Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo
TCCSĐT - Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang đã có những đóng góp thiết thực trong tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”
Tỉnh Tuyên Quang hiện nay có 46.892 tín đồ tôn giáo, thuộc 3 tôn giáo được Nhà nước chấp thuận hoạt động là Phật giáo, Công giáo và đạo Tin lành, trong đó Phật giáo có 13.748 tín đồ, Công giáo có 25.356 tín đồ, đạo Tin lành có 7.788 tín đồ. Những năm qua, ở Tuyên Quang, đồng bào các tôn giáo luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, gắn bó, đoàn kết với cộng đồng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước,…
Xác định tầm quan trọng của công tác tôn giáo trong việc tập hợp, đoàn kết nhân dân, công tác vận động đồng bào các tôn giáo luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang coi là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thực hiện xuyên suốt theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ động đưa nội dung này vào các chương trình, nhiệm vụ công tác hằng năm. Từ đó, tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể, thiết thực, sát hợp với thực tiễn của địa phương để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả.
Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh chủ động phối hợp với các ngành chức năng để tuyên truyền có hiệu quả đến đồng bào các tôn giáo nhiều chủ trương, chính sách về công tác tôn giáo, như Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01-3-2005 (nay được thay thế bằng Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8-11-2012), của Chính phủ, về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005-CT-TTg, ngày 4-02-2005, của Thủ tướng Chính phủ, về một số công tác đối với đạo Tin lành;…
Năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh thực hiện Chỉ thị số 1940/2008/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, về nhà, đất có liên quan đến tôn giáo; trực tiếp tham gia hướng dẫn cho họ giáo Đồng Xung (xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn), họ giáo Đồng Vàng (xã Thành Long, huyện Hàm Yên), họ giáo Bến Đền (xã Bạch Xa, huyện Hàm Yên) làm thủ tục kê khai, đo đạc, xác định quy hoạch đất để đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố xem xét thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc (Thiền viện Trúc lâm Chính pháp) thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, hướng dẫn Thiền viện hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định thành lập,…
Năm 2016, để chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh phối hợp với một số cơ quan hữu quan hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tuyên truyền có hiệu quả Luật Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo lựa chọn, giới thiệu người tiêu biểu tham gia ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời, vận động cử tri ở vùng có đạo đi bầu cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử ở Tuyên Quang với 99,74% cử tri tham gia bầu cử. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh còn phối hợp với Sở Nội vụ và các ngành chức năng kiểm tra đất đai nơi thờ tự của một số họ đạo Công giáo; khảo sát, nắm tình hình việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số cơ sở tôn giáo trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Yên Sơn. Hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố thực hiện việc thăm hỏi trong dịp lễ Phục sinh của Công giáo và đạo Tin lành; lễ Phật đản của Phật giáo.
Để công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo đạt hiệu quả thiết thực và phù hợp với tình hình tôn giáo ở địa phương, Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như thông qua các cuộc gặp mặt, trao đổi trực tiếp với đồng bào các tôn giáo, các cuộc thăm hỏi, tặng quà cho các vị chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tín đồ tôn giáo vào các ngày lễ trọng, Tết cổ truyền của dân tộc; hoặc thực hiện lồng ghép trong các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,…
Những kết quả đạt được trong công tác vận động đồng bào các tôn giáo thời gian qua trên địa bàn tỉnh là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp thiết thực, hiệu quả giữa các ngành chức năng với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Trong đó, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo thật sự đi vào cuộc sống đồng bào các tôn giáo. Với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, sự tham gia thiết thực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang đã góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Không chỉ tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các tín đồ tôn giáo nhận rõ những hoạt động lợi dụng tôn giáo để mưu lợi cá nhân của các phần tử xấu và những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch hòng chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; qua đó, từng bước giúp bà con xây dựng ý thức tự giác đấu tranh, không bị kẻ xấu lợi dụng kích động, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo đồng chí Âu Thế Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang, để công tác vận động đồng bào các tôn giáo thật sự hiệu quả và thiết thực, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động là rất quan trọng. Tâm huyết và mong mỏi của các cán bộ Mặt trận tham gia vận động đồng bào các tôn giáo ở Tuyên Quang là, làm sao để đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng lên; đồng bào thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân ngày càng gắn bó, nghĩa tình.
Để phát huy quyền làm chủ của đồng bào các tôn giáo, đồng thời kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, từ đó có những cách làm phù hợp, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Các cán bộ mặt trận ở lĩnh vực tôn giáo thường xuyên đi sâu, đi sát, kịp thời nắm bắt tình hình, rèn luyện bản lĩnh, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong công tác vận động đồng bào các tôn giáo, đồng thời thực hiện tuyên truyền trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến tôn giáo. Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt, tiếp xúc để lắng nghe những vấn đề bức xúc của đồng bào các tôn giáo, từ đó kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền; giám sát việc thực hiện chính sách đối với đồng bào các tôn giáo, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương.
Bên cạnh việc chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang còn thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo, từng bước giúp bà con cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động đồng bào đoàn kết với các dân tộc, tôn giáo khác để cùng giúp đỡ nhau, hăng hái phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp xây dựng quê hương. Qua đó, đời sống của đồng bào các tôn giáo ngày càng được nâng lên; đồng bào càng thêm phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; mối quan hệ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với các chức sắc, tín đồ tôn giáo và nhân dân càng gắn bó, nghĩa tình.
Những khó khăn, vướng mắc
Mặc dù tình hình tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang những năm qua tương đối ổn định, nhưng do đặc thù của công tác tôn giáo là rất khó và nhạy cảm nên việc tham gia vận động đồng bào các tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở đây còn gặp những khó khăn, trở ngại nhất định. Bên cạnh đó, việc phân công, phối hợp trong công tác vận động đồng bào các tôn giáo giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước về công tác tôn giáo còn có nội dung, có việc chưa được cụ thể, thường xuyên, chặt chẽ. Việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời, đẹp đạo” có mặt còn hạn chế và chưa kịp thời.
Ở một số nơi, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc còn chưa thật sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công tác tôn giáo, còn thụ động, trông chờ vào cấp ủy, chính quyền. Mặt khác, Tuyên Quang với đặc thù là một tỉnh miền núi, giao thông nhiều nơi còn khó khăn, trong khi đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo còn mỏng, dẫn đến việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa có lúc, có nơi chưa kịp thời. Thêm vào đó, đội ngũ cán bộ lại chưa thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác tôn giáo nên hiệu quả công tác chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tiễn đặt ra…
Một số bài học kinh nghiệm và giải pháp
Từ những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Tuyên Quang, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, để công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo thật sự hiệu quả và thiết thực, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác này là rất quan trọng. Thực tế ở Tuyên Quang những năm qua cho thấy, nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, công tác vận động đồng bào các tôn giáo đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, nhất là đã quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo.
Thứ hai, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo là rất quan trọng. Việc đổi mới này cần được triển khai theo hướng đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền, nhất là đối với việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng. Mặt khác, để công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo tạo được sự lôi cuốn, thuyết phục và đạt hiệu quả cao, cần phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, cần quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của người uy tín, những nhân tố tích cực tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo, đồng thời phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc trong các tôn giáo. Cần xác định rằng, đây chính là lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng tuyên truyền, thuyết phục đồng bào các tôn giáo thực hiện chủ trương, đường lối của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như vận động đồng bào tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc phát động.
Thứ tư, cần thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc trực tiếp tham gia công tác vận động đồng bào các tôn giáo thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, cũng như qua hoạt động thực tiễn, để họ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác tôn giáo là lĩnh vực đòi hỏi cán bộ phải không ngại khó, ngại khổ, phải thực sự gương mẫu, thận trọng, kiên nhẫn, luôn giữ thái độ thân thiện, thực sự gần gũi với quần chúng tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo; đồng thời, phải có trình độ, kiến thức, năng lực chuyên môn, biết cách thuyết phục, tập hợp quần chúng nhân dân nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền quần chúng nhân dân và tín đồ tôn giáo.
Với mong muốn phát huy tốt hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác vận động đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, từ những trăn trở, tâm huyết và đúc rút kinh nghiệm trong thực tiễn công tác, những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác này được Mặt trận Tổ quốc các cấp của tỉnh đề ra và quyết tâm thực hiện thắng lợi trong thời gian tới là:
1- Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các đoàn thể nhân dân và với chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tôn giáo theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách tôn giáo của các cơ quan, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của tổ chức, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo. Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy chế phối hợp công tác để góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác này.
2- Tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo, từ đó chủ động phối hợp để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh, những nhu cầu chính đáng, hợp pháp của đồng bào, các tổ chức tôn giáo. Kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến chức sắc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo giao lưu, trao đổi, thăm viếng lẫn nhau, tạo môi trường đoàn kết giữa các tôn giáo.
3- Đổi mới và đa dạng hóa các hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và đặc biệt là với đồng bào các tôn giáo. Việc đổi mới công tác tuyên truyền phải luôn gắn với phát huy thế mạnh, mặt tích cực của các tôn giáo trong tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo. Phát hiện, biểu dương kịp thời và có hình thức thích hợp để nhân rộng các kinh nghiệm, sáng kiến, các điển hình tiên tiến, sống “Tốt đời, đẹp đạo” trong đồng bào các tôn giáo.
4- Thường xuyên chăm lo, xây dựng và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo, chú trọng phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trí thức tôn giáo. Phối hợp với các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong tôn giáo và các phong trào mang đặc điểm riêng của tôn giáo, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”,…, qua đó, xây dựng sự đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
5- Vận động các tôn giáo nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là vai trò, trách nhiệm trong việc hướng dẫn các chức sắc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo thực hiện sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Phối hợp đấu tranh kịp thời với các hành vi, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tiêu cực, phản văn hóa, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để có các hành vi, hoạt động mê tín dị đoan, khôi phục hủ tục lạc hậu; đồng thời đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
6- Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo theo hướng chuyên sâu, ổn định và kế thừa; có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ này để họ thêm yên tâm, nhiệt tình công tác. Vận động, thu hút các tổ chức tôn giáo đã được công nhận có đủ điều kiện hoạt động theo quy định trở thành thành viên của Mặt trận Tổ quốc; các cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, tham gia ban chấp hành các đoàn thể nhân dân với số lượng, cơ cấu phù hợp./.
Tổng thống đắc cử Mỹ Trump gửi thông điệp đoàn kết nhân Lễ Tạ ơn  (24/11/2016)
Nhật Bản lên tiếng về việc Nga triển khai tên lửa ở đảo tranh chấp  (24/11/2016)
Chủ tịch nước hội kiến Giáo hoàng Francis, gặp Thủ tướng Vatican  (24/11/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 14 đến 20-11-2016)  (23/11/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên