Mỹ rút khỏi INF và lo ngại của cộng đồng quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 01-02 tuyên bố Washington rút khỏi INF với lý do "Moskva đã vi phạm hiệp ước này". Tổng thống Trump nêu rõ Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 02-02 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ông nhấn mạnh tiến trình này sẽ được hoàn tất trong 6 tháng trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước với việc phá hủy toàn bộ các tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, Washington đã tuân thủ hiệp ước trong hơn 30 năm và sẽ không tiếp tục chịu hạn chế bởi điều khoản của INF, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Ông khẳng định một khi các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí với Nga được hoàn tất, Washington sẽ sẵn sàng cho mối quan hệ nổi bật về kinh tế, thương mại và chính trị và các cấp quân sự với Moskva.
Đáp lại, ngày 02-02, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này cũng quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ.
Phát biểu tại cuộc họp được truyền hình với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng nước này, Tổng thống Putin cho biết: "Đối tác Mỹ đã tuyên bố ngừng tuân thủ INF và chúng ta cũng ngừng tuân thủ như vậy". Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.
Từ phía Trung Quốc, ngày 02-02, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, nước này phản đối Mỹ rút khỏi INF, đồng thời kêu gọi Moskva và Washington đàm phán để giải quyết những khác biệt. Trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nêu rõ: "Trung Quốc phản đối việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, đồng thời hối thúc Nga và Mỹ giải quyết những bất đồng một cách hợp lý thông qua đối thoại". Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phản đối việc thành lập một thỏa thuận đa phương để thay thế cho hiệp ước INF.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô
trước đây ký ngày 08-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày
01-6-1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển
khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và
tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km). Tháng 10-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump
cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729”. Đến
tháng 12-2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không
tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày - tức thời hạn chót
là 02-02.
Tuy nhiên, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729",
đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ
dựng cớ để rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên
lửa mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe
dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3),
văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Nhiều nước kêu gọi cứu vãn Hiệp ước
Nhiều nước châu Âu kêu gọi Nga-Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới. Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis ngày 02-02 bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Mỹ quyết định rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước này. Ông Babis cũng lấy làm tiếc về quyết định tương tự của Nga nhằm phản ứng lại quyết định trên của Mỹ. Ông hy vọng Mỹ và Nga sẽ tận dụng thời gian sáu tháng tới để trở lại đàm phán và đạt được thỏa thuận.
Thủ tướng Séc nhấn mạnh hiện nay thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề toàn cầu. Điều này có nguy cơ dẫn tới quay trở lại kỷ nguyên của Cuộc chiến tranh Lạnh, cũng như dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang mới. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Séc Tomas Petricek cho rằng vẫn còn thời gian để "đảo ngược" quyết định.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Phần Lan khẳng định Hiệp ước INF là một thỏa thuận kiểm soát vũ khí thành công, đồng thời kêu gọi Nga và Mỹ tiếp tục đối thoại về sự ổn định chiến lược. Latvia, một thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng kêu gọi Moskva đưa ra "những biện pháp có tính xây dựng" để cứu vãn Hiệp ước INF.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết chính phủ của bà sẽ sử dụng thời hạn thông báo sáu tháng để tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán với Nga về Hiệp ước INF. Bà nhấn mạnh trong mọi trường hợp, Berlin sẽ làm hết khả năng có thể để thực hiện các cuộc đàm phán lại với Nga trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố nước này không bất ngờ trước quyết định của Nga ngừng tham gia INF, đồng thời kêu gọi Moskva tuân thủ hoàn toàn trở lại hiệp ước này.
Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti, người phát ngôn trên nêu rõ: "Nga vẫn còn cơ hội trong sáu tháng tới để giải quyết những quan ngại của Mỹ và tuân thủ trở lại một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng."
Đánh giá của giới chuyên gia Nga
Các chuyên gia của Nga đã có nhận định khác nhau về sự kiện Mỹ rút khỏi INF. Chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga Sergei Ermakov cho rằng Mỹ sẽ sử dụng 6 tháng tới, là thời gian để rút khỏi INF, để tiến hành các cuộc mặc cả chính trị với Nga, trong khi Moskva sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao để cứu vãn INF. Ông Ermakov cũng cho rằng lập trường của các nước châu Âu sẽ có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn INF vì các nước này đối mặt với các nguy cơ an ninh nếu hiệp ước bị phá vỡ.
Trong khi đó, ông Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình câu lạc bộ "Valdai" của Nga, cho rằng chạy đua vũ trang sẽ diễn ra nhưng không bắt đầu ngay, mà có thể phải sau nhiều năm nữa khi các hệ thống vũ khí mới ra đời.
Chuyên gia quân sự Mikhail Khodarenok cho rằng số phận của INF đã được định đoạt. Đối với Nga điều quan trọng giờ đây là không cho phép bố trí tên lửa của Mỹ tại các nước có chung đường biên giới với Nga như các nước Baltic, Moldova, Gruzia và Ukraine. Nga cần phải tuyên bố mạnh mẽ nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa tại các nước láng giềng, Nga sẽ kiên quyết đáp trả bằng vụ tấn công tên lửa. Ông nhấn mạnh, trong trường hợp này, Nga phải hành động đúng như Mỹ đã hành động khi xuất hiện các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga, Andrei Kortunov cho rằng sau INF, Hiệp ước Về vũ khí tiến công chiến lược (START-3) cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ. Theo ông, đã xuất hiện các nguy cơ đe dọa toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân không chỉ ở cấp độ song phương mà cả đa phương. Ông nhấn mạnh nhiều hiệp ước về kiểm soát vũ khí khác cũng có thể lọt vào vùng nguy cơ cao và các nguy cơ đe dọa quân sự sẽ gia tăng nếu Mỹ bố trí hệ thống tên lửa trên lãnh thổ các nước đồng minh.
Một chuyên gia khác, ông Andrei Bustriskyi lại cho rằng tình hình chính trị nội bộ chia rẽ của nước Mỹ là lý do khiến Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố cứng rắn đối với Nga, trong đó có việc rút khỏi INF. Các nước châu Âu vẫn hy vọng Nga và Mỹ cùng thỏa hiệp về INF do NATO không muốn triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quân sự lớn để đối phó với Nga. Trên thực tế, các bên vẫn muốn duy trì an ninh và phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian 6 tháng, các bên có thể đạt được những thỏa hiệp nhất định.
Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov nêu rõ bằng việc rút khỏi INF với cái cớ Nga không tuân thủ hiệp ước này, Mỹ đã thể hiện ý đồ triển khai vũ khí trên không gian vũ trụ, quân sự hóa vũ trụ, có thể trong 2-3 năm tới.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng liên bang Nga Constantin Cosachev nhận định tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về ý định phát triển các phương án quân sự đối phó với cái mà Washington gọi là vi phạm INF của Nga cho thấy lý do thực sự Washington trong quyết định này. Đó là Mỹ muốn phát triển các hệ thống vũ khí mới để đạt được ưu thế quân sự tuyệt đối trước mọi đối thủ. Tuy nhiên, nhưng những vũ khí này vi phạm INF, vì vậy Washington cần bao biện rằng việc phát triển vũ khí mới chỉ là biện pháp đáp trả vi phạm của Nga.
Khoảng trống nguy hiểm
Việc Mỹ tuyên bố ngừng thực hiện các nghĩa vụ của INF từ ngày 02-02 như đã thông báo trước đó, đồng thời chính thức “kích hoạt” quá trình rút khỏi thỏa thuận này trong vòng 6 tháng, tuy không phải là bước đi bất ngờ, song những hệ lụy mà nó gây ra thì chưa thể lường trước được.
Rõ ràng là bước đi của Mỹ có nguy cơ khiến mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới Nga - Mỹ càng lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, đồng thời tạo ra một “vùng trống” trong hệ thống kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược quốc tế, trở thành mối đe dọa đối với an ninh và ổn định toàn cầu. Nga ngay lập tức đã tuyên bố để ngỏ các biện pháp đáp trả phù hợp và tương xứng, điều làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới, kéo theo không chỉ Moskva và Washington, mà có thể cả các cường quốc khác vốn đang tìm mọi cách để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
Mặc dù từ vài năm nay, Nga và Mỹ vẫn liên tục cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận, song ít nhiều việc hai bên cùng tiếp tục duy trì thực hiện các cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km), cũng phần nào hạn chế được nhiều mối hiểm họa. Trong bối cảnh cạnh tranh và đối đầu chiến lược quyết liệt Nga-Mỹ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, hai nước vẫn tiếp tục hiện đại kho vũ khí của mình như một trong những biểu hiện của sức mạnh. Chính những thỏa thuận tương tự như INF hay Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START-3) là “dây neo” giữ Nga và Mỹ không vượt quá “giới hạn đỏ” đến mức gây nguy hiểm tới sự ổn định chiến lược toàn cầu. Như lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, INF đang đóng vai trò “nhân tố ổn định và duy trì tính dự đoán và kiềm chế ở mức độ nhất định trong lĩnh vực quân sự”.
Moskva coi kế hoạch rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Washington nhằm rũ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế của mình để theo đuổi tham vọng riêng. Trên thực tế, Tổng thống thứ 45 của Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết định rút khỏi các hiệp ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa hay an ninh, quân sự, gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng quốc tế. Với quyết định tạm ngừng thực hiện INF, Nga lo ngại Mỹ sẽ triển khai tên lửa tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại châu Á và châu Âu, trực tiếp đe dọa an ninh thế giới nói chung và nước Nga nói riêng. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cảnh báo: “Việc Mỹ rút khỏi INF có thể khiến toàn bộ hệ thống kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt bị sụp đổ...
Cảnh báo của ông Putin phù hợp với thực tế đáng báo động rằng nếu tính cả việc Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2001 thì trong vòng 20 năm qua, hai cường quốc sở hữu hơn 90% kho vũ khí hạt nhân thế giới, đã đánh mất hai hiệp ước nền tảng bảo vệ sự đồng đẳng hạt nhân trong nhiều thập niên. Không những vậy, nhiều nhà phân tích lên tiếng cảnh báo nguy cơ Mỹ sẽ không gia hạn START-3 với Nga, vốn sẽ hết hạn vào năm 2021.
Tranh cãi Nga - Mỹ liên quan lNF lần này tỏ ra gay gắt và quyết liệt hơn, một phần bởi “chủ đề Nga” luôn là trọng tâm đối đầu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và phe Dân chủ. Không chỉ đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu Nga trong vòng 60 ngày, tức thời hạn chót là 02-02, phải tiêu hủy tên lửa “Novator 9M729” mà Washington cáo buộc vi phạm INF, Mỹ dường như cũng “phớt lờ” mối lo ngại của các đồng minh châu Âu khi rút khỏi thỏa thuận vốn được coi là trụ cột bảo đảm an ninh châu Âu này.
Về lý thuyết, với việc Mỹ tuyên bố khởi động 180 ngày tiến trình rút khỏi INF, Moskva và Washington vẫn có 6 tháng nữa để tìm kiếm giải pháp “cứu” INF thông qua đối thoại. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại rằng với lập trường cứng rắn hiện này thì đối thoại Nga - Mỹ về INF sẽ không tìm được lối thoát, tương tự như các cuộc đàm phán cấp chuyên gia hay thứ trưởng thời gian qua.
Trong bối cảnh quốc tế ngày nay khi các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống xuất hiện này càng nhiều, chắc chắn vấn đề vũ khí chiến lược sẽ không thể được giải quyết nếu thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa Nga và Mỹ. Khoảng trống hợp tác giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới sau khi Mỹ rút khỏi INF chính là rủi ro lớn nhất. Bởi vậy, Nga đã đề nghị tiếp tục đối thoại, và bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn nói tới việc đàm phán lại một thỏa thuận. Điều đó cũng đồng nghĩa với khả năng Nga và Mỹ có thể sớm quay lại tham vấn về những nguyên tắc ổn định chiến lược./.
Tết cộng đồng của cộng đồng người Việt tại Chile, Canada  (03/02/2019)
Thủ tướng biểu dương cán bộ, công chức tiếp dân trên cả nước  (03/02/2019)
Đậm đà hương vị Tết quê nhà trên đất bạn  (03/02/2019)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và chúc Tết đồng bào các tỉnh Sơn La, Đồng Tháp, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội  (03/02/2019)
Điện mừng 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam  (02/02/2019)
89 năm Đảng Cộng sản Việt Nam: Những dấu mốc trọng đại  (02/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên