TCCS - Cách đây 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt; Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, để công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi... Từ đó đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giá trị Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thi đua là những cuộc vận động lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, các ngành, nghề và trong mọi thời điểm, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, cổ vũ, nhắc nhở. Vì tầm quan trọng của phong trào thi đua ái quốc nên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chăm sóc và định hướng cho phong trào tiến lên không ngừng. Trong thời điểm nhà nước non trẻ của ta gặp muôn vàn khó khăn, phải đương đầu với nạn đói, nạn dốt và giặc ngoại xâm, để huy động sức người, sức của trong dân, thực hiện nhiệm vụ cách mạng, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng việc tổ chức các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội như phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt giặc đói; mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt giặc dốt và các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Nam tiến”; phong trào thực hiện “Đời sống mới”. Ngày 27-3-1948 theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương đã ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Ngày 01-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua cứu quốc Trung ương, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm Trưởng Ban. Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc và để kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào thi đua ái quốc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương phát động ngày 27-3-1948 theo sáng kiến của Người(1). Vẫn cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, ngôn ngữ giản dị, mở đầu Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch viết: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”(2). Mặc dù chỉ ngắn gọn trong 10 từ nhưng Hồ Chủ tịch đã nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân cũng như mục đích của phong trào, đồng thời còn chỉ rất rõ thứ tự ưu tiên, đó là diệt giặc đói trước (để cứu mạng sống của dân), diệt giặc dốt (để có tri thức chống được ngoại xâm, nhất là thực dân Pháp). Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người mang tính chất như một lời “Hịch” để phát động một phong trào quần chúng rộng lớn, nhằm “kháng chiến và kiến quốc thành công”, nhưng đồng thời thể hiện những quan điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức, lãnh đạo một phong trào cách mạng với ý nghĩa quan trọng. Đó là quan điểm về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng, về đoàn kết toàn dân, và việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược lâu dài. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ thi đua là để:

“Toàn dân đủ ăn đủ mặc,

Toàn dân biết đọc, biết viết,

Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới,

để diệt ngoại xâm,

Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn”(3).

Chính Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống giặc đói; thi đua học tập, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm. Theo Người, thi đua ái quốc phải tiến hành một cách toàn diện; bởi nhiệm vụ cách mạng ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào cũng được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực để hoàn thành mục tiêu chung. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa”(4). Điều này xuất phát từ tính chất toàn diện của cuộc kháng chiến. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, thi đua ái quốc là nhiệm vụ cách mạng của mỗi người dân nên phong trào thi đua phải mang tính chất toàn dân. Tính nhân dân của phong trào thi đua được thể hiện ở việc tổ chức cho các tầng lớp nhân dân được quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào công việc chung của đất nước, tùy theo sức lực của mình. Để thực hiện được mục đích thi đua, Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã nêu rõ “Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân”(5).

Để phong trào thi đua đi đến kết quả tốt đẹp, theo lời dạy của Người:

“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,

Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,

Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,

Đồng bào công nông thi đua sản xuất,

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,

Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,

Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”(6).

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào thi đua ái quốc đã đóng góp một phần không nhỏ cho các thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Vận dụng sáng tạo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có những phong trào thi đua yêu nước thật sự hiệu quả, thiết thực

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng luôn quan tâm đến công tác thi đua, thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng. Có thể kể đến việc Bộ Chính trị thông qua Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7-4-2014, của Bộ Chính trị, về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 23-01-2018, của Ban Bí thư, về đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018).

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc vận dụng, bổ sung, phát triển quan điểm Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc có ý nghĩa quan trọng. Điều đặc biệt là, mặc dù những quan điểm về thi đua ái quốc của Người được đưa ra cách đây 70 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và tính thời sự sâu sắc. Quan điểm của Người rất dễ hiểu, dễ nhớ nhưng hàm chứa chiều sâu tư tưởng và ý nghĩa sâu sắc, đã và đang là phương châm chỉ đạo tư tưởng và hành động thực tiễn cho các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề ở chỗ, hiểu, vận dụng quan điểm của Người như thế nào để có những phong trào thi đua thật sự hiệu quả, thiết thực trong điều kiện đất nước hòa bình và hội nhập quốc tế sâu rộng là câu hỏi không dễ cho những người làm công tác thi đua, khen thưởng nói riêng, các cấp, các ngành và toàn xã hội nói chung.

Hiện nay, các cấp, các ngành ở Việt Nam triển khai nhiều phong trào thi đua lớn, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Các phong trào, các cuộc vận động này rất đa dạng, phong phú, diễn ra ở tất cả các cấp các ngành, tạo thành phong trào xã hội rộng lớn, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi người, mỗi tập thể, tạo nên động lực cho sự nghiệp cách mạng. Qua phong trào thi đua đã phát hiện, phổ biến và nhân rộng nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong cả nước, tạo nên sức mạnh quần chúng rộng lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(7). Có thể khẳng định, những thành tựu của công cuộc đổi mới 32 năm qua có sự đóng góp tích cực, xứng đáng từ các phong trào thi đua yêu nước. Bởi vì, các phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục miêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh... Cụ thể, phong trào thi đua trong lĩnh vực kinh tế đạt được những thành quả quan trọng. Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được ổn định. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên. Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, tiêu biểu như “Dạy tốt, học tốt”, “Thực hiện 12 điều y đức”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”... đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phong trào “Thi đua quyết thắng”, thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân”,... đã góp phần nâng cao trình độ và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, giữ vững và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, ra sức thi đua xây dựng chính quyền các cấp và củng cố hệ thống chính trị. Đặc biệt, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay(8). Nhìn chung, các phong trào thi đua trong thời gian qua bám sát nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, đồng thời gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước và của bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động sản xuất. Đã có hàng vạn đề tài sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam trong những năm qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Không ít phong trào, cuộc vận động còn mang tính hình thức, số lượng nhiều, nhưng chất lượng phong trào không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra; phong trào chưa đều, chưa rộng khắp; một bộ phận nhân dân chưa tích cực, chủ động tham gia các phong trào thi đua... Ở nhiều cơ quan, địa phương mặc dù phát động nhiều phong trào thi đua, nhưng không thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, nên chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả đích thực(9). Ngoài ra, việc kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết chưa thường xuyên, kịp thời. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Các cơ quan truyền thông chưa dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hội đồng thi đua - khen thưởng các cấp chưa phát huy hết vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua; chưa quan tâm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Tình trạng trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc chưa thấu hiểu triệt để đầy đủ quan điểm Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, nhất là về mục đích của phong trào, về lực lượng, nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện, về công tác tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

Cần có những giải pháp phù hợp với tình hình mới để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước

Trong những năm tới, để phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam thật sự hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tổ chức học tập, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp và của người đứng đầu trong lãnh đạo tổ chức phong trào thi đua. Mặt khác, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách thi đua, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ba là, mỗi đơn vị, địa phương cần bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, triển khai có hiệu quả, chống hình thức. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh khen thưởng. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát, phân công nhiệm vụ, tiến độ triển khai, nhất là các phong trào lớn và mới; kịp thời tổng kết, rút kinh nghiệm, chọn điểm trước khi nhân rộng phong trào. Song song với đó, cần gắn các phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác khen thưởng, bảo đảm công tác này được thực hiện chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, qua đó tạo động lực tích cực tới công tác thi đua./.

----------------------------------------------

(1) Từ điển Hồ Chí Minh sơ giản, Nxb. Trẻ, 2007, tr. 528 - 529
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 556
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 557, 556
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 556, 557
(7) Thành Nam và nhóm tác giả: Thi đua - động lực phát triển, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), Số 370, ngày 10-3-2018, tr. 19
(8) Phương Thanh: “Động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước”, Hồ sơ sự kiện (Chuyên san của Tạp chí Cộng sản), Số 370, ngày 10-3-2018, tr. 20 – 21
(9) Đinh Xuân Lý, Trần Minh Trưởng (đồng chủ biên): Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam: Cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 149