Chống tham nhũng, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI
TCCSĐT - Tham nhũng đang là vấn đề “nóng” trong xã hội và sinh ra nhiều biến tướng tinh vi. Điều này đặt ra đòi hỏi có những phương cách giảm trừ hữu hiệu. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta cũng đồng thời thực hiện xây dựng Đảng theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI.
Vấn đề cấp bách hiện nay
Tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội, làm lòng dân không yên, làm nhụt chí các nhà đầu tư. Tình trạng này đã diễn ra khá nhiều tại các cơ quan công quyền, trong đội ngũ những người thi hành công vụ ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, trong đó đặc biệt cần nhấn mạnh là tiêu cực thường xảy ra ở những cơ quan nắm quyền “cấp, phát”, cơ quan nắm quyền “cầm cân nảy mực”, các cơ quan có quyền thưởng, phạt. Hiện trạng này đang gây nhiều bất bình trong nhân dân. Trong những năm gần đây, số vụ tiêu cực được phát hiện ngày càng tăng, quy mô và mức độ thiệt hại ngày càng lớn và tính chất ngày càng nghiêm trọng, thủ đoạn ngày càng tinh vi: Có móc nối trong - ngoài, trên - dưới, có “đường dây” để “chạy”: “chạy” dự án, “chạy” quota, “chạy” vốn, “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” tội, “chạy” để “được” và “chạy” để khỏi bị “mất”...
Nhìn vào hệ thống bộ máy chính quyền, những nơi xảy ra “quốc nạn” tham nhũng phổ biến nhất là những khu vực có những hoạt động độc quyền: hệ thống thu thuế, hải quan, cảnh sát (nhất là cảnh sát giao thông), các cơ quan có quyền ban hành các giấy phép xây dựng và các quyết định quy hoạch đất đai, ban hành các giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác (kể cả giấy phép lái xe), các đơn đặt hàng của nhà nước cho các dịch vụ công cộng... Tham nhũng còn hiện ra dưới bộ mặt khác, thể hiện trong việc bổ nhiệm các chức vụ trong các cơ quan có nhiều cơ hội “thu lợi nhuận” cho những người trong gia đình, bà con họ hàng, bạn bè...
Ở cấp độ nhẹ hơn nhưng phổ biến hơn và trực tiếp gây nhiều bức xúc trong xã hội là những công chức đòi mức “bồi dưỡng riêng” quá lớn cho những dịch vụ độc quyền của Nhà nước như chứng nhận bằng các con dấu, cấp các loại giấy phép mà họ được ủy quyền. Những công chức cấp dưới này lại phải chi những khoản “hoa lợi” cho cấp trên của họ để duy trì hoặc cải thiện vị trí làm việc nhằm mục tiêu thu lợi lớn hơn...
Những vụ tiêu cực đã bị phát hiện làm chúng ta mất đi nhiều cán bộ đảng viên, nhiều tổ chức đảng đã bị tham nhũng và lộng quyền làm tha hóa. “Tổn thất về người” cũng đã lan đến những cán bộ cấp cao, đang làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào sự gương mẫu của đảng viên và vai trò lãnh đạo của Đảng. Sự hoài nghi về tính trong sạch của bộ máy, về những con nguời điều khiển bộ máy đó và những quyết định được đưa ra đã và đang phát tán trong xã hội và cần nhấn mạnh rằng: Cho đến hiện nay, vẫn chưa có phương cách cứu vãn một cách hữu hiệu.
Nhìn nhận những nguyên nhân
Từ phía khách quan có thể thấy: Sự phát triển không đồng đều về kinh tế, văn hóa giữa các khu vực, giữa các nhóm dân cư trong xã hội, gây nên hậu quả là sự phân hóa giàu - nghèo, thất nghiệp, các tệ nạn xã hội gia tăng. Sự phân hóa về mức sống tất yếu sẽ kéo theo sự phân hóa về tư tưởng, tâm lý, đạo đức, lối sống... Cơ chế thị trường tạo ra nhiều cơ hội năng động để phát triển kinh tế nhưng nó cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra tâm lý tuyệt đối hóa lợi nhuận và thói quen coi đồng tiền có quyền lực tuyệt đối, có thể quyết định mọi việc.
Từ phía chủ quan, vấn đề đang nằm ở chính con người và bộ máy của chúng ta. Trong từng con người cán bộ đảng viên, sự tự phấn đấu, rèn luyện còn yếu kém. Nhiều cán bộ, đảng viên chưa đủ sức để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân mỗi khi phải đối mặt với sự lựa chọn giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích của cộng đồng. Mặt khác, tổ chức bộ máy còn chưa chặt chẽ, chính sách, luật pháp chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, và còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời... Tất cả những sự lỏng lẻo đó đã tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân đã biến chất lợi dụng, chiếm đoạt lợi ích cho riêng mình bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta chưa có một bộ máy đủ mạnh và đi kèm với bộ máy ấy là một cơ chế hoạt động có hiệu quả cho việc giám sát để loại bỏ kịp thời những hành vi sai phạm và những cá nhân đã gây nên những sai phạm đó. Những cơ quan được giao trọng trách chống lại những biểu hiện tiêu cực nhiều khi cũng không tránh khỏi tiêu cực trong chính nội bộ mình.
Sức hấp dẫn của quyền lực rất lớn và hậu quả của sự tha hóa con người do quyền lực gây ra rất nguy hiểm với xã hội. Với một Đảng cầm quyền, nhiều cán bộ, đảng viên đảm nhận những vị trí then chốt trong hệ thống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Gắn liền với những chức vị này là những quyền lợi cá nhân dễ được lợi dụng để tạo ra (“quyền” bao giờ cũng gắn liền với “lợi”). Danh hiệu cán bộ, đảng viên đi kèm với những chức tước, địa vị, với quyền và lợi, đã trở thành công cụ để phất lên làm giàu nhanh chóng với các mánh khóe, thủ đoạn không minh bạch. Điều này tất yếu dẫn đến tệ “mua quan bán chức”, nạn phe phái, bè cánh của những kẻ cơ hội giành giật nhau những địa vị “béo bở”. Ngược lại, những cán bộ tốt không được đặt đúng chỗ và không phát huy được hiệu quả năng lực của mình.
Chúng ta cũng đã đề ra nhiều tiêu chuẩn để tuyển chọn những cán bộ có chất lượng, đủ phẩm chất và năng lực, nhưng việc thực hiện một cơ chế lựa chọn công bằng và dân chủ thì vẫn còn nhiều điều đáng nói. Công tác đánh giá cán bộ chưa được tiến hành một cách chặt chẽ, chính xác đã dẫn đến nhiều tổn thất cho Đảng, Nhà nước do đã để lọt, và cũng chưa loại bỏ kịp thời, những kẻ không đủ phẩm chất đã “chui” vào và nắm giữ những chức danh khá quan trọng. Hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa kém đã dẫn đến nhiều vụ việc mới chỉ lo giải quyết hậu quả.
Căn nguyên tình trạng đó nằm ở công tác tổ chức cán bộ theo lối mòn cũ (cả về đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ) đã lộ rõ sự bất cập với những yêu cầu của cuộc sống trong thời đại mới, không những thế còn gây nhiều tác hại, để lọt những kẻ cơ hội vào các tổ chức Đảng và chính quyền, “phấn đấu” giành được các vị trí lãnh đạo như những nấc thang để leo cao hơn, mỗi một chặng đường “phấn đấu” như một cuộc cạnh tranh đầu tư để thu siêu lợi nhuận một cách bất chính qua tham nhũng.
Tham nhũng không phải là không kiềm chế được
Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Nó là một loại “vi-rút” của quyền lực. Bất kỳ quyền lực nào về bản chất cũng chứa đựng mầm mống nảy sinh tham nhũng. Điều này dẫn đến những ý kiến bi quan cho rằng, tham nhũng tồn tại như một thuộc tính đối với nhà nước và không thể bị tiêu diệt. Những thành công trong cuộc chiến chống tham nhũng thật hiếm hoi và rất ít quốc gia giảm được tham nhũng một cách đáng kể trong thời gian ngắn. Nhưng đã có nhiều chiến lược của các chính phủ, nhiều sáng kiến của các công dân và nhiều phương cách để chống tham những. Bài học thành công (đã có) của Hồng Kông, Xinh-ga-po (Singapore) về chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy có thể là minh chứng khẳng định những điều đó. Gần đây nhất, hoạt động hiệu quả của Ủy ban chống tham nhũng (KPK), cùng với thiết chế tòa án đặc trách về tham nhũng ở In-đô-nê-xi-a (Indonesia) là một ví dụ khá thành công khác. Từ khi được thành lập (năm 2002) đến nay, KPK đã đưa tới 68 nghị sĩ, 10 bộ trưởng, hàng loạt cảnh sát các cấp và nhiều doanh nhân đầy thế lực vào tù. Ủy ban này hoạt động hiệu quả đến mức nó thậm chí ngày càng bị cô lập bởi các cơ quan khác của chính quyền (với sự hậu thuẫn đầy hy vọng của các nhóm lợi ích muốn “bẻ bớt nanh” của “con hổ KPK”). Mặc dù năm 2011, In-đô-nê-xi-a vẫn đứng thứ 100/178 nước (3/10 điểm) về mức độ trong sạch của chính quyền nhưng có thể nói, những cố gắng chống tham nhũng ở đây đã tương đối có hiệu quả và đi đúng hướng.
Tham nhũng có thể chưa hoàn toàn bị tiêu diệt nhưng người ta có thể kiềm chế nó thông qua những yếu tố có thể làm nó biến đổi. Tham nhũng = Quyền lực độc quyền + Tùy ý định đoạt - Trách nhiệm(1). Mức độ tham nhũng có thể thay đổi phụ thuộc vào sự biến đổi của quyền lực độc quyền, quyền tùy ý quyết định mà các quan chức sử dụng và mức độ trách nhiệm mà họ phải chịu về hành động của mình. Công thức này cũng chỉ ra những mặt cần can thiệp để có thể kiềm chế được tham nhũng. Những chiến lược chống tham nhũng thành công do đã cố gắng làm giảm bớt quyền lực độc quyền (có thể bằng những cải cách định hướng thị trường), giảm quyền tùy ý định đoạt (bằng cải cách hành chính) và tăng cường tính trách nhiệm (thông qua các cơ chế giám sát) của các quan chức để bất cứ một công việc gì cũng phải gắn với trách nhiệm của một người nào đó.
Một nghiên cứu khác cho rằng: Tham nhũng = Độc quyền + Tùy tiện quyết định + Thiếu công khai. Độc quyền dẫn đến việc tự quy định giá và chỉ bán khi được giá; Tùy tiện dẫn tới việc các quan chức có thể tùy ý trả lời “có” hoặc “không” hoặc “bao nhiêu tiền” mà không bị khiếu kiện và Bí mật thể hiện sự không thể kiểm soát nổi của các thỏa thuận trong các cuộc “đi đêm”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền, hạn chế sử dụng quyền hành một cách tùy tiện và nhất là phải thiết lập được sự công khai hóa ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội vì “Thông tin là kẻ thù số một của lậu thuế”(2). Những cải cách chống tham nhũng, quan liêu phải nhằm vào các mục tiêu cốt lõi về chính trị và hành chính. Quá trình thực hiện những mục tiêu đó phải thường xuyên được đánh giá bằng các báo cáo trung thực và những tiến bộ cụ thể sẽ xác nhận những lời cam kết.
Để có kết quả tốt, để hiệu quả được chứng minh trong thực tế, trong công việc cấp bách chống tham nhũng và xây dựng Đảng hiện nay và trong cả thời gian tới, thực tiễn đang đòi hỏi Đảng phải có một chiến lược và đi kèm theo đó là hệ thống các giải pháp hữu hiệu.
Nói đến chiến lược tức là nói không thể tiến công cùng một lúc vào mọi biểu hiện của “bệnh tật” - điều này có vẻ như không tỏ rõ được quyết tâm, nhưng muốn đạt được lòng tin cần phải thu được những kết quả cụ thể trong một thời hạn nhất định. Sự hùng biện với những lời lẽ màu mè không đi đôi với hiệu quả thực tế sẽ gây ra tác dụng trái lại là sự thờ ơ, bàng quan trong xã hội với những nội dung cao xa mà nó đề cập đến. Điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra được những bước đột phá có tính quyết định trong thực tế.
Trong cuộc chiến cam go này, chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Cùng với sự nỗ lực của Đảng, cần huy động nhân dân tham gia cùng với Đảng chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng và góp ý xây dựng Đảng. Cần xã hội hóa và phải tạo được dư luận xã hội mạnh mẽ thúc đẩy công việc này.
Nhân dân tham gia cùng với Đảng chống tham nhũng
Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu nhân dân tham gia vào việc xây dựng Đảng, đặc biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay, sự tham gia của nhân dân càng trở nên cần thiết và quan trọng. Kinh nghiệm lịch sử cũng cho thấy rằng, bất cứ một cuộc cải cách nào cũng chỉ thắng lợi khi thu hút được sự ủng hộ và tham gia tích cực của quần chúng vào quá trình cải cách. Nhiều cố gắng vãn hồi tình hình của bộ phận lãnh đạo đã thất bại trước sự thờ ơ của dân chúng.
Quan điểm huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những giai đoạn cách mạng trước. Trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hữu ích. Người đã chỉ rõ: “... Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”(3). Người chủ trương: “Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết” để có thể “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(4).
Vấn đề huy động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, cùng với Đảng chống tham nhũng đã được đề cập và được Đảng chủ trương đẩy mạnh triển khai trong thực tế cuộc vận động xây dựng Đảng bằng những công việc cụ thể và cũng đã thu được một số kết quả nhất định. Nhân dân đã phát hiện, tố cáo cho Đảng, cho các cấp có thẩm quyền nhiều vụ việc tiêu cực, đấu tranh với những hành vi sai phạm của cán bộ, đảng viên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vấn đề ở tính hệ thống và toàn cục, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hệ thống chính sách, chế tài cụ thể và có hiệu lực để sự giám sát của nhân dân có hiệu lực. Những hiểu biết về quyền hạn và trách nhiệm của dân trong lĩnh vực này còn mơ hồ. Dân được giám sát những nội dung gì? Phản ánh đến cơ quan nào, với ai? Những sự khen thưởng và bảo vệ (nếu cần thiết) cho những người phản ánh cho Đảng những biểu hiện vi phạm của cán bộ, đảng viên có thể nhận được ở đâu, mức độ ra sao?... Những câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời một cách rõ ràng, cụ thể. Việc giám sát của nhân dân với Đảng chưa thành nếp trong suy nghĩ và hành động của từng người dân, chưa được luật hóa trong đời sống chính trị - xã hội.
Điều quan trọng khi huy động nhân dân tham gia chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng là phải thay đổi được thái độ của nhân dân trước những biểu hiện tiêu cực, để nhân dân tham gia tích cực, ủng hộ những cố gắng của Đảng trong việc tự xây dựng, chỉnh đốn mình. Nếu từ những người dân bình thường đến các nhà doanh nghiệp có thói quen coi những “bệnh tật” tham nhũng, quan liêu, lãng phí như những “điều xấu tất yếu” của bộ máy và có thói quen hy vọng đạt được những mục đích trong công việc của mình bằng cách dựa vào việc hối lộ cho những người có quyền ra quyết định thì mọi cuộc vận động phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều sẽ thất bại.
Đảng cần nâng cao hiểu biết của nhân dân về những quyền lợi của mình bị xâm phạm bởi các cán bộ, đảng viên đã thoái hóa biến chất, tạo được dư luận xã hội lên án những hành vi và cá nhân sai phạm cũng như làm cho nhân dân nhận thức rõ về trách nhiệm của mình phải tố giác những sai phạm. Điều cao hơn có thể tiến tới là xây dựng được những chuẩn mực đạo đức xã hội khi ứng xử trong công việc giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Cần công khai trước dân những chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi của các đảng viên, các cơ quan, công khai rộng rãi những điều đảng viên không được làm để nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát, đồng thời tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình cả trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện tốt việc cán bộ, đảng viên tự phê bình trước quần chúng - là đồng nghiệp trong cơ quan, nhân dân ở nơi cư trú - để nhân dân có thể trực tiếp tham gia góp ý nhận xét từng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực cũng như mức độ hoàn thành những công việc được giao một cách cụ thể và chính xác. Công việc này phải được tiến hành thường xuyên và quan trọng hơn là phải đạt được hiệu quả thực tế, tránh rơi vào bệnh hình thức, qua loa.
Một “kênh” khác có thể trợ giúp tốt cho việc huy động nhân dân tham gia chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng là sự hỗ trợ của những phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua những hoạt động có trách nhiệm, các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng như một cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Đây được coi là một lực cản khá lớn với các “bệnh tật” có thể phát sinh. Các nhà hoạt động chính trị và các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích cá nhân nếu như họ tin rằng, những hành vi sai trái của mình khó có thể bị bóc trần trước công chúng và bị dư luận lên án. Tất nhiên luôn cần cảnh giác, đề phòng và chống lại những âm mưu lợi dụng dân chủ, tự do ngôn luận để thực hiện mục đích chống phá, gây rối loạn của những thế lực thù địch. Giới hạn hợp lý để bảo vệ những lợi ích quốc gia và quyền tự do riêng tư của các cá nhân trong khi tự do hóa các phương tiện thông tin đại chúng là điều cần thiết và phải được hoạch định bằng một tư duy sáng suốt.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách của Đảng hiện nay. Đây là một cuộc chiến cam go, là công việc đặt ra rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng không thể không làm. Để đi đến thắng lợi, ngoài quyết tâm, còn cần những biện pháp có hiệu quả mạnh mẽ. Những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng cần tập trung vào những “điểm nóng” và phải quyết tâm đạt được những kết quả cụ thể “nhìn thấy được” trong những khoảng thời gian được ấn định.
*
* *
Đọc lại Hồ Chí Minh, thật ngạc nhiên, chúng ta thấy những chỉ dẫn cho những vấn đề rất “nóng” của xã hội hiện nay đã được Người nêu rõ tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước cách đây đã hơn 40 năm: “Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”(5).
Hôm nay, những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI với hệ thống 4 nhóm giải pháp và 7 điểm quyết định trong việc tổ chức hiện đang được tiến hành với tinh thần đó của Hồ Chí Minh./.
---------------------
1. Xem: Kiềm chế tham nhũng - Hướng tới một mô hình xây dựng sự trong sạch quốc gia, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 169
2. R. Klitgaard: Tạp chí Người đưa tin UNESCO, 1996, số 6, tr. 32
3, 4 , 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 547; t. 5, tr. 338; t. 13, tr. 421
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc bắt đầu thăm Việt Nam  (13/01/2013)
Nâng cao khả năng tác chiến, bảo vệ vững chắc bầu trời của Tổ quốc  (13/01/2013)
Sôi nổi giao lưu thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Lào, Cam-pu-chia  (13/01/2013)
Phát huy hiệu quả dự án điện phân phối bằng vốn vay WB  (13/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên