Để thực hiện tốt tự phê bình và phê bình

Bùi Xuân Hoàn Đại tá, TS, Chính ủy Trường Trung cấp Biên phòng 1
11:01, ngày 26-11-2013
TCCSĐT - Trong thời gian qua, vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng được bàn dưới nhiều góc độ khác nhau. Để góp phần nhận thức sâu sắc về vấn đề này, có lẽ chúng ta nên tiếp cận vấn đề trên cơ sở tính thống nhất biện chứng của nó.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã diễn ra sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Thành công đó là kết quả của việc thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp: (1) Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên. (2) Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng. (3) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. (4) Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Trong đó, thiết thực và hiệu quả nhất là nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên.

Để thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, trước hết, chúng ta phải chuẩn bị tốt về nhận thức, sau đó mới tiến hành thận trọng trong thực tiễn cho phù hợp. Có lẽ không thể không nhắc tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề này. Sinh thời, Hồ Chí Minh thường nói đến công việc tự phê bình và phê bình trên các vấn đề cụ thể, như: mục đích, cách thức, phương pháp, biện pháp, phương châm, nội dung kiểm điểm, tiến hành tự phê bình và phê bình. Những tư tưởng đó đã được toàn Đảng ta học tập và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. 

Giữa tự phê bình và phê bình có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau. Ở đây, tự phê bình và phê bình, hiểu một cách chung nhất, là sự biểu hiện mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể và khách thể, trong đó người tự phê bình là chủ thể, còn người phê bình là khách thể. Theo đó, chủ thể chỉ ra đúng ưu điểm và khuyết điểm của mình, đồng thời đề ra biện pháp, nội dung, thời gian để phát triển điểm mạnh và khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân, nhằm mục đích tiến bộ hơn. Còn đối với người thực hiện phê bình, do đóng vai trò khách thể nên có sự nhìn nhận, đánh giá người được phê bình khách quan hơn, chính xác hơn, toàn diện hơn; đồng thời, bổ sung những điều chủ thể tự đánh giá, do đó, sự đánh giá về chủ thể sẽ đầy đủ hơn, chính xác hơn,… Giải quyết vấn đề này là công việc hết sức quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, nên cần được thực hiện thường xuyên, như công việc “rửa mặt hàng ngày”. Tự phê bình không thể phát huy tác dụng tối đa nếu không có phê bình. Theo Hồ Chí Minh, “Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc. Nói thật tức là phê bình,… phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm”(1). Phê bình có nghĩa là nói thật, nói ra những ưu điểm cũng như những hạn chế, khuyết điểm của đồng chí, đồng đội. Trên cơ sở đó, giúp đồng chí, đồng đội, tập thể dũng cảm thừa nhận hạn chế, khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa. Ở đó, việc phê bình luôn phát huy tối đa vai trò của tập thể - người này là tấm gương soi cho người khác, và đi cùng với nó là thử thách to lớn đối với mỗi đảng viên, vì đó là công việc khó khăn - nói thật. Như vậy, tự phê bình và phê bình không thể tách rời nhau, để làm tốt điều đó, đòi hỏi sự dũng cảm của từng đảng viên.

Tuy vậy, không ít người cho rằng, tự phê bình và phê bình là hai việc hoàn toàn khác nhau, tách rời nhau, trong đó, tự phê bình là việc của các cá nhân đảng viên và phê bình là việc của tập thể. Thực ra, hai việc đó luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau, bởi vậy, xét ở góc độ tâm lý, ý thức, chúng ta có thể coi phê bình và tự phê bình là sự đối thoại giữa các chủ thể. Chỉ có quan niệm như vậy thì không khí phê bình hay sự đối thoại này mới càng khách quan, dân chủ, công khai, bình đẳng và đem lại hiệu quả cao. Mặt khác, nội dung phê bình và tự phê bình luôn gắn với các mặt công tác của các cá nhân đảng viên và tổ chức, mà các cá nhân đảng viên lại nằm trong tổ chức, và sự tồn tại của tổ chức là do có sự hiện diện của từng cá nhân. Chủ thể tiến hành tự phê bình và phê bình chính là những người đảng viên nằm trong tổ chức đó, với ý thức cá nhân và ý thức tập thể. Do đó, có thể nói, tự phê bình quyết định phê bình và việc phê bình có tác động trở lại to lớn đến việc tự phê bình.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”(2). Vì vậy, tự phê bình là việc khó khăn, đòi hỏi mỗi đảng viên phải biết vượt qua chính mình, chiến thắng “cái tôi” của bản thân. Việc đó chỉ có thể thành công khi mỗi đảng viên coi tự phê bình là nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Mặt khác, muốn phê bình có hiệu quả, phát huy được sự tác động trở lại to lớn đối với việc tự phê bình, đòi hỏi phải có “văn hoá” khi tiến hành phê bình. Văn hoá ở đây được hiểu là sự nhận thức và cách ứng xử của con người đã đạt đến một trình độ nhất định, đủ để con người ứng xử với nhau có văn hóa. Trong sinh hoạt Đảng, phê bình là việc rất quan trọng, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của đảng viên và là công việc chung của tổ chức đảng. Bởi vì, khi phê bình, mỗi đảng viên đang góp phần xây dựng Đảng và đang thực hiện “tính người” - giúp đồng chí, đồng đội nhận ra con người thật của mình. Tuy nhiên, không ít người chưa hiểu đúng về phê bình, thậm chí cố tình lợi dụng việc đó, bởi vậy, thay vì giúp đỡ lẫn nhau trên tình thương yêu giai cấp, đồng chí, đồng đội để hướng đến sự phát triển, lại coi đó là cơ hội để công kích, trả thù, làm mất uy tín của nhau, để tự đề cao mình, củng cố địa vị của mình, gây bè cánh, ê kíp có lợi cho mình; vô hình chung, việc tốt biến thành việc xấu, tạo nên sự mất đoàn kết, thành “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”! Vậy nên, khi tiến hành phê bình, cần phải văn minh - có văn hoá, nghĩa là phải trên tinh thần đồng chí, đồng đội, thân thiện, thật thà và vì con người, vì công việc chung. Để đạt đến trình độ văn minh - văn hoá trong phê bình, cần quán triệt và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phê bình là cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa”(3).

Như vậy, tự phê bình và phê bình có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và tác động lẫn nhau một cách biện chứng. Thực hiện tốt cả tự phê bình và phê bình sẽ có tác dụng to lớn trong công tác xây dựng Đảng. Nếu từng cá nhân đảng viên có nhu cầu thực sự đối với việc tự phê bình, coi đó là công việc thường xuyên, trên tinh thần thẳng thắn thì sẽ kích thích sự phát triển trong Đảng, tạo bầu không khí lành mạnh, cởi mở khi sinh hoạt Đảng, và đó là chính môi trường sản sinh sự đoàn kết và phát triển. Đồng thời, khi tập thể và mỗi cá nhân thực hiện việc phê bình trên cơ sở văn minh, trên tinh thần xây dựng thì tập thể đó sẽ vững mạnh, trở thành động lực thôi thúc cá nhân đảng viên và toàn Đảng phát triển.

Để thực hiện tốt, có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, thiết nghĩ, từng cá nhân đảng viên, từng tổ chức đảng phải hiểu biết đúng tính hai mặt của vấn đề đó và biết cách giải quyết một cách khoa học, biện chứng mối quan hệ giữa hai mặt của nó. Cụ thể, cần quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu, nội dung sau:

Một là, có nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu của công tác tự phê bình và phê bình. Đó là làm cho mỗi cá nhân đảng viên tiến bộ hơn, làm cho Đảng ta trong sạch, vững mạnh hơn, nhân dân tin yêu Đảng hơn, đất nước sẽ vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội do có Đảng trong sạch, vững mạnh cầm quyền và lãnh đạo.

Hai là, từng cá nhân đảng viên phải có trách nhiệm trước Đảng, trước sự tồn vong của Đảng, từ đó, có ý thức tốt, thực hiện có hiệu quả việc tự phê bình và phê bình, coi đây là công việc thường xuyên, tất yếu, quyết định sự tồn tại của mỗi cá nhân đảng viên và của toàn Đảng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Để làm được điều đó, mỗi cá nhân đảng viên cần phải coi tự phê bình và phê bình là nhu cầu của chính mình, có quyết tâm thực hiện theo trình tự khoa học và cụ thể, biết vượt qua những rào cản về tâm lý, nếp nghĩ cũng như những định kiến xã hội và dám chịu trách nhiệm trước bản thân và trước Đảng.

Ba là, từng tổ chức cơ sở đảng, nhất là các chi bộ, phải thực hiện việc tự phê bình và phê bình một cách văn minh, nghiêm túc, nhằm phát huy tối đa tính tiên phong trong mỗi đảng viên, huy động được trí tuệ tập thể trong xây dựng Đảng; đồng thời, có những biện pháp cụ thể, kiên quyết, cứng rắn, hợp tình, hợp lý trước những biểu hiện và hành động chưa đúng của cá nhân đảng viên. Để thực hiện điều đó, mỗi đảng viên phải thẳng thắn, thật thà, chân thành, cầu tiến bộ, vì con người, vì sự tồn vong, phát triển của Đảng; từng tổ chức đảng phải nhìn nhận, đánh giá đảng viên khách quan, vừa trên cơ sở tình người, công bằng, dân chủ, vừa căn cứ vào Điều lệ, kỷ luật của Đảng.

Bốn là, thực hiện tốt việc tự phê bình là tiền đề quan trọng để thực hiện có hiệu quả việc phê bình. Hai việc này phải được tiến hành từ trên xuống dưới, từ cá nhân đến tổ chức; phải gắn với những công việc, con người, nhiệm vụ cụ thể, tránh cách nhìn nhận, đánh giá qua loa, đại khái, theo kiểu “hòa cả làng”. Đồng thời, phải được thực hiện có kế hoạch, bài bản, thường xuyên, và điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ chính nhu cầu không thể thiếu trong mỗi đảng viên và các tổ chức đảng.

Tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI vẫn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng Đảng vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Để việc tự phê bình và phê bình có hiệu quả thực sự, mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về tự phê bình và phê bình, thấm nhuần sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, các luận chứng khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin./.

-------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 6, tr. 241

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 209

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 241