In-tơ-nét: Yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển ở châu Phi
TCCSĐT - Thường được nhắc đến với cụm từ “đói nghèo, bệnh tật, bất bình đẳng”, châu Phi hiện đang có bước tiến dài trong phát triển kinh tế. Lời giải cho tín hiệu tích cực này đến từ một chính sách kinh tế hiệu quả và từ ngành viễn thông đang bùng nổ với tốc độ nhanh chóng.
In-tơ-nét và điện thoại di động khởi sắc ở châu Phi
Sau hơn một thập niên đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, châu Phi đang tiến hành “số hóa”. Ở hầu hết các thành phố lớn của châu Phi, hơn nửa số người dân sở hữu thiết bị có khả năng truy cập In-tơ-nét, còn mạng 3G đang được xây dựng, vận hành. Đầu tư hạ tầng viễn thông tăng lên mạnh mẽ làm tăng khả năng truy cập di động băng rộng, cáp quang đến hộ gia đình, điện lưới mở rộng cùng với sự xâm nhập của các loại điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet) giá rẻ đã giúp hàng triệu người châu Phi lần đầu tiên được tiếp cận In-tơ-nét. Ngày càng nhiều doanh nhân và các tập đoàn lớn khai trương những thương vụ kinh doanh mới trên nền tảng web.
Theo Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc, vào cuối năm 2014, số người dùng In-tơ-nét trên toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức 3 tỷ người, trong đó gần 20% dân số châu Phi sẽ được nối mạng, tăng 10% so với năm 2010. Báo cáo của nhóm chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông của Liên hợp quốc cho biết, số thuê bao In-tơ-nét ở châu Phi đã tăng 20% trong 18 tháng qua; số người sử dụng điện thoại di động ngày càng gia tăng trong vòng 5 năm qua.
Mặc dù chỉ số iGDP (đo lường tỷ lệ đóng góp của In-tơ-nét vào tổng GDP) của châu Phi còn thấp, chiếm 1,1% (bằng nửa mức bình quân của các nền kinh tế đang nổi), nhưng đang có sự thay đổi sâu sắc giữa các nước. Xê-nê-gan và Kê-ni-a tuy không phải là những nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng lại có chỉ số iGDP dẫn đầu châu lục. Chính phủ hai nước đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy nhu cầu phát triển In-tơ-nét.
Dự đoán năm 2025, iGDP của châu Phi sẽ tăng 5 - 6%. Tuy nhiên, nếu độ phủ sóng của In-tơ-nét đạt mức tương đương điện thoại di động thì iGDP có thể tăng lên 10%, tương đương 300 tỷ USD, đồng thời sẽ tạo bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân lên nhiều lần so với hiện nay. Các yếu tố, như dân số đông, mức độ đô thị hóa, thu nhập gia tăng, tỷ lệ dân số trẻ cao cùng với sự ham thích công nghệ sẽ góp phần thúc đẩy chỉ số iGDP tăng nhanh.
Hiện nay, mức độ bùng nổ In-tơ-nét ở châu Phi có thể được chia thành 4 nhóm: Nhóm dẫn đầu gồm có Xê-nê-gan và Kê-ni-a. Nhóm thứ hai gồm Ma-rốc và Nam Phi có thể trở thành nhóm dẫn đầu trong tương lai nhờ có chỉ số i5F khá cao, môi trường kinh doanh thuận lợi và nguồn lực tài chính mạnh. Nhóm thứ ba gồm 6 nước: Ai Cập, Mô-dăm-bích, Ni-giê-ri-a, Ca-mơ-run, Ga-na, Tan-da-ni-a, Bờ biển Ngà. Các nước này có nền tảng phát triển In-tơ-nét thấp nhưng có tiềm năng cao nếu thúc đẩy chiến lược công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) quốc gia. Nhóm thứ tư gồm 4 nước: Ăng-gô-la, Ê-ti-ô-pi-a, An-giê-ri và Ni-giê-ri-a. Ngoại trừ Ê-ti-ô-pi-a, 3 nước còn lại đều sở hữu nguồn tài nguyên giàu có.
Chỉ trong một thời gian ngắn, châu Phi đã chứng kiến sự đột phá trong đầu tư xây dựng hệ thống cáp ngầm, kết nối Nam Phi, Mô-dăm-bích, Tan-da-ni-a, Kê-ni-a tới các tuyến quốc tế ở châu Phi và châu Á, như hệ thống cáp ngầm Đông Phi (Eassy) được hoàn thành vào năm 2010 và Tây Phi (Wacs) vào tháng 5-2012. Các tuyến cáp mới này sẽ đưa cộng đồng châu Phi bước vào kỷ nguyên của In-tơ-nét tốc độ cao, từ đó, thúc đẩy nhu cầu kết nối quốc tế và nội bộ châu Phi, gia tăng sự liên kết doanh nghiệp giữa các nước, tạo cơ hội cho các công ty trong khu vực nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
Có thể thấy rõ tiềm năng phát triển băng thông rộng tại châu Phi, khu vực mà chính phủ và tư nhân đang khẩn trương phát triển kết cấu hạ tầng cần thiết để mở rộng kết nối bên ngoài các khu vực trung tâm ven biển. Công nghệ không dây cũng đóng vai trò đột phá trong việc mở rộng tầm bao phủ băng thông rộng tới các khu vực nông thôn, thúc đẩy doanh thu cho nhà cung cấp dịch vụ trong khi tăng cường tính cạnh tranh toàn cầu vì ngày càng nhiều người được kết nối In-tơ-nét tại nhà và văn phòng cũng như gia tăng các dịch vụ di động. Băng thông di động cũng đóng vai trò không thể thiếu trong kết cấu hạ tầng châu Phi, với các ứng dụng xã hội thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ băng thông xuyên suốt châu lục. Tiềm năng cung cấp mọi thứ từ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng thông qua công nghệ di động đang phát triển tích cực.
Một động lực cho tăng trưởng
Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế tương lai của châu Phi trong mọi lĩnh vực chính là số lượng và chất lượng của kết cấu hạ tầng. Ước tính, chính phủ và các tổ chức đã đầu tư khoảng 72 tỷ USD/năm để xây dựng kết cấu hạ tầng mới trên khắp châu lục, trong đó, 21 tỷ USD dành cho kết cấu hạ tầng liên quan tới viễn thông.
Trước tiềm năng lớn của châu Phi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đề ra chiến lược dài hạn. Nhà phân phối điện thoại di động lớn nhất ở châu Phi (MTN), mới đây đã công bố trở thành đối tác với công ty thương mại điện tử của Thụy Điển là Millicom International Cellular và Công ty Rocket Internet của Đức để thiết lập mạng lưới thương mại điện tử trên toàn châu Phi. Năm 2012, doanh thu của lĩnh vực này là 1,4 tỷ USD; dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng 40%/năm trong 10 năm nữa. Hiện có khoảng 10% người dân châu Phi thực hiện mua sắm trực tuyến, phần lớn qua các thiết bị di động, như điện thoại thông minh.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, sóng In-tơ-nét lan tỏa với tốc độ nhanh chóng. Nam Phi đang dẫn đầu về thương mại điện tử ở châu Phi, tăng 30% /năm. 58% người dùng In-tơ-nét để mua hàng trực tuyến, con số này tăng đều đặn hằng năm. Mastercard mới đây đã công bố số liệu ước tính trong năm 2014, người dân Nam Phi chi gần 430 triệu USD để mua hàng trực tuyến. Năm 2013, con số này là 300 triệu USD. Ai Cập, Ma-rốc, Ni-giê-ri-a đang âm thầm chạy đua nhằm soán ngôi của Nam Phi. Trong khi đó, gần 20 triệu người, chiếm ½ dân số Kê-ni-a, tiếp cận công nghệ thông tin và 20% người dân đang mua sắm trên mạng. Năm 2013, quốc gia Đông Phi này đã khởi động dự án trị giá 14,5 tỷ USD xây dựng một thành phố công nghệ thông tin, cách thủ đô Nai-rô-bi 60 km.
Thương mại điện tử được đánh giá là lĩnh vực hấp dẫn ở thị trường châu Phi. Phần lớn những đối tượng kinh doanh thương mại điện tử là nhỏ lẻ nhưng lại đạt hiệu quả cao. Năm 2013, số người dùng In-tơ-nét tăng kỷ lục ở vùng hạ Xa-ha-ra châu Phi, đạt 89 triệu người. Ở Ni-giê-ri-a, con số này là 45 triệu. U-gan-đa đã phát triển ứng dụng mua sắm qua điện thoại di động thông minh M-Duka cho phép người dùng mua các dịch vụ qua mạng và thanh toán hóa đơn. Tất cả các giao dịch được thực hiện thông qua điện thoại di động và biên lai được phát hành thông qua tin nhắn văn bản.
Kết cấu hạ tầng viễn thông đang được tăng cường đầu tư tại châu Phi, mở ra những cơ hội để các doanh nghiệp tại lục địa nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư. Các ngành công nghiệp viễn thông, ngân hàng, bán lẻ, xây dựng, dầu khí cũng đang bắt đầu nở rộ, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào châu Phi.
Tại Kê-ni-a, M-Pesa, hệ thống chuyển tiền qua điện thoại di động đã trở thành một tiện ích đáng tin cậy trong các giao dịch hằng ngày. Equity Bank, một ngân hàng có tốc độ phát triển nhanh chóng với đại đa số khách hàng chưa bao giờ có tài khoản cá nhân trước đây, giờ cũng đã trưởng thành với công nghệ trên điện thoại di động. Với các công ty công nghệ, đây là một mảnh đất màu mỡ bởi nhu cầu gia tăng đáng kể trong phần mềm, phân tích cơ sở dữ liệu về vay nợ, chi tiêu, kết nối tin cậy cũng như các trung tâm dữ liệu.
Nền kinh tế các nước đang phát triển đang phát huy ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu và một kết cấu hạ tầng viễn thông mạnh mẽ là vô cùng cần thiết cho bất cứ quốc gia nào muốn cạnh tranh trên trường quốc tế hay thu hút FDI. Kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc đáng tin cậy là yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp cân nhắc tiến vào thị trường mới nổi. 4 trong 10 doanh nghiệp dẫn đầu toàn cầu cho biết thiếu vắng trụ cột liên lạc an toàn sẽ hạn chế họ tiếp cận thị trường mới.
Điểm đến mới của các “đại gia” công nghệ
Hiện nay, nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới, điển hình là tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM (Mỹ), đã để mắt tới châu Phi trong việc chinh phục thị trường đầy tiềm năng nhưng còn bị lãng quên này. Đây không phải là lần đầu tiên IBM đặt chân đến châu lục này. Năm 2011, công ty đã cung cấp phụ tùng cho ngành đường sắt Nam Phi và hệ thống máy tính chủ cho Cục Thống kê Trung ương của Ga-na. Thời gian gần đây, công ty đặc biệt chú ý đến châu lục này bởi sức hút mạnh mẽ của nó như lời của E. Xchmít (Eric Schmidt), Chủ tịch điều hành Google, cho rằng Thủ đô Nai-rô-bi (Kê-ni-a) “sẽ trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của châu Phi”.
Để cạnh tranh với Google, Orange - hãng viễn thông của Pháp và nhà tìm kiếm Baidu của Trung Quốc đã liên kết với nhau bằng dòng sản phẩm điện thoại thông minh bán tại châu Phi và Trung Đông.
Với hơn 14 văn phòng tại các quốc gia châu Phi, Microsoft đã công bố mẫu điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành mới của Microsoft do Huawei (Trung Quốc) sản xuất, sẽ có mặt tại châu Phi trong thời gian tới. Tại Kê-ni-a, Microsoft dự định đưa In-tơ-nét băng thông rộng đến những nơi chưa có điện bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời hoặc dựa trên phần dư thừa của tần số phát sóng truyền hình. Ông F. Xu-xa (Fernando de Sousa), Tổng Giám đốc Microsoft tại châu Phi cho biết, trong vòng một năm tới, 6.000 người tại thung lũng Ríp (Rift) sẽ có thể truy cập In-tơ-nét băng thông rộng. Những dự án tương tự như vậy cũng đã được lên kế hoạch cho những nơi khác. Kể từ tháng 10-2012, Microsoft đã cho phép ứng dụng “app factory” hợp chuẩn cho các lập trình viên tại Ai Cập và Nam Phi.
Nhà phân tích M. Oắc-cơ (Mark Walker) của công ty nghiên cứu IDC cho biết, trong 3 - 4 năm gần đây, các công ty đa quốc gia đã thông qua một “phương cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ”, với nhiều cách tiếp cận đầu tư như đầu tư vào người dân địa phương bằng cách chuyển giao kiến thức hay đầu tư vào các công ty bản địa. Các công ty đa quốc gia đang tính chuyện ở lại lâu dài, thay vì bỏ chạy.
Các công ty công nghệ cũng rất quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Microsoft vừa công bố phần mềm SME4Afrika giúp 100.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia hoạt động kinh doanh trực tuyến. Công nghệ sẽ giúp các ngành kinh doanh phi chính thức tham gia nền kinh tế chính thức. Khả năng ứng dụng sức mạnh phần mềm và lưu trữ trực tuyến “như một dịch vụ” có thể đặt chi phí dành cho công nghệ trong phạm vi ngân sách của nhiều doanh nghiệp nhỏ châu Phi.
Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, công nghệ thông tin và truyền thông tạo cơ hội cho châu Phi, như một công cụ uy lực để phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, giúp các nước trong châu lục hội nhập với thời đại kinh tế toàn cầu./.
Công bằng trong chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay  (22/01/2015)
Công bằng trong chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay  (22/01/2015)
Tổng Bí thư tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Lào  (22/01/2015)
Quan điểm của Việt Nam về các động thái trong quan hệ Hoa Kỳ - Cuba  (22/01/2015)
Philippines quan ngại Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Biển Đông  (22/01/2015)
Pháp lệnh người có công là để đền đáp công ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng  (22/01/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên