Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; làm tròn vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Bùi Văn Cường TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới
22:12, ngày 13-11-2018

TCCS - Thực hiện nhiệm vụ do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ. Hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở. Tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của người lao động, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người lao động. Những kết quả đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao tại Đại hội đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, là cơ sở và động lực để Công đoàn Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thời gian tới.

Những kết quả đạt được và một số hạn chế cần khắc phục

Những kết quả đáng ghi nhận: Năm năm qua, nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; một số quyền đại diện mới của tổ chức công đoàn được xác lập, nhiều quyền lợi hợp pháp của người lao động được quan tâm và cụ thể hóa.

Đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động tiếp tục phát triển về số lượng(1), chuyển dịch về cơ cấu, chất lượng cơ bản được nâng lên và có nhiều đóng góp trực tiếp, to lớn vào sự phát triển của đất nước. Công nhân, người lao động (CNNLĐ) trong các loại hình doanh nghiệp tăng mạnh(2), chủ yếu là ở doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước(3). Số lượng công chức giảm, nhưng trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức công vụ được nâng lên(4). Số lượng viên chức tăng chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, y tế và những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động(5); trình độ chuyên môn của phần lớn viên chức từ cao đẳng trở lên(6). Việc làm, điều kiện làm việc, thu nhập, nhà ở, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, viên chức, NLĐ được cải thiện; ý thức chính trị, tinh thần yêu nước, lòng tin đối với Đảng, Nhà nước được củng cố.

Trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra. Hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên (ĐV), NLĐ được quan tâm thường xuyên. Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng hơn 500 văn bản chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ. Vai trò, trách nhiệm đại diện cho NLĐ trong Hội đồng tiền lương quốc gia được thực hiện tốt, góp phần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55% so với đầu nhiệm kỳ. Công tác thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể có chuyển biến mới. Đến nay, toàn hệ thống đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ. Công đoàn chủ động phối hợp với chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiến hành các cuộc đối thoại định kỳ và đột xuất. Số cuộc đối thoại định kỳ tăng 3,4 lần, đối thoại đột xuất tăng 7,7 lần so với đầu nhiệm kỳ. Công tác chăm lo lợi ích cho ĐVNLĐ có nhiều điểm nhấn, tạo sự lan tỏa rộng và nâng cao sức thu hút của Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, năm “Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn” lần đầu tiên được tổ chức, Tháng Công nhân, “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả với tổng số tiền thực hiện là 9.500 tỷ đồng, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ ĐVNLĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Từ tháng 5-2016 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 3 lần gặp gỡ, đối thoại với CNNLĐ, 01 lần kiểm tra việc thực hiện chính sách cho NLĐ, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của NLĐ và để lại ấn tượng đẹp trong ĐVNLĐ cả nước...

Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã động viên, cổ vũ ĐVNLĐ đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo NLĐ gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn; mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm hoàn thiện. Đến năm 2018 cả nước có 10,5 triệu ĐV tại 126 nghìn công đoàn cơ sở. Công đoàn thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; đã giới thiệu 387.380 ĐV ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp, trong đó có 276.192 ĐV được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Hoạt động kiểm tra công đoàn được tăng cường. Tài chính công đoàn có những đổi mới quan trọng theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, từng bước tập trung nhiều hơn các nguồn lực phục vụ ĐVNLĐ. Công tác đối ngoại ngày càng chủ động. Hoạt động nữ công có chuyển biến mới trong một số lĩnh vực chăm lo quyền lợi của lao động nữ.

Trong nhiệm kỳ, có 6/11 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra. Bốn chương trình hành động của Đại hội XI Công đoàn Việt Nam được tập trung triển khai thực hiện. Chương trình “Phát triển đoàn viên giai đoạn 2013-2018” đạt kết quả quan trọng. Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể” đạt một số kết quả bước đầu. Chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn” đã tạo được một số chuyển biến mới trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp. Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” đã hình thành một số mô hình mới về phương thức thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức của NLĐ.

Những thành tích đó là kết quả của quá trình nỗ lực phấn đấu của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một số hạn chế cần khẩn trương khắc phục: Đó là hoạt động công đoàn phát triển chưa đồng bộ; chưa phát huy hiệu quả những thế mạnh của tổ chức để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVNLĐ. Phát triển ĐV và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn thiếu sự gắn kết; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới ở nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa, chưa thật sự gắn bó với ĐVNLĐ. Tài chính công đoàn còn phân tán, hiệu quả sử dụng chưa cao. Có nơi, ban chấp hành công đoàn chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trước ĐVNLĐ; chưa tập trung vào khâu đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Kết quả thực hiện 2/11 chỉ tiêu do Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra chưa đạt yêu cầu, 3/11 chỉ tiêu chưa được lượng hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết.

Những hạn chế, khuyết điểm có nguyên nhân khách quan là do hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, nhiều quy định thiếu tính khả thi; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động còn hạn chế. Có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, chưa thực sự quan tâm đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Nhiều vấn đề đã nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-01-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Song, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: Tư duy của nhiều cán bộ công đoàn chưa theo kịp sự phát triển của tổ chức; đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách thiếu về số lượng, một bộ phận yếu về năng lực. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động công đoàn chậm được đổi mới, còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; có nơi, có lúc những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của ĐVNLĐ chưa được giải quyết kịp thời, có hiệu quả; cải cách hành chính trong hoạt động của tổ chức công đoàn còn chậm. Một số chỉ đạo của công đoàn cấp trên chưa sát với tình hình thực tiễn cơ sở.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, có thể rút ra 5 bài học kinh nghiệm: Một là, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Hai là, quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của ĐV, lấy lợi ích là một trong những điểm quan trọng tập hợp, thu hút NLĐ đến với tổ chức công đoàn. Ba là, thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ĐVNLĐ. Bốn là, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, kịp thời thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tình hình thực tế. Năm là, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng phong trào công nhân, viên chức, NLĐ và hoạt động công đoàn trong tình hình mới.

Phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới

Những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của NLĐ. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với kinh tế, thương mại, thị trường, công nghệ, cạnh tranh về nguồn nhân lực chất lượng cao diễn ra gay gắt giữa các nước. Tình hình mới tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với NLĐ.

Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cùng với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 6, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đề ra nhiều chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát triển đất nước, về xây dựng hệ thống chính trị và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam, xây dựng tổ chức công đoàn, là kim chỉ nam cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thời gian tới, tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam tiệm cận nhiều hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, yêu cầu, đòi hỏi của ĐVNLĐ đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao. Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, đúc rút những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2013 - 2018; kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ qua, tiếp tục xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức công đoàn trong thời gian tới, với tinh thần “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn quyết tâm tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam lớn mạnh, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ĐV, thể hiện rõ nét nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ, xây dựng quan hệ lao động phát triển bền vững, phát huy vai trò quan trọng của NLĐ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Mục tiêu tổng quát của Công đoàn Việt Nam thời gian tới là: Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của ĐVNLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo NLĐ vào tổ chức công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp công đoàn, toàn thể đoàn viên, viên chức, NLĐ đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã đề ra.

Một là, phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của Công đoàn theo hướng góp phần bảo đảm quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Hai là, tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho NLĐ. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động công đoàn, chú trọng công tác định hướng thông tin trên in-tơ-nét và mạng xã hội. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và nâng cao, đời sống tinh thần lành mạnh cho NLĐ. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.

Ba là, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Năm là, thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, NLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn cho con công nhân, viên chức, NLĐ.

Sáu là, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của Công đoàn Việt Nam; phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.

Bảy là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Kiện toàn ủy ban kiểm tra và văn phòng ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tám là, tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Chín là, đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy NLĐ làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Phát huy truyền thống vẻ vang gần 90 năm qua, nhận thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước và đoàn viên, công nhân, viên chức, NLĐ cả nước giao phó, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam khẳng định quyết tâm của các cấp công đoàn, toàn thể cán bộ công đoàn nỗ lực rèn luyện, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của ĐVNLĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

----------------------------------------

(1) Số lượng người lao động làm công, hưởng lương có khoảng 23,9 triệu người, tăng 5,1 triệu người lao động so với năm 2013
(2) Tính đến cuối năm 2017, tổng số CNNLĐ trong các loại hình doanh nghiệp là 14,88 triệu người, tăng 3,42 triệu người (tương đương 29,8%) so với năm 2013
(3) Trong giai đoạn 2013-2017: Số lượng CNNLĐ trong các doanh nghiệp FDI tăng trung bình 10,28%/năm; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng trung bình 5,26%/năm; số lượng CNNLĐ trong ngành công nghiệp, xây dựng tăng 28,7%; trong ngành thương mại - dịch vụ tăng 33,4%
(4) Năm 2017, số lượng cán bộ, công chức (CBCC) là 611,07 nghìn người, giảm 2,5% so với năm 2013. Tình hình CBCC từ cấp huyện trở lên: 65% là đảng viên, 69,0% có trình độ từ đại học trở lên, 5,73%: trình độ cao đẳng, 18,0%: trung cấp. Có 70% CBCC đã chủ động hoàn thành công việc; 80%: thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chấp hành tốt nội quy, quy chế, kỷ luật lao động; 68,8%: có thái độ làm việc lịch sự, thiện chí khi giao tiếp với người dân, doanh nghiệp
(5) Năm 2017, tổng biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 2,05 triệu người (bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng 239.000 người hợp đồng các loại), tăng 5,8% so với năm 2013; hiện nay, đội ngũ viên chức (VC) tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục (72%), y tế (17,5%).
(6) 71% số VC có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, trong đó: 6% có trình độ sau đại học, 46% có trình độ đại học và 19% có trình độ cao đẳng. 86,8% số VC thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ được giao bảo đảm yêu cầu về thời gian và chất lượng; 85,4% số VC phối hợp tốt trong thực hiện công vụ và 98,7% số VC chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp; 53,6% số VC có khả năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất có chất lượng tốt.