TCCSĐT - Nếu đội ngũ cán bộ các cấp trung ương, địa phương (tỉnh, huyện) thực hiện chức năng xây dựng, tổ chức triển khai đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thì đội ngũ cán bộ cấp xã trực tiếp tổ chức thực hiện các văn bản có tính pháp quy đó đến người dân. Vì thế, cần có những giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ cấp xã hoàn thành tốt chức trách của mình.

Tiến hành rà soát lại quy định pháp lý về chính sách, pháp luật đối với nông thôn

Mục đích là để đánh giá, thẩm định tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn của các văn bản pháp lý quy định về lĩnh vực này nhằm điều chỉnh, bổ sung, thay thế hay bãi bỏ những văn bản pháp lý không còn phù hợp. Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng, ban hành văn bản có tính pháp lý về “Khung hệ thống chính sách về nông thôn”, trong đó nêu rõ chính sách cụ thể, gắn với trách nhiệm chủ trì, thường trực và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương nhằm thống nhất trong tổ chức hướng dẫn triển khai, thực hiện tại cơ sở, cho từng giai đoạn với tầm nhìn cho giai đoạn kế tiếp. Nhìn chung, quy trình xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật cần bảo đảm thực hiện các khâu: Một là, thăm dò, lấy ý kiến trước khi ban hành chính sách, pháp luật. Đây là một việc làm quan trọng và cần thiết nhằm đánh giá nhu cầu, tính khả thi của chính sách, pháp luật. Hai là, cung cấp đủ thông tin trong quá trình xây dựng văn bản pháp lý gồm thông tin về kinh tế - xã hội, về đối tượng thụ hưởng trên cơ sở thống nhất quan điểm, cách hiểu về chính sách, pháp luật, xác lập các kênh phù hợp để thu thập thông tin kịp thời, hạn chế việc không cung cấp đầy đủ thông tin. Ba là, khi soạn thảo, xây dựng các văn bản này cần chú ý phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Các văn bản này nên quy định những nội dung “mở” để các địa phương có thể vận dụng một cách linh hoạt nhằm đem lại hiệu quả trong thực thi chủ trương, chính sách, pháp luật trên thực tế. Bốn là, bảo đảm sự thống nhất giữa mục tiêu, nội dung của chính sách, pháp luật, phân công cơ quan chủ trì, phối hợp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nâng cao tính khả thi của các văn bản chính sách, pháp luật

Hiện nay, một số chính sách, pháp luật quy định còn khá chung chung, trừu tượng, thiếu chế tài cho việc bảo đảm thực thi được trong thực tế. Chẳng hạn, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, khi quy định về các hành vi bạo lực gia đình, trong đó điều 2, mục đ (khoản 1) của Luật này có quy định về việc “cưỡng ép quan hệ tình dục”. Song thực tế cho thấy, hành vi bạo lực gia đình ở nước ta tuy có xảy ra nhưng thường được coi là chuyện riêng trong mỗi gia đình, vì thế, cơ quan có thẩm quyền không thể biết được để xem xét, xử lý. Hơn nữa, thực tế cũng rất khó thu thập đủ căn cứ để xác định một người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình. Do đó, tính hiệu lực của quy định này không cao.

Ở nước ta, văn bản luật sau khi được ban hành thường phải có các văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo. Tuy vậy, việc ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành thường chậm, từ đó dẫn đến tình trạng luật có hiệu lực nhưng nhiều điều khoản vẫn còn gây tranh cãi, gây khó khăn cho việc triển khai luật trong thực tiễn. Chẳng hạn, Luật bình đẳng giới được thông qua từ tháng 11-2006 nhưng đến tháng 6-2008 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này; Luật phòng, chống HIV/AIDS có hiệu lực từ tháng 6-2006 nhưng đến tháng 6-2007 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Luật Phòng chống bạo lực gia đình thông qua từ tháng 11-2007 đến tháng 02-2009 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành; Luật về người khuyết tật có hiệu lực từ ngày 01-01-2011 nhưng đến ngày 10-4-2012 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

Sự thiếu thống nhất và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật dẫn đến việc triển khai thi hành luật, chính sách ở cấp xã rất khó khăn. Để một đạo luật thực sự đi vào cuộc sống, khi ban hành, các nhà làm luật ngoài việc xây dựng các quy định cụ thể trong luật đó, còn phải xem xét ngay đến các văn bản hướng dẫn thi hành để tránh tình trạng luật ban hành rồi, có hiệu lực rồi nhưng vẫn còn gây tranh cãi trong quá trình thực thi vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, trong không ít trường hợp, cùng một văn bản chính sách, pháp luật hoặc chương trình nhưng được chia nhỏ cho nhiều cơ quan chủ trì thực hiện. Hoặc một số văn bản pháp lý cùng quy định về một đối tượng thụ hưởng chính sách với nhiều mức thụ hưởng khác nhau. Thí dụ, các văn bản quy định về giảm nghèo bền vững vừa được thực hiện trong chính sách chung hay trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2015, theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg, ngày 08-10-2012 của Thủ tướng Chính phủ, vừa nằm trong chiến lược áp dụng cho riêng các nhóm yếu thế khác nhau (dân tộc thiểu số, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo,...). Từ đó dẫn đến sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ trong quá trình hướng dẫn triển khai cho địa phương, cơ sở, gây khó khăn cho chính quyền cấp xã trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện và báo cáo, nhất là trong việc áp dụng, triển khai, rà soát đối tượng chính sách hoặc chương trình, dự án.

Do đó, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì khác nhau ở Trung ương đối với một chính sách, chương trình, dự án để có sự thống nhất trong việc hướng dẫn địa phương, nhất là cơ sở, trong khâu tổ chức triển khai, thực hiện và báo cáo.

Đẩy mạnh tính chủ động, tích cực của công dân, giảm áp lực cho chính quyền các cấp, trực tiếp là cấp xã

Trước tiên, rà soát, kết nối các chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án hiện có để chuyển cách nghĩ, cách làm từ “hỗ trợ nhân đạo” sang “hỗ trợ phát triển” nhằm bảo đảm thực hiện an sinh xã hội. Hiện nay, cần đặt trọng tâm của chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án về an sinh xã hội vào việc chuyển cách nghĩ, cách làm từ “hỗ trợ nhân đạo” ít nhiều mang tính bao cấp sang cách nghĩ, cách làm “hỗ trợ phát triển” phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để từ đó tạo lập quyền an sinh xã hội của công dân.

Từ bài học về lãng phí nguồn lực và chồng chéo các chương trình phát triển, trước hết trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân, từ năm 2012, Nhà nước đã thu gọn số lượng các chương trình về an sinh xã hội vào hai chương trình, đó là: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Nhưng thực tế cho thấy, hai chương trình này không thể bao quát được đầy đủ nội dung an sinh xã hội. Ngoài ra, nội dung an sinh xã hội còn được thực hiện thông qua các chính sách bảo hiểm và các chiến lược đối với từng nhóm xã hội, như đối với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi,.... Vì thế, phải thực hiện việc rà soát, kết nối, nhất là trong khâu tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện cho cấp xã, các chính sách, chiến lược và chương trình hiện có nhằm thống nhất thực hiện an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ phát triển cho người dân.

Thứ hai, cần đẩy mạnh thực hiện cách nghĩ, cách làm theo kiểu “hỗ trợ phát triển” để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội đối với các dịch vụ xã hội cơ bản. Hiện nay, trên cơ sở thành tựu xóa đói, giảm nghèo đã đạt được, chuẩn nghèo đa chiều không chỉ gồm thu nhập với mức thu nhập cao hơn mức hiện nay, mà cả tiêu chí tiếp cận các dịch vụ cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Cho nên, cần có một số giải pháp hỗ trợ để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng quyền an sinh xã hội đối với các dịch vụ xã hội cơ bản, như:

- Tiếp tục triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ (điện, đường, trường, trạm, thông tin) tại các xã vùng khó khăn; dành đủ nguồn lực cho công tác duy tu, bảo dưỡng, phát triển và bảo vệ công trình.

- Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho giai đoạn 2016 - 2020, ưu tiên các xã vùng khó khăn.

- Tiếp tục thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở và đất sản xuất cho hộ nghèo cho giai đoạn 2011 - 2020; trong đó tập trung các giải pháp bảo đảm chỗ ở ổn định cho dân cư các xã vùng khó khăn, vùng bị tác động bởi thiên tai, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Đồng thời, kết hợp các chính sách, biện pháp “hỗ trợ phát triển” với xây dựng và thực hiện chính sách, biện pháp đặc thù về “hỗ trợ nhân đạo”, để trước hết, tạo điều kiện và khuyến khích hộ nghèo, cận nghèo phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo bền vững; thực hiện tốt chính sách việc làm, hỗ trợ có thời hạn cho người lao động mất việc; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, học nghề và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất và sinh viên,... Tiếp tục hoàn thiện chính sách, khuyến khích tham gia của cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội. Phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ những người yếu thế.

Thứ ba, cần tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức an sinh xã hội mang tính cộng đồng và phi chính thức theo hướng xã hội hóa. Trên cơ sở tổng kết các mô hình an sinh xã hội mang tính cộng đồng, phi chính thức có hiệu quả tại các địa phương, cần thực hiện thí điểm quỹ an sinh xã hội phi chính thức, thí dụ:

- Quỹ phát triển thôn bản thực hiện các dự án nhỏ dựa trên sự tham gia và trao quyền cho cộng đồng, hướng đến cải thiện sinh kế, cải thiện cơ sở hạ tầng thôn bản nhằm giúp đỡ người dân chống đỡ rủi ro tốt hơn.

- Quỹ quản l‎ý rủi ro cộng đồng do người đóng góp và sự hỗ trợ từ bên ngoài, có thể bằng hiện vật (thí dụ như quỹ thóc thôn bản) hoặc bằng tiền dùng để cứu trợ tức thời cho những hộ thiếu đói và gặp rủi ro.

- Mô hình hợp tác liên kết trong chăm sóc và nuôi dưỡng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội như chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng.

- Xã hội hóa các phong trào giúp đỡ đối tượng khó khăn, như tổ chức Ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, khuyến khích thành lập các tổ hội đoàn làm công tác cứu trợ như Hội chữ thập đỏ,...

Thứ tư, trọng tâm là đổi mới chính sách an sinh xã hội theo hướng để người dân chủ động thực hiện quyền an sinh xã hội của mình một cách hợp pháp; thông qua đó, giảm áp lực cho chính quyền các cấp, trực tiếp là cấp xã. Cần ưu tiên thực hiện giải pháp cơ bản và chủ yếu là thúc đẩy tạo việc làm và phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, doanh nghiệp tư nhân, nhằm kiến tạo phát triển cho người dân để họ chủ động, tích cực thực hiện quyền an sinh xã hội của mình. Bài học thời gian qua cho thấy, đối với người nghèo vừa cần phải cho “con cá”, vừa phải cho “cần câu”. Nhưng giải quyết mối quan hệ này không đơn giản. Vì thế, một bài học quan trọng là phải hỗ trợ thúc đẩy tạo việc làm, phát triển kinh tế hộ, kể cả kinh tế trang trại, doanh nghiệp tư nhân để người dân tích cực, chủ động thoát nghèo vươn lên khá giả và thực hiện các quyền an sinh xã hội nói chung. Đây là bài học và cũng là giải pháp “hai trong một” nhằm giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa “con cá” và “cần câu” không chỉ cho người nghèo.

Một giải pháp khó nhưng buộc phải thực hiện là tiếp tục thể chế hóa nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm quyền an sinh xã hội cho người lao động, nhất là cho đội ngũ làm công ăn lương ở khu vực kinh tế tư nhân và phi kết cấu để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn di cư vào thành phố; điều tiết và tạo việc làm cho lao động nông thôn “ly nông bất ly hương“; cải biến những ngư-ời bán hàng rong thành những người làm công hưởng thu nhập theo hướng hiện đại, văn minh.

Tiếp tục thực hiện chính sách thúc đẩy tham gia các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

- Bảo hiểm xã hội bắt buộc: Thực hiện theo Luật Bảo hiểm xã hội.

- Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Trên cơ sở thí điểm chính sách giai đoạn 2011 - 2015, xây dựng chính sách hỗ trợ một phần phí tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động nghèo.

- Bảo hiểm thất nghiệp: Thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội và Nghị định số 127/2008/NĐ-CP. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, chế tài để người sử dụng lao động và người lao động tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từng bước mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội.

- Bảo hiểm y tế: Tăng cường giải pháp tuyên truyền, khuyến khích cho 40% dân số nông thôn hiện nay chưa tham gia bảo hiểm y tế hướng đến bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường chất lượng và khả năng tiếp cận của người nghèo ở các xã vùng khó khăn đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

- Bảo hiểm nông nghiệp: Thực hiện thí điểm hỗ trợ nông dân ngèo tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhằm bảo đảm đời sống và tiếp tục duy trì sản xuất./.