp là đơn vị nông, lâm trường vẫn còn nhiều phức tạp. Vấn đề người dân lấn chiếm đất đai vẫn thường xuyên xảy ra, dẫn đến khó khăn cho việc phê duyệt phương án sử dụng đất; kéo dài thời gian xác định giá trị doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến kế hoạch, tiến độ thực hiện cổ phần hóa.

Tình trạng chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp hoặc xác định giá đất có khi cổ phần hóa trở nên khá phổ biến, không thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai mà sử dụng chủ yếu bảng định giá do ủy ban nhân dân các tỉnh quy định và điều này làm giá đất thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để nắm giữ diện tích đất đai quản lý mặc dù chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh, chưa đúng mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương khi thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp cổ phần. Quá trình phê duyệt phương án sử dụng đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa cũng xuất hiện nhiều bất cập, có tình trạng buông lỏng, dung túng, “bảo kê” cho “nhóm lợi ích” hoành hành; do đó, thường xuyên xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra tình trạng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định để kinh doanh bất động sản, làm nhà ở, chung cư thương mại kiếm lời, gây phương hại và thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tiến trình thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Đối với trường hợp doanh nghiệp trả tiền thuê đất hằng năm thì tiền thuê đất không tính vào giá trị doanh nghiệp và giá trị lợi thế; do đó, quyền thuê đất không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Việc xác định giá đất cụ thể tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở vật chất bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu thông tin về giá đất trên thị trường.

Trong cả nước, không ít dự án đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) sau khi kiểm tra, kiểm toán đã bộc lộ sai phạm. Mục đích của hình thức BT là để giải quyết vấn đề ngân sách nhà nước hạn chế, với mong muốn xã hội hóa, huy động nguồn lực của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp doanh nghiệp đầu tư làm 2km đường, nhưng đổi lại nhận được vài chục héc-ta đất khiến công luận bức xúc. Lỗ hổng này xuất phát từ vấn đề pháp luật đất đai hiện chưa có quy định đầy đủ về hình thức đầu tư BT. Nếu không có cơ chế pháp lý đầy đủ và thực hiện việc giám sát, kiểm soát tối đa thì tài nguyên đất đai sẽ rơi vào túi của “nhóm lợi ích”. Dư luận thường đặt câu hỏi, liệu số tiền mà doanh nghiệp đầu tư làm đường có tương đương với giá trị diện tích đất đai được nhận hay chưa? Có không ít trường hợp doanh nghiệp “đầu tư một nhưng thông đồng, móc ngoặc để được nghiệm thu là năm” hòng lấy được nhiều đất công. Những trường hợp như thế, công luận thường đặt câu hỏi “nhóm lợi ích” nào đứng sau những doanh nghiệp đó? Đây là vấn đề gây bức xúc, dẫn tới tình trạng phân cực giàu nghèo, bất công trong xã hội, gây nên những phản ứng gay gắt từ phía dư luận, nhân dân. Ở một mức độ nào đó, lòng tin của xã hội đối với việc thực thi chính sách, pháp luật đất đai cũng bị suy giảm.

Vấn đề thu hồi và đền bù giá đất không thỏa đáng cũng là nguyên nhân nảy sinh các “nhóm lợi ích” tiêu cực, khiến dư luận bức xúc. Cơ chế xác định giá đất để tính bồi thường như hiện nay chưa tuân theo đầy đủ các quy định khách quan của người quản lý. Luật Đất đai năm 2013 tuy có quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đổi mới cơ chế xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, song khâu quyết định cuối cùng vẫn là ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Dù việc xác định giá đất cụ thể được quy định do một tổ chức tư vấn độc lập đưa ra về giá đất thực hiện, nhưng hội đồng thẩm định giá lại do ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, là cơ quan có thẩm quyền xem xét và trình lên ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định. Đây chính là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi ủy ban nhân dân cấp tỉnh vừa có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, lại quyết định về giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền bồi thường về đất, đồng thời vừa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất; như thế, ở mức độ nhất định, không bảo đảm tính khách quan. Mặc dù pháp luật đất đai quy định việc thu hồi đất dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, nhưng trên thực tế, việc chấp hành kỷ luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở Việt Nam còn rất yếu. Quy hoạch sử dụng đất được lập, thẩm định, xét duyệt và thực hiện nhưng hệ thống thông tin về vấn đề này chưa được xây dựng thống nhất, hoàn chỉnh trong phạm vi cả nước, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Bên cạnh đó, cho dù pháp luật đất đai quy định về vấn đề công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, song trên thực tế, người dân còn gặp khó khăn trong tiếp cận, truy cập, tìm hiểu thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây cũng là một lỗ hổng tạo điều kiện cho “nhóm lợi ích” lợi dụng để thu hồi đất, trục lợi khá dễ dàng.

Như vậy, quá trình đô thị hóa khiến đất đai có giá trị cực lớn, đầu tư nhà đất trở thành hình thức kinh doanh kiếm lời nhanh nhất. Nắm bắt được đặc điểm đó, “nhóm lợi ích” bất động sản (sự cấu kết, móc ngoặc giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái với các doanh nghiệp làm ăn bất liêm nhằm trục lợi, tham nhũng đất đai) không bỏ qua cơ hội hốt bạc. Lập khu, cụm công nghiệp, cảng, sân bay,… là cơ hội để các “nhóm lợi ích” bắt tay với một bộ phận quan chức “ăn” chênh lệch giá đất. Tình trạng này diễn ra khá thường xuyên. Thực trạng phổ biến là đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, trong đó có nhiều phần trăm được các “nhóm lợi ích” “phù phép”, núp bóng “chuyển đổi mục đích sử dụng” để mua rẻ, bán đắt kiếm lời.

Thực trạng phổ biến là đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng để các “nhóm lợi ích” “phù phép”để mua rẻ, bán đắt kiếm lời_Ảnh: Tư liệu

Từ những phân tích trên, có thể nhận thấy, mặc dù đã ban hành, sửa đổi nhiều lần Luật Đất đai và các nghị định, văn bản liên quan, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân. Các luật, chính sách đất đai ban hành trong thời gian qua là không đủ mạnh, còn nhiều bất cập, “kẽ hở” dẫn đến việc khó kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích”, nguồn lực đất đai chưa phát huy hiệu quả, nhiều diện tích đất đai của Nhà nước bị “nhóm lợi ích” lợi dụng, thao túng, chiếm đoạt. Ngay cả một bộ phận những người trực tiếp thực thi chính sách đất đai cũng lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật hoặc cấu kết với các “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau” để trục lợi, tham nhũng đất đai, làm giàu phi pháp. Tóm lại, việc kiểm soát, ngăn chặn “nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách đất đai là chưa hiệu quả, còn nhiều “kẽ hở”, lỗ hổng, đặc biệt là liên quan đến 5 vấn đề chủ yếu, đó là giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư; cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác định giá; bồi thường hỗ trợ tái định cư; xử lý vi phạm đất đai. Đây đều là những vấn đề lớn, khó và phức tạp, đòi hỏi phải sớm có biện pháp để xử lý, giải quyết trong thời gian tới nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, giảm số lượng các vụ án khiếu kiện liên quan cũng như kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả “nhóm lợi ích” trong thực thi chính sách đất đai hiện nay.

Một vài khuyến nghị

Từ thực trạng quản lý, thực thi chính sách đất đai đã được phân tích ở trên, yêu cầu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai được đặt ra ngày càng bức thiết.

Không thể phủ nhận rằng, sau hơn 6 năm thực thi Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bước đầu khắc phục tình trạng giao, cho thuê đất tràn lan, hạn chế việc giao, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong sử dụng đất. Việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất tùy tiện, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã có chuyển biến tích cực, giảm thiểu các thủ tục hành chính…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, việc thực thi chính sách đất đai thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, sử dụng, phát huy đầy đủ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất đai ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất trong nông nghiệp diễn ra chậm, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai còn diễn ra khá phổ biến,… Đặc biệt, do chính sách, pháp luật về đất đai còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ đã tạo lỗ hổng, “kẽ hở” cho việc hình thành “nhóm lợi ích” tiêu cực tìm cách thâu tóm, tham nhũng, trục lợi trong thực thi chính sách đất đai, làm giàu phi pháp. “Nhóm lợi ích” tiêu cực trong lĩnh vực đất đai là sự câu kết giữa một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có không ít cán bộ cao cấp suy thoái về đạo đức, lối sống, với những doanh nghiệp bất liêm trong giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, chuyển nhượng, quy hoạch, định giá, bồi thường, quản lý đất công,… Sự cấu kết này diễn ra hết sức tinh vi, ngấm ngầm, đã gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Một loạt vụ án tham nhũng, tiêu cực được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua đều liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách hiện nay là Đảng và Nhà nước cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, nhanh chóng bịt những lỗ hổng, sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai, đặc biệt, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, từ kiểm tra của Đảng, thanh tra của Nhà nước đến giám sát xã hội trong việc thực thi chính sách, pháp luật về đất đai; bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả nước, làm cơ sở, căn cứ để quy hoạch sử dụng đất của các cấp, các ngành, các địa phương; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai; điều chỉnh, bổ sung, thống nhất hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sử dụng đất cho các công trình, dự án, các nhiệm vụ, mục tiêu ở các ngành, lĩnh vực,… Chỉ có như thế, chúng ta mới khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nguồn lực quan trọng, quý giá này cho sự phát triển của đất nước, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả nhóm lợi ích tiêu cực trong thực thi chính sách đất đai./.

-----------------------

* Bài viết là sản phẩm của đề tài khoa học cấp quốc gia: “Giám sát xã hội đối với thu nhập, tài sản và hành vi của cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, mã số KX.01.34/16-20, thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia KX.01/16-20
(1) Xem: Ngô Minh Phong: “Đầu tư sân golf - nhìn từ góc độ hài hòa lợi ích”, báo Lao động điện tử, ngày 1-5-2017