Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 04 đến ngày 10-03-2019)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, Chinhphu.vn, TCCSĐT)
23:51, ngày 12-03-2019
TCCSĐT - Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT; Kỳ họp 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Hòa Bình; Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương thăm, làm việc tại tỉnh Hà Giang; Học viện Quân y phải sớm đạt tiêu chí trường trọng điểm quốc gia; Đắk Lắk phải làm gì để trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu?;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Trung tâm sáng tạo phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tư vấn đã đưa ra ý tưởng về xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Ngày 04-3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo một số bộ, ngành, các nhà tư vấn quốc tế về việc hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (gọi tắt là NIC).

Với 5 lĩnh vực ưu tiên của Trung tâm này là nhà máy thông minh, nội dung số, an ninh mạng, đô thị thông minh, công nghệ môi trường, trung tâm được kỳ vọng trở thành hạt nhân cho việc thúc đẩy việc phát triển kinh tế đất nước về dài hạn.

Tháng 7-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập ngay Nhóm nghiên cứu xây dựng Đề án và đồng thời mời Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), Công ty Kiến trúc Arup tham gia hỗ trợ xây dựng đề án.

Nhóm nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu rà soát kinh nghiệm của trên 30 cơ sở hỗ trợ hỗ trợ đổi mới sáng tạo trên thế giới, tìm hiểu các bài học thành công và thất bại của họ.

Sau khi nghe các chuyên gia, các bộ, ngành phát biểu ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các nhà tư vấn đã đưa ra ý tưởng về xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các bộ phát biểu ý kiến đều ủng hộ. Thủ tướng tán thành với ý kiến của các bộ, chuyên gia cho rằng, đây là Trung tâm mang tính thí điểm, và nếu thành công có thể nhân rộng ra thành nhiều trung tâm khác.

Cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là một điểm nhấn trong Chiến lược triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc hình thành trung tâm này, có ý nghĩa mở đầu, mang tính dẫn dắt. Đây là trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, có sự khác biệt bằng việc áp dụng triệt để các kinh nghiệm quốc tế, huy động tư nhân hoặc chuyên gia nước ngoài điều hành, thể chế thuận lợi có thể cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại tính cấp thiết và khả thi của trung tâm để nhanh chóng triển khai; có cơ chế xã hội hóa nguồn lực đầu tư. Thủ tướng tán thành với các đại biểu về việc cần tạo thể chế thuận lợi, thu hút nhân tài về làm việc. Trung tâm phải được kết nối với nhân tài người Việt toàn cầu, kết nối với các doanh nghiệp, các phòng thí nghiệm. Đây phải là nơi khởi nghiệp của nhiều thành phần xã hội.

Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt hoạt động thu phí BOT

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Báo Thanh niên điện tử ra ngày 13-02-2019 có bài phản ánh về việc "Không kiểm soát được thu phí BOT" đồng thời, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến một số bộ, cơ quan về việc tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, làm rõ thông tin phản ánh tại bài báo nêu trên; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thu phí tại các trạm thu phí BOT trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm việc triển khai hệ thống thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 27-02-2018; đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, lộ trình chuyển sang thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.

Kỳ họp 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với nguyên lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng

Ngày 08-3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về Kỳ họp 34.

Trong hai ngày 06 và 07-3-2019, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 34. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

1. Về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, thành phố Hà Nội.

- Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn huyện; chấp hành không nghiêm kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội.

- Các đồng chí Hà Xuân Hưng, Bí thư Huyện ủy; Hoàng Thanh Vân, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy; Bạch Công Tiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện và các đồng chí Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện; Nguyễn Văn Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện; Nguyễn Đình Dần, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện; Nguyễn Thế Hà, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện và chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì trong các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 -2020 và các đồng chí nêu trên là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

2. Xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đại tá Đào Ngọc Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Tổng Công ty Thái Sơn, các đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để đối tượng này lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài; trong việc thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng do Đinh Ngọc Hệ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, để Công ty có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự.

Vi phạm của đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và đồng chí Đào Ngọc Tuấn là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các đồng chí Nguyễn Ngọc Thư và Đào Ngọc Tuấn.

3. Xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí Đại tá Nguyễn Hải Châu, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Phạm Ngọc Dũng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 375, các đồng chí Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Chỉ huy Sư đoàn có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Vi phạm của đồng chí Nguyễn Hải Châu và đồng chí Phạm Ngọc Dũng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Quân đội. Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với các đồng chí Nguyễn Hải Châu và Phạm Ngọc Dũng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm việc tại Hòa Bình

Chiều 08-3, Đoàn công tác do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư một số vấn đề như: sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh và Đảng ủy cấp huyện; hướng dẫn cụ thể đối với một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức sáp nhập các đơn vị. Tĩnh cũng đề nghị Trung ương cần có quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan tư pháp; có cơ chế, chính sách ưu tiên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các địa phương miền núi; quan tâm xem xét giao kế hoạch vốn ODA hằng năm để đảm bảo theo tiến độ của các hiệp định đã ký kết; xem xét hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư xây dựng Cầu Hòa Bình 2 từ nguồn vốn ngân sách trung ương; cho chủ trương để UBND tỉnh làm việc với nhà tài trợ Đài Loan (Trung Quốc) vay vốn ODA để thực hiện đầu tư công trình Cầu Hòa Bình 4...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng biểu dương những thành tựu của tỉnh Hòa Bình trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của Đảng, của đất nước. Đồng thời, đồng chí đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy tạo ra sức mạnh tổng hợp, môi trường đầu tư, kinh doanh thay đổi rõ nét, là động lực để phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội.

Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định: Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình đã phát huy được thế mạnh của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả có múi; phát huy được lợi thế của hồ Hòa Bình; y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm; an ninh, quốc phòng được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng; phong trào xây dựng nông thôn mới đứng thứ nhất trong sáu tỉnh Tây Bắc, đứng thứ 3/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đứng thứ 5/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, thứ 3/6 tỉnh Tây Bắc.

Nhấn mạnh về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tiếp theo, đồng chí Thường trực Ban Bí thư đề nghị tỉnh Hòa Bình rà soát lại các chỉ tiêu để có giải pháp hoàn thành tốt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Tỉnh cần phát huy thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế; tập trung nâng cao môi trường đầu tư, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho khởi nghiệp; phát triển nông nghiệp với thực hiện tốt xây dựng nông thôn mới theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng lưu ý rằng tỉnh cần quan tâm tới công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; chú trọng phát triển du lịch; đặc biệt là làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên để củng cố, giữ vững niềm tin của dân với Đảng; đồng thời tập trung chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp...

Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương thăm, làm việc tại tỉnh Hà Giang

Trong 2 ngày 08 và 09-3, Đoàn công tác của Ban Nội chính Trung ương do đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương làm Trưởng đoàn đã tới thăm, làm việc tại tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang chiều 09-3, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng của Tỉnh ủy Hà Giang trong những năm qua. Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Để triển khai có hiệu quả công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, lực lượng vũ trang tiếp tục duy trì, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm.

Đặc biệt, tỉnh Hà Giang cần tăng cường công tác phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và môi trường; phát hiện, xử lý, ngăn chặn và đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”; đẩy nhanh tiến độ điều tra, giải quyết dứt điểm các vụ án, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tỉnh Hà Giang cần quan tâm chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, nhất là các đề án lớn đã ban hành; tạo mối quan hệ giữa các cơ quan tố tụng và đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng và chú trọng kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (đóng quân ở xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ); thăm và tặng quà 23 hộ gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Quản Bạ.

Học viện Quân y phải sớm đạt tiêu chí trường trọng điểm quốc gia

Sáng 09-3-2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 2 và chúc mừng tập thể y, bác sỹ Học viện Quân y nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (10-3-1949 - 10-3-2019).

Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư chúc mừng các y, bác sỹ Học viện Quân Y.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trân trọng trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần thứ 2) - phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân của Học viện Quân y - đơn vị 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Học viện Quân y được thành lập ngày 10-3-1949. Dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, nhờ sự giúp đỡ, đùm bọc của chính quyền và nhân dân các địa phương, được tôi luyện qua những giai đoạn đầy cam go của các cuộc kháng chiến và đổi mới hội nhập sau này, Học viện Quân y (với các tên gọi khác nhau: Trường Quân y sĩ Việt Nam, Trường Sỹ quan Quân y, Viện Nghiên cứu Y học Quân sự, Trường Đại học Quân y và Học viện Quân y ngày nay), đã không ngừng phát triển, ngày càng trưởng thành vững mạnh, trong mọi hoàn cảnh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thành tích trong việc kế thừa và phát huy những truyền thống quý báu được vun đắp qua nhiều thế hệ của cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ Học Viện Quân y; góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của ngành Quân y và ngành Y tế cả nước, tạo nên bước phát triển vượt bậc của nền y tế nước nhà.

Thủ tướng nêu rõ, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, từ hệ thống đảm bảo quân y trong toàn quân đến những bản làng xa xôi, biên giới, hải đảo, có thể thấy ở nơi đâu cũng có thầy thuốc do Học viện Quân y đào tạo. Đội ngũ cán bộ, thầy thuốc quân y đã và đang góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, Thủ tướng đề nghị tập thể lãnh đạo, đội ngũ giáo sư, bác sỹ, học viên Học viện Quân y tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả sứ mệnh, mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2025 đã đề ra; có chiến lược phát triển lâu dài, có tầm nhìn đến năm 2030, 2045; phấn đấu xây dựng Học viện Quân y thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và điều trị mang tầm khu vực, quốc tế.

Trước mắt, Thủ tướng đề nghị Học viện phấn đấu sớm đạt tiêu chí trường trọng điểm quốc gia, trở thành một trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự và y dược học hàng đầu của Việt Nam với một số chuyên ngành sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Học viện phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn với khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cán bộ, chiến sỹ và nhân dân.

Thủ tướng đề nghị chỉ huy nhà trường chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tiếp cận, hội nhập với trình độ khoa học công nghệ và nền giáo dục tiến tiến của thế giới; quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Học viện tập trung xây dựng chương trình đào tạo dựa trên năng lực và chuẩn đầu ra; ứng dụng các phương pháp dạy và học tiên tiến, hiệu quả; quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu ngành và giảng viên có phẩm chất, năng lực tốt, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng ngang tầm các trường đại học y dược hàng đầu trong nước và khu vực. Học viện tập trung đào tạo cán bộ quân y có kiến thức y học hiện đại và y học quân sự đáp ứng tốt nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới.

Đắk Lắk phải làm gì để trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu?

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao việc Đắk Lắk đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tổ chức Hội nghị quan trọng, rất có ý nghĩa và cho rằng, đây là cơ hội để cùng đánh giá thực trạng tình hình, nhận diện cơ hội và thách thức, chia sẻ tầm nhìn về chiến lược phát triển, các cơ chế chính sách, giải pháp cần thiết để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk trong giai đoạn tới. Vấn đề được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đặt ra tại Hội nghị là Đắk Lắk phải làm gì để trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên?

Theo Phó Thủ tướng, Đắk Lắk là tỉnh có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đứng thứ 4 cả nước, với hơn 370 nghìn ha đất đỏ bazan phì nhiêu thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu; là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tỉnh có một lực lượng lao động dồi dào, khoảng 1,1 triệu lao động; có cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, với 47 dân tộc anh em và nguồn tài nguyên du lịch đa dạng (23 di tích lịch sử cách mạng, 2 di tích lịch sử văn hoá, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật, 8 di tích khảo cổ, 71 di tích thắng cảnh, 25 danh lam thắng cảnh). Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đồng bộ, kết nối với các tỉnh vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung.

Trong phát triển kinh tế, Đắk Lắk cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Theo đó, vượt qua những khó khăn, hạn chế, từ năm 2014 đến nay, tỉnh thu hút được 294 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, những dự án đầu tư tập trung đúng định hướng vào phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, hạ tầng đô thị và phát triển các cơ sở giáo dục, y tế. Tăng trưởng bình quân các năm gần đây của Đắk Lắk đạt khoảng 8,5-9%.

Tuy nhiên, câu hỏi được Phó Thủ tướng nêu ra với các đại biểu tại Hội nghị là: Đắk Lắk cần phải làm gì để thu hút đầu tư, hướng tới trở thành một tỉnh phát triển hàng đầu vùng Tây Nguyên? Làm sao để có những giải pháp hấp dẫn thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực cho Đắk Lắk phát triển nhanh và bền vững.

“Mọi quý vị đại biểu đều biết, Đắk Lắk là thủ phủ của cà phê vùng Tây Nguyên, là trọng điểm cho phát triển cây công nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn rất nhiều tiềm năng cho phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ,… Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế, hiện nay Đắk Lắk vẫn là một tỉnh khó khăn trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu hút đầu tư,... Đặc biệt, Đắk Lắk cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về biến đổi khí hậu, trong khi, nguồn lực cho phát triển lại rất hạn chế”, Phó Thủ tướng nêu thách thức.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đắk Lắk phải khẳng định lại mình, với tâm thế là một tỉnh lớn của cả nước, thủ phủ của cây cà phê nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà ở trên thế giới. Do đó, phải nỗ lực, vươn lên, với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức tăng trưởng của cả nước; nhưng phải đảm bảo bền vững, không quên vấn đề quan trọng đó là an sinh xã hội. Và để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, Đắk Lắk cần phải có một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn xa, về các mặt kinh tế - xã hội, không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng, đất đai..., gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm quốc gia.

Với một số lĩnh vực thế mạnh, như cây cà phê, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phát triển sản xuất cà phê - một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk theo chuỗi giá trị, để cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm mang tầm thế giới; cùng với đó, tập trung khai thác nguồn tài nguyên vô giá là năng lượng mặt trời để phát triển công nghiệp điện, nhưng kiên quyết không phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo trên đất rừng.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình như du lịch sinh thái, tâm linh, văn hóa, lịch sử, lễ hội, du lịch mạo hiểm để khai thác lợi thế; cải thiện môi trường đầu tư, tiết giảm các thủ tục, chi phí để thu hút đầu tư; tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường...; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên rừng; tính toán căn cơ và bước đi thích hợp để ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ biên giới hòa bình, hữu nghị./.